Mục lục bài viết
1. Giá trị nổi bật của bài thơ Tự Tình:
Bài thơ đã thể hiện một số đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật riêng và độc đáo của Hồ Xuân Hương- nhà thơ trữ tình và trào phúng. Nếu bài “Tự tình I” là cảm xúc buồn thương trước nghịch cảnh nhưng không hề ngục ngã mà vươn lên thách đố duyên phận thì bài “Tự tình II” là tâm trạng buồn tủi, phẫn uất nhưng đọng lại nhiều xót xa, thể hiện thông qua tài sử dụng nghệ thuật kết cấu vòng tròn, được gợi ra bằng cảm nhận về không gian và thời gian: “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn” và khép lại cũng trong sự cảm nhận về thời gian: “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại- Mảnh tình san sẻ tí con con”. Đó là cảm xúc chủ đạo của cái “tôi” cá nhân đầy tâm trạng hay chính là nét riêng trong thơ của Hồ Xuân Hương.
2. Dàn ý bài văn phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình hay, chọn lọc:
Mở Bài:
– Giới thiệu tác giả Hồ Xuân Hương và bài thơ ” Tự tình”.
Hồ Xuân Hương được mệnh danh là “bà chúa thơ nôm” – nữ thi sĩ tài ba, thơ của bà luôn viết về người phụ nữ với những cuộc đời và số phận hẩm hiu hay chính cuộc đời của bà vậy.
Bài thơ “Tự tình” (bài II) nằm trong chùm thơ “Tự tình” của nhà thơ là một trong những tác phẩm mà ở đó ta cảm nhận được tâm trạng buồn tủi, phẫn uất trước duyên phận éo le, ngang trái và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc ở Hồ Xuân Hương.
Thân Bài
Phân tích bốn câu thơ đầu để thấy được hoàn cảnh cuộc đời và tâm trạng của nhân vật trữ tình:
– Không gian đêm khuya yên ắng, tĩnh mịch gợi nỗi cô đơn, muộn phiền và hoài niệm.
– Phận hồng nhan nhưng số phận hẩm hiu vẫn còn trơ trơ, chỉ có mình ta với nước non, đó là sự cô đơn, lẻ bóng.
– Phân tích hình ảnh thiên nhiên trong câu thơ 5 – 6 để thấy được tâm trạng xót xa và suy nghĩ của nhân vật trữ tình trước số phận:
“Xiên ngang, đâm toạc” là những động từ mạnh gợi sự phẫn uất và phản kháng của nhân vật trữ tình đối với cuộc đời, số phận của mình.
Từng lời thơ nghe có vẻ đầy oán trách nhưng sâu xa ta lại thấy sự chua chát, cam chịu và chấp nhận của nhân vật trữ tình.
Phân tích tâm sự của nhân vật trữ tình trong hai câu thơ kết:
– Nhắc đến mùa xuân là nhớ về tuổi trẻ của mình, nhân vật trữ tình ngán ngẩm bởi mùa xuân qua đi rồi mùa xuân lại đến nhưng tuổi xuân mà qua thì là hết hẳn.
– Lời thơ như lời tâm sự của nhân vật trữ tình về chính tình duyên và số phận của mình, nỗi lòng của nhà thơ thể hiện sự khát khao có được hạnh phúc của riêng mình.
Kết Bài:
Khẳng định giá trị bài thơ: Bài thơ nói lên bi kịch duyên phận của nhân vật trữ tình đồng thời cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của nhà thơ.
3. Bài văn mẫu phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình hay, chọn lọc:
“Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. Đó là số phận chung của những người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ dưới thời phong kiến chịu ảnh hưởng của tư tưởng ” trọng nam khinh nữ” lạc hậu, cổ hủ. Họ là những hồng nhan nhưng bạc phận, bị cuộc đời chớ chêu. Đó cũng là những mạch cảm xúc để các nhà thơ đặc biệt Hồ Xuâ Hương viết lên những vần thơ để cảm thông, xót thương cho số phận của họ. Chùm bài thơ ” Tự tình” đã viết về cuộc đời của người phụ nữ – nhân vật trữ tình đầy éo le, ngang trái.
Người phụ nữ cô đơn trong đêm khuya tĩnh mịch nghe tiếng trống cầm canh báo thời khắc đi qua mà trong lòng đầy chua xót. Canh khuya là thời gian từ nửa đêm cho đến sáng, là lúc tâm trạng con người trở nên trĩu nặng nhất. Nàng cảm thấy tiếng trống báo hiệu thời gian như khắc khoải mong ngóng một điều gì. Nhưng càng mong lại càng không thấy. Tiếng trống canh dồn kia thể hiện nỗi chờ mong khắc khoải, thảng thốt thiếu tự tin, đầy lo âu và tuyệt vọng của người đàn bà. Đối diện với nhịp đập thời gian vội vàng lướt qua, gấp gáp là hình ảnh “trơ cái hồng nhan”. Chữ “trơ” được đặt ngay ở đầu câu nhấn mạnh nỗi cô đơn, lẻ loi của người phụ nữ. Nhưng bên cạnh nỗi đau đớn, xót tủi cho thân phận lại thể hiện một Xuân Hương thật bản lĩnh. “Trơ” không chỉ thể hiện sự thật bẽ bàng của cuộc sống mà còn là thách thức với xã hội, với cuộc đời. Hai câu thơ đầu là tiếng than thân, trách cho số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến nhiều định kiến, hồng nhan mà bạc mệnh.
