Đông Nam Á là khu vực giữ vai trò biệt trên con đường buôn bán Đông – Tây, nơi gặp gỡ, giao thoa của các nền văn hoá lớn trên thế giới. Khu vực Đông Nam Á gồm hai khu vực chính là phần lục địa còn được gọi là bán đảo Trung Ấn và phần hải đảo được gọi là Đông Nam Á hải đảo. Bài viết dưới đây tập trung tìm hiểu về phần đất liền của Đông Nam Á.
Mục lục bài viết
- 1 1. Giới thiệu chung về vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ Đông Nam Á:
- 2 2. Phần đất liền của khu vực Đông Nam Á mang tên là gì?
- 3 3. Đặc điểm tự nhiên của Đông Nam Á đất liền:
- 4 4. Về dân cư, xã hội Đông Nam Á đất liền
- 5 5. Đặc điểm kinh tế các nước Đông Nam Á đất liền:
- 6 6. Các nước Đông Nam Á lục địa:
1. Giới thiệu chung về vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ Đông Nam Á:
– Đông Nam Á là khu vực nằm ở phía Đông Nam của châu Á và trong khu vực nội chí tuyến. Đông Nam Á là nơi tiếp giáp giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có vị trí cầu nối giữa lục địa Á – Âu với lục địa Ô-xtrây-li-a.
+ Điểm cực Bắc thuộc Mi-an-ma.
+ Điểm cực Nam thuộc In-đo-ne-si-a.
+ Điểm cực Tây thuộc Mi-an-ma.
+ Điểm cực Đông thuộc In-đo-ne-si-a.
– Đông Nam Á có hệ thống bán đảo, đảo, quần đảo xen giữa biển rất phức tạp.
– Diện tích: 4,5 triệu km2.
– Địa giới hành chính gồm 11 quốc gia: Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapo, Thái Lan, Mianma, Malaysia, Indonexia, Philippin, Brunay, Đông timo.
2. Phần đất liền của khu vực Đông Nam Á mang tên là gì?
Đông Nam Á có thể chia ra thành 2 bộ phận dựa vào hình thái lãnh thổ: phần đất liền và phần hải đảo.
Phần đất liền của khu vực Đông Nam Á có tên là bán đảo Trung Ấn vì phần này nằm giữa lãnh thổ Trung Quốc và Ấn Độ. Bao gồm các nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma.
Phần hải đảo có tên chung là quần đảo Mã Lai với trên một vạn đảo lớn nhỏ.
3. Đặc điểm tự nhiên của Đông Nam Á đất liền:
Địa hình: bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam hoặc Bắc – Nam nối tiếp dãy Himalaya, bao quanh những khối cao nguyên thấp, xen giữa núi là các thung lũng rộng, ven biển, hạ lưu các sông có đồng bằng phù sa màu mỡ, rộng nhất là đồng bằng sông Mekong. Ngoài ra còn có đồng bằng Irrawaddy của Myanma.
Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa:
– Gió mùa mùa hạ (hướng Tây Nam) nóng ẩm. Kết hợp cùng áp thấp nhiệt đới cùng những biến đổi khí hậu nên nhiều trận mưa lớn kéo dài, xuất hiện nhiều cơn bão.
– Gió mùa mùa đông (hướng Đông Bắc) khô và lạnh. Gây ra mùa đông lạnh ở phía Bắc Việt Nam và Mianma.
Sông ngòi: Dày đặc, nhiều sông lớn, nguồn nước khá dồi dào, chế độ nước theo mùa. Một số con sông lớn: Sông Mekong, sông Hồng, Sông Thanlwin… Hướng chính của các con sông theo hướng địa hình (Tây Bắc – Đông Nam hoặc Bắc – Nam).
– Khoáng sản nhiều than đá, dầu mỏ, sắt, thiếc… trong đó Việt Nam, Thái Lan là 2 nước có trữ lượng than lớn nhất thuộc Đông Nam Á đất liền.
