Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi? Giới thiệu về bài thơ Cảnh ngày hè? Dàn bài? Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè? Nhận xét chung.
Cảnh ngày hè là bài thơ tả cảnh ngày hè tràn đầy sức sống. Bài thơ không chỉ miêu tả cảnh sắc đặc trưng của mùa hè, mà còn là “tức cảnh sinh tình”. Cảnh ở đây thể hiện niềm vui sống, háo hức, tươi tắn, trẻ trung của tâm hồn nhà thơ.
Mục lục bài viết
1. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi:
Nguyễn Trãi sinh năm 1380 mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, quê ở làng Chi Ngại (Chi Linh, Hải Dương) sau chuyển tới Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và văn học nồng nàn. Chính điều này đã tạo điều kiện cho Nguyễn Trãi được tiếp xúc từ rất sớm nền tư tưởng Nho giáo sâu sắc. Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc, dưới ngòi bút của mình ông đã sáng tác ra rất nhiều tác phẩm với nhiều thể loại văn học để lại cho đời, cho người giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc.
2. Giới thiệu về bài thơ Cảnh ngày hè:
Tác phẩm “Cảnh ngày hè” được Nguyễn Trãi sáng tác vào khoảng thời gian từ 14338-1439 khi ông đang ở Côn Sơn, thuộc chùm thơ “Gương báu răn mình” trong Quốc Âm thi tập – tập thơ Nôm bổi tiếng của Nguyễn Trãi. Bài thơ khắc hoạ bên một bức tranh phong cảnh qua thể thơ thất ngôn xen lẫn lục ngôn.
3. Dàn bài :
3.1. Mở bài:
Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi: Nguyễn Trãi là một trong những cây đại cổ thụ của nền văn học trung đại Việt Nam, đã góp vào kho tàng văn học trung đại Việt Nam nhiều tác phẩm bằng cả chữ Hán và chữ Nôm
Giới thiệu về tập Quốc âm thi tập: tác phẩm chữ Nôm xuất sắc của Nguyễn Trãi. Với thể thơ Đường luật được sử dụng thuần thục như thể thơ dân tộc, tập thơ đã vẽ nên chân dung, con người yêu nước, thương dân của Nguyễn Trãi.
Giới thiệu đôi nét nổi bật về bài thơ “Cảnh ngày hè”: bài số 43 trong số 61 bài của mục Bảo kính cảnh giới trong Quốc âm thi tập là một trong số những bài thơ tiêu biểu nhất của Nguyễn Trãi.
3.2. Thân bài:
Sáu câu thơ đầu: Bức tranh thiên nhiên và cuộc sống
– Câu thơ thứ nhất hoàn cảnh đặc biệt của tác giả
– Bức tranh thiên nhiên, cảnh vật
Hình ảnh đặc trưng của thiên nhiên, cảnh vật lúc vào hè: hòe lục, thạch lựu hiên, hồng liên trì
Sử dụng động từ mạnh gợi nên sức sống căng tràn của cảnh vật: đùn đùn, phun, tiễn
– Bức tranh cuộc sống: tác phẩm đã dùng thính giác mà cảm thụ cuộc sống rồi lấy âm nhạc đó tái tạo một cách sinh động và chân thật bức tranh cuộc sống
Lao xao chợ cá: âm thanh gần gũi, gợi nên sự sống của con người
Dắng dỏi cầm ve: âm thanh đặc trưng của mùa hè, gợi nên sự rộn rã, tươi vui
=> Từ sự cảm nhận phong phú của đầy đủ các giác quan, sự sáng tạo trong việc cảm nhận cùng tình yêu thiên nhiên mãnh liệt, tác giả đã phác hoạ lên tấm chân dung thiên nhiên và cuộc sống ngày hè với mọi sắc màu, đường nét, thanh âm giản dị nhưng vẫn căng tràn sự sống.
Hai câu thơ còn lại: Vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ
Ông ước mình có cây đàn của vua Ngu Thuấn để cầu mong cho “dân giàu đủ”.
Với việc mượn hình ảnh cây đàn của vua Ngu Thuấn để tự răn chính bản thân mình đã cho chúng ta thấy được tư tưởng, chí hướng cao cả của Nguyễn Trãi luôn khao khát đem tài trí để góp phần thực hiện tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân hết lòng vì cuộc sống no ấm của nhân dân.
3.3. Kết bài:
Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ: sử dụng thể thơ Đường luật, hình ảnh thơ độc đáo đã cho chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của bức tranh cảnh ngày hè. Đặc biệt, qua đó giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi – một tình yêu thiên nhiên sâu sắc, một tấm lòng trọn đời lo cho dân cho nước.
4. Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè:
Nguyễn Trãi là một đại thi hào của dân tộc Việt Nam. Thơ của ông mang đậm phong thái chững chạc khoan thai, một lòng yêu quê hương đất nước. Ông đã để lại cho đời, cho người rất nhiều tác phẩm mang lại giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc. Nếu như Bình Ngô đại cáo toát lên lòng nhiệt huyết và tự tôn dân tộc thì Cảnh ngày hè lại đưa chúng ta trở về với mảnh đất tâm hồn, tình yêu thiên nhiên của nhà thơ. Mà ở đó ta sẽ bắt gặp một bức tranh thiên nhiên mới mẻ, sinh động, giàu sức sống nội lực toát ra từ chính cảnh vật. Điều khiến bài thơ trở nên độc đáo là ở chỗ, bức hoạ khung cảnh ngày hè được hoà trộn bởi các đường nét mới lạ đương đại và giàu tính sống hoang sơ của cuộc sống thường nhật – điều rất hiếm hoi trong văn chương Việt Nam, cùng với chất liệu truyền thống của một mùa hè đã đi sâu vào tác phẩm, qua đó khiến tập thơ ghi lại dấu ấn riêng biệt của hồn thơ Nguyễn Trãi.
