Nhà văn Thạch Lam với phong cách viết truyện rất thực nhưng cũng rất thơ. Điều này thể hiện trên những trang văn trong đoạn trích " Hai đứa trẻ" thông qua hình ảnh đoàn tàu.
Mục lục bài viết
1. Dàn bài phân tích hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ hay, chọn lọc:
1.1. Mở bài:
Giới thiệu vài nét về tác phẩm Hai đứa trẻ và tác giả Thạch Lam
Dẫn dắt vấn đề: hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ.
1.2. Thân bài:
a, Khái quát chung
Tóm tắt câu chuyện: Câu chuyện kể về hai chị em Liên và An thay mẹ trông một gian hàng tạp hóa nhỏ ở một phố huyện gần ga xép. Chiều chiều, hai chị em vừa bán hàng vừa nhìn những chuyến tàu đi qua. Đợi khi chuyến tàu cuối cùng người ở Hà Nội về mới đóng cửa gian hàng.
Không gian câu chuyện là phố huyện nhỏ yên bình.
b, Hình ảnh đoàn tàu
Khi tàu đến:
– Đoàn tàu xuất hiện với những âm thanh ““tiếng dồn dập, rít mạnh vào ghi”, “tiếng hành khách ồn ào khe khẽ”, “tiếng còi rít lên và tàu rầm rộ đi tới”, đó đều là những âm thanh thực sự rộn ràng và náo nhiệt khác hẳn với những âm thanh buồn tẻ, chậm rãi nơi phố huyện.
– Tàu chuyển động một cách mạnh mẽ, rầm rộ đi tới.
– Đoàn tàu mang đến một thứ ánh sáng mới khắc hẳn với những thứ ánh sáng mờ nhạt, vệt nhỏ trong khu phố huyện.
– Gợi lại trong tâm trí cô bé Liên về một phố thị xa hoa, nơi gia đình cô đã được sống ở đó.
Khi tàu đi:
– Đoàn tàu ấy đi qua đã để lại trong lòng cô bé rất nhiều cảm xúc, Liên nghĩ về Hà Nội, bởi đoàn tàu ấy từ thủ đô về nó đã mang một chút thế giới khác đi qua, một thế giới mà Liên vẫn hằng ao ước.
– Đoàn tàu hôm nay dường như kém sáng hơn hôm qua => Cuộc sống đã ngày càng bế tắc và khó khăn hơn
– Đoàn tàu đi cũng là lúc Liên quay trở về thực tại, đêm muộn gió heo hút cùng không gian vắng lặng nơi phố huyện tiêu điều, xơ xác.
Ý nghĩa chi tiết đoàn tàu:
– Đoàn tàu làm xáo trộn màn đêm yên tĩnh của phố huyện, làm sống dậy trong ký ức Liên về một vùng ánh sáng êm đềm của tuổi thơ.
– Đoàn tàu mang đến một thế giới khác xa với sự chật hẹp, nghèo nàn, cũ kĩ của phố huyện. Nó nhộn nhịp, giàu sang và đầy ánh sáng. Nó đưa con người vào cõi mơ tưởng, hoài niệm rồi vụt đi trả lại một màn đêm bao phủ.
– Liên và An như hai chồi non còn nguyên nhựa sống yêu đời nhưng phải tồn tại trên mảnh đất cằn cỗi, trên miền đời bị quên lãng. Nhà văn đã tưới mát cho hai chồi cây ấy bằng chi tiết đoàn tàu để các em biết nuối tiếc và khát khao, hướng về ánh sáng và âm thanh của cuộc sống
– Nhà văn gửi gắm thông điệp về tình người và tình đời: hãy nâng niu, trân trọng những ước mơ nhỏ bé của tuổi thơ, hướng về cuộc sống có ý nghĩa hơn, đốt mình lên như Xuân Diệu từng viết: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối / Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.”
