Cấu trúc tâm lý của hoạt động? Ứng dụng của cấu trúc tâm lý của hoạt động trong hoạt động học tập của sinh viên? Nội dung, tính chất của hoạt động học tập của sinh viên? Phương thức, đơn vị thực hiện hoạt động học của sinh viên?
Đời sống tâm lý ở con người rất đa dạng, phong phú và phức tạp. Đây luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm, tìm hiểu và nghiên cứu. Trong đời sống của con người, những hiện tượng tâm lý được hoạt động đóng vai trò quan trọng . Như chúng ta đã biết ý thức điều chỉnh, điều khiển hành vi của con người, giúp cho con người dễ dàng hòa nhập với xã hội và thành công trong cuộc sống, muốn làm được điều đó phải thông qua hoạt động. Tuy nhiên cuộc sống của con người là một dòng các hoạt động bao gồm nhiều hoạt động riêng lẻ tùy theo động cơ tương ứng. Vì vậy, để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhóm 05 chúng em đã chọn đề tài 06: “Phân tích cấu trúc tâm lý của hoạt động . Ứng dụng của nó trong hoạt động học tập của sinh viên”.
Mục lục bài viết
1. Cấu trúc tâm lý của hoạt động:
1.1. Các khái niệm:
Hoạt động là sự tác động qua lại có định hướng giữa con người với thế giới xung quanh, hướng tới biến đổi nó nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình. Trong quá trình đó, con người luôn tích cực sáng tạo tác động vào thế giới khách quan, tạo sản phẩm về phía thê giới và tạo ra tâm lý của chính mình.
Cấu trúc tâm lý của hoạt động là phương thức hoạt động bao gồm 6 thảnh tố: động cơ, mục đích, điều kiện, hoạt động, hành động, thao tác. Hoạt động luôn được thúc đẩy bởi động cơ, hoạt động bao gồm nhiều hành động khác nhau, mỗi hành động hướng tới nhiều mục đích, tập hợp các mục đích đó thỏa mãn động cơ. Trong hành động có nhiều thao tác, thao tác được thực hiện thông qua các phương tiện.
1.2. Cấu trúc tâm lý của hoạt động:
Cấu trúc tâm lý của hoạt động được nhà tâm lý học người Nga A.N.Lê-on-chep (1903-1929) mô tả qua một ví dụ về một quá trình lao động tập thể của những người đi săn từ thời xa xưa: nhóm này đuổi thú, nhóm kia bắt thú, nhóm khác làm thức ăn, áo mặc… Khi tạo ra sản phẩm cuối cùng, có thể thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống từng thành viên tập thể, người này có quan hệ trực tiếp, người kia có quan hệ gián tiếp. Nhưng cuối cùng mọi người đều được hưởng thức ăn, áo mặc, những cái này là cụ thể hóa nhu cầu của họ và cũng chính là động cơ hoạt động của cả nhóm, cũng như của cá nhân. Ở đây ta có một bên là hoạt động, một bên là động cơ.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Hoạt động hợp bởi các hành động. Cái mà hành động nhằm tới gọi là mục đích. Có thể coi động cơ là mục đích chung, còn mục đích mà hành động đạt tới là mục đích bộ phận. Hoạt động của tập thể người đi săn nói trên có mục đích chung là kiếm thức ăn. Mục đích cụ thể của nhóm thứ nhắt chỉ là đuổi thú về, nhóm thứ hai là bắt thú, nhóm thứ ba làm thịt…
Có thể coi mục đích chung là động cơ xa, mục đích bộ phận là động cơ gần. Ở đây ta có một bên là hành động, một bên là mục đích.
Hành động bao giờ cũng nhằm giải quyết một nhiệm vụ cụ thể nhất định, nhiệm vụ này chính là mục đích được đặt ra trong những điều kiện cụ thể nhất định, tức là mục đích bộ phận phải được cụ thể hóa thêm một bước nữa, sự cụ thể hóa này được quy định bới các điều kiện cụ thể nơi diễn ra hành động. Từ đây cũng xá định phương thức để giải quyết nhiệm vụ.Các phương thức này gọi là thao tác. Ở đây ta có một bên là thao tác, một bên là điều kiện khách quan cụ thể (phương tiện).
