Theo truyền thuyết và các trang sử cũ nghiên cứu và ghi chép lại, Nhà nước Văn Lang là nhà nước ra đời đầu tiên trong lịch sử cổ đại Việt Nam được hình thành với những đặc trưng của hình thái nguyên thủy. Vậy nhà nước Văn Lang ra đời vào thời gian, hoàn cảnh nào? Kinh đô đặt ở đâu, do ai đứng đầu?
Mục lục bài viết
- 1 1. Hoàn cảnh ra đời Nhà nước Văn Lang:
- 2 2. Kinh đô của Nhà nước Văn Lang đặt ở đâu?
- 3 3. Ai đứng đầu Nhà nước Văn Lang?
- 4 4. Nhà nước Văn Lang ra đời vào khoảng thời gian nào?
- 5 5. Nhà nước Văn Lang chia làm bao nhiêu bộ?
- 6 6. Đời sống của cư dân nước Văn Lang:
- 7 7. Ý nghĩa sự ra đời của Nhà nước Văn Lang và những thành tựu đạt được:
- 8 8. Tồn tại bao nhiêu đời Vua Hùng thời Văn Lang?
1. Hoàn cảnh ra đời Nhà nước Văn Lang:
Vào khoảng thế kỉ VIII – VII TCN, ở vùng đồng bằng ven các sông lớn thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Nay là vùng đồng bằng Sông Hồng) dần hình thành những bộ lạc lớn, giống nhau về mọi mặt, từ phương thức sinh hoạt, tiếng nói, đến sản xuất, kinh tế, cai trị và xu hướng phát triển…
Trong các chiềng, chạ, dần xảy ra mâu thuẫn giữa người giàu và người nghèo, do người giàu được bầu làm người đứng đầu để trông coi mọi việc, còn người nghèo khổ phải làm nô tì. Thêm vào đó, việc trồng lúa nước ở các vùng đồng bằng ven con sông lớn gặp khó khăn.
Do đó, cần phải có người chỉ huy đứng đầu để chỉ đạo người dân trong bộ lạc sản xuất, ngăn chặn lũ lụt, bảo vệ mùa màng và đấu tranh chống xung đột/chiến tranh giữa các bộ lạc với nhau. Chính vì những yếu tố mâu thuẫn trong sự phát triển trên, nhà nước Văn Lang đã ra đời.
2. Kinh đô của Nhà nước Văn Lang đặt ở đâu?
Theo các trang tư liệu lịch sử ghi lại, kinh đô Nhà nước Văn Lang được đặt ở Bạc Hầu (nay là Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) nơi hợp lưu của ba dòng sông lớn Bắc bộ Hồng- Lô- Đà (Ngã ba Bảo Hà) đến chân núi Nghĩa Lĩnh (Núi Hùng- Núi Cả). Đây là một vùng đất địa linh có hình thế, rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nông, đặc biệt là nghề trồng lúa nước, săn bắn thú rừng, giao lưu kinh tế, văn hoá và xây dựng, phòng thủ đất nước.
3. Ai đứng đầu Nhà nước Văn Lang?
Trong các bộ Lạc Việt, bộ lạc Văn Lang hùng mạnh nhất kể cả về sản xuất, quy mô, lẫn người chỉ đạo. Lãnh thổ của bộ lạc nay trải rộng từ chân núi Ba Vì tới sườn Tam Đảo. Do đó, bộ Văn Lang đã đứng ra thống nhất các bộ Lạc Việt khác thành lập Nhà nước Văn Lang để cùng nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và chống giặc ngoại xâm.
Các trang sử cũ gọi người đứng đầu nhà nước Văn Lang là Vua Hùng, tức “Hùng Vương”. Các đời vua kế tiếp của nhà nước Văn Lang đều lấy danh hiệu đó làm người cai trị/trị vì đứng đầu Nhà nước.
