Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.6568
1. Những yếu tố tác động đến việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên:
Yếu tố tác động là những nhân tố, điều kiện làm cho quá đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên có những ảnh hưởng, biến đổi nhất định. Đó có thể là các yếu tố mang tính vĩ mô như: kinh tế, văn hóa, pháp luật... cũng có thể là các yếu tố khác như: năng lực của đội ngũ giáo viên, giảng viên, dư luận xã hội, cơ sở vật chất, kinh phí... Sau đây, tác giả tiến hành phân tích một số nhân tố tác động trực tiếp tới quá trình đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên cụ thể như sau:
Thứ nhất, yếu tố pháp luật: Có thể khẳng định rằng, các chính sách pháp luật có tác động mạnh mẽ đến việc đổi mới bởi chúng vừa là nội dung, vừa là khuôn khổ pháp lý chứa đựng định hướng cũng như các quy chuẩn của quá trình này. Do đặc điểm hệ thống pháp luật có nhiều điểm riêng biệt nên quy định của mỗi quốc gia về chương trình, cách thức giảng dạy và nghiên cứu khác nhau. Đối với hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành, việc điều chỉnh các quan hệ xã hội được thể hiện thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm Bộ luật, Luật, Nghị định, Thông tư… với khối lượng rất lớn. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới quá trình đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho đối tượng người học là học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, các quy định về định hướng, mục tiêu, quy trình... sẽ tác động đến chất lượng, cách thức đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên.
Thứ hai, yếu tố văn hóa: Nhìn chung, văn hóa tác động tới nhận thức,
thái độ của các nhà giáo dục trong công chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời chi phối mức độ quan tâm, tham gia đóng góp của các đối tượng khác trong xã hội vào quá trình đổi mới. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên phải đáp ứng các mục tiêu của văn hóa giáo dục – ba chức năng của văn hóa trong lĩnh vực giáo dục: mở mang dân trí; nâng cao kiến thức; bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn, tình cảm cao đẹp, phẩm chất trong sáng, phong cách lành mạnh cho con người theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ ba, yếu tố năng lực của đội ngũ giáo viên, giảng viên pháp luật: Khía cạnh này được hình thành dựa trên một chỉnh thể gồm năng lực chuyên môn, khả năng đáp ứng mục tiêu, trách nhiệm nghề nghiệp, tính sáng tạo, chất lượng của quá trình đổi mới... Năng lực của các nhà giáo dục là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định tới chất lượng của các phương pháp giáo dục được áp dụng vào quá trình truyền tải kiến thức pháp luật tới học sinh, sinh viên – tác động trực tiếp đến hành vi của các chủ thể này.
Thứ tư, yếu tố đối tượng giáo dục: Đối tượng giáo dục và đào tạo pháp luật vừa là đối tượng chịu sự tác động của chủ thể – giáo viên/giảng viên giảng dạy pháp luật. Với tư cách này, học sinh/sinh viên vừa chịu sự tác động sư phạm vừa là chủ thể nhận thức. Do đó, quá trình nhận thức của người học pháp luật là quá trình phản ánh thế giới quan (các văn bản quy phạm pháp luật, các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ) vào ý thức. Có thể thấy, đối tượng giáo dục và đào tạo pháp luật rất rộng, phong phú và đa dạng. Căn cứ vào từng bậc giáo dục, đặc điểm nghề nghiệp, lứa tuổi... mà quá trình đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật phải có sự điều chỉnh cho phù hợp so với thực tiễn kết quả giao dục trước đây với từng nhóm đối tượng. Cụ thể:
– Nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên... trong các cơ sở giáo dục chuyên luật (cơ sở đào tạo đại học, sau đại học về luật hoặc trung cấp pháp lý);
– Nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên... trong các cơ sở giáo dục đào tạo không chuyên luật (trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề);
– Nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên... trong hệ thống trường thuộc tổ chức Đảng hoặc các tổ chức chính trị – xã hội khác;
– Học sinh tại các trường phổ thông (Trung học phổ thông công lập, Tư thục, Bán công).
Thứ năm, yếu tố mục tiêu giáo dục: Theo quan điểm của Đảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mục tiêu cơ bản, cốt lõi của giáo dục là:
Phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Để đáp ứng đòi hỏi hiện thực hóa các mục tiêu trên, quá trình đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên cần được thực hiện theo hướng tối ưu các nguồn lực giáo dục;kết hợp giữa giáo dục pháp luật và quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với từng chính sách pháp luật; thúc đẩy tính tự chủ, sáng tạo của người học trong nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật các quốc gia và pháp luật quốc tế...
Thứ sáu, yếu tố dư luận xã hội: Trong quá trình đổi mới, dư luận xã hội có chức năng thể hiện phản biện xã hội về những nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật được áp dụng cho thế hệ trẻ; đồng thời thể hiện thái độ, quan điểm của các lực lượng xã hội khác. Dư luận xã hội chính là cách để các tầng lớp nhân dân thể hiện quyền làm chủ đối với mọi mặt của đời sống trong một xã hội dân chủ. Dư luận xã hội cũng là nguồn phản hồi có ý nghĩa thiết thực với quá trình đổi mới. Bởi mọi thiếu sót, tồn tại của công tác đổi mới đều có thể được nhận diện qua dư luận (học sinh, phụ huynh học sinh, báo chí truyền thông...). Từ đó giúp các nhà giáo dục có thể cân bằng hài hòa giữa triết lý, định hướng giáo dục khoa học và ý chí nhân dân.
Thứ bảy, yếu tố tổ chức: Mọi khâu công tác đổi mới để đạt được hiệu quả thì không thể thiếu yếu tố tổ chức đầy đủ, khoa học, toàn diện. Tổ chức trong đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên đến từ nhiều khía cạnh: bố trí hợp lý nguồn lực giáo viên, tính khả thi của những phương pháp được quyết định đưa vào áp dụng đại trà... Tất cả đều phải được cân nhắc, bố trí hợp lý, rõ ràng và cụ thể. Trong tổng thể công cuộc này, trách nhiệm của các nhà làm giáo dục phải được chú ý đề cao, khuyến khích ở mức độ lớn nhất kết hợp với từng bước đổi mới được thực hiện một cách có lộ trình và khả thi.
Thứ tám, yếu tố chi phí và cơ sở vật chất Những điều này không chỉ giúp cho hoạt động đổi mới được diễn ra một cách trôi chảy, mà còn ảnh hưởng đến cả tiến độ, thời điểm hoàn thành, hiệu quả của quá trình đổi mới. Trong trường hợp kinh phí, cơ sở vật chất không đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoặc được phân bổ một cách bất hợp lý thì các đội ngũ giáo viên, giảng viên, các em học sinh, sinh viên khó có thể triển khai nhiệm vụ, và chất lượng của quá trình đổi mới cũng không được đảm bảo.
Các yếu tố cơ vừa dẫn trong chỉnh thể đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật luôn tác động lẫn nhau, đồng thời ảnh hưởng đến cả quá trình đổi mới với cả tính tích cực và tiêu cực.