Quy luật giá trị là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng kinh tế chu kì, phân hóa giàu nghèo, những cuộc cạnh tranh không lành mạnh… Chính vì thế chúng ta cần nghiên cứu về quy luật giá trị, tìm hiểu vai trò và tác động của nó tới nền kinh tế, đặc biệt là trong thời kì phát triển nền kinh tế thị trường của nước ta hiện nay.
Mục lục bài viết
1. Lý luận chung về quy luật giá trị:
Quy luật giá trị là quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất hàng hóa vì nó quy định bản chất của sản xuất hàng hóa, là cơ sở của tất cả các quy luật khác của sản xuất hàng hóa.
1.1. Nội dung của quy luật giá trị:
Sn xuất và trao đổi hàng hóa dựa trên cơ sở giá trị của nó, tức là dựa trên hao phí lao động xã hội cần thiết.
* Biểu hiện nội dung quy luật giá trị trong sản xuất
+ Người thứ nhất có thời gian lao động cá biệt < thời gian lao động xã hội cần thiết, thực hiện tốt yêu cầu của quy luật giá trị, nên thu được lợi nhuận nhiều hơn lợi nhuận trung bình.
+ Người thứ hai có thời gian lao động cá biệt = thời gian lao động xã hội cần thiết, thực hiện đúng yêu cầu của quy luật giá trị, nên họ thu được lợi nhuận trung bình.
+ Người thứ ba có thời gian lao động cá biệt > thời gian lao động xã hội cần thiết, vi phạm yêu cầu của quy luật giá trị nên bị thua lỗ.
– Đối với tổng hàng hóa
+ Khi tổng thời gian lao động cá biệt = tổng thời gian lao động xã hội cần thiết, phù hợp với yêu cầu của quy luật giá trị, nên có tác dụng góp phần cân đối và ổn định thị trường.
+ Khi tổng thời gian lao động cá biệt > tổng thời gian lao động xã hội cần thiết, hoặc khi tổng thời gian lao động cá biệt < tổng thời gian lao động xã hội cần thiết, vi phạm quy luật giá trị nên dẫn đến hiện tượng thừa hoặc thiếu hàng hóa trên thị trường.
Kết luận: Trong sản xuất, tác động của quy luật giá trị buộc người sản xuất phải làm sao cho mức hao phí lao động cá biệt của mình phù hợp (≤) với mức hao phí lao động xã hội cần thiết có như vậy họ mới có thể tồn tại được.
1.2. Biểu hiện của nội dung quy luật giá trị trong lưu thông:
– Trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa, quy luật giá trị yêu cầu tất cả các hàng hóa tham gia lưu thông phải tuân thủ nguyên tắc trao đổi ngang giá.
Cần phải hiểu nguyên tắc ngang giá một cách biện chứng. Ngang giá không có nghĩa là giá cả cụ thể của từng loại hàng hóa phải luôn luôn ngang bằng với giá trị của nó. Ngang giá không phải là ngang bằng. Ngang giá hiểu theo nghĩa tổng giá cả bằng tổng giá trị.
– Quy luật giá trị hoạt động có biểu hiện là giá cả có thể tách rời giá trị của nó, “biên độ” của sự tách rời này tùy thuộc vào quan hệ cung – cầu hàng hóa và dịch vụ.
+ Khi cung > cầu à giá cả < giá trị
+ Khi cung < cầu à giá cả > giá trị
+ Khi cung = cầu à giá cả = giá trị
– Giá cả của một hàng hóa có thể cao hoặc thấp, nhưng bao giờ cũng xoay quanh trục giá trị hàng hóa.
2. Tác động của quy luật giá trị đối với nền kinh tế Việt Nam:
Quy luật giá trị gồm ba tác động lớn đó là: Điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa; Kích thích cải tiến kĩ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, lực lượng sản xuất xã hội phát triển nhanh; Thực hiện sự lựa chọn tự nhiên và phân hóa người sản xuất hàng hóa thành kẻ giàu người nghèo.
Đối với Việt Nam, tác động của quy luật giá trị được thể hiện như sau:
2.1. Tác động tới lực lượng sản xuất:
Những vật phẩm tiêu dùng cần thiết để bù vào sức lao động đã hao phí trong quá trình sản xuất, đều được sản xuất và tiêu thụ dưới hình thức hàng hóa và chịu sự tác động của quy luật giá trị.