4. Nhà nước Văn Lang ra đời vào khoảng thời gian nào?
Theo truyền thuyết, vua Hùng dựng nước cách đây gần 5000 năm. Nhưng trong cuốn Đại Việt sử ký Toàn thư, Kinh Dương Vương bắt đầu dựng nước vào khoảng năm 2879 TCN và kết thúc vào năm 258 TCN (tức là thế kỷ thứ III TCN), tính đến nay (2023) thì đã có đến 4898 năm bởi An Dương Vương, ông thống nhất 2 bộ tộc gọi là Âu-Lạc.
Theo bộ sử ký “Đại Việt sử ký toàn thư” của sử gia Ngô Sĩ Liên viết ở thế kỷ 15 Đế Minh (theo truyền thuyết thuộc dòng dõi Thuần Nông) sinh ra Lộc Tục, tức Kinh Dương Vương (người cai trị nước Xích Quỷ), Lộc Tục lấy con gái Long Vương và đẻ ra Lạc Long Quân. Sau đó Lạc Long Quân và Âu Cơ (con gái Đế Lai) kết hôn, sinh được 100 người con trai, 50 người theo cha về biển Đông (Lạc Việt), 50 người theo mẹ Âu Cơ lên núi (Âu Việt). Người con trai cả Lạc Long Quân phong làm vua, lấy hiệu Hùng Vương, đặt tên nước Văn Lang và đóng đô ở Bạch Hạc – Phú Thọ (nay là thành phố Việt Trì, Phú Thọ).
Tuy nhiên, đây chỉ là cách tính toán của người xưa, không phải một niên đại chính xác. Việt sử lược thời Trần ghi lại : “Đến đời Trang Vương nhà Chu (698-682 TCN), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang… Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”.
Các nhà khoa học đã chứng minh nhà nước ta chỉ ra đời ở thời kỳ văn hoá Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2700-2500 năm, không thể đẩy lên trước Đông Sơn được (vì xã hội thời Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun chưa vượt ra khỏi loại hình xã hội nguyên thủy).
Những di tích, dấu ấn mà nhà nước Văn Lang để lại trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt. Chúng vẫn còn được lưu truyền và phát huy trong nhiều hoạt động của đời sống ngày nay.
Như vậy, Nhà nước Văn Lang ra đời vào: Khoảng thế kỷ VIII – VII trước công nguyên.
5. Nhà nước Văn Lang chia làm bao nhiêu bộ?
Đứng đầu nhà nước có Vua – xưng là Hùng Vương. Giúp vua Hùng cai quản đất nước có các Lạc Hầu, Lạc Tướng. Vua, Lạc Hầu, Lạc Tướng thuộc tầng lớp giàu/thượng lưu có trong xã hội. Dân thường thì được gọi là Lạc dân. Đây là tầng lớp thấp kém, nghèo hèn nhất trong xã hội bấy giờ gọi là nô tì.
Sơ đồ Nhà nước Văn Lang:
Cả nước chia thành 15 bộ, hay còn gọi là quận, đứng đầu mỗi bộ là Lạc Tướng. Tổ chức nhà nước Văn Lang 15 bộ như sau:
– Văn Lang (Bạch Hạc – Việt Trì)
– Châu Diên (Sơn Tây – Hà Tây)
– Phúc Lộc (Sơn Tây – Hà Tây)
– Tần Hưng (Hưng Hoá –
– Vũ Định (Thái Nguyên – Cao Bằng)
– Vũ Ninh (Bắc Ninh)
– Lục Hải (Lạng Sơn)
– Ninh Hải (Hưng Yên – Hải Dương – Quảng Ninh)
– Dương Tuyền (Hải Dương)
– Giao Chỉ (Hà Nội – Hưng Yên – Nam Định – Ninh Bình – Hà Nam)
– Cửu Chân (Thanh Hoá)
– Hoài Hoan (Nghệ An)
– Cửu Đức (Hà Tĩnh)
– Việt Thường (Quảng Bình – Quảng Trị)
– Bình Văn.
