Hiện nay vấn đề lừa đảo tiền qua tài khoản ngân hàng đã không còn xa lạ. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu những thủ đoạn lừa đảo tiền qua tài khoản ngân hàng và cách đề phòng chúng.
Mục lục bài viết
1. Những thủ đoạn lừa đảo tiền qua tài khoản ngân hàng:
1.1. Thủ đoạn giả mạo là nhân viên ngân hàng:
Ở thủ đoạn này, những kẻ lừa đảo sẽ mạo danh nhân viên ngân hàng để điện thoại cho khách hàng với lý do là hỗ trợ khách hàng kiểm tra số dư của tài khoản ngân hàng. Khi gọi điện, những kẻ lừa đảo thường sẽ đọc đúng tên của khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ghi nợ nội địa (những thông tin này do quá trình sử dụng các trang mạng xã hội hoặc khi giao dich thẻ mà khách hàng đã sơ ý để lộ ra). Sau đó, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng đọc nốt 6 số còn lại trên thẻ để xác nhận khách hàng đúng là chủ thẻ. Tiếp sau đó, chúng sẽ thông báo với khách hàng là ngân hàng đang gửi tin nhắn qua SMS và yêu cầu khách hàng đọc mã 6 số cuả tin nhắn đó, thực chất đây là mã OTP để thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến. Hoặc các đối tượng sẽ gửi thư điện tử giả mạo ngân hàng thông báo khách hàng đã nhận được một khoản tiền và yêu cầu khách hàng xác nhận giao dịch bằng cách truy cập vào tệp (file) hoặc đường link có chứa mã độc gửi kèm trong thư điện tử nhằm chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản của khách hàng. Những tin nhắn này được nhận, lưu trong cùng mục với các tin nhắn của ngân hàng trên điện thoại di động của khách hàng để thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách hàng xác nhận thông tin, thay đối mật khẩu… thông qua truy cập đường link giả mạo gửi kèm trong tin nhắn, qua đó lừa đảo khách hàng tiết lộ các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) để sử dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Như vậy, nếu như khách hàng thực hiện theo các yêu cầu trên thì toàn bộ thông tin về tài khoản ngân hàng sẽ bị lộ và kẻ lừa đảo nhanh chóng xâm nhập vào và lấy hết số tiền đang có trong tài khoản.
1.2. Thủ đoạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản:
Trong thủ đoạn này, khách hàng sẽ nhận được một khoản tiền chuyển vào tài khoản thanh toán tại ngân hàng với nội dung cho vay, sau đó đối tượng gọi điện cho khách hàng báo vừa chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng chuyển trả lại tiền (tài khoản nhận tiền lúc này khác với tài khoản đã chuyển nhầm). Sau một thời gian, người chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ đòi tiền khách hàng cùng với tiền lãi vay. Trong một số trường hợp, đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng thông báo có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản của khách hàng và hướng dẫn thủ tục hoàn trả, sau đó gửi đường link yêu cầu khách hàng điền thông tin cá nhân (bao gồm các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử) và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Ngoài ra, những kẻ lừa đảo còn cố ý chuyển nhầm một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, sau đó chúng sẽ mạo danh ngân hàng để gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn (tin nhắn có hiển thị tên thương hiệu của ngân hàng) cho khách hàng để thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn internet (đường link) trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền… Với thủ đoạn này, tội phạm lừa đảo khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (như tên truy cập, mật khẩu, OTP), sau đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn lập website mạo danh ngân hàng để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, nhằm thu thập thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch và tài khoản ngân hàng.
1.3. Thủ đoạn mạo danh các công ty tài chính và mạo danh nhà mạng:
Đối với thủ đoạn mạo danh các công ty tài chính:
Trong thủ đoạn này, kẻ lừa tiền khách hàng là kẻ lừa đảo mạo danh công ty tài chính mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động (như ứng dụng Auto Cash…) để giải ngân một khoản tiền “ảo” (không có thực) kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính nhằm lừa đảo khách hàng chuyển khoản đặt cọc để chiếm đoạt.