Theo yêu cầu của quy luật giá trị thì trong sản xuất giá trị cá biệt của từng xí nghiệp phải phù hợp hoặc thấp hơn giá trị xã hội, do đó quy luật giá trị dùng làm cơ sở cho việc thực hiện chế độ hạch toán kinh tế trong sản xuất kinh doanh. Các cấp quản lý kinh tế cũng như các ngành sản xuất, các đơn vị sản xuất ở cơ sở, khi đặt kế hoạch hay thực hiện kế hoạch kinh tế đều phải tính đến giá thành, quan hệ cung cầu để định khối lượng, kết cấu hàng hóa.
Nâng cao tính cạnh tranh, năng động của nền kinh tế , kích thích cải tiến kỹ thuật , hợp lý hóa sản xuất .
Việc chuyển từ chế độ tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường thì cùng với đó là loại bỏ cơ chế xin cho, cấp phát, bảo hộ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp phải tự hạch toán, không bị ràng buộc quá đáng vào các chi tiêu sản xuất mà nhà nước đưa ra và phải tư nghiên cứu để tìm ra thị trường phù hợp với các sản phẩm của mình.
Mặt khác, trước bão táp của quá trình hội nhập, mỗi cá nhân, doanh nghiệp đều phải nâng cao sức cạnh tranh của mình để đứng vững. Sức cạnh tranh ở đây là sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, giữa các cá nhân trong nước với nhau, giữa các cá nhân trong nước với các cá nhân nước ngoài (cũng có thể coi đây là hệ quả tất yếu của của sự phát triển của lực lượng sản xuất)
Cạnh tranh gay gắt sẽ đưa đến một hệ quả tất yếu là làm cho nền kinh tế năng động lên. Trong cạnh tranh, mỗi người sẽ tự tìm cho mình một con đường đi mới trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao nhất . Họ sẽ không ngừng cải tiến khoa học kỹ thuật để giảm hao phí lao động cá biệt của mình cũng như nâng cao chất lượng của sản phẩm , dịch vụ nhằm giành lợi thế trong cạnh tranh . Nhờ vậy sẽ làm cho hàng hóa ngày càng đa dạng về mẫu mã, nhiều về số lượng, cao về chất lượng. Bởi vậy, sự đào thải của quy luật giá trị sẽ ngày càng làm cho sản phẩm hoàn thiện hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng .
2.2. Tác động tới lưu thông và sản xuất:
2.2.1. Hình thành giá cả:
Giá cả là hình thức biểu hiện bằng tiền của giá trị cho nên khi xác định giá cả phải đảm bảo khách quan là lấy giá trị làm cơ sở, phản ánh đầy đủ những hao phí về vật tư và lao động để sản xuất hàng hóa. Giá cả phải bù đắp chi phí sản xuất hợp lý đồng thời phải đảm bảo một mức lãi thích đáng để tái sản xuất mở rộng.
2.2.2. Điều tiết lưu thông hàng hóa thông suốt:
Trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, việc cung cấp hàng hóa cho thị trường được thực hiện một cách có kế hoạch. Hệ thống giá cả có ảnh hưởng nhất định đến sự lưu thông của một hàng hóa nào đó. Nơi nào có giá mua cao sẽ khơi thêm nguồn hàng, giá bán hạ sẽ đẩy mạnh việc tiêu thụ, và ngược lại .
2.2.3. Điều hòa phân bổ các yếu tố sản xuất giữa các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế:
Quy luật giá trị điều tiết sản xuất hàng hóa được thể hiện trong hai trường hợp sau:
+ Thứ nhất, nếu như một mặt hàng nào đó có giá cả cao hơn giá trị, hàng hóa bán chạy và lãi cao, những người sản xuất sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm tư liệu sản xuất và sức lao động. Mặt khác, những người sản xuất hàng hóa khác cũng có thể chuyển sang sản xuất mặt hàng này, do đó, tư liệu sản xuất và sức lao động ở ngành này tăng lên, quy mô sản xuất càng được mở rộng.
+ Thứ hai, nếu như một mặt hàng nào đó có giá cả thấp hơn giá trị, sẽ bị lỗ vốn. Tình hình đó buộc người sản xuất phải thu hẹp việc sản xuất mặt hàng này hoặc chuyển sang sản xuất mặt hàng khác, làm cho tư liệu sản xuất và sức lao động ở ngành này giảm đi, ở ngành khác lại có thể tăng lên.
Còn nếu như mặt hàng nào đó giá cả bằng giá trị thì người sản xuất có thể tiếp tục sản xuất mặt hàng này.