– Cảnh quan rừng nhiệt đới ẩm thường xanh chiếm ưu thế, một số nơi có rừng thưa khô rụng lá.
Thuận lợi:
– Phát triển nông nghiệp nhiệt đới.
– Phát triển kinh tế biển (trừ Lào).
– Nhiều khoáng sản, thuận lợi phát triển công nghiệp.
– Nhiều rừng, tạo điều kiện phát triển lâm nghiệp.
– Phát triển du lịch.
Khó khăn
– Thiên tai: bão, lũ lụt xảy ra thường xuyên, ngoài ra còn có động đất.
– Suy giảm rừng, xói mòn đất…
4. Về dân cư, xã hội Đông Nam Á đất liền
Về dân cư:
– Dân số tập trung đông đúc, làng mạc trù phú
– Tỉ suất gia tăng tự nhiên còn cao nhưng đang suy giảm.
– Dân số trẻ, số dân trong độ tuổi lao động cao → Nguồn lao động tuy dồi dào nhưng trình độ còn hạn chế → Ảnh hưởng tới vấn đề việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
– Phân bố dân cư không đều: tập trung ở đồng bằng, ven biển, vùng đất đỏ.
Xã hội:
– Các quốc gia có nhiều dân tộc
– Một số dân tộc phân bố rộng → ảnh hưởng quản lí, xã hội, chính trị.
– Là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa và tôn giáo lớn.
– Phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa có nhiều nét tương đồng.
5. Đặc điểm kinh tế các nước Đông Nam Á đất liền:
Các nước Đông Nam Á đất liền đều là các nước đang phát triển, đang trong quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa nên có sự chuyển biến tỉ trọng trong cơ cấu nền kinh tế: giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Nông nghiệp:
Nền nông nghiệp nhiệt đới, giữ vai trò quan trọng.
– Cây lương thực chính là lúa nước với sản lượng lớn, không ngừng tăng. Trong đó, Thái Lan và Việt Nam là những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất trên thế giới.
– Các cây công nghiệp chính: cao su, cà phê, hồ tiêu… chủ yếu để xuất khẩu.
– Chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản: chăn nuôi số lượng nhiều nhưng chưa thành ngành chính: trâu, bò, lợn, gia cầm; ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản là ngành truyền thống và đang phát triển.
Công nghiệp:
– Phát triển theo hướng tăng cường liên doanh, liên kết với nước ngoài, hiện đại hóa thiết bị, chuyển giao công nghệ và đào tạo kĩ thuật cho người lao động, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu → nhằm tích lũy vốn, công nghệ và phát triển thị trường.
– Các ngành phát triển mạnh: Sản xuất và lắp ráp ô tô, thiết bị điện tử; Khai thác khoáng sản kim loại, dầu khí, than…; Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm… phục vụ xuất khẩu.
Dịch vụ:
– Giao thông vận tải được mở rộng và tăng thêm.
– Thông tin liên lạc cải thiện và nâng cấp.
– Hệ thống ngân hàng và tín dụng được phát triển và hiện đại.
→ Phục vụ đời sống, nhu cầu phát triển trong nước và thu hút các nhà đầu tư.
6. Các nước Đông Nam Á lục địa:
Việt Nam
Việt Nam Nằm ở trung tâm Đông Nam Á, phía đông bán đảo Đông Dương. Tiếp giáp với: Trung Quốc (ở phía Bắc), Lào, Campuchia (phía tây), biển Đông và Thái Bình Dương (phía đông và đông nam).
Việt Nam là lãnh thổ có hình chữ S, có đường bờ biển Việt Nam dài 3260 km, biên giới đất liền dài 4510 km.
Đây Là nước nhiệt đới ẩm gió mùa, 3/4 diện tích là đồi núi, có nguồn tài nguyên vô cùng phong phú như: tài nguyên rừng, tài nguyên thủy hải sản, tài nguyên du lịch và nhiều loại khoáng sản đa dạng.