Qua phân tích trên, cấu trúc tâm lý của hoạt động có thể được mô tả bằng sơ đồ sau:
Sơ đồ cấu trúc tâm lý của hoạt động:
Sơ đồ trên thể hiện quan hệ qua lại giữa động cơ và mục đích, giữa động cơ chung – động cơ riêng, giữa mục đích chung và mục đích cụ thể. Mối quan hệ này nảy sinh từ hoạt động. Chính quá trình hoạt động của con người tạo nên mối quan hệ qua lại giữa động cơ và mục đích. Sự nảy sinh và phát triển của mối quan hệ này chính là sự xuất hiện và phát triển của tâm lí ý thức nhân cách.
Từ những phân tích trên cho thấy, trong cấu trúc hoạt động có sáu yếu tố và chia thành hai hàng:
Hàng thứ nhất là động cơ – mục đích – điều kiện, thể hiện nội dung, tính chất của hoạt động.Giữa các yếu tố trên có mối quan hệ với nhau.Động cơ được cụ thể hóa thành các mục đích.Mục đích lại quy định việc lựa chọn đối tượng tác động mà từ đó ảnh hưởng đến việc xác định điều của hoạt động.
Hàng thứ hai là hoạt động – hành động – thao tác, thể hiện phương thức và các đơn vị thực hiện hoạt động.Một hoạt động được thực hiện bởi nhiều hành động.Một hành động lại được tiến hành bằng nhiều thao tác.
Hai hàng này có mối quan hệ nhất định. Đó là mối quan hệ nội dung và hình thức của hoạt động. Động cơ, mục đích chi phối việc lựa chọn phương thức tiến hành hoạt động.Ngược lại, trong quá trình tiến hành hoạt động sẽ làm hình thành những động cơ và mục đích mới.
2. Ứng dụng của cấu trúc tâm lý của hoạt động trong hoạt động học tập của sinh viên:
2.1. Hoạt động học dưới góc độ tâm lý:
Trong cuộc sống luôn có những quá trình tiếp thu, tích lũy kinh nghiệm sống, trên cơ sở đó tạo thành những tri thức khoa học, tiếp thu những thành tựu tri thức – đó là việc học, cách học theo phương pháp thường ngày. Nhưng thực tế, chỉ có phương thức học tập của nhà trường mới có khả năng tổ chức hoạt động đặc biệt – hoạt động học tập. Dưới cái nhìn của tâm lý học, hoạt động học chỉ những hoạt động nhằm chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng, hình thành ở cá nhân kiến thức khoa học, năng lực cá nhân phù hợp thực tiễn.
Hoạt động học tập của sinh viên không giống với học sinh trung học. Bởi sinh viên đại học cần tiếp thu nhiều hơn kiến thức thực tế chuyên môn phục vụ đời sống, đồng thời hoạt động học tập ở sinh viên đòi hỏi hình thành các năng lực cá nhân nhất định phù hợp cho công việc sau này.
Cũng giống hoạt động nói chung, hoạt động học tập có đặc trưng riêng của nó: Đó là có bản chất đặc trưng, có đối tượng học tập cùng với mục đích, phương tiện, điều kiện hoạt động.
2.2. Ứng dụng:
Từ sơ đồ cấu trúc tâm lý của hoạt động trong phân tích trên cho thấy, hoạt động học tập bao gồm có sáu yếu tố, có thể phân thành hai phần tương đối khác biệt, đó là nội dung tính chất của hoạt động học và phương thức, đơn vị thực hiện hoạt động học. ứng dụng vào hoạt động học tập của sinh viên sẽ thấy được cái nhìn toàn diện của quá trình tái tạo tri thức dưới cái nhìn của tâm lý học.
3. Nội dung, tính chất của hoạt động học tập của sinh viên:
3.1. Động cơ học tập:
Các yếu tố của hoạt động học được hình thành trong chính hoạt động học.Nói đến hình thành hoạt động học, trước hết phải nói đến sự hình thành động cơ học tập.
