Phương pháp phân tích mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp. Mục đích của việc phân tích chi phí - khối lượng - lợi nhuận chính là phân tích cơ cấu chi phí hay nói cách khác là nhằm mục đích phân tích rủi ro từ cơ cấu chi phí này. Vậy phân tích mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận là gì? Nội dung và vai trò như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận:
1.1. Tìm hiểu về phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận:
Khái quát về chi phí – khối lượng – lợi nhuận:
Kế toán quản trị ra đời không chỉ cung cấp những thông tin chi tiết, cụ thể theo yêu cầu quản lý mà còn phát hiện nhiều khả năng tiềm ẩn của doanh nghiệp chưa khai thác như: Tình hình tiết kiệm chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn nhân, tài, vật lực của doanh nghiệp. Một trong những đối tượng mà kế toán quản trị nghiên cứu là mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận. Mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận là một trong những mối quan hệ kinh tế cơ bản thể hiện sự liên quan giữa các nhân tố giá bán, sản lượng, chi phí. Thông qua việc nghiên cứu và nắm vững mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận, nhà quản trị có thể khai thác tối đa các khả năng tiềm tàng của doanh nghiệp, sử dụng và phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực trong doanh nghiệp nhằm mục đích để có thể thực hiện tốt hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là cơ sở cho việc đưa ra các quyết định lựa chọn hay điều chỉnh phương thức sản xuất kinh doanh… nhằm mục đích chính là để tối đa hóa lợi nhuận.
Khái niệm phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận:
Phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận là một công cụ rất hữu dụng giúp cho các nhà quản lí hiểu được các mối quan hệ giữa chi phí, khối lượng và lợi nhuận.
Trong quản lí và điều hành hoạt động kinh doanh, không giống như các công ty, tổ chức kinh tế quy mô lớn, quản lí của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường phải ra quyết định trong điều kiện thiếu sự hỗ trợ có tính chất chuyên nghiệp của hệ thống thông tin tài chính kế toán bài bản, chuyên sâu.
Cũng vì nguyên nhân đó, những công cụ phân tích đơn giản, dễ dàng sử dụng sẽ góp phần quan trọng và trợ giúp hữu hiệu các nhà quản lí doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc định hướng và ra quyết định đối với các hoạt động kinh doanh hàng ngày của mình.
Phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận trong tiếng Anh được gọi là gì?
Phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận trong tiếng Anh được gọi là Cost Volume Profit Analysis – CVP.
1.2. Nội dung và vai trò phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận:
Nội dung phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận:
Phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận không đòi hỏi các chủ thể là những nhà quản lí phải có toàn bộ thông tin kế toán chi tiết, nó tập trung vào giải thích lợi nhuận bị ảnh hưởng bởi năm yếu tố sau như thế nào:
Yếu tố 1: Các mức giá bán khác nhau.
Yếu tố 2: Doanh số bán hàng.
Yếu tố 3: Chí phí biến đổi trên một đơn vị.
Yếu tố 4: Tổng chi phí cố định.
Yếu tố 5: Cơ cấu các sản phẩm được bán.
2. Vai trò phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận:
Bởi vì bản phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận sẽ giúp cho các chủ thể là các nhà quản lí hiểu được rằng các mức lợi nhuận bị ảnh hưởng bởi các nhân tố chủ yếu này như thế nào nên nó là một công cụ quan trọng trong nhiều các quyết định kinh doanh.
Những quyết định này có thể bao gồm: Nên bán những sản phẩm và dịch vụ nào, nên bán với mức giá bao nhiêu, sử dụng chiến lược marketing nào và áp dụng các cơ cấu chi phí nào.
Phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận sẽ dựa trên nền tảng hành vi biến đổi của chi phí kinh doanh đối với thay đổi của khối lượng hoạt động (sản xuất và bán hàng).
Một số khoản mục chi phí như nguyên vật liệu trực tiếp, lao động trực tiếp biến đổi khi khối lượng sản phẩm sản xuất hoặc bán hàng thay đổi, tuy nhiên lại có một số khoản mục chi phí không thay đổi khi khối lượng sản phẩm sản xuất hoặc bán hàng thay đổi, chẳng hạn như chi phí khấu hao máy móc thiết bị, nhà xưởng, tiền lương lao động quản lí.
3. Một số khái niệm cơ bản sử dụng trong phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận:
3.1. Số dư đảm phí:
Tổng số dư đảm phí: Là số dư biểu hiện bằng số tuyệt đối tổng số tiền còn lại của doanh thu bán hàng sau khi đã trừ đi tổng biến phí (Hay là số chênh lệch giữa doanh thu và tổng biến phí). Số dư đảm phí có thể tính cho tất cả loại sản phẩm, một sản phẩm và một đơn vị sản phẩm.
Tổng số dư đảm bảo phí được sử dụng trước hết để trang trải định phí, còn phần còn lại xác định là lãi thuần trong kỳ. Nếu tổng số dư đảm phí không trang trải đủ định phí công ty sẽ bị lỗ, nếu trang trải vừa đủ định phí thì công ty sẽ hòa vốn. Trường hợp tổng số dư đảm phí lớn hơn tổng định phí, có nghĩa rằng công ty hoạt động phát triển, có thặng dư sau doanh thu. Lợi nhuận được tính bằng cách lấy tổng số dư đảm phí trừ định phí .
