Giao tiếp là gì? Vai trò của yếu tố giao tiếp đới với sự hình thành, phát triển nhân cách? Liên hệ thực tiễn đối với bản thân? Liên hệ riêng đối với sinh viên trường luật? Liên hệ trong đời sống-xã hội?
Theo tâm lý học nhân cách là tổ hợp những thuộc tính tâm lí của một cá nhân biểu hiện ở bản sắc và giá trị xã hội của người ấy. Con người đang hướng tới sự tiến bộ và hoàn thiện nhân cách là một trong những nỗ lực đó. Để xây dựng và hoàn thiện nhân cách có lẽ không chỉ riêng đối với cá nhân mà còn là nỗ lực của toàn xã hội.Giao tiếp là một trong năm yếu tố quan trọng trong sự hình hành và phát triển nhân cách (yếu tố di truyền, yếu tố hoàn cảnh sống, yếu tố hoạt động, yếu tố giao tiếp và yếu tố giáo dục). Thật vậy nếu thiếu giao tiếp trong xã hội con người thì chắc chắn sẽ không ai hoàn thiện được nhân cách.
Mục lục bài viết
1. Vai trò của yếu tố giao tiếp đới với sự hình thành, phát triển nhân cách:
1.1. Khái niệm giao tiếp:
Theo tâm lí học, giao tiếp là hình thức đặc trưng của mối quan hệ giữa con người với con người, qua đó nảy sinh sự tiếp xúc tâm lý và được biểu hiện ở các quá trình thông tin, hiểu biết, rung cảm, ảnh hưởng và tác động qua lại lẫn nhau.
Từ trong giao tiếp, sự tiếp xúc tâm lí sẽ cụ thể hóa các quan hệ xã hội, nghĩa là chuyển các quan hệ gián tiếp xã hội (thể chế, pháp luật…) thành các quan hệ trực tiếp (giao tiếp).
1.2. Vai trò của yếu tố giao tiếp đới với sự hình thành, phát triển nhân cách:
Khác với hoạt động, đối tượng của giao tiếp là những chỉnh thể tâm lý sống động, những nhân cách hoàn chỉnh. Ở đây diễn ra mối quan hệ giữa chủ thể và chủ thể.
Giao tiếp là điều kiện tồn tại của cá nhân và xã hội loài người. Đối với xã hội loài người, ta nhận thấy giao tiếp là điều kiện tồn tại của con người. Nếu mỗi người không giao tiếp với những người xung quanh, với xã hội thì bản thân con người cũng không thể phát triển, tồn tại được.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Và chắc chắn nếu không có giao tiếp thì sẽ không tồn tại xã hội, khi đó sẽ không có khái niệm “xã hội” đối với loài người. Bởi nhẽ đã là xã hội nghĩa là phải có những tập thể, cộng đồng người có sự liên kết, gắn bó chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau.
Mặt khác, nhờ giao tiếp mỗi người nhận ra và xác định được tư tưởng, tình cảm, nhu cầu, vốn sống, kinh nghiệm, hiểu biết, quan điểm,… của đối tượng mà mình giao tiếp. Do có sự nhận biết này mà chủ thể giao tiếp đáp ứng được mục đích, nhiệm vụ của giao tiếp một cách chính xác, hợp lí, kịp thời. Qua đó con người tự tạo nên các hình thức giao tiếp khác nhau giữa cá nhân với cá nhân; giữa cá nhân với nhóm, tập thể, cộng đồng; giữa nhóm với cộng đồng.