Hai câu tiếp theo, nhân vật trữ tình hay chính nhà thơ diễn tả tâm trạng của người vợ chờ chồng trong tuyệt vọng. Câu thơ ẩn chủ ngữ, chỉ thấy hành động và trạng thái diễn ra. Chén rượu hương đưa nghĩa là người ta tìm đến rượu giải sầu cho quên sự đời, nhưng say rồi lại tỉnh, tức là nỗi buồn ấy như thấm vào từng da thịt, uống rượu say rồi nhưng tỉnh lại vẫn không thể nào quên! Vầng trăng bóng xế trong câu bốn có nghĩa là đêm đã gần tàn, nhưng trăng chưa tròn mà đã xế, thể hiện cảm xúc về hạnh phúc chưa tròn đầy, viên mãn. Vầng trăng bóng xế cũng có thể có hàm ý chỉ tuổi người đã ngày một già đi, thanh xuân của người phụ nữ có mấy đâu mà hạnh phúc chưa tròn đầy.
Nếu như bốn câu thơ đầu tiên diễn tả cái tâm trạng chờ đợi mòn mỏi có phần tuyệt vọng, chán nản, buông xuôi, thì ở hai câu năm và sáu, nhà thơ đã bất ngờ vẽ ra hình ảnh thiên nhiên nhưng toàn sử dụng động từ mạnh. Mấy đám rêu kia còn được bóng trăng xế chiều xiên ngang mặt đất soi chiếu tới tạo nên vẻ đẹp thơ mộng của buổi xế tà. Ta có thể tưởng tượng: mấy hòn đá kia còn được ánh trăng đâm toạc chân mây để soi đến. Hóa ra thân phận người phụ nữ bị lãng quên, trơ trọi còn không bằng những sự vật vô tri! Chỉ nghĩ thôi cũng đủ xót xa và chua chát! Mấy chữ xiên ngang, đâm toạc là động từ mạnh cũng bởi vật mà những hình ảnh thiên nhiên được gợi ra cũng khác thường:
Xiên ngang mặt đất/ rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây/ đá mấy hòn.
Tác giả sử dụng nghệ thuật đảo ngữ: rêu từng đám xiên ngang mặt đất, còn đá mấy hòn vươn lên đâm toạc chân mây. Đây không còn là hình ảnh của ngoại cảnh, mà đây đã trở thành hình ảnh của tâm trạng, một tâm trạng bị dồn nén, bức bối muốn đập phá, muốn làm loạn, muốn được giải thoát khỏi sự cô đơn, chán chường. Nó thể hiện cá tính mạnh mẽ, táo bạo của chính nhân vật trữ tình hay nhà thơ.
Những dồn nén, bức bối bấy lâu nay, bất ngờ được nhà thơ bộc phát, và cũng bất ngờ lắng dịu, nhường chỗ cho sự trở lại của nỗi buồn chán và bất lực, chấp nhận và cam chịu. Câu thơ “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại” như một vòng lặp, quẩn quanh cuộc sống của nhà thơ, nỗi buồn và sự chán trường theo vòng tuần hoàn của thời gian với bốn mùa xuân hạ thu đông rồi lại xuân, cũng vì thế mà ngày càng nhiều hơn, bủa vây quanh cuộc sống của con người cô đơn ấy. Nhà thơ đã dùng từ mảnh tình để nói cái tình bé như mảnh vỡ. Lại nói san sẻ – Chắc là san sẻ với chồng, san sẻ với vợ cả chăng? Hai câu thơ cuối khép đã khép lại bài thơ, như một câu chốt để tổng kết cho bài cũng như tâm trạng của nhà thơ, như một lời than thở thầm kín của người phụ nữ có số phận lẽ mọn về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi không trọn vẹn trong xã hội xưa.
Đặc sắc nhất về nghệ thuật của bài thơ là sử dụng những từ ngữ và hình ảnh gây ấn tượng mạnh tạo được cảm giác giác xót thương cho người đọc. Bằng việc sử dụng tinh tế nghệ thuật đặc tả, nhà thơ đã bộc lộ được tâm trạng của nhân vật trữ tình một cách trân thực nhất về số phận cũng như cuộc đời. Nhà thơ tài ba ấy thường đẩy đối tượng miêu tả tới độ cùng cực của tình trạng mang tính tạo hình cao. Bài thơ bày tỏ sự cảm thông sâu sắc của nhà thơ đối với nỗi bất hạnh của người phụ nữ, phê phán gay gắt chế độ đa thê trong xã hội phong kiến, đồng thời thể hiện rõ sự bất lực và cam chịu của con người trước cuộc sống hiện tại.
Kết thúc bài thơ, để lại trong lòng người đọc những sự tiếc nuối bởi một tình cảm đáng thương, một số phận đáng cảm thông, một khát vọng đáng trân trọng, một tâm trạng đáng được chia sẻ của người phụ nữ trong xã hội xưa đầy bất công và oan trái. Những mơ ước hạnh phúc đó là hoàn toàn chính đáng nhưng lại bị vụt tắt, không thể thực hiện được trong điều kiện xã hội lúc bấy giờ. Đó là bi kịch, những bức bối, ngày qua ngày nối tiếp nhau không thể giải toả. Vì thế giọng điệu của bài thơ vừa ngậm ngùi vừa than trách. Hơn hết, nhà thơ khao khát rằng có một cuộc đời tốt hơn ở nơi đó sẽ chẳng còn những bất hạnh, dè bỉu và sự cam chịu mà người phụ nữ – nạn nhân của chế độ phong kiến phải gánh chịu.