Phân tích 10 câu cuối bài Vội Vàng, chúng ta không chỉ học được những tài năng nghệ thuật của Xuân Diệu mà còn thấm thía, xúc động trước tình yêu cuộc sống, tình yêu thiên nhiên, tình con người mãnh liệt nhất của tác giả. Sự thôi thúc mãnh liệt của tác giả, giúp chúng ta thấy được luôn cần phải hết mình, hết lòng với cuộc sống tươi đẹp này.
Mục lục bài viết
1. Phân tích đề bài
Dạng bài phân tích một đoạn thơ về nội dung, nghệ thuật mười câu thơ cuối cuả bài thơ Vội vàng.
– Phạm vi dẫn chứng, tư liệu tham khảo: các căn cứ, hình ảnh, chi tiết,…ở mười câu thơ cuối bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.
2. Luận điểm của bài Phân tích 10 câu cuối bài Vội vàng của Xuân Diệu:
– Luận điểm 1: Bức tranh thiên nhiên lại được tái hiện một lần nữa qua ngòi bút độc đáo của nhà thơ Xuân Diệu.
– Luận điểm 2: Những cảm nhận của tác giả lần lượt qua các giác quan của cơ thể.
– Luận điểm 3: Những lẽ sống, quan niệm sống của nhà thơ Xuân Diệu.
3. Dàn ý bài Phân tích 10 câu cuối bài Vội vàng của Xuân Diệu:
3.1. Mở bài:
Giới thiệu vấn đề cần phân tích: mười câu thơ cuối của bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.
3.2. Thân bài:
phân tích mười câu thơ cuối bài thơ Vội vàng
* Bức tranh thiên nhiên được tác giả tái hiện lên một lần nữa
– “Mau đi thôi”: Câu cảm thán thể hiện được sự tận hưởng thiên nhiên, tận hưởng cuộc sống và tận hưởng thời gian của tác giả Xuân Diệu.
– Thể hiện đậm nét được khát vọng sống mãnh liệt cũng như khát vọng được yêu thương cuả tác giả Xuân Diệu.
* Sự cảm nhận qua các giác quan của cơ thể của tác giả Xuân Diệu
– Tác giả đã liệt kê một loạt các hình ảnh thiên nhiên: mây, gió, nước, bướm,…
– Xuân Diệu đã có những cảm nhận đầy tinh tế về cuộc sống và thiên nhiên thông qua thị giác, khứu giác, thính giác,…
- Cảm giác mơn trớn của thiên nhiên được cảm nhận qua thị giác.
- Cảm nhận được mùi hương đẹp đẽ của thiên nhiên được cảm nhận qua khứu giác.
- Thính giác cảm nhận được âm thanh đẹp đẽ của thiên nhiên.
- Tác giả với một tình yêu cuồng nhiệt, mạnh mẽ, mãnh liệt.
* Tuyên ngôn của tác giả Xuân Diệu về lẽ sống, quan niệm sống
– Mùa xuân là cuộc đời đẹp nhất, tuổi trẻ là lúc đẹp nhất của đời người, tình yêu là sự đẹp nhất của tuổi trẻ, vì vậy mỗi con người cần trân trọng, tận hưởng những giây phút đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ, của cuộc đời.
– Mỗi người ohải biết tận hưởng vẻ đẹp cuộc đời và hãy cố sống hết mình với cuộc sống hôm nay, hãy luôn nhiệt huyết, chân thành và thiết tha với cuộc đời bởi ai cũng chỉ được sống một lần. Hãy sống sao để không sống hoài, sống phí những tháng ngày tuyệt vời của cuộc đời.
3.3. Kết bài:
– Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của mười câu thơ cuối Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu.
4. Phân tích 10 câu cuối bài Vội vàng của Xuân Diệu siêu hay:
Xuân Diệu- một cái tên không hề xa lạ tiêu biểu trong nền thơ ca Việt Nam. Ông là ” nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” với một hồn thơ luôn mang màu sắc tươi mới, tràn đầy sức sống và chứa đựng khát khao mãnh liệt được tận hưởng cuộc đời, được đắm mình vào tuổi trẻ, vào cuộc đời. Lòng yêu mãnh liệt với cái đẹp và với cuộc đời của Xuân diệu được thể hiện mạnh mẽ, sâu sắc qua trong bài thơ “Vội vàng”. Đặc biệt là mười câu thơ của tác phẩm, khát vọng mãnh liệt ấy càng được thể hiện một cách rõ nét, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với mỗi độc giả qua từng thế hệ.
