Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải được đưa vào chương trình Ngữ văn 9 - Ngữ văn THCS. Với dàn ý và các bài văn mẫu được tổng hợp dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học và ôn tập tác phẩm này.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý phân tích khổ 3, 4 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ- Thanh Hải :
1.1. Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về tác giả Thanh Hải và tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ”.
– Khái quát sơ lược về giá trị nội dung và nghệ thuật của 2 khổ thơ 3,4
1.2. Thân bài:
Khái quát về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:
– Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được tác giả sáng tác trong khi nằm trên giường bệnh, trước khi mất ít lâu, trong hoàn cảnh đất nước đã thống nhất, đang xây dựng cuộc sống mới nhưng còn vô vàn khó khăn gian khổ, thử thách.
– Nội dung chính: Bài thơ là tiếng lòng, những tâm sự, suy ngẫm, mong ước được dâng hiến một mùa xuân nho nhỏ của tác giả cho mùa xuân vĩ đại của đất nước.
Phân tích khổ 3,4 bài thơ:
– Khổ 3: Những suy tư của nhà thơ về đất nước và và lịch sử dân tộc:
- “Bốn ngàn năm”: bề dày lịch sử vẻ vang, tự hào.
- “Vất vả và gian lao”: đất nước trải qua bao mồ hôi, xương máu để đạt được tự do như ngày nay, lúc hưng thịnh, lúc suy vong của các thời đại phong kiến và gần đây nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ.
- So sánh: “Đất nước như vì sao”: vì sao là vì tinh tú trên bầu trời, biểu tượng cho vẻ đẹp vĩnh hằng=> Đất nước tươi đẹp, vững mạnh, sáng bừng bởi những chiến công hiển hách. Qua đó thể hiện niềm tự hào, tình yêu nước mãnh liệt.
- “cứ đi lên”: sự ngoan cường, bền bỉ.
– Khổ 4: Ước nguyện cống hiến hi sinh:
- hình ảnh “con chim, cành hoa, nốt trầm”: hình ảnh đẹp, giản dị, gần gũi, mang tính biểu tượng cho mùa xuân.=> Khát khao cống hiến một phần công sức nhỏ của mình để làm vui, làm đẹp, có ích cho cuộc sống.
- những thanh bằng liên tiếp “ta”-“hoa”-“ca”: tạo âm điệu nhẹ nhàng, êm ái, dễ lay động.
- “Ta”: đây không chỉ là ước nguyện cá nhân mà là ước nguyện của tất cả mọi người, trở thành ước nguyện chung.
=> Từ suy tư về quá khứ dân tộc, tác giả bày tỏ sự tự hào cùng ý thức về trách nhiệm với quê hương, đất nước, khát vọng được sống, được cống hiến.
1.3. Kết bài:
– Khái quát giá trị nội dung hai khổ thơ và đóng góp đối với bài thơ
– Cảm nhận của em
2. Phân tích khổ 3, 4 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ chọn lọc siêu hay:
Mùa xuân là mùa của thiên nhiên thắm tươi, mơn mởn, căng tràn sức sống. Văn học Việt Nam đã từng không có ít những vần thơ thể hiện cảm xúc rạo rực, trẻ trung, say đắm trước mùa xuân. Ta bắt gặp mùa xuân tựa thiên đường trên mặt đất trong “Vội vàng” – Xuân Diệu, mùa xuân tràn ngập sắc xanh trong “Mùa xuân xanh” – Nguyễn Bính,… Thanh Hải cũng đóng góp mùa xuân tươi sáng, rộn ràng xứ Huế trong sự gắn bó chặt chẽ với đất nước cùng ước nguyện dâng hiến. Hai khổ thơ 3,4 của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” đã thể hiện rõ điều này.
Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Trong mùa xuân tươi đẹp ấy tác giả suy ngẫm về quá khứ của đất nước và lịch sử dân tộc. Lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước với bao gian lao, vất vả, lúc hưng thịnh, lúc suy vong của các thời đại phong kiến và gần đây nhất là hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Để làm nên lịch sử vang dội như vậy là nhờ sức mạnh dân tộc rất đáng tự hào. “Đất nước như vì sao” là sự so sánh giàu ý nghĩa. Sao mang vẻ đẹp lung linh của vũ trụ, vẻ đẹp vĩnh hằng, vô tận trong không gian và thời gian. Đất nước như những vì sao tinh tú trên bầu trời, lấp lánh những chiến công hiển hách. Đất nước luôn lớn mạnh, đi lên từng ngày. Cụm từ “cứ đi lên” như một mệnh đề thẳng tiến mà không một thế lực nào có thể ngăn cản, thể hiện chí khí, quyết tâm của dân tộc Việt Nam.
