Phân tầng xã hội là gì? Đặc điểm của phân tầng xã hội. Các dạng của phân tầng xã hội. Nguyên nhân của sự phân tầng xã hội. Tình trạng phân tầng xã hội của Việt Nam qua các thời kỳ.
Hiện nay, vấn đề nổi trội được nhiều người cũng như các ban, ngành trong xã hội quan tâm đó là sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội. Vậy phân tầng xã hội được hiểu là gì? Phân tầng xã hội ở Việt Nam qua các thời kỳ như thế nào. Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Phân tầng xã hội là gì?
Khái niệm phân tầng xã hội được định nghĩa thông qua nhiều quan điểm. Có thể kể đến một số quan điểm như:
Theo P. A. Solokhin nhà xã hội học người Mỹ gốc Nga coi phân tầng xã hội là sự phân hóa của tổng thể các cá nhân thành những giai cấp trong thang bậc của đẳng cấp. Trong đó sự phân tầng rõ nhất trong sự tồn tại của tầng lớp cao nhất và tầng lớp thấp nhất.
Hay quan điểm của Tony Bilton cho rằng phân tầng xã hội được hiểu là một cơ cấu bất bình đẳng ổn định giữa các nhóm xã hội và được duy trì bền vững qua các thế hệ. Đồng thời ông cũng chỉ ra những điều kiện dẫn đến sự phân phối lợi ích không đồng đều giữa các thành viên hay nhóm xã hội, đó là những cơ hội trong cuộc sống, là địa vị xã hội và sự ảnh hưởng chính trị.
Tiếp theo, với John J. Macionis nhận định phân tầng xã hội là đặc điểm xã hội, không phải đơn thuần là đặc điểm của cá nhân. Phân tầng xã hội là hệ thống rộng khắp xã hội phân bổ không đều tài nguyên xã hội trong các nhóm người.
Thông qua các quan điểm trên, rút ra có thể hiểu phân tầng xã hội là sự phân chia, sắp xếp và từ đó hình thành cấu trúc các tầng xã hội, trong đó thể hiện rõ sự khác nhau về địa vị kinh tế, địa chị chính trị, quyền lực, hay địa vị xã hội, uy tín trong xã hội; bên cạnh đó cũng thể hiện thông qua sự phân tầng ở trình độ học vấn, cấp trình độ nghề nghiệp, phong cách sinh hoạt hay ngoại hình biểu hiện ở cách ăn mặc, nơi cư trú, nhà ở,…
2. Đặc điểm của phân tầng xã hội:
Thứ nhất, phân tầng xã hội không phải là cấu trúc cố định, bất biến mà luôn có sự thay đổi, biến động.
Tùy thuộc vào sự tác động của các chính sách xã hội, các thể chế chính trị hay đặc điểm cộng đồng, tính cơ động xã hội nên giữa các tầng xã hội có thể thu hẹp lại khoảng cách hay dãn ra.
Thứ hai, phân tầng xã hội mang tính phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Bất kể quốc gia nào cũng có sự phân cấp tầng lớp.
Thứ ba, phân tầng xã hội mang tính lịch sử, theo các thể chế chính trị khác nhau; được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thứ tư, phân tầng xã hội thể hiện thông qua nhiều yếu tố như kinh tế, địa vị xã hội, chính trị, học vấn.
3. Các dạng của phân tầng xã hội:
* Dựa theo phạm vi di động của xã hội, phân tầng xã hội phân thành hai dạng là phân tầng đóng và phân tầng mở:
– Phân tầng xã hội mở:
Đặc điểm của phân tầng xã hội mở là ranh giới giữa các tầng lớp đơn giản, không chặt chẽ. Cá nhân có thể di chuyển từ vị trí này qua vị trí khác, từ tầng lớp này sang tầng lớp khác một cách dễ dàng.
– Phân tầng xã hội đóng:
Đặc điểm của phân tầng xã hội đóng hay còn gọi là phân tầng đẳng cấp, theo đó ranh giới giữa các tầng lớp chặt chẽ hơn, không đơn giản như phân tầng xã hội mở. Cá nhân ở vị trí nào thì rất khó có thể thay đổi sang vị trí mới. Khi ở phân tầng xã hội đóng này cũng có tiêu cực bởi có thể chậm phát triển, bảo thủ.
* Dựa theo sự phát triển xã hội phân chia thành phân tầng xã hội hợp thức và phân tầng xã hội không hợp thức:
– Phân tầng xã hội hợp thức:
Đặc điểm của phân tầng xã hội hợp thức là ở một cấu trúc tầng bậc cao, thấp, có sự khác biệt về năng lực, trí tuệ, thể chất; đức và tài; sự cống hiến của cá nhân trong đời sống xã hội. Theo đó, những cá nhân nào có tài có đức và có đóng góp nhiều cho xã hội thì khả năng được xếp vào vị trí cao trong xã hội như quản lý,… và bên cạnh đó sẽ được mọi người tôn trọng. Tiếp theo, những ai có sự đóng góp ở mức trung bình sẽ được xếp sau, và cứ như vậy, sắp xếp dần dựa trên sự cống hiến, đóng góp của bản thân.
Phân tầng xã hội hợp thức phản ánh sự không ngang bằng giữa các thành viên trong xã hội. Cụ thể sự không ngang bằng biểu hiện thông qua các yếu tố như địa vị kinh tế; địa vị xã hội; địa vị chính trị.