Bao gồm 63 tỉnh, thành phố; 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh là chủ yếu.
Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang phát triển, phụ thuộc lớn vào nông nghiệp, du lịch, xuất khẩu thô và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Lào
Vị trí nằm sâu trong lục địa thuộc khu vực Đông Nam châu Á. Tiếp giáp 5 nước: Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Mianma. Đây là nước Về địa hình, khí hậu cũng tương tự Việt Nam. Tuy nhiên, đây là nước duy nhất của Đông Nam Á không giáp biển, không có bờ biển chung với nước nào. Lào có nguồn tài nguyên phong phú về lâm, nông nghiệp, khoáng sản và thuỷ điện.
Dân số tầm hơn 4 triệu người với 49 dân tộc, có những dân tộc gồm nhiều nhánh tộc và được chia thành 04 nhóm ngôn ngữ: nhóm ngôn ngữ Lào-Thái, nhóm ngôn ngữ Mon-Khơ Me, nhóm ngôn ngữ Mông-Dao, nhóm ngôn ngữ Hán-Tây Tạng.
Lào hiện nay vẫn đang là một trong những nước nghèo nhất tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và là một trong những nước kém phát triển nhất trên thế giới nói chung do sự hạn chế nhất định về vị trí không giáp biển, lại có cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện và phần lớn lực lượng lao động thiếu kỹ năng.
Campuchia
Campuchia nằm bên bờ vịnh Thái Lan và nằm giữa các nước Thái Lan, Việt Nam và Lào.
Lãnh thổ Campuchia có hình vuông, phần lớn diện tích Campuchia là các đồng bằng gợn sóng và gần như nằm ở trung tâm.
So với các nước láng giềng, kinh tế Campuchia còn thấp, yếu kém.
Myanmar (còn gọi là Miến Điện)
Nằm ở phía Tây bán đảo Trung Ấn, Myanmar tiếp giáp các nước: Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Thái Lan; Một phần ba tổng chu vi của Myanmar là đường bờ biền giáp với vịnh Bengal và biển Andaman.
Trung tâm và vùng ven biển Myanmar chủ yếu là đồng bằng. Còn lại là các dãy núi cao Bago, Rakhine và cao nguyên Shan, chạy từ dãy Hymalaya xuống vùng trung tâm ở phía Tây, phía Bắc và phía Đông.
Đây là một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới, đã phải chịu hàng thập kỷ trì trệ do quản lý yếu kém và cấm vận quốc tế.
Thái Lan
Nằm ở vùng Đông Nam Á. Tiếp giáp Lào và Myanma phía bắc, giáp Lào và Campuchia ở phía đông, giáp vịnh Thái Lan và Malaysia phía nam, giáp Myanma và biển Andaman phía tây . Lãnh hải Thái Lan phía đông nam giáp với lãnh hải Việt Nam ở vịnh Thái Lan, phía tây nam giáp với lãnh hải Indonesia và Ấn Độ ở biển Andaman.
Diện tích rộng thứ 3 Đông Nam Á, sau Indonesia và Myanmar. Trung tâm của đất nước chủ yếu là vùng đồng bằng sông Chao Phraya đổ ra vịnh Thái Lan.
Nền kinh tế lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia). Thị trường công nghiệp mới phụ thuộc lớn vào du lịch và xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 60% GDP.
Bán đảo Malaysia
Hay còn gọi là Tây Malaysia, đóng vai trò là cầu nối của hai tiểu vùng Đông Nam Á lụa địa và Đông Nam Á hải đảo. Tiếp giáp với Thái Lan, Singapore.
Bán đảo chiếm 40% diện tích Malaysia, gồm 11 bang. Đây là nơi tập trung đông dân cư của Malaysia, nơi có nhiều thành phố lớn và khu công nghiệp.
Có trữ lượng dầu khí, thiếc lớn.
Kinh tế Malaysia đứng thứ 4 Đông Nam Á.