Hoạt động học với chủ thể là sinh viên, còn đối tượng của nó là những tri thức khoa học, với mục tiêu cuối cùng là hình thành nhân cách cho người học. Sinh viên khi tiến hành hoạt động học, chiếm lĩnh tri thức thì tri thức dần dần thúc đẩy tiếp tục quá trình học tập. Động cơ của hoạt động học tập ở sinh viên được hiện thân ở những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo mà giáo dục ở nhà trường mang lại. Đặc biệt, đối với sinh viên, động cơ học tập được chia thành hai loại: động cơ hoàn thiện tri thức và động cơ quan hệ xã hội. Thuộc về loại động cơ hoàn thiện tri thức ở đây là lòng ham mê, khát khao mở rộng tri thức, say mê với những môn học… Hoạt động học tập được thúc đẩy bởi động cơ này, không chứa những mâu thuẫn bên trong và nó đòi hỏi phải có những nỗ lực ý chí để đạt được nguyện vọng chứ không phải hướng vào đấu tranh với chính bản thân mình. Động cơ quan hệ xã hội đó là sự thưởng phạt hoặc đe doạ, những áp lực gia đình, nhà trường, công việc, danh vọng hoặc mong đợi sự hạnh phúc… ở mức độ nào đó đối với sinh viên, động cơ này mang tính cưỡng bách, và có lúc xuất hiện như một vật cản cần khắc phục để vượt qua đạt được mục đích của mình. Xét về mặt lý luận, mỗi hoạt động được thúc đẩy bởi một động cơ nhất định. Hoạt động học hướng đến là những tri thức khoa học, thì chính nó ( tức là đối tượng của hoạt động học) trở thành động cơ của hoạt động ấy. Động cơ hoàn thiện tri thức là động cơ chính của hoạt động học tập.Khi động cơ hoàn thiện tri thức được đáp ứng thì đồng nghĩa với nó là động cơ quan hệ xã hội cũng được thoả mãn. Cả hai loại động cơ này đều xuất hiện trong quá trình học tập và trong từng hoàn cảnh cụ thể, tùy điều kiện của sinh viên mà động cơ này hay động cơ kia trở nên chiếm ưu thế.
3.2. Mục đích học tập:
Mục đích được hiểu là cái mà hành động đang diễn ra hướng tới.Với sinh viên, động cơ thúc đẩy học tập và tiến hành dưới các hoạt động học.Mục đích của hoạt động học sinh viên hướng tới là các khái niệm, giá trị, chuẩn mực… trong từng ngành khoa học cụ thể.Mục đích hình thành bắt đầu từ các dạng biểu tượng, dần tổ chức hiện thực hóa trên thực tế.
Đặc trưng trong học tập của học sinh, sinh viên là ở chỗ: khác với lao động, học tập không làm thay đổi đối tượng tác động mà thay đổi chính bản thân mình. Sinh viên học tập để tiếp thu các tri thức khoa học, hình thành những kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, phát triển những phẩm chất nhân cách người chuyên gia tương lai.
3.3. Điều kiện học tập:
Điều kiện đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động học tập.Nếu không có các điều kiện học tập bên ngoài như tài liệu, dụng cụ học tập, sự giảng giải của thầy cô… và sự vận động của chính bản thân người học thì sinh viên khó có thể tự mình tiến hành các hoạt động tái tạo tri thức. Và kể cả đủ các điều kiện ấy thì sau khi ra trường hoạt động học tập của sinh viên vẫn được tiếp tục dưới hình thức này hay hình thức khác.
4. Phương thức, đơn vị thực hiện hoạt động học của sinh viên:
Phương thức, đơn vị thực hiện hoạt động học tập của sinh viên được thể hiện bằng hoạt động, hành động và thao tác theo như sơ đồ cấu trúc chung của hoạt động.
Như đã nói ở trên, hoạt động học dưới cái nhìn của tâm lý học là những hoạt động nhằm chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng, hình thành ở cá nhân kiến thức khoa học, năng lực cá nhân phù hợp thực tiễn.Hoạt động học được động cơ thúc đẩy và được tiến hành bởi nhiều hành động. Trong các hành động lại được thực hiện bằng nhiều thao tác khác nhau (động tác được thực hiện theo một trình tự nào đó).
Đối với việc học của một sinh viên, động cơ hoàn thiện tri thức hay động cơ quan hệ xã hội đều quan trọng. Động cơ thúc đẩy hoạt động diễn ra theo nhiều hành động khác nhau: sinh viên lên lớp nghe giảng, sinh viên lên thư viện đọc sách, sinh viên học bài cũ củng cố kiến thức… hành động là bộ phận cấu thành hoàn chỉnh của hoạt động, thể hiện tính tích cực bên trong và bên ngoài của cá nhân: sinh viên bằng các cử động có chủ định tìm kiếm, trau dồi kiến thức, đồng thời cũng xuất hiện hiện tượng tâm lý bên trong để nhìn nhận, hệ thống lại tri thức đã có được, mở rộng hiểu biết bằng suy đoán của bản thân – chi phối bằng mục đích học tập của người học.