Trong sắc xuân tươi đẹp của đất trời, tác giả khát khao được hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, khao khát cống hiến, hi sinh góp phần tạo nên mùa xuân của đất nước. Niềm mong ước của ông thật giản dị, chân thành, sâu sắc được thể hiện qua những hình ảnh “con chim, cành hoa, nốt trầm”. Đây là những hình ảnh đẹp, gần gũi, nhỏ bé giữa thiên nhiên, cuộc sống. Còn gì đẹp hơn khi làm một cành hoa đem sắc hương tô điểm cho bức tranh mùa xuân! Còn gì vui hơn khi được làm con chim nhỏ cất tiếng hót rộn rã, vui tươi cho đời, “một nốt trầm xao xuyến” để góp vào bản hoà ca chung. Điệp từ “một” cùng phép ẩn dụ đặc sắc cho thấy mong ước của tác giả được cống hiến một phần công sức nhỏ của mình để làm vui, làm đẹp, có ích cho cuộc sống, cho thế giới tâm hồn mỗi người. Đó cũng là lẽ thường tình. Thanh Hải đã đem đến cho người đọc cái giai điệu ngọt ngào, êm ái và vang vọng của những thanh bằng liên tiếp “ta”-“hoa”-“ca”. Điệp từ “ta” được lặp đi lặp lại thể hiện một ước nguyện chân thành, thiết tha. Đại từ nhân xưng “ta” mang thông điệp của tác giả. Ta ở đây là Thanh Hải là bao người dân Việt Nam chung ước mong giản dị muốn đem phần nhỏ bé của riêng mình để góp vào công cuộc đổi mới và đi lên của đất nước.
Tóm lại, hai khổ thơ ba và bốn trong bài “Mùa xuân nho nhỏ ” đã làm sống dậy trong tâm hồn người đọc niềm tự hào dân tộc, biết ơn quá khứ, khát vọng giản dị nhưng cháy bỏng được hiến dâng. Khát vọng đó càng xúc động, đáng trân trọng, nâng niu hơn bởi đó là mong ước sau cùng của con người sắp từ giã cõi đời. Đọc những vần thơ của ông, ta tự nhủ phải làm gì để không hổ thẹn với những người đi trước, để tạo nên giá trị cho cuộc sống, cho đất nước? Tất cả được thể hiện bằng những việc làm cụ thể ở hôm nay.
3. Phân tích khổ 3, 4 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ chọn lọc siêu ấn tượng:
Thanh Hải là một nhà thơ nổi bật trong phong trào kháng chiến chống Mỹ. Là con người tài hoa, giàu sức sống nghệ thuật, các tác phẩm của ông đều thấm đẫm triết lý sống, thể hiện được tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của Thanh Hải là bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được viết bằng cảm xúc dạt dào, tha thiết trong những ngày cuối của cuộc đời của mình. Bài thơ là tiếng lòng đất nước bao la, niềm yêu mến thiết tha đối với cuộc sống đang bước vào thời kì xây dựng. Điều này được thể hiện rõ trong hai khổ thơ ba và bốn của bài thơ.
Đầu tiên, khổ thơ thứ ba là những suy tư của nhà thơ về đất nước và và lịch sử dân tộc:
Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
Lịch sử của đất nước với bốn nghìn năm- một chặng dài đằng đẵng, trường tồn, lúc suy vong, lúc hưng thịnh với bao thử thách “vất vả và gian lao”với bao xương máu và mồ hôi, lòng yêu nước và tinh thần quả cảm, đoàn kết dân tộc. Sự ví von “Đất nước như vì sao” mang đầy niềm tự hào. Sao là nguồn sáng kì diệu của thiên hà, vẻ đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên vũ trụ. Đất nước cũng là điểm sáng, là biểu tượng cao đẹp nhất, là niềm kiêu hãnh trong tâm hồn nhà thơ. Một đất nước ngoan cường, bền bỉ, vững vàng “cứ đi lên phía trước”. Câu thơ như là một điểm nhấn, lời tổng kết về sức sống mãnh liệt của đất nước đồng thời ẩn chứa niềm tự hào, niềm tin của tác giả vào cuộc đời và đất nước.
Song hành cùng tình yêu cùng niềm tự hào ấy là ước nguyện thiết tha, chân thành muốn hòa đồng cùng mùa xuân đất nước, ước nguyện dâng hiến tài sức cho đời:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Không quá lớn lao, phi thường, thi nhân chỉ muốn làm con chim hót, cành hoa, làm một nốt trầm xao xuyến. Đây cũng là những hình ảnh báo hiệu mùa xuân, được nhắc đến ở các khổ thơ đầu bài thơ, đều mang nét đẹp, mang lại giá trị cho cuộc sống. ước làm một tiếng chim mang giọng hát trong trẻo tươi vui để gọi xuân về, một bông hoa tỏa hương sắc, tô điểm cho mùa xuân, ước làm một nốt trầm trong bản hòa ca êm ái. Khát khao thành những vật nhỏ bé, giản dị nhưng đều là những gì tươi đẹp nhất, không thể thiếu. Điều đó không chỉ ước muốn của riêng tác giả mà là của tất cả mọi người, tất cả chúng ta. Thông qua việc chuyển đổi đại từ tôi sang ta, muốn làm một mùa xuân nho nhỏ góp vào mùa xuân lớn lao dân tộc mà không phô trương lặng lẽ dâng cho đời, nguyện ước riêng đã trở thành nguyện ước chung. Biện pháp ẩn dụ cùng các điệp từ, điệp ngữ, giọng thơ nhẹ nhàng, da diết đã diễn tả cảm xúc chân thành, mãnh liệt của nhà thơ.
Như vậy, với hai khổ thơ này, nhà thơ Thanh Hải đã tỏ tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời, ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc… Qua đó cũng tạo động lực cho thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước, ý chí quyết tâm không bao giờ chùn bước trước khó khăn thử thách trong cuộc sống.