Đối với chính mỗi cá nhân, giao tiếp là điều kiện để tâm lý, nhân cách phát triển bình thường.Không giao tiếp con người sẽ cảm thấy mình bị lạc lõng, cô đơn và sinh bênh tật.Theo Caroline Abrahams, Hội Tuổi tác Anh, cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy cô đơn không chỉ làm cho cuộc sống trở nên khốn khổ hơn đối với người lớn tuổi mà còn làm họ trở nên dễ tổn thương trước các bệnh tật. Cảm giác lẻ loi có thể hủy hoại tinh thần to lớn đối với người lớn tuổi, nguy hiểm gấp 2 lần so với bệnh béo phì. Các nhà khoa khọc theo dõi hơn 2.000 người trên 50 tuổi trong vòng 6 năm và phát hiện nỗi cô đơn làm gia tăng nguy cơ tử vong lên gấp 2 lần. Người tham gia nghiên cứu cho biết họ cảm thấy cô đơn và họ có nguy cơ chết sớm lên đến 14% so với những người khác. Tương thích về thời gian thử nghiệm, TS.Perissinotto, một nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco đã quan tâm đến cảm giác cô đơn và cô lập xã hội. 1.604 người tuổi trung bình là 71 đã được phỏng vấn về cảm giác cô đơn và thiếu người bạn đồng hành của họ. Khả năng thực hiện các công việc cuộc sống hằng ngày của họ được đánh giá trong 6 năm. Kết quả: những người tham gia cảm thấy cô đơn có khoảng 59% nguy cơ mất tự chủ trong cuộc sống thường nhật. Họ có nguy cơ tử vong là 45% cao hơn so với những người không cảm thấy đơn độc. Qua số liệu trên, ta nhận thấy tầm quan trọng của giao tiếp đối với mỗi cá nhân. Trong giao tiếp nhiều phẩm chất của con người, đặc biệt là đạo đức được hình thành và phát triển. Thông qua giao tiếp, con người tiếp xúc lẫn nhau, ta nhận thức được chuẩn mực thẩm mĩ, đạo đức, pháp luật trong xã hội; từ đó biết được nguyên tắc ứng xử, nên và không nên làm gì, điều gì là đúng, sai,…
Ví dụ: Nếu một con người sinh ra sau đó được nuôi sống trong rừng rậm, không được giao tiếp với xã hội loài người thì người đó sẽ không thể phát triển bình thường như những người khác: sẽ đi bằng tứ chi, nói ú ớ theo nhiều tiếng kêu động vật, săn và ăn thịt động vật sống,…Người này sẽ không có ý thức xã hội, không có tri thức từ xã hội con người vì thế người này sẽ không thể hình thành nhân cách.
Nhu cầu giao tiếp là một trong những nhu cầu xã hội cơ bản, xuất hiện sớm nhất ở con người. Ngay từ khi con người mới sinh ra đã có nhu cầu giao tiếp để thỏa mãn những nhu cầu của bản thân.Một đứa trẻ vừa chào đời sẽ cất tiếng khóc. Đây có lẽ là sự giao tiếp đầu tiên khi đứa trẻ đó sinh ra, việc khóc ấy giúp chính đứa bé hô hấp bình thường và hơn nữa khi đứa bé khóc phần nào báo hiệu cho ba mẹ biết em vẫn khỏe mạnh, báo cho nhân viên y tế và ba mẹ em biết em cần được chăm sóc, bảo vệ,…
Sự phát triển cả một cá nhân được quy định bởi sự phát triển của tất cả các cá nhân khác mà nó giao tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp với họ. Chính con người làm xuất hiện, duy trì, phát triển giao tiếp và trở thành sản phẩm của giao tiếp. Chắc chắn ở đâu có sự tồn tại của loài người thì ở đó có sự giao tiếp giữa người với người, ấy vậy giao tiếp trở thành một cơ chế bên trong của sự tồn tại và phát triển con người. Để giao tiếp vào các quan hệ xã hội cũng cần có những điều kiện nhất định như tên tuổi hay phương tiện, cách thức giao tiếp. Chưa hết, khi con người ta lớn lên cần cho mình nghề nghiệp nhất định. Việc chuẩn bị tri thức, kiến thức, việc học tập, đào tạo bài bản cần thực hiện theo một trình tự phù hợp, khoa học, cụ thể và chính xác. Vốn dĩ nghề nghiệp do xã hội tạo ra và quy định, nếu không học tập giao tiếp với mọi người xung quanh thì sẽ không thể có nghề nghiệp. Khi đi làm quan trọng hơn nữa đó là nghệ thuật giao tiếp, một trong những công cụ giúp con người thành công trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống.