Mở đầu đoạn thơ là lời thúc giục gấp gáp “mau đi thôi” đầy vội vã, đầy hối hả của tác giả Xuân Diệu
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Nếu ở khổ thơ thứ nhất tác giả sử dụng ngôi thứ nhất với danh xưng “Tôi” , thì ở khổ thơ này tác giả lại sử dụng đại từ nhân xưng “ta”. Đây là một cách chuyển ngôi đầy ý nghĩa với sự đồng điệu giữa những tâm hồn. Cái ta bao giờ cũng rộng hơn cái tôi. Nếu cái tôi mang tính cá nhân, độc lập thì cái ta lại mang tính toàn diện, là cái bao hàm cái tôi và là cái chung của một cộng đồng, một xã hội. Ta ở đây là tất cả mọi người, tất cả chúng ta hãy nhanh lên nào, mỗi ngày trôi qua rất nhanh, đừng lãng phí thời gian, đừng để hoài phí tuổi trẻ, mỗi người cần phải gấp gáp vội vàng, cần nhanh hơn, vội vã hơn để có thể tận hưởng những phút giây hạnh phúc nhất của cuộc đời mỗi người.
Ngay lúc này đây, ta- tác giả- tất cả mọi người muốn được ôm vào mình tất cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn. Mùa xuân- mùa của sự hồi sinh, mùa của sự đâm chồi nảy lộc đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Lúc này đây cũng chính là khoảng thời gian đua nhau khoe sắc, toả hương của cây cỏ, hoa lá. Tất cả mọi thứ của đất trời trong mắt tác giả lúc này đây đều như căng tràn sự sống, tràn đầy tươi mới, tràn đầy sức sống. Chính sự căng tràn sự sống này thôi thúc tác giả muốn ôm tất cả, dù cho sự sống ấy vô cùng to lớn, lớn lao nhưng Xuân Diệu vẫn muốn giữ cho riêng mình. Nói một cách chính xác hơn, Xuân Diệu đang muốn được đắm mình vào từng giây phủ cyar sự sống, của sự tươi mới, mơn mởn và của hạnh phúc căng tràn.
Sang bốn câu thơ tiếp theo, nhịp điệu thơ càng ngày càng gấp gáp, dồn dập hơn, qua đó thể hiện một ước muốn mãnh liệt của tác giả:
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Tác giả đã sử dụng nhiều những động từ mãnh như “riết, say, thâu”. Qua đó thể hiện một khao khát mãnh liệt về sự sống, về ước vọng sống trọn vẹn từng giây phút. Từ đây, người đọc cũng có thể cảm nhận được hiện lên trước mắt là một bức tranh thiên nhiên mùa xuân mới đầy tươi đẹp, đầy sức sống. Bức tranh ấy có mây gió,có cánh bướm, có non nước, có cỏ cây, có mọi thứ tưoi mới của thiên nhiên tươi đẹp. Đây là một bức tranh với đầy đủ cảnh vật mùa xuân và đan xen trong đó là tình yêu và những nụ hôn ngọt ngào. Có thể nói, Xuân Diệu đã hoạ lên một bức tranh mùa xuân vừa trọn vẹn, tuyệt sắc, tươi mới, vừa có hơi thở của thiên nhiên mùa xuân, vừa có hơi thở của tình yêu. Bởi ông xuất phát từ một chân lí: Tình yêu và mùa xuân là hai yếu tố đẹp tuyệt vời mang lại cho con người ta cảm giác hạnh phúc, mãn nguyện.