Như vậy, quy luật giá trị đã tự động điều tiết tỷ lệ phân chia tư liệu sản xuất và sức lao động vào các ngành sản xuất khác nhau, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
2.3. Thực hiện sự lựa chọn tự nhiên và phân hóa người lao động thành kẻ giàu, người nghèo:
Những người sản xuất hàng hóa nào có mức hao phí lao động cá biệt thấp hơn mức hao phí lao động xã hội cần thiết, khi bán hàng hóa theo mức hao phí lao động xã hội cần thiết (theo giá trị) sẽ thu được nhiều lãi , giàu lên, có thể mua sắm thêm tư liệu sản xuất, mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí thuê lao động trở thành ông chủ.
Ngược lại, những người sản xuất hàng hóa nào có mức hao phí lao động cá biệt lớn hơn mức hao phí lao động xã hội cần thiết, khi bán hàng hóa sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ, nghèo đi, thậm chí có thể phá sản, trở thành lao động làm thuê.
3. Tác động của quy luật giá trị đối với nền kinh tế Việt Nam qua 3 ví dụ thực tế:
Ví dụ 1:
Thủy hải sản từ lâu vốn là một món ăn được ưa chuộng không chỉ bởi người dân bản địa mà cả những du khách trong và ngoài nước . Rất nhiều khách du lịch đến với các bãi biển nổi tiếng Việt Nam như Sầm Sơn , Đồ Sơn , Nha Trang , Đà Nẵng bên cạnh mục đích chính là tận hưởng không khí mát mẻ vùng biển , còn để thưởng thức các loại hải sản tươi sống nơi đây . Nắm bắt được tâm lý đó vào ngày 26/6/1978, Tổng Công Ty Thủy Sản Việt Nam (SEAPRODEX) đã được thành lập với 21 đơn vị thành viên và 15 doanh nghiệp cổ phần, SEAPRODEX có một hệ thống sản xuất kinh doanh rộng khắp trên toàn quốc trong lĩnh vực chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản, dịch vụ tổng hợp , dầu ăn và nước mắm. Sản lượng chế biến của nhà máy đạt 6000 tấn/năm với những sản phẩm truyền thống và mở rộng như tôm, cua, ghẹ, cá biển , cá nước ngọt …. Các mặt hàng này phần lớn được đưa vào tiêu thụ ở các thành phố lớn không giáp biển trong nước như Hà Nội , Lào Cai , Bắc Ninh… Với giá cao hơn từ 20 đến 30%.
Tuy nhiên tới năm 2007, Việt Nam bị tác động mạnh bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu , các món thủy hải sản dần trở thành các món ăn xa xỉ đối với người dân tại các thành phố trong cả nước . Điều này làm ảnh hưởng nặng tới doanh số của công ty thủy sản Việt Nam . Nhận thức được vấn đề này , ban lãnh đạo công ty đã quyết định thu hẹp quy mô sản xuất chế biến hàng thủy sản mà thay vào đó, chuyển sang sản xuất dầu ăn và nước mắm , những mặt hàng thiết yếu đối với nhu cầu của người tiêu dùng trong thời kì khủng hoảng .
Phân tích:
– Ở vùng biển , hải sản có nhiều nên giá cả thấp bởi cung lớn hơn cầu , ngược lại ở vùng lục địa , hải sản vô cùng khan hiếm , cung nhỏ hơn cầu đồng nghĩa với việc giá cả cao hơn . Sự biến động của giá hải sản này có tác dụng thu hút luồng hàng từ vùng biển ( nơi giá cả thấp ) đến vùng lục địa ( nơi giá cả cao hơn ) mà dần dần dẫn tới sự thành lập của công ty thủy sản Việt Nam , một đơn vị thuộc nhà nước chịu trách nhiệm chính cung cấp các sản phẩm thủy hải sản cho các thành phố lớn trong cả nước .
Qua đó , ta thấy rõ được nội dung cũng như tính chất hình thành giá cả và đảm bảo nguồn hàng lưu thông của tác động điều tiết lưu thông hàng hóa – quy luật giá trị .
– Dưới tác động của khủng hoảng kinh tế , sức tiêu thụ hàng thủy sản của người dân giảm mạnh đồng nghĩa với việc cung vượt quá cầu , giá cả hàng hóa phải giảm xuống , hàng hóa bán không chạy và lỗ vốn là điều tất yếu . Tình hình ấy buộc công ty thủy sản Việt Nam phải thu hẹp quy mô sản xuất thủy hải sản để tập trung sức lao động tư liệu sản xuất vào sản xuất dầu ăn và nước mắm – ngành có giá cả hàng hóa ổn định hơn trong thời kỳ khủng hoảng .