Phân tầng xã hội hợp thức được hiểu là việc phân tầng hình thành nên không phải là do các thủ đoạn của cá nhân, gian đối, làm ăn phi pháp,… tạo nên.
– Phân tầng xã hội không hợp thức:
Đặc điểm tạo nên sự phân tầng xã hội không hợp thức là do những hành vi vi phạm pháp luật như lừa gạt, tham ô, tham nhũng, buôn bán phi pháp;… hay dùng sự thảo mai, xu nịnh… để vươn lên đứng trong các vị trí trong xã hội. Điều này hoàn toàn đối lập với phân tầng xã hội hợp thức là dựa trên những sự khác biệt tự nhiên của mỗi cá nhân.
Một điều hiển nhiên trong phân tầng xã hội không hợp thức là những người vô dụng do thực hiện hành vi chiếm đoạt, lừa gạt mà có nhiều của cải sẽ được ở những vị trí cao. Còn lại, những ai có đạo đức, sống lương thiện thì lại bị chà đạp bở những kẻ vô đạo đức, khi đó chỉ có thể chịu đựng những bất công, thiệt thòi.
Như vậy, có thể hiểu bản chất của phân tầng xã hội không hợp thức là sự bất công xã hội. Và nhưng vậy, sẽ tạo nên một môi trường kìm hãm sự phát triển của xã hội; thui chột đi những sáng tạo của những cá nhân có tiềm năng phát triển; đồng thời tạo ra môi trường không văn minh, dẫn đến sự gia tăng của các tệ nạn xã hội.
4. Nguyên nhân của sự phân tầng xã hội:
Thứ nhất, dẫn đến tình trạng phân tầng xã hội trước hết là do chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, hình thành nên các giai cấp cũng như dẫn đến sự xung đột giai cấp từ đó đã tạo điều kiện thúc đẩy quá trình phân tầng xã hội.
Thứ hai, xuất phát từ các hiện tượng bất bình đẳng trong đời sống xã hội. Sự bất bình đẳng này xuất hiện từ các giai đoạn, chế độ trước, ví dụ như sự phân biệt về tư liệu sản xuất…
Thứ ba, xuất phát từ quá trình phân công lao động xã hội, điều này dẫn đến việc phân công xã hội một cách tự nhiên.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, còn có nhiều nguyên nhân từ các yếu tố chủ quan khác dẫn đến sự phân tầng xã hội. Ví dụ như sự lạm dụng, thao túng quyền lực…
5. Tình trạng phân tầng xã hội của Việt Nam qua các thời kỳ:
Trong thời kỳ phong kiến trước đây: phân tầng xã hội diễn ra rất rõ nét, trong đó có các bậc vua chúa, quan lại có nhiều tài sản, của cải; còn lại là những người nông dân chân yếu tay mềm, thấp cổ bé họng.
Tiếp theo, từ năm 1954 đến trước năm 1986 là thời kỳ đổi mới, miền Bắc và sau đó là cả nước (sau năm 1975) chúng ta đã nhanh chóng xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất trên phạm vi toàn xã hội. Tuy nhiên, vẫn tồn tại chế độ quan liêu bao cấp.
Từ thời kỳ đổi mới, xã hội xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phân tầng xã hội bộc lộ ngày một rõ nét, sự phân hóa giàu nghèo có xu hướng gia tăng.
Phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra rất phổ biến và đậm nét. Phân tầng xã hội vừa mang tính tích cực và tiêu cực. Trong đó, mặt tích cực thể hiện ở yếu tố thúc đẩy tính năng động xã hội của mỗi cá nhân hay tập thể, từ đó tác động cho họ có sự ganh đua và cố gắng làm giàu một cách chính đáng để nâng cao thu nhập, mức sống.
Mặt tiêu cực của sự phân tầng xã hội đó là sự phân hóa giàu nghèo, chênh lệch mức độ sống rõ nét khiến cho tình trạng xã hội bị kéo xuống, tệ nạn xã hội gia tăng. Phần lớn những hộ nghèo đông con, tình trạng thiếu việc làm gia tăng, thiếu đất sản xuất, canh tác và rồi sẽ bị cơ chế thị trường đào thải.
Sự phân tầng xã hội cũng xuất phát từ việc làm ăn phi pháp của một số đối tượng, nhiều cá nhân vì lợi ích vật chất mà bất chấp đạo đức, pháp luật để lừa đảo, buôn lậu,… Không chỉ vậy, trong bộ máy nhà nước, một bộ phận cán bộ, công chức có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống đang dựa vào vị thế và quyền lực được giao để tham nhũng, thu lợi bất chính cho bản thân. Những hiện tượng tiêu cực đó đã làm gia tăng sự phân tầng xã hội một cách không bình thường, gây ra bất bình đẳng trong xã hội.
Từ những điều tiêu cực trên, Nhà nước cần có những cơ chế phù hợp để loại bỏ những điều bất công, bất bình đẳng trong xã hội; phát huy những cái tích cực để đảm bảo cho một môi trường văn minh, công bằng. Cụ thể như:
Tập trung đào tạo, nâng cao phát triển những cá nhân ưu tú có trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý và sản xuất, kinh doanh giỏi.
Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để thu hút cũng như sắp xếp các tầng lớp cá nhân hay nhóm người để phát huy tốt nhất tiềm năng trí tuệ và nguồn lực con người.