Mở đầu bài thơ tác giả Nguyễn Trãi đã đưa chúng ta hoà nhập với bức tranh thiên nhiên quen thuộc, nhưng cũng không kém phần rực rỡ:
“Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”
Nguyễn Trãi là một bậc công thần của dân tộc mang vác trên vai gánh nặng chính sự, quốc sự thì hình ảnh Nguyễn Trãi trong câu thơ đầu này quả thực mang lại cho chúng ta một chút mới mẻ và lạ lẫm. Hình ảnh “Rồi hóng mát thuở ngày trường” cho người đọc thấy một tâm thế khác của Nguyễn Trãi, ông phải chăng đã tạm gác việc triều chính, thế sự nhiễu nhương sang một bên, tạm lánh đục về trong, sống đời sống của một hiền nhân thanh cao không vướng bụi trần. Câu thơ mở đầu chỉ vỏn vẹn sáu chữ nhưng cho người đọc thấy rõ hoàn cảnh, thời gian, địa điểm và tâm trạng của nhà thơ. Trong khung cảnh đó tâm hồn của một người thi sĩ, tình yêu thiên nhiên trong thi nhân đã khiến những cảnh sắc thiên nhiên vốn thân thuộc, bình dị trở nên mơn mởn đầy sức sống. Dưới ngòi bút đầy tài năng của Nguyễn Trãi khung đã vẽ nên trước mắt chúng ta một khung cảnh thiên nhiên rực rỡ đầy màu sắc với màu vàng lung linh của nắng, màu đỏ rực rỡ của hoa lựu, màu hồng nhè nhẹ của hoa sen và màu xanh man mác của hoa hoè. Đến với thơ Nguyễn Trãi chúng ta lại một lần nữa bắt gặp sự mới lạ đến nao lòng người khi ông đưa tất cả những cảnh vật vô tri , những chi tiết của bức tranh thiên nhiên trở nên có hồn thông qua những động từ mạnh ” đùn đùn”, “phun”, “tiễn” làm cho bức tranh ấy tràn đầy sức sống, khiến cho người đọc cảm nhận được nhựa sống đang vươn lên trong vạn vật. Ở thơ trung đại ta thường thấy các thi nhân thường ưa vẻ đẹp của sự tĩnh lặng, cái thanh trong vị, và đạm trong sắc mà ít thấy sự rung chuyển mạnh mẽ, ấy vậy mà ở thơ Nguyễn Trãi ta được hoà nhập với sự sống phun trào, mãnh liệt từ chính những cảnh vật. Ở đó ta có thể nghe được từng chút từng chút sự chuyển động một cách tinh tế, nhẹ nhàng, mạch sống chảy qua từng kẽ lá, từng nhành cây, từng cảnh vật, từng hiện tượng thiên nhiên. Chắc hẳn Nguyễn Trãi phải có một tâm hồn yêu thiên nhiên da diết, rạo rực với niềm tin vào cuộc sống mới có thể cảm nhận một cách tinh tế, tỉ mỉ mới có thể cảm nhận thiên nhiên một cách rõ nét chân thực và nhạy bén đến vậy.
Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi không cao sang ước lệ mà vô cùng chân thực, giản dị, đời thường nhưng lại vô cùng cuốn hút, mang đậm từng hơi thở của cuộc sống:
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”.
Ở trên là bức tranh thiên nhiên hừng hực sức sống, còn bên dưới là khung cảnh cuộc sống giản dị, câu trên là gần gũi đời thường nhưng dưới đây lại có một chút lãng mạn truyền thống của văn chương cổ điển. Dưới ngòi bút của thi sĩ chúng ta không hề thấy một buổi chợ phiên tưng bừng, đông đúc, nhộn nhịp và vội vàng như thường ngày mà trong tấm tranh ấy chỉ thấy có cuộc sống giản dị, yên bình, náo nhiệt thông qua hai chữ “lao xao”. Chính sự gợi mở nhỏ nhoi từ câu thơ trên, mà bên dưới mong muốn của người quân tử, yêu nước thương dân ngày càng trở nên sâu đậm và rõ ràng hơn:
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”.
Điển tích đàn hoàng kiếm của nhà vua Nghiêu Thuấn là hình tượng cho cuộc sống nhân dân no ấm, thái bình thịnh trị. Từ đây ta có thể thấy được lòng nhà thơ Nguyễn Trãi là ông khát khao, kỳ vọng và mong mỏi nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không phải thông qua cảnh binh đao cày xới. Chính điều đó đã góp phần cho chúng ta hiểu biết thêm được về lòng Nguyễn Trãi, một nhà thơ lớn có một tấm lòng nhân
5. Nhận xét chung:
Bài thơ “Cảnh ngày hè” là bức tranh thiên nhiên và con người tuyệt đẹp, cũng là tấm chân dung tinh thần Nguyễn Trãi với tình cảm dành cho nước, cho dân. Ngoài ra, tập thơ cũng là biểu hiện về khả năng văn chương của Nguyễn Trãi với nhiều thủ pháp nghệ thuật đặc biệt như Việt hoá thơ Đường luật, sáng tác thơ chữ Nôm xen lục ngôn, sử dụng hình tượng, sắc màu, đường nét, âm thanh của phong cảnh thiên nhiên và đời sống của con người, kết hợp ngôn ngữ đơn giản tinh tế xen lẫn tiếng Hán cùng điển tích. Tất cả trở thành một kiệt tác hoàn mỹ cả hình thức nghệ thuật lẫn nội dung tư tưởng.