Như vậy , ta thấy được ban lãnh đạo SEAPRODEX đã hiểu rõ được tác động điều tiết sản xuất của quy luật giá trị để áp dụng vào thực tế giúp cho công ty đứng vững trong thời kỳ khủng hoảng
Ví dụ 2:
Công ty thông tin di động (VMS) là Doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt nam (VNPT). Được thành lập vào ngày 16 tháng 04 năm 1993, VMS đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên khai thác dịch vụ thông tin di động GMS 900/1800 với thương hiệu MobiFone, đánh dấu cho sự khởi đầu của ngành thông tin di động Việt Nam. Lĩnh vực hoạt động của MobiFone là tổ chức thiết kế xây dựng, phát triển mạng lưới và triển khai cung cấp dịch vụ mới về thông tin di động .
Vào tháng 6 năm 1996 , Công ty Dịch vụ Viễn thông (GPC) là một công ty trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt nam (VNPT) hoạt động trong lĩnh vực thông tin di động, cung cấp các dịch vụ GSM, nhắn tin (Paging), điên thoại thẻ (Cardphone) với tên thương mại là Vinaphone được thành lập nhằm thực hiện luật chống độc quyền đối với dịch vụ viễn thông tại Việt Nam .
Mobifone và Vinaphone cho tới nay vẫn vững vàng ở những vị trí top đầu trong ngành công nghệ viễn thông tại Việt Nam , tuy nhiên để đạt được những thành công đó họ đã tự tạo cho mình những chiến lược kinh doanh đúng đắn hiệu quả mà động lực của nó chính là sự cạnh tranh khốc liệt của đối thủ .
Năm 2002 , cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet , dịch vụ truy cập internet trên điện thoại di động bắt đầu được nhen nhóm trên các nước phát triển . Vào đầu năm 2003 , sau khi nhận thấy cơ hội lớn này , Mobifone đã chớp thời cơ cho áp dụng ngay công nghệ mới , cung cấp dịch vụ GPRS , cho phép người sử dụng có thể truy cập vào internet ngay trên chiếc di động của mình . chính nhờ sự kiện này mà chỉ trong 2 năm số thuê bao di động của mobiphone tăng lên gấp đôi từ 2 triệu thuê bao đầu năm 2002 đến 4 triệu thuê bao vào năm 2004 . Thành công lớn của Mobifone gây ra sức ép nặng nề về doanh số cho Vinaphone tuy nhiên ngay sau đó ban lãnh đạo Vinaphone đã quyết định đáp trả khi đầu tư số tiền lớn để đem về công nghệ GPRS+ cải tiến với hệ thống định vị toàn cầu GPS , cho phép người sử dụng truy cập internet với tốc độ cao hơn và xác định vị trí qua vệ tinh . Điều này đã giúp Vinaphone lấy lại được niềm tin từ khách hàng đồng thời cải thiện đáng kể doanh số bán hàng của họ .
Trong những năm tiếp theo 2 đại gia ngành viễn thông vẫn có những cải tiến mạnh về công nghệ mà đáng lưu ý nhất là sự ra đời của công nghệ 3G tại Việt Nam . Bên cạnh đó không chỉ cạnh tranh về công nghệ , họ cũng tự đưa ra các chiến lược kinh doanh cho riêng mình . Vinaphone bắt đầu từ ngày 1/9/2009 đã đưa vào áp dụng gói cước talkez cung cấp dịch vụ di động giá rẻ cho đối tượng sinh viên học sinh các trường đại học , cao đẳng , trung cấp tại Việt Nam . Không chịu thua kém , Mobifone mới đây đã đưa ra gói cước Mobi365 , giảm cước hòa mạng cho công nhân tại các nhà máy , xí nghiệp trong cả nước .
Phân tích: Mobifone và Vinaphone đều là những chủ thể kinh tế độc lập , họ tự quyết định hoạt động sản xuất kinh doanh của mình . Để giành lợi thế trong cạnh tranh , họ phải liên tục tìm cách cải tiến máy móc khoa học kỹ thuật , cải tiến chất lượng dịch vụ , bên cạnh đó là các chiến lược kinh doanh hợp lý như các chương trình giảm giá , khuyến mại đặc biệt ….. Sự cạnh tranh quyết liệt càng thúc đẩy quá trình này diễn ra mạnh mẽ hơn mà kết quả là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin Việt Nam và lợi ích lớn cho người tiêu dùng . Qua ví dụ trên ta dễ dàng nhận thấy quy luật giá trị không những tác động mạnh mẽ vào vấn đề kích thích cải tiến kỹ thuật , hợp lý hóa sản xuất mà còn nâng cao tính cạnh tranh cũng như tính năng động trong nền kinh tế Việt Nam .
