Tình thần yêu nước của nhân dân ta được xem là một áng văn chinh luận mẫu mực. Tác phẩm như thước phim tài liệu tường thuật lại hành trình giữ nước và bảo vệ nước của dân ta từ ngày xa xưa cho đến hiện tại. Cùng Luật Dương Gia phân tích tác phẩm Tinh thần yêu nước của dân ta qua bài viết sau đây nhé.
Mục lục bài viết
1. Tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả:
Tinh thần yêu nước của nhân dân ta là một trong số những tác phẩm nổi tiếng của tác giả Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già đáng kính của dân tộc Việt Nam.
1.1. Đôi nét về tác giả:
Hồ Chí Minh (1890 – 1969), sinh ra tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Ngay từ nhỏ, Hồ Chí Minh đã được tiếp nhận nhiều tư tưởng cách mạng và hình thành trong mình một lòng yêu nước sâu đậm. Người không chỉ một nhà yêu nước, một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là một nhà thơ lớn của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới.
Hồ Chí Minh luôn xem văn học như một vũ khí chiến đấu lợi hại, góp vai trò phụng sự cho sự nghiệp cách mạng đất nước.
Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến tình chân thật và tính dân tộc trong từng câu chữ, vần thơ.
Người sáng tác rất nhiều thể loại và sở hữu cho mình một khối lượng tác phẩm cực kỳ khổng lồ.
1.2. Hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm:
Tình thần yêu nước của nhân dân ta được trích trong Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II, được diễn ra vào tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam. Tên tác phẩm Tình thần yêu nước của nhân dân ta do người soạn sách đặt.
1.3. Nội dung tác phẩm Tình thần yêu nước của nhân dân ta:
– Nhận định chung về lòng yêu nước của dân tộc ta
Dân tộc Việt Nam có một lòng yêu nước nồng nàn, chân thành và luôn bùng cháy trong trái tim.
Tinh thần yêu nước nồng cháy ấy đã kết thành một làn sóng mạnh mẽ, to lớn và hùng mạnh. Nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, vượt qua mọi khó khăn, nó mạnh mẽ nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước.
Từ đó gợi lên được sức mạnh và khí thế mạnh mẽ của dân tộc ta, tình yêu đất nước mãnh liệt bùng cháy trong trái tim mỗi người.
– Những biểu hiện của lòng yêu nước trong lịch sử
Từ ngày xa xưa, có rất nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Những nhân vật lịch sử như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi…là minh chứng cho tình yêu nước sâu đậm và mãnh liệt.
– Những biểu hiện của lòng yêu nước hiện nay
Từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng, trẻ thơ ngây ngô…ai cũng có một tình yêu nước nồng nàn và da diết. Khát vọng gìn giữ hòa bình và căm thù quân giặc xâm lược.
Những chiến sĩ anh dũng ngoài chiến trường, chịu đói, chịu rét, chịu bệnh tật để bám sát giặc, thừa cơ tiêu diệt địch.
Những người dân, công chức ở hậu phương nhịn ăn, nhịn uống để ủng hộ bộ đội, “ một miếng khi đói bằng một gói khi ăn”.
Những người mẹ, những người vợ khuyên con, khuyên chồng mình tòng quân ra chiến trường chống giặc. Những người phụ nữ ấy không chỉ đảm việc nhà, hăng hái tăng gia sản xuất mà còn tham gia vào việc vận tải hàng hóa, lương thực vào chiến trường
– Nhiệm vụ của nhân dân
Nhân dân ta phải ra sức tuyên truyền, tổ chức và lãnh đạo, đưa tình yêu nước của dân tộc ta đi lên, được thực hành vào công việc yêu nước và công việc kháng chiến. Chứng minh tình yêu nước bằng những hành động cụ thể.
1.4. Ý nghĩa tác phẩm:
Tình thần yêu nước của nhân dân ta là tác phẩm thể hiện sự tự hào và ca ngợi tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Từ đó kêu gọi toàn dân phát huy được truyền thống yêu nước quý báu ấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chung tay xây dựng và bảo vệ sự yên bình của đất nước Việt Nam.
2. Phân tích tác phẩm Tinh thần yêu nước của nhân dân ta hay nhất:
Tình thần yêu nước của nhân dân ta là một bài văn nghị luận của Hồ Chí Minh, khẳng định tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Đó là một truyền thống quý báu của đồng bào Việt Nam từ bao đời nay. Với ngôn ngữ dễ hiểu, lối lập luận chặt chẽ, những dẫn chứng xác thực, chặt chẽ và giàu sức thuyết phục, Hồ Chí Minh đã thành công trong việc tái hiện lịch sử dân tộc và tinh thần yêu nước của dân ta.