Số dư đảm phí đơn vị: Là số dư đảm phí tính cho 1 đơn vị sản phẩm. Khi tính cho một đơn vị sản phẩm, số dư đảm phí còn gọi là phần đóng góp. Như vậy phần đóng góp là phần còn lại của đơn giá bán sau khi trừ đi biến phí đơn vị.
Qua khái niệm về số dư đảm phí, có thể thấy, mối quan hệ giữa sự thay đổi về sản lượng tiêu thụ và lợi nhuận. Trong trường hợp sản lượng tăng thêm thì lợi nhuận tăng thêm bằng chính sản lượng tăng thêm đó nhân với số dư đảm phí đơn vị. Điều này chỉ đúng khi doanh nghiệp có thể vượt qua điểm hòa vốn.
Việc sử dụng khái niệm số dư đảm phí cũng có nhược điểm là: Không giúp các chủ thể là nhà quản lý có được cái nhìn tổng quát ở giác độ toàn bộ doanh nghiệp nếu công ty sản xuất và kinh doanh nhiều loại sản phẩm bởi vì sản lượng cho từng sản phẩm không thể tổng hợp ở toàn doanh nghiệp; Làm cho nhà quản lý dễ nhầm lẫn trong việc ra quyết định bởi vì tưởng rằng tăng doanh thu của những sản phẩm có số dư đảm phí lớn thì lợi nhuận tăng lên nhưng điều này có khi hoàn toàn ngược lại.
3.2. Tỷ lệ số dư đảm phí:
Tỷ lệ số dư đảm phí là tỷ lệ phần trăm của số dư đảm phí tính trên doanh thu hoặc giữa phần đóng góp với đơn giá bán. Chỉ tiêu này có thể tính trên tất cả các loại sản phẩm, một loại sản phẩm (cũng bằng một đơn vị sản phẩm).
Ý nghĩa của Tỷ lệ số dư đảm phí đối với các nhà quản trị:
Tỷ lệ số dư đảm phí cho biết khi doanh thu tăng lên 1 đồng thì trong mức tăng đó có bao nhiêu đồng thuộc về tổng số dư đảm phí. Khi doanh nghiệp hòa vốn, tỷ lệ số dư đảm phí cũng chính là tỷ lệ tăng lợi nhuận khi doanh thu tiêu thụ tăng lên.
Tỷ lệ số dư đảm phí cho phép doanh nghiệp xác định khả năng sinh lời của từng loại sản phẩm; Tỷ lệ số dư đảm phí là một kênh thông tin quan trọng khi đánh giá hiệu quả kinh doanh của các sản phẩm, dịch vụ, phương án đầu tư, được dùng để so sánh với các chỉ tiêu khác khi đưa ra quyết định lựa chọn phương án kinh doanh tối ưu.
3.3. Kết cấu chi phí:
Kết cấu chi phí là một chỉ tiêu tương đối phản ánh mối quan hệ tỷ lệ định phí và biến phí của một tổ chức doanh nghiệp. Phân tích kết cấu chi phí là nội dung quan trọng của phân tích hoạt động kinh doanh, vì kết cấu chi phí có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận khi mức độ hoạt động thay đổi.
3.4. Đòn bẩy kinh doanh:
Đòn bẩy kinh doanh được hiểu là một chỉ tiêu phản ánh mức độ sử dụng định phí trong tổ chức doanh nghiệp. Do vậy, đòn bẩy kinh doanh sẽ lớn ở các doanh nghiệp có tỷ lệ định phí cao hơn biến phí trong tổng chi phí và nhỏ ở các doanh nghiệp có kết cấu chi phí ngược lại. Điều này cũng có nghĩa là doanh nghiệp có đòn bẩy kinh doanh lớn thì tỷ lệ định phí trong tổng chi phí lớn hơn biến phí, do đó lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ rất nhạy cảm với thị trường doanh thu biến động, bất kỳ sự biến động nhỏ nào của doanh thu cũng sẽ gây ra biến động lớn về lợi nhuận.
Độ lớn đòn bẩy kinh doanh là một công cụ đo lường ở mức doanh thu nhất định, khi có 1% doanh thu thay đổi thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận.
Mặc dù có những hạn chế nhất định, song lý thuyết về mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận nói chung, điểm hòa vốn nói riêng vẫn có những ý nghĩa to lớn trong nghiên cứu lý luận và ứng dụng thực tiễn. Việc nghiên cứu mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận là phần không thể thiếu trong tác nghiệp của các chủ thể là nhà quản lý nhưng cũng cần phải thận trọng khi sử dụng kết quả phân tích mối quan hệ này.
3.5. Về việc tăng doanh thu:
Để có thể tăng doanh thu, các doanh nghiệp sẽ cần nắm vững nhu cầu thị trường, đánh giá vòng đời phát triển của sản phẩm; Tích cực khai thác nguồn hàng tốt, phương thức mua bán thuận tiện.
3.6. Về việc kiểm soát và giảm chi phí:
Để có thể quản trị chi phí hiệu quả, doanh nghiệp sẽ cần tập trung làm tốt các việc cơ bản sau đây: Tiến hành phân tích và đưa ra một cơ cấu chi phí và nguồn vốn huy động tối ưu cho từng đơn vị trong toàn doanh nghiệp trong từng thời kỳ; Thiết lập một chính sách phân chia chi phí cùng các mức lợi nhuận hợp lý; Kiểm soát về việc sử dụng tài sản trong doanh nghiệp, tránh tình trạng sử dụng lãng phí, sai mục đích; Thu nhập thông tin về chi phí thực tế và lập định mức chi phí; Phân tích biến động giá cả trên thị trường định kỳ.