Đối với thủ đoạn mạo danh nhà mạng:
Trong thủ đoạn này, kẻ lừa đảo sẽ mạo danh nhân viên nhà mạng liên hệ và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G qua điện thoại, theo đó đối tượng hướng dẫn cách nhắn tin theo cú pháp của nhà mạng để chuyển đổi. Tuy nhiên, thực tế đây là yêu cầu chuyển đổi từ sim 3G (do khách hàng sử dụng) lên sim 4G của đối tượng lừa đảo. Nếu khách hàng làm theo hướng dẫn, đối tượng sẽ chiếm đoạt được quyền sử dụng số điện thoại. Khi có được thông tin cá nhân và số điện thoại di động, đối tượng liên hệ nhà mạng với tư cách là chủ thuê bao di động để yêu cầu thay thế sim với lý do bị mất thẻ sim hoặc thẻ bị lỗi. Nhà cung cấp dịch vụ di động hủy sim hiện có và phát hành sim mới. Trường hợp số điện thoại được khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và nhắn thông tin giao dịch, mã OTP thì có thể gây rủi ro mất tiền trên tài khoản của khách hàng.
Như vậy, hiện nay sẽ có 3 thủ đoạn chính nhằm lừa đảo tiền qua tài khoản ngân hàng. Đó là kẻ gian sẽ mạo danh nhân viên ngân hàng, thương hiệu của ngân hàng, giả mạo là nhân viên của các công ty tài chính, nhà mạng hoặc cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng của khách hàng. Do đó, khi sử dụng tài khoản ngân hàng, các khách hàng cần phải tìm hiểu kỹ các thông tin cũng như đọc nhiều báo đài để nắm được các thủ đoạn hết sức tinh vi này. Ngoài ra, khách hàng cần tránh nhấp vào các đường link lạ khi hoạt động trên các trang mạng xã hội.
2. Khi bị lừa đảo tiền qua tài khoản ngân hàng thì cần phải làm gì?
Hiện nay, để khôi phục lại số tiền bị lừa đảo chuyển qua ngân hàng, người bị hại cần áp dụng các phương án pháp lý phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Một số cách phổ biến được sử dụng để khôi phục lại số tiền bị lừa đảo là:
– Đầu tiên, khách hàng cần phải thông báo cho ngân hàng ngay sau khi phát hiện việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác hoặc bị mất tiền khi không bản thân không thực hiện giao dịch. Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ tạm thời phong tỏa số tiền vừa gửi vào tài khoản của người bị lừa để tiến hành xác minh và kiểm tra xem có dấu hiệu nhầm lẫn hay sai sót gì không.
– Thứ hai là, nếu sau khi thông báo với Ngân hàng để ngăn chặn việc rút tiền trái phép và không thành công trong việc nhận lại số tiền bị lừa đảo do lệnh chuyển tiền không có sai sót, người bị hại cần nộp đơn trình báo lên cơ quan công an. Nếu biết rõ thông tin về địa chỉ hoặc nơi cư trú của kẻ lừa đảo, người bị hại nên nộp đơn trình báo tại cơ quan công an nơi địa chỉ đó. Trong trường hợp không biết rõ đối tượng lừa đảo hoặc địa chỉ cư trú của đối tượng này, người bị hại cần trình báo tại cơ quan công an nơi mình cư trú. Việc trình báo lên cơ quan công an là hành động cần thiết để giúp bạn có khả năng tìm ra người đã thực hiện hành vi lừa đảo qua ngân hàng. Chỉ khi bạn biết được danh tính và địa chỉ của kẻ lừa đảo, bạn mới có thể yêu cầu hoàn lại tài sản bị mất. Như vậy, khi đã áp dụng việc báo mất tiền với ngân hàng nhưng không thành công trong việc lấy lại, khách hàng cần nhanh chóng làm đơn trình báo sự việc cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý.
Tóm lại, khi bị lừa đảo tiền qua tài khoản ngân hàng thì người bị hại nên nhanh chóng thông báo với ngân hàng để khóa thẻ nhằm ngăn việc rút tiền trái phép. Sau đó, báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất nếu như ngân hàng thông báo không thể ngăn chặn được việc rút tiền trái phép này.
3. Lừa đảo tiền qua tài khoản ngân hàng sẽ bị phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, kẻ lừa đảo tiền qua tài khoản ngân hàng của người khác sẽ bị truy cứu các trách nhiệm hình sự sau đây:
– Bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm;
– Bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;
– Bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm;
– Bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Như vậy, người phạm tội sẽ phải chịu hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng và cao nhất là tù chung thân.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.