Ví dụ 3:
Ông Trương Gia Bình là người Hà Nội, con trai của bác sĩ Trương Gia Thọ , từ lâu ông đã nổi tiếng là 1 trong những doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam . Xuất thân là con nhà trí thức , ông được học tập tại nhiều nước trên thế giới tích lũy được nhiều kiến thức về kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia , tới năm 1991 ông đã trở thành phó giáo sư , trưởng khoa quản trị kinh doanh của đại học quốc gia Hà Nội . Với nền tảng vững chắc , ông Bình đã thành lập công ty cổ phần đầu tư và phát triển FPT , chuyên cung cấp các dịch vụ lien quan đến công nghệ thông tin . Với các kiến thức được trang bị tốt và điều kiện sản xuất thuận lợi , ông đã đưa ra các chiến lược kinh doanh đúng đắn như bắt tay với các tập đoàn lớn trên thế giới như IBM , Microsoft để trở thành nhà phân phối chính thức tại Việt Nam . Qua đó ngày một mở rộng quy mô của tập đoàn FPT , và cho tới năm 2008 FPT đã được công nhận là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam và là doanh nghiệp lớn thứ 14 trên cả nước . Ông Trương Gia Bình cũng có mặt trong top 10 người giàu nhất Việt Nam .
Cùng thời với ông Trương Gia Bình có thể kể tới ông Xuân Hòa , người sang lập ra công ty phần mềm Việt Nam ( VietNam software ) . Công ty thành lập vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế châu á cho nên ngay sau khi thành lập , công ty đã gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn cổ phần , thêm vào đó ông Hòa chưa có con mắt nhìn đúng đắn trong các chiến lược kinh doanh . Công ty làm ăn thua lỗ nặng nề , số vốn ban đầu đã được huy động hết để trả nợ , cuối cùng ông Hòa đã phải bán lại công ty của mình cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp là tập đoàn FPT , trở thành kẻ tay trắng .
Phân tích : Qua ví dụ trên ta dễ dàng nhận ra tác động chọn lọc tự nhiên và phân hóa giàu nghèo của quy luật giá trị . Ông Trương Gia Bình hội đủ 3 yếu tố điều kiện sản xuất thuận lợi , trình độ kiên thức cao , trang bị kỹ thuật tốt nhờ đó nhanh chóng phát tài , mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh . Ngược lại , ông Hòa tuy cũng có trang bị kỹ thuật cần thiết cho sản xuất nhưng lại thiếu mất yếu tố điều kiện sản xuất thuận lợi và trình độ kiến thức còn chưa cao , nên chắc chắn sẽ dẫn tới làm ăn thua lỗ , phá sản trở thành nghèo khó .
Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển biến sâu sắc từ nền kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Sự đổi mới tư duy kinh tế của Đảng và nhà nước ta thể hiện trong các chính sách và cơ chế quản lý kinh tế đã phát huy được những động lực to lớn của nền kinh tế mới đối với sự phát triển của đất nước.
Thực tế những năm qua đã chứng tỏ rằng quy luật giá trị với những biểu hiện của nó như giá cả, tiền tệ, giá trị hàng hóa…là lĩnh vực tác động hết sức nhanh nhạy và lớn lao tới đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức đúng đắn về vấn đề này và đã thực hiện nhiều cuộc cải cách kinh tế tuân theo những nội dung của quy luật giá trị nhằm hình thành và phát triển một nền kinh tế hàng hóa xã hội chủ nghĩa đa dạng và đã đạt được những hiệu quả nhất định.
Nói chung quá trình phát triển kinh tế là một quá trình lâu dài, đòi hỏi gắt gao việc áp dụng đúng các quy luật kinh tế. Trong thời gian qua, tuy đôi lúc sự vận dụng đó của nước ta còn chưa quán triệt, nhiều khi là sự quẩn quanh, dập khuôn nhưng bên cạnh đó ta cũng đã đạt được những tiến bộ nhất định mà nếu tiếp tục phát huy thì trong tương lai không xa chúng ta sẽ có một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phát triển và thịnh vượng.
Trên đây là toàn bộ bài làm của nhóm chúng em với đề tài “Phân tích 3 tình huống trong thực tế để làm rõ tác động của quy luật giá trị trong nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay.”