6. Đời sống của cư dân nước Văn Lang:
Dưới thời các vua Hùng, nghề chính của lạc dân là làm ruộng. Họ trồng lúa, khoai, đỗ, cây ăn quả, rau và dưa hấu. Họ cũng biết nấu xôi, gói bánh chưng, làm bánh giầy, làm mắm,…
Họ biết đúc đồng làm vũ khí, đồ trang sức,… làm gốm (nặn nồi niêu), đan rổ, dụng cụ gia đình,…
Đời sống tinh thần của nhân dân Văn Lang phong phú với nhiều phong tục như ăn trầu, nhuộm răng,…
Một số tập tục còn lưu giữ tồn tại đến ngày nay:
– Ở các vùng núi, người dân vẫn ở nhà sàn để tránh thú dữ và họp nhau thành các làng, bản. Họ thờ thần Đất, thần Mặt Trời.
– Tục nhuộm răng đen, ăn trầu, búi tóc,… Phụ nữ thích đeo hoa tai và nhiều vòng tay bằng đá, đồng
– Những ngày hội làng, mọi người ngày nay cũng như thời nhà nước Văn Lang thường hoá trang, vui chơi, nhảy múa theo nhịp trống đồng. Các trai làng đua thuyền trên sông hoặc đấu vật trên những bãi đất rộng.
6.1. Đời sống vật chất:
– Kinh tế: nghề chính là trồng lúa nước, ngoài ra còn chăn nuôi, đánh bắt cá…
– Thức ăn chính hàng ngày:cơm nếp, cơm tẻ, rau, cà, thịt, cá, ốc…
– Nhà ở: cư dân sống trong các chiềng chạ, ở nhà sàn.
– Trang phục:
+ Ngày thường nam đóng khố, mình trần, đi chân đất; nữ mặc áo, váy xẻ giữa, có yếm che ngực.
+ Ngày lễ, nữ mặc váy xòe kết bằng lông chim, đội mũ cắm lông chim hoặc bông lau.
– Thuyền là phương tiện đi lại trên sông.
6.2. Đời sống tinh thần:
– Trong các ngày lễ hội, mọi người thích hóa trang, vui chơi, nhảy múa hát ca.
– Tín ngưỡng:
+ Thờ cúng tổ tiên, các lực lượng tự nhiên như núi, sông, Mặt Trời…
+ Chôn cất người chết cùng đồ tùy táng.
– Phong tục: gói bánh chưng, làm bánh giày, ăn trầu, nhuộm răng đen, xăm mình,…
7. Ý nghĩa sự ra đời của Nhà nước Văn Lang và những thành tựu đạt được:
7.1. Ý nghĩa sự ra đời của Nhà nước Văn Lang:
+ Mở đầu thời kì dựng nước và giữ nước của người Việt; mở đầu cho nền văn minh sông Hồng.
+ Chứng tỏ quốc gia cổ đại của người Việt được hình thành từ sớm, nước Việt Nam có lịch sử và truyền thống lâu đời.
+ Đặt cơ sở cho sự phát triển cao hơn của nhà nước Âu Lạc (ở giai đoạn sau).
7.2. Những thành tựu của Nhà nước Văn Lang:
Trong suốt thời kỳ lịch sử dựng nước Văn Lang, đây là giai đoạn phát triển rực rỡ, nhà nước Văn Lang đã đạt được nhiều thành tựu.
– Về nông nghiệp: Nhà nước Văn Lang có nền nông nghiệp phát triển. Cư dân Văn Lang biết trồng lúa nước và sử dụng các công cụ cày, cuốc, mai,… để phục vụ hoạt động sản xuất. Thời văn Lang, người dân đã sử dụng thóc gạo để làm thành các món ăn: bánh, cơm lam. Hơn nữa, họ cũng biết dùng các gia vị ngày nay: nước mắm, men rượu,…
– Về văn hóa: Người dân thời kỳ Văn Lang có phong tục nhuộm răng đen, ăn trầu, xăm mình. Vỏ cây được sử dụng làm áo mặc cho phụ nữ còn đàn ông có truyền thống đóng khố. Đồng thời con người thời kỳ này rất thích đeo đồ trang sức. Họ biết dùng các dụng cụ xe sợi bằng đất nung. Để bảo vệ mình, người dân nơi đây còn biết cách vác gậy để đuổi thú dữ.