Hành động tiến hành bằng nhiều thao tác. Sinh viên muốn lên thư viện thì phải có các thao tác như tra cứu danh mục tài liệu, nhìn, ghi chép… Việc sinh viên lựa chọn thao tác như thế nào phụ thuộc điều kiện cụ thể của sinh viên tại thời điểm đó, cũng phụ thuộc đối tượng tác động của sinh viên là gì, ở phương diện nào.
Tóm lại, nội dung, tính chất hoạt động học tập của sinh viên có quan hệ gắn bó chặt chẽ đối với phương thức của hoạt động học tập ấy. Quan hệ này phản ánh quan hệ giữa nội dung và hình thức của hoạt động. Động cơ, mục đích chi phối chọn lựa phương thức tiến hành hoạt động.Ngược lại trong quá trình tiến hành hoạt động sẽ làm hình thành những động cơ và mục đích mới.
Đem quan hệ nội dung – hình thức trên ứng dụng trong học tập, sinh viên sẽ có cái nhìn toàn diện và rõ nét về định hướng, phương pháp học tập. Vì việc học tập của sinh viên mang tính độc lập cao, và cốt lõi là sự tự ý thức về động cơ mục đích, biện pháp học tập, do vậy, việc bao quát được toàn bộ kết cấu của hoạt động học có vai trò cần thiết. Song trên thực tế, hoạt động học tập mang nhiều hành động có phần riêng lẻ, nên không phải sinh viên nào cũng có nhìn nhận đúng đắn. Nếu động cơ, mục đích tốt, việc học diễn ra theo hướng tích cực: sinh viên chú ý tới bài giảng, tự giác tham gia xây dựng bài học, trao đổi thảo luận, ghi chép, có khả năng hiểu và trình bày lại bài giảng theo suy nghĩ nhận thức của mình… Học tập của sinh viên mang tính độc lập cao, vì thế chỉ cần xác định động cơ và mục đích học tập đúng đắn thì tự sinh viên sẽ thay đổi vị trí của mình, từ đối tượng tiếp nhận tri thức thành chủ thể tìm kiếm tri thức.
Đối với sinh viên đại học luật Hà Nội, đa số các bạn khi bước chân vào ngôi trường này ít nhiều đều có hứng thú riêng về ngành luật. Niềm đam mê ấy chính là động cơ thúc đẩy các bạn nỗ lực học tập. Để thực hiện điều đó, mỗi bạn đều tự đặt ra cho mình mục tiêu riêng và hành động theo nhiều cách khác nhau như: đi học đều đặn, đúng giờ, lên lớp nghe giảng để tiếp thu kiến thức, đi thư viện để mở rộng kiến thức, học ôn bài để củng cố kiến thức… Mục đích cụ thể của những hành động đó tuy khác nhau nhưng đều xuất phát từ động cơ chính đã xác định ban đầu. Để thực hiện một hành động nào đó thì mỗi cá nhân phải có các thao tác, hay nói cách khác là những cử động của cơ thể diễn ra theo một hệ thống, trật tự nhất định trong những điều kiện cụ thể, nhằm thực hiện mục đích cụ thể của hành động. Những thao tác của mỗi cá nhân cũng rất khác nhau. Chẳng hạn, khi thực hiện hành động nghe giảng trên lớp nhằm tiếp thu kiến thức, có bạn ghi chép vào vở ghi, có bạn sử dụng máy ghi âm, có bạn chỉ tập trung nghe giảng… Điều đó phụ thuộc vào điều kiện tồn tại cụ thể hay đối tượng tác động mà họ lựa chọn. Như vậy, nó phản ánh ý nghĩa hiện thực của cấu trúc tâm lý trong hoạt động đối với việc học của mọi người và sinh viên nói chung.
Như vậy việc tìm hiểu và phân tích cấu trúc tâm lý của hoạt động giúp chúng ta biết ứng dụng nó trong hoạt động học tập của mình. Muốn việc học có hiệu quả thì chúng ta phải hiểu bản chất của hoạt động học, từ đó có thể vạch ra phương hướng và cách thức học hiệu quả, và quan trọng nhất, là hình thành cho bản thân năng lực chuyên môn, phục vụ cuộc sống của mình và mọi người trong tương lai. Có thể thấy, tâm lý học đóng một vai trò quan trọng trong nhìn nhận và giải quyết các vấn đề không đơn giản dừng lại ở phân tích cấu trúc hoạt động học tập như trên, mà còn trong các lĩnh vực khác.