Mở bài tác phẩm Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Hồ Chí Minh đã đưa ra một lời khẳng định sắt đá, một luận điểm bao phủ toàn văn bản” Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy được phát huy một cách mạnh mẽ”. Đó như một lời khẳng định về truyền thống yêu nước tốt đẹp của đồng bào dân tộc Việt Nam. Trong tác phẩm, chúng ta có thể thấy được Hồ Chí Minh đã rất thành công trong việc sử dụng các động từ mạnh như “ lướt qua, nhấn chìm”, cùng với đó là những hình ảnh so sánh đầy ấn tượng “Tinh thần yêu nước như một làn sóng mạnh mẽ”. Biện pháp tu từ so sánh nhằm gợi lên sức mạnh và khí thế mạnh mẽ dân tộc Việt Nam.
Truyền thống yêu nước của dân ta được Bác chứng minh bằng những dẫn chứng cụ thế từ trong quá khứ đến hiện tại. Nếu trong quá khứ, đất nước Việt Nam ở bất kỳ thời nào, bất kỳ triều đại nào cũng có những vị anh hùng tài ba, không ngại hy sinh thân mình bảo vệ từng tất đất của lãnh thổ đất nước. Điển hình như Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung…Những vị anh hùng ấy với một trái tim yêu nước sâu đậm đã đứng lên lãnh đạo nhân dân chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập. Bằng một trái tim yêu nước mãnh liệt và một tinh thần khôn ngoan, lý trí, những người lãnh đạo ấy đã đưa ra những đường lối kháng chiến tuyệt vời. Nếu trong quá khứ, dân tộc ta có những vị anh hùng oai phong lẫm liệt thì ở hiện tại, dân tộc ta thể hiện tình yêu đất nước qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Kháng chiến chống thực dân Pháp giành lại độc lập đất nước là một chặng đường đầy gian nan và khó khăn. Đọc tác phẩm, ta thấy được sự khéo léo trong cách chuyển đoạn của Hồ Chí Minh “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước”. Có thể thấy, khi đất nước ta bị giặc ngoại xâm, dân ta từ nhỏ đến lớn, từ người già đến người trẻ, ai cũng hăng hái trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Điều đó được chứng minh qua “Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến nhân dân miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc”. Chúng ta có thể thấy rằng, tinh thần yêu nước của dân tộc ta luôn bùng cháy mãnh liệt trong trái tim, trong hơi thở, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt đẳng cấp, giới tính. Ngoài ra, chúng ta còn thấy được sự tài tình của Hồ Chí Minh trong việc sử dụng biện pháp tu từ liệt kê với mô hình liên kết “từ..đến”, điều này nhằm tăng hiệu quả cho sự diễn đạt, nhấn mạnh được tình yêu đất nước, yêu hòa bình tự do của dân ta, bất kể mọi lứa tuổi nào. Tình yêu nước của dân tộc ta đi đôi với những hành động cụ thể. Khi đất nước bị giặc Pháp xâm lược, những người chiến sĩ ở ngoài mặt trận đã chấp nhận chịu đói, chịu rét để bám sát lấy chân giặc, theo dõi từng hành động của giặc đặng tranh thủ thời cơ tiêu diệt giặc. Nơi chiến trường khắc nghiệt ấy là những hình ảnh chiến sĩ chấp nhận gian nan, khó khăn, quyết tâm giữ từng tất đất của Việt Nam. Ở hậu phương, những công chức, người dân nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, ủng hộ lương thực cho các chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Những người phụ nữ không ngừng khuyên chồng đi tòng quân, còn mình hăng hái tăng gia sản xuất, xung phong giúp việc vận tải…
Phần cuối của tác phẩm Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Hồ Chí Minh đã khẳng định tình yêu nước cũng như những thứ của quý, chúng có thể rõ ràng dễ thấy nhưng cũng có khi được “cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”. Chúng ta biết rằng, tình yêu nước là một thứ tình cảm gì đó thiêng liêng nhưng lại vô hình, tuy nhiên qua cách khắc họa của mình, Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa tình cảm ấy một cách rõ ràng. Qua lời Bác, chúng ta có thể thấy được tình yêu nước là thứ tình cảm đơn giản nhưng lại thiêng liêng vô bờ. Tình cảm ấy luôn tồn tại vĩnh cửu trong trái tim của mỗi con người Việt Nam. Vì vậy mà chúng ta cần có những hành động cụ thể để phát huy được lòng yêu nước sâu đậm ấy.
Tác phẩm Tình thần yêu nước của nhân dân ta được Hồ Chí Minh lập luận cực kỳ chặt chẽ, rõ ràng, lý lẽ thống nhất với nhiều dẫn chứng cụ thể. Có thể xem Tình thần yêu nước của nhân dân ta như một áng văn chính luận mẫu mực. Từng câu chữ trong tác phẩm, ngắn gọn, cô đọng và chứng minh được tinh thần yêu nước sâu đậm dù trong quá khứ hay ở hiện tại.
Tình thần yêu nước của nhân dân ta đã làm sáng tỏ một chân lý muôn đời:”Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”. Tác phẩm như một hồi chuông, làm thức tỉnh và thổi bùng lên ngọn lửa của tình yêu nước trong trái tim mỗi người dân. Cho đến ngày nay, tác phẩm Tình thần yêu nước của nhân dân ta vẫn còn nóng hổi tính thời sự, có tác dụng động viên nhân dân Việt Nam vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ đất nước.