Nếu như mỗi người đã có cho mình những nghề nghiệp nhất định thì trong quá trình làm việc, lao động sản xuất con người cũng không thể tránh những mối quan hệ. Giữa chúng ta phải có sự tương tác, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau.Mà để làm được điều đó chúng ta cần sử dụng tiếng nói và ngôn ngữ.Đây là phương tiện tất yếu trong giao tiếp mà chỉ có ở xã hội loài người.Có giao tiếp chúng ta mới chia sẻ được cho nhau, mới học hỏi, truyền đạt, thuyết phục đối tượng giao tiếp.Có giao tiếp chúng ta mới hiểu được đối phương từ đó có cách thức tiếp cận, hoạt động hay giải quyết các vấn đề phát sinh, từ đó đáp ứng được nhu cầu, cảm xúc của tất cả chủ thể trong giao tiếp.
Nhờ có giao tiếp, con người tham gia vào các mối quan hệ xã hội, lĩnh vực văn hóa xã hội, chuẩn mực xã hội đồng thời thông qua giao tiếp, con người đóng góp năng lực của mình vào kho tàng chung của nhân loại
Từ quá trình giao tiếp, con người sẽ có cách nhìn nhận về nhau, hiểu ý nhau nên từ đó mỗi người sẽ tự điều chỉnh, điều khiển nhận thức, hành vi của mình để phù hợp với những quy phạm đạo đức, chuẩn mực xã hội, các quan hệ xã hội. Điều này sẽ giúp cá nhân phát huy điểm mạnh và hạn chế những tiêu cực trong đời sống xã hội. Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu và chứng minh nếu con người không giao tiếp thì một đứa trẻ không thể phát triển nhân cách, tâm lý, ý thức một cách bình thường. Song song với hoạt động giao tiếp con người sẽ tự động tiếp thu tri thức về nền văn hóa, xã hội, lịch sử và chuyển hóa chúng thành kinh nghiệm, vốn sống, chiêm nghiệm đúc rút cho bản thân. Kinh nghiệm của cá nhân tạo thành và phát triển trong chính đời sống tâm lí, góp phần vào sự phát triển của xã hội. Ta dễ dàng nhận thấy một người chính nhờ có giao tiếp mà đã biết được những kiến thức lịch sử về chiến tranh xâm lược, về những điều tất yếu của kẻ mạnh, kẻ yếu từ xưa đến nay. Và cũng nhờ vốn tri thức ấy người này nghiệm ra được chân lí cho riêng mình, nhiều quy luật bất biến từ chính những giá trị lịch sử, là tăng giá trị tinh thần cho bản thân.Không có sự giao tiếp giữa người với người sẽ chẳng có xã hội, không tồn tại xã hội tiến bộ hay con người tiến bộ.Không giao tiếp với mọi người xung quanh thì chúng ta không biết cách cư xử sao cho đúng mực, khi đó cá nhân sẽ gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng cô lập về mặt tinh thần.Chưa kể đến việc nếu con người không giao tiếp với nhau thì không thể truyền đạt những tâm tư, tình cảm dẫn đến sự nghèo nàn, thiếu thốn trong tâm hồn, thiếu cách ứng xử sao cho phù hợp. Chẳng hạn như một em bé 7 tuổi, tuy còn nhỏ nhưng em đã được học tập tại trường, giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè xung quanh trường lớp của em vì thế em học hỏi được nhiều thứ: em biết mình cần phải chào hỏi lễ phép khi gặp thầy cô, cha mẹ, ông bà hay người lớn tuổi; đến trường em biết phải gọi “bạn” xưng “tôi” với những người bạn đồng trang lứa; về nhà em biết mình phải vâng lời người lớn trong gia đình, nghe lời thầy cô giáo khi học ở trường;…
Qua giao tiếp con người hình thành năng lực tự ý thức trong giao tiếp con người không chỉ nhận thức người khác, nhận thức các quan hệ xã hội mà còn nhận thức, đánh giá bản thân mình. Bằng cách này mỗi người sẽ thông qua người khác xem những người xung quanh mình nghĩ thế nào về bản thân họ, nói cách khác là họ đánh giá bản thân thông qua những người họ giao tiếp, xem ý kiến của mình có đúng đắn không, có được người khác thừa nhận không. Trên cơ sở đó, mỗi người sẽ tự nhận thức được và tự điều chỉnh, điều khiển hành vi của bản thân theo hướng tăng hoặc giảm sự thích ứng với mọi người xung quanh. Ví dụ như sinh viên A qua quá trình giao tiếp làm việc nhóm, một số bạn nam cho rằng A có chút hấp tấp khi kết luận ý kiến của mọi người trong nhóm dẫn đến ý kiến còn mang tính phiến diện; số khác cho rằng dù có hơi hấp tấp, vội vàng nhưng A lại là người nhiệt tình nhất nhóm. Qua sự đóng góp của các thành viên trong nhóm, A hiểu được và đã tự mình chỉnh sửa tính nóng vội của bản thân và cố gắng duy trì sự nhiệt tình của mình trong công việc để hoàn thiện bản thân hơn. Rõ ràng thông qua giao tiếp mà A đã điều chỉnh giảm bớt tính hấp tấp của mình, hòa nhập với mọi người hơn và hiệu quả công việc cũng cao hơn.