Đặc biệt trong những câu thơ cuối, Xuân Diệu càng khẳng định được những khát vọng và ước nguyện của ông về một mùa xuân lý tưởng:
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Có thể nói, những câu thơ cuối chính là kết quả tất yếu của sự khát khao sống vội vàng xuyên suốt bài thơ. Đến cuối cùng, mục đích của Xuân Diệu chỉ là muốn được đắm mình, tận hương cuộc sống chếnh choáng đến no nê, đến say mê thoả mãn lòng người.Đối diện với sự mơn mởn của mùa xuân, Xuân Diệu nhận ra mình chỉ có cách sống hết mình với cuộc sống này thì mình mới có thể thấy được cuộc sống này tươi đẹp làm sao, thấy được sự muôn màu muôn vẻ mà cuộc đời bộc lộ. Phải sống hết mình với đam mê thì ta mới biết rằng cuộc sóng này đáng sống và từ đó mới có động lực để sống không uổng phí từng phút giây. Chúng ta còn trẻ , vì vậy hãy sống hết mình, hãy tận hưởng hết mình để cuộc đời trọn vẹn đến giây phút cuối cùng.
Chính khao khát mãnh liệt ấy đã thôi thúc, khiến tác giả phải thốt lên rằng: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”. Từ “xuân hồng” đã tạo nên cảm giác rất thắm và mềm mại tràn đầy sự sống. Xuân hồng ở đây chính là mùa xuân- một mùa xuân ở độ chín nhất, hồng nhất, mang đậm những khát vọng của tuổi trẻ cùng những khát khao sống mãnh liệt, mạnh mẽ. Dưới những cả xúc tinh tế, Xuân Diệu nhận ra vẻ đẹp tuyệt vời của mùa xuân- một mùa xuân đẹp đến nỗi mà tác giả chỉ muốn cắn vào, hay chính xác hơn là muốn đắm mình một cách tuyệt đối vào sự ngọt ngào, chín rộ ấy. Xuân Diệu chỉ muốn đắm mình vào tận hưởng những giây phút hạnh phúc tuyệt vời của xuân hồng. Cảm xúc được cụ thể hóa bằng hành động cũng là điều hợp lí trong trái tim của nhà thơ đang yêu điên cuồng. Có lẽ trong các bài thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng thì đây là những vần thơ mang hồn Xuân Diệu nhất.
Có thể nói bài thơ nói riêng và đoạn thơ nói chung là những quan niệm sống đầy mới mẻ và táo bạo của Xuân Diệu mà mà trước đây chưa từng có. Đắm mình vào tác phẩm “Vội Vàng” Xuân Diệu, người đọc học được cách biết yêu và biết tận hưởng những vẻ đẹp của cuộc sống ban tặng. Dưới từng vần thơ, Xuân Diệu đã bộc lộ một cái tôi tràn đầy khao khát được sống, được tận hưởng một cách cuồng nhiệt nhất, mãnh liệt nhất trước những thanh sắc của cuộc đời. Người thi sĩ lúc này như muốn được giang rộng cả đôi tay, cả lồng ngực của mình để đón nhận, để ôm lấy, để hoà mình vào mùa xuân của tình yêu, mùa xuân của tuổi trẻ. Với tất cả những gì thể hiện ở trên, Xuân Diệu quả thực xứng đáng với danh: “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”.
Gấp trang sách lại, người đọc vẫn thấy mạch đời đập trên trang sách như mạch máu đạp dưới làn da. Có lẽ đến nhiều thế hệ sau, Vội vàng của Xuân Diệu vẫn sẽ là một tác phẩm hay, khiến người đọc thổn thức nhận ra sứ mệnh sống và trân trọng những gì mà cuộc đời ban tặng cho chúng ta.
5. Giá trị nội dung, nghệ thuật của Vội vàng:
– Bài thơ là lời thúc giụ, giục giã về một lẽ sống mãnh liệt, sống hết mình, trân trọng từng phút, từng giây của cuộc đời mình nhất là những năm tháng tuổi trẻ của một hồn thơ yêu đời ham sống đến cuồng nhiệt-Xuân Diệu.
– Nghệ thuật: sự kết hợp nhuần nhuyễn, độc đáo giữa mạch cảm xúc và mạch lí luận cùng một giọng điệu say mê, sôi nổi với những sáng tạo mới lạ, độc đáo, tinh tế của tác giả về ngôn từ và hình ảnh thơ đẹp đến mức nao lòng người.