1.3. Kết bài:
Khái quát lại nghệ thuật
Nêu cảm nghĩ của bản thân
2. Bài văn mẫu phân tích hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ hay có chọn lọc:
Nhà văn Thạch Lam thông qua lăng kính nghệ thuật của mình đã có những cách nhìn chân thực về cuộc sống của những con người nghèo khổ trong một phố huyện nghèo khổ xác xơ, nơi đây con người đang vật lộn, chống chọi với với nghèo đói. Tuy hình ảnh chuyến tàu xuất hiện không nhiều, chỉ thoáng qua nhưng xua tan đi màn đêm u tối và mang lại một chút niềm tin, hi vọng về một cuộc sống đổi mới hơn. Đoạn trích “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam đã thành công trong việc sử dụng hình ảnh con tàu truyền tải nhiều thông điệp về cuộc sống.
Nhà văn đã khéo léo quan sát những hoạt động thường ngày của con người nơi đây cả ngày và đêm. Ban ngày, người dân phải lăn lộn kiếm sống miếng cơm manh áo sống qua ngày. Ban đêm tưởng là thời gian yên tĩnh để nghỉ ngơi nhưng vẫn còn đó rất nhiều mảnh đời vất vả vẫn phải thức khuya để đi kiếm tiền nào là người đi hát xẩm, bán cháo, còn có cả hai chị em Liên và An. Nếu cuộc sống trước đây của Liên và An vốn sung túc trên thành phố thì giờ đây hai chị em phải đối mặt với hiện thực nghèo đói, vất vả.
Phố huyện nhỏ ấy nghèo xơ xác, người dân ở đây làm đủ mọi việc để mưu sinh. Buổi tối cảnh vật nơi đây cũng trở nên tiêu điều và tối tăm bởi cái nghèo nên không có nổi lấy ánh đèn, chỉ có âm thanh của những con côn trùng ngoài kia, tiếng người rao bán, những ánh đèn dầu như trở nên quá quen thuộc. Mỗi người dường như ai cũng trông chờ vào một thứ ánh sáng mới để giúp họ vượt qua những khó khăn đè nặng từng ngày, ánh sáng từ đoàn tàu thắp sáng cả một vùng trời, khiến cho cuộc sống bỗng trở nên có hy vọng, vì lẽ đó mà cả hai chị em dù rất buồn ngủ nhưng đều cố thức đến nửa đêm bởi trẻ con luôn khao khát về một cuộc sống mới.
Hình ảnh con tàu trong đoạn trích đều mang những ý nghĩa riêng biệt vô cùng độc đáo, đó là tả thực và mang hình ảnh tượng trưng. Tả thực cảnh tàu đến và tàu đi mang lại một thế giới “vui vẻ và huyên náo” hơn rất nhiều so với thực tại của cuộc sống. Đó là tiếng âm thanh còi inh ỏi, nhộn nhịp hay dòng người tấp nập lên và xuống tàu. Đó là sự đối lập mà hai chị em có thể cảm nhận, rõ ràng trong tâm hồn Liên luôn khao khát mong muốn thay đổi thực tế cuộc sống u ám và tối tăm này.
Hình ảnh đoàn tàu đến với biết bao nhiêu niềm vui, vạn vật cũng trở nên đổi khác và rời đi không còn những tia sáng rực rỡ mà thay vào đó là những chiếc đèn dầu heo hắt tất cả để lại sự tiếc nuối,hụt hẫng con tàu rời ga và nhanh chóng biến mất trong màn đêm cũng đã mang đi nhiều ước vọng của những con người nơi đây.
Mặc dù đoàn tàu xuất hiện chỉ trong chốc lát nhưng lại là điểm nhấn vô cùng quan trọng trong bức tranh vẽ lên cuộc sống nơi phố huyện nghèo xơ xác đó. Đoàn tàu mang lại thứ ánh sáng huyền diệu soi rõ mọi thứ và xua tan màn đêm, để lại biết nhiều niềm hi vọng, mong ước về cuộc sống tươi đẹp và đổi mới hơn trong tương lai.
