Phần bù quy mô? Đặc điểm và ví dụ về phần bù qui mô? Phần bù quy mô và Mô hình ba nhân tố Fama-French? Các thuật ngữ liên quan?
Hiện nay, trên thực tế có ba nhân tố trong mô hình định giá cổ phiếu Fama-French. Các nhân tố này đều có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với xã hội và sự phát triển của nền kinh tế. Phần bù qui mô là một trong ba nhân tố trong mô hình định giá cổ phiếu Fama-French và nó được sử dụng khá phổ biến trong thực tiễn. Chắc hẳn vẫn còn nhiều người chưa biết đến thuật ngữ này.
Mục lục bài viết
1. Phần bù quy mô:
Khái niệm phần bù qui mô:
Phần bù qui mô được hiểu là một trong ba nhân tố được sử dụng trong mô hình định giá cổ phiếu Fama-French, phần bù quy mô là thuật ngữ được các chủ thể sử dụng nhằm mục đích để giải thích lợi nhuận danh mục đầu tư dựa trên mức vốn hóa thị trường của công ty.
Nhân tố này cũng còn được gọi là hiệu ứng công ty nhỏ hay hiệu ứng qui mô, trong đó qui mô của công ty chính là mức vốn hóa thị trường. Hiệu ứng công ty qui mô nhỏ là một giả thuyết cho rằng việc sở hữu các công ty nhỏ hơn hoặc các công ty có vốn hóa thị trường nhỏ sẽ hoạt động tốt hơn các công ty lớn hơn.
Cùng với các nhân tố khác, phần bù qui mô cũng được các chủ thể sử dụng nhằm mục đích là để giải thích lợi nhuận danh mục đầu tư.
Phần bù qui mô trong tiếng Anh là gì?
Phần bù qui mô trong tiếng Anh là Small Minus Big – SMB.
2. Đặc điểm và ví dụ về phần bù quy mô:
Mô hình ba nhân tố Fama-French được hiểu là một mô hình mở rộng của mô hình định giá tài sản vốn – CAPM. Mô hình CAPM là mô hình một nhân tố, nhân tố đó là hiệu suất chung của thị trường được gọi là nhân tố thị trường.
Mô hình CAPM ra đời đã giải thích lợi nhuận của danh mục đầu tư theo mức độ rủi ro của nó so với rủi ro thị trường. Nói cách khác, theo CAPM, lời giải thích chính cho hiệu suất của danh mục đầu tư là hiệu suất của thị trường nói chung.
Mô hình ba nhân tố Fama-French bổ sung thêm hai nhân tố vào mô hình CAPM là phần bù giá trị và phần bù qui mô.
Mô hình ba nhân tố Fama-French đã cho rằng có hai nhân tố khác ngoài hiệu suất thị trường luôn đóng góp vào hiệu suất của danh mục đầu tư. Một trong số đó là phần bù qui mô (SMB) hay có nghĩa là một danh mục đầu tư có nhiều công ty vốn hóa nhỏ sẽ có lợi nhuận vượt trội so với lợi nhuận thị trường trong dài hạn.
Nhân tố thứ ba trong mô hình ba nhân tố Fama-French đó chính là phần bù giá trị. Hay có nghĩa là các công ty có tỉ lệ giá trị sổ sách trên giá trị thị trường cao hơn có lợi nhuận trung bình cao hơn các công ty có tỉ lệ giá trị sổ sách trên giá trị thị trường thấp hơn.
Nhân tố phần bù giá trị thường cũng được gọi là nhân tố giá trị hay nhân tố giá trị so với tăng trưởng bởi vì các công ty có hệ số giá trị sổ sách/giá trị thị trường cao được coi là cổ phiếu giá trị.
Các công ty có hệ số giá trị sổ sách/giá trị thị trường thấp là cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu giá trị có lợi nhuận trung bình cao hơn so với cổ phiếu tăng trưởng trong dài hạn.
Chính bởi vì thế về lâu dài, một danh mục đầu tư có tỉ lệ cổ phiếu giá trị lớn hơn sẽ đem lại nhiều lợi nhuận hơn một danh mục có tỉ lệ cổ phiếu tăng trưởng lớn.
3. Phần bù quy mô và Mô hình ba nhân tố Fama-French:
Ta hiểu về mô hình ba yếu tố Fama và French như sau:
Mô hình ba yếu tố Fama và French trong tiếng Anh là Fama and French Three Factor Model.
Mô hình ba yếu tố Fama và French (gọi tắt là Mô hình Fama và French) được hiểu là mô hình định giá tài sản và mô hình này đã được phát triển vào năm 1992, mở rộng mô hình định giá tài sản vốn (CAPM) bằng cách thêm các yếu tố rủi ro kích thước và rủi ro giá trị vào yếu tố rủi ro thị trường trong mô hình CAPM.
Mô hình ba yếu tố Fama và French đã xem xét khía cạnh thực tế rằng cổ phiếu giá trị và cổ phiếu vốn hóa nhỏ thường xuyên có lợi nhuận vượt trội so với thị trường. Bằng cách bao gồm hai yếu tố bổ sung này, mô hình sẽ điều chỉnh theo xu hướng vượt trội này, khiến nó trở thành một công cụ tốt hơn để đánh giá hiệu suất của người quản lí.