Việc tự ý thức trong giao tiếp là điều kiện để trở thành chủ thể hành động độc lập, chủ thể của xã hội.Tự ý thức giúp cá nhân tự tin, độc lập, quyết đoán, rõ ràng hơn trong mọi việc. Qua quá trình giao tiếp cá nhân tự điều chỉnh suy nghĩ, hành vi với mục đích tự giác; mỗi người có xu hướng tự giáo dục chính mình, tự hoàn thiện bản thân. Vậy nhờ giao tiếp cá nhân tự nhận thức, đánh giá được gì ở bản thân? Đó có thể là bề ngoài của mình trong mắt mọi người, đó cũng có thể là nội tâm, tâm hồn bên trong hay thậm chí là giá trị tinh thần của chính mình, vị thế bản thân trong xã hội cũng những quan hệ xã hội mà mình đã, đang và sẽ có. Nhờ có sự tự nhận thức này mà khi giao tiếp với mọ người xung quanh, kể cả trong công việc lẫn trong cuộc sống đời thường con người, họ luôn tự nhìn nhận đúng bản thân, tự đối chiếu so sánh mình với người khác để biết mọi người hơn mình ở điểm nào, mình còn khiếm khuyết phần nào. Từ đó có sự phấn đấu, nỗ lực để phát huy điểm mạnh, tích cực và giảm thiểu, hạn chế điểm yếu kém.
Ta thử đặt những câu hỏi ngược lại, nếu không giao tiếp liệu cá nhân đó có biết được xã hội chấp nhận hay không chấp nhận họ? Nếu không giao tiếp với mọi người xung quanh liệu chẳng phải cá nhân đó hoặc luôn xem mình là nhất hoặc lúc nào cũng mặc cảm tự ti cho rằng mình yếu kém.Một người chỉ khi tham gia các hoạt động xã hội, tiếp xúc, giao tiếp với tập thể, cộng đồng thì mới tự nhận thức được mình nên làm gì là tốt nhất, trong hoàn cảnh nào thì không nên làm gì. Việc tốt thì ta làm như ủng hộ ngư dân bị bão lụt, quyên góp tình thương, tình nguyện nơi vùng sâu vùng xa; bên cạnh đó họ tự ý thức được bản thân cần tránh xa các tệ nạn xã hội.
Ví dụ Adam Khoo là tác giả cuốn sách “Tôi tài giỏi và bạn cũng thế” cuốn sách hay- best seller. Trong cuốn sách tác giả đã kể về cuộc đời của mình từng là một cậu học sinh kém nhất nhưng cuối cùng ông cũng đã thành công vì ông đã nhận thức được khả năng của mình.Điều này thể hiển khả năng tự ý thức của ông.