– Về tín ngưỡng: Họ rất sùng bái tự nhiên. Vì vậy, họ thờ thần Mặt Trời, thần Sông, thần Núi,… Mọi người dân đều có mong muốn về cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu,… Ngoài ra, các tín ngưỡng về thờ cúng tổ tiên, các vị anh hùng đã có công dựng nước cũng bắt nguồn từ đây.
– Đồ đồng cũng rất phát triển trong thời kỳ Văn Lang. Giai đoạn phát triển thịnh vượng của văn hóa Đông Sơn là ở thời đại Hùng Vương. Trống đồng Đông Sơn đem lại dấu ấn cho một nền nghệ thuật đặc sắc với các mặt trống được chạm khắc tinh xảo, đẹp mắt.
8. Tồn tại bao nhiêu đời Vua Hùng thời Văn Lang?
Từ năm 2879 TCN đến năm 258 TCN, các vua Hùng nối nhau trị vì trong 2.622 năm. Vị vua đầu tiên của nước ta là Kinh Dương Vương (Lộc Tục), lên ngôi năm Nhâm Tuất (2879 TCN). Theo Ngọc phả Hùng Vương, có 18 đời vua Hùng nối nhau cai trị, tuy nhiên vấn đề này còn nhiều nghi ngờ, tranh cãi, bởi: Tính trung bình, mỗi ông vua trị vì được non 150 năm. Dẫu là người đời thượng cổ nữa thì cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy. Cũng có ý kiến các nhà nghiên cứu cho rằng nước Văn Lang của các vua Hùng chỉ tồn tại trong khoảng 300 – 400 năm và niên đại kết thúc là khoảng năm 208 TCN chứ không phải là năm 258 TCN. Thời điểm mà nhà nước Văn Lang hình thành vào khoảng thế kỷ VII TCN, tương ứng với giai đoạn văn hóa Đông Sơn là phù hợp với những kết quả nghiên cứu ngày nay, và con số 18 vua Hùng cai trị trong khoảng 300 – 400 năm được nhiều người chấp nhận hơn, cho dù không thể khẳng định được rằng nước Văn Lang thực sự có đúng 18 đời vua Hùng hay không.
18 đời Vua Hùng được sử sách ghi chép lại gồm:
– Kinh Dương Vương, vị vua viễn tổ.
– Lạc Long Quân, vị vua cao tổ.
– Hùng Quốc Vương, huý là Lân Lang, vị vua mở nước.
– Hùng Diệp Vương Bảo Lang.
– Hùng Huy Vương Viên Lang.
– Hùng Huy Vương (cùng hiệu với đời thứ 5) huý Pháp Hải Lang.
– Hùng Chiêu Vương Lang Tiên Lang.
– Hùng Vi Vương Thừa Vân Lang.
– Hùng Duy Vương Quốc Lang.
– Hùng Uy Vương Vương Hùng Hải Lang.
– Hùng Chính Vương Hùng Đức Lang.
– Hùng Việt Vương Đức Hiền Lang.
– Hùng Việt Vương Tuấn Lang.
– Hùng Anh Vương Châu Nhân Lang.
– Hùng Chiêu Vương Cảnh Chân Lang.
– Hùng Tạo Vương Đức Quân Lang.
– Hùng Nghị Vương Bảo Quang Lang.
– Hùng Duệ Vương Huệ Lang.
Như vậy, Nhà nước Văn Lang tồn tại qua: 18 đời Vua Hùng.
Những di tích lịch sử, dấu ấn mà Nhà nước Văn Lang để lại cho đến ngày nay trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt chúng ta. Rất nhiều phong tục tập quán, dấu ấn văn hóa vẫn còn được lưu truyền và phát huy trong nhiều hoạt động của đời sống ngày nay. Một lần nữa tìm hiểu về nước Văn Lang ra đời cách đây bao nhiêu năm, về công dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng, mỗi chúng ta sẽ tự hào, thêm yêu lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.