Mô hình Fama và French có ba yếu tố cơ bản sau đây: qui mô của các công ty, tỉ lệ sổ sách trên thị trường và lợi nhuận vượt mức trên thị trường. Hiểu một cách đơn giản hơn, ba yếu tố được sử dụng là SMB (nhỏ trừ lớn), HML (cao trừ thấp) và lợi nhuận của danh mục đầu tư ít hơn tỉ lệ hoàn vốn phi rủi ro. SMB tính đến trường hợp các công ty giao dịch công chúng có giới hạn thị trường nhỏ tạo ra lợi nhuận cao hơn, trong khi HML tính đến trường hợp các cổ phiếu giá trị với tỉ lệ sổ sách trên thị trường cao tạo ra lợi nhuận cao hơn.
Phần bù qui mô và Mô hình ba nhân tố Fama-French:
Mô hình ba nhân tố Fama-French đã được sử dụng nhằm mục đích chính đó là để các chủ thể có thể đánh giá lợi nhuận tạo ra được bởi người quản lí danh mục đầu tư. Về cơ bản, nếu hiệu suất của danh mục đầu tư có thể được qui cho ba nhân tố trong mô hình, thì người quản lí danh mục đầu tư đã không tạo ra giá trị tăng thêm nào.
Điều này cũng là do nếu ba nhân tố có thể giải thích hoàn toàn hiệu suất của danh mục đầu tư, thì không có hiệu suất nào có thể được qui cho khả năng đầu tư của người quản lí danh mục.
Các chủ thể là các nhà nghiên cứu đã mở rộng mô hình ba nhân tố này để bao gồm các nhân tố khác như động lượng (momentum), chất lượng (quality) và độ biến động thấp (low volatility) và nhiều nhân tố khác.
4. Các thuật ngữ liên quan:
Mô hình định giá tài sản vốn:
Mô hình định giá tài sản vốn trong tiếng Anh là Capital asset pricing model, viết tắt là CAPM.
Mô hình định giá tài sản vốn được hiểu là mô hình định giá mô tả mối quan hệ giữa rủi ro hệ thống và lợi nhuận kì vọng của tài sản, đặc biệt là cổ phiếu.
Trong đó, rủi ro hệ thống là rủi ro cố hữu đối với toàn bộ thị trường hoặc phân khúc thị trường. Loại rủi ro này trên thực tế là không thể dự đoán và không thể tránh hoàn toàn.
Mô hình định giá tài sản vốn cũng được đánh giá là một trong những đổi mới quan trọng nhất trong lí thuyết danh mục đầu tư. Mô hình định giá tài sản vốn đã được giới thiệu bởi William Sharpe, John Lintner, Jack Treynor và Jan Mossin và mô hình định giá tài sản vốn được xây dựng dựa trên lí thuyết của Harry Markowitz về đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Giả thuyết thị trường hiệu quả:
Giả thuyết thị trường hiệu quả trong tiếng Anh là Efficient Market Hypothesis.
Giả thuyết thị trường hiệu quả được hiểu là giả thuyết cho rằng thị trường tài chính có hiệu quả tồn tại khi tất cả các thông tin sẵn có và có thể ảnh hưởng đến giá chứng khoán đều phản ánh lại trong giá chứng khoán.
Điều này cũng đã ẩn ý rằng sự cạnh tranh hoàn hảo tồn tại trong phạm vi một thị trường như thế, cho nên những thay đổi trong giá chứng khoán chỉ bị ảnh hưởng bởi việc thu thập thông tin.
Nội dung giả thuyết thị trường hiệu quả:
– Theo giả thuyết thị trường hiệu quả thì cổ phiếu luôn giao dịch với giá trị hợp lí của chúng trên các sàn giao dịch chứng khoán, khiến các chủ thể là các nhà đầu tư không thể mua cổ phiếu bị định giá thấp (cổ phiếu dưới giá trị) hoặc bán cổ phiếu với giá trị thổi vồng (cổ phiếu được định giá cao).
– Giả thuyết thị trường hiệu quả nhấn mạnh rằng do thị trường nắm bắt những thông tin mới một cách nhanh chóng nên kì vọng về những thay đổi giá cả trong tương lai được điều chỉnh một cách ngẫu nhiên so với giá trị cơ bản của chứng khoán. Các chủ thể là các nhà thống kê gọi những hiện tượng như vậy là qui luật ngẫu nhiên.
– Ví dụ cụ thể như nếu một cổ phiếu có giá trị ban đầu là 10 đô la, thì sự tăng hay giảm giá tiếp theo có khả năng xảy ra như nhau. Nếu nó tăng lên, ví dụ 11 đô la, thì trong lần thay đổi giá tiếp theo, việc tăng hay giảm giá vẫn có xác suất như nhau.
Ý nghĩa của quan điểm cho rằng giá cả trên thị trường chứng khoán tuân theo qui luật ngẫu nhiên ẩn ý rằng những thay đổi về giá cả độc lập với nhau.
– Các kiểm định thực nghiệm về giả thuyết thị trường hiệu quả được phân loại thành kiểm định yếu, vừa và mạnh. Cụ thể như sau:
+ Kiểm định yếu nhận định không thể dựa vào giá trong quá khứ nhằm mục đích để dự báo giá tương lai và điều này được giả thuyết qui luật ngẫu nhiên ủng hộ.
+ Kiểm định vừa nhận định giá cổ phiếu phản ánh lại tất cả các thông tin mà tất cả mọi người có được.
+ Kiểm định mạnh nhận định giá cổ phiếu phản ảnh lại tất cả thông tin.
Ngày nay, cũng rất khó có thể tin rằng giả thuyết thị trường hiệu quả lại đúng dưới hình thức mạnh, bởi vì rõ ràng các chủ thể sẽ khó có thể có được tất cả các thông tin cần thiết.