3. Bài văn mẫu phân tích hình ảnh đoàn tàu trong Hai đứa trẻ ý nghĩa nhất:
Đoạn trích ” Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam là bức tranh tái hiện lại cuộc sống nghèo khổ, tiêu điều và xơ xác của những người dân phố huyện nhỏ bên cạnh ga xép. Cuộc sống của họ tăm tối bởi cái nghèo, để rồi nhà văn đồng cảm và xót thương cho những số phận hẩm hiu nơi đây. Tô điểm vào bức tranh ấy là hình ảnh những chuyến tàu chạy ngày đêm mang lại những ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc sống của người dân đặc biệt là hai chị em Liên và An.
Con người và không gian phố huyện hiện lên trên những câu văn với sự nhạt nhòa, tẻ nhạt đơn điệu và cuối cùng bị bóng tối nhấn chìm. Bóng chiều buông xuống càng làm cho nhịp sống của con người phố huyện trở nên buôn tẻ, thê thảm đến đáng thương. Từ khung cảnh buồn, ảm đạm của nơi đây, tác giả Thạch Lam đã tập trung miêu tả cảnh đoàn tàu xuất hiện.
Cũng giống như những người dân phố huyện khác, Liên và An đã sống những ngày tháng vô vị, tẻ nhạt. Hai chị em Liên và An ngày nào cũng chờ đoàn tàu qua đến chuyến cuối cùng như đang trông chờ vào một thứ gì đó mới mẻ mà đoàn tàu mang tới.
Chuyến tàu đêm trong truyện ngắn, An và Liên cố thức để chờ chuyến tàu vì đó là hoạt động cuối cùng của đêm khuya, cũng là giây phút duy nhất trong ngày phố huyện trở nên nhộn nhịp hơn bởi ánh sáng và âm thanh sôi động, nó đối lập hoàn toàn với không khí tẻ nhạt của ban ngày. Và với hai đứa trẻ thì chuyến tàu là cả một thế giới khác, tươi sáng và rực rỡ hơn khác hẳn với cái lập lòe của ánh đèn của chị Tí và ngọn lửa của bác Siêu.
Trước khi đoàn tàu dừng lại nơi phố huyện là ánh đèn và tiếng thông báo vang vọng của người gác ghi, xa xa là tiếng còi tàu theo hướng gió vẳng lại. Tác giả đã rất tỉ mỉ miêu tả hình ảnh chuyến tàu thông theo trình tự thời gian và qua tâm trạng háo hức chờ mong của hai chị em. Đoàn tàu mỗi lúc càng đến gần, mọi cảm nhận của Liên trước đó càng trở nên chân thực, ha đứa trẻ nghe thấy tiếng dồn dập mạnh lên, đất như đang rung chuyển, tiếng xe rít mạnh vào ghi, cùng với đó là làn khói trắng được tỏa vào trong không gian. Đoàn tàu dừng tại ga, tiếng hành khách ồn ào bước xuống, chen chúc nhau thật nhộn nhịp. Sau khi hành khách đã xuống hết, đoàn tàu lại bắt đầu lăn bánh đi xa dần và cuối cùng là biến mất trong đêm tối mênh mông.
Có thể nói, hình ảnh đoàn tàu chỉ thoáng qua, chốc lát rồi lại đi nhưng cũng đủ để đánh tan cơn buồn ngủ của chị em Liên vả An, cũng đủ để làm phố huyện trở nên náo nhiệu, sôi động xóa tan đi những sự buồn thiu, tiêu điều. Hình ảnh đoàn tàu là hiện thân của một tương lai tươi sáng với đầy ắp những hy vọng mới, là thế giới của ánh sáng và những niềm vui hiếm hoi trong cuộc sống tẻ nhạt đời thường của những người dân nơi đây.