2. Liên hệ thực tiễn:
2.1. Đối với bản thân:
Giao tiếp là một trong năm yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Bản thân em cũng dần nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của giao tiếp trong xã hội đối với việc hoàn thiện nhân cách của bản thân. Thường xuyên rèn luyện kĩ năng giao tiếp là điều kiện thiết yếu để nâng cao nhân cách bản thân. Không ngừng học hỏi các kĩ năng cũng như chú trọng đến nội dung khi giao tiếp. Chỉ khi như vậy việc giao tiếp của bản thân em mới đạt hiệu quả cao hơn, mọi người xung quanh sẽ hiểu đúng bản thân mình; qua đó sẽ giúp em nhận ra những ưu nhược điểm mà em đang có.Qua giao tiếp với mọi người em trở nên tự tin hơn, năng động hơn, bản lĩnh hơn. Và hơn hết cũng chính trong quá trình giao tiếp em nhận thấy mình còn hay phân tán tư tưởng khi làm việc, còn hơi vội vàng khi đánh giá một vấn đề; từ đó em học cho mình cách tiết chế cảm xúc khi làm việc nơi đông người, tập lắng nghe ý kiến của nhiều người để hoàn thiện nhân cách cá nhân. Việc tích cực giao tiếp với mọi người một cách khoa học giúp em thu nạp được không những kiến thức xã hội, thực tế mà con cả khối kiến thức nghề nghiệp em đang theo học. Sự chia sẻ, học hỏi, truyền đạt này cũng giống như một sợi dây giúp em gắn kết, hòa đồng với tập thể, cộng đồng hơn.Chỉ khi bản thân biết chia sẻ bạn cũng sẽ không còn ích kỉ nữa, bớt cái “tôi” khi giao tiếp với xã hội, biết lắng nghe thấu hiểu mọi người nhiều hơn.Chính mỗi cá nhân chúng ta sẽ góp phần nên giá trị nhân cách cho cả xã hội.
2.2. Liên hệ riêng đối với sinh viên trường luật:
Rèn luyện nhân cách là điều tất yếu với mọi cá nhân nói chung và với sinh viên trường Luật nói riêng. Là sinh viên theo học ngành pháp lí thì việc hiểu được trách nhiệm nghề nghiệp; lương tâm, đạo đức nghề nghiệp là điều rất quan trọng. Trong môi trường học tập này, thường xuyên học tập với hình thức làm việc nhóm, thảo luận, thuyết trình vì vậy nâng cao khả năng giao tiếp là yếu tố thiết yếu.Qua quá trình giao tiếp liên tục mỗi người nên tự tìm ra cho mình những ưu, khuyết điểm để tiếp tục phát huy hoặc khắc phục, hoàn thiện bản thân, phù hợp với môi trường làm việc sau này. Tăng cường giao tiếp nên được thực hiện liên tục nhưng phải đúng thời điểm, đúng nơi, đúng lúc: tiếp thu bài giảng trên lớp và qua bạn bè, tự tìm tòi học tập trên thư viện, tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ,…;trao đổi với bạn bè, tu vấn thêm ở thầy cô,…Như vậy mỗi sinh viên đã và đang tạo nên môi trường học tấp tốt nhất cho chính mình.
2.3. Liên hệ trong đời sống-xã hội:
Ngày nay, giao tiếp là một trong những công cụ không thể thiếu của cá nhân, xã hội. Trong công việc, lao động cũng như trong đời sống hằng ngày, giao tiếp là sợi dây liên kết giữa người với người. Giao tiếp cũng các yếu tố khác tác động qua lại lẫn nhau, hỗ trợ, móc nối nhau giúp con người hình thành và phát triển nhân cách. Tăng cường, xây dựng, rèn luyện kĩ năng giao tiếp là điều không thể thiếu. Mỗi người nên tự học, tự đánh giá bản thân qua quá trình giao tiếp; xây dựng môi trường tốt trong toàn thể cộng đồng.
Qua việc phân tích cụ thể vai trò của yếu tố giao tiếp đối với sự hình thành, phát triển nhân cách, mỗi người sẽ có nhận thức đúng đắn cũng như cách thức hoàn thiện nhân cách của cá nhân tốt nhất. Giao tiếp đã, đang và chắc chắn sẽ trở thành công cụ thiết yếu trong cuộc sống con người; là một loại nghệ thuật mà ai phác họa được nhiều nhất thì người đó sẽ sớm vươn tới thành công, nâng cao giá trị đích thực của bản thân, khẳng định vị trí của mình trong xã hội.