Mục lục bài viết
1. Nhà nước Âu Lạc ra đời trong hoàn cảnh nào?
Năm 221 Tr CN, Tần Doanh Chính kết thúc cuộc nội chiến thời Chiến Quốc, thống nhất lãnh thổ toàn Trung Hoa, dựng nên một đế quốc tập quyền lớn mạnh, tự xưng là Tần Thủy Hoàng đế và tiến hành chiến tranh mở rộng lãnh thổ ra hai phía Bắc, Nam. Ở phía Nam, kế tục mưu đồ “bình Bách Việt” của nước Sở trước đây, năm 218 TrCN, nhà Tần đã phát 50 vạn quân do Đồ Thư cầm đầu chia làm 5 đạo đi chinh phục Bách Việt. Sau khi chiếm được đất Đông Việt, Mân Việt lập ra các quận Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận, năm 214 TrCN, quân Tần đã áp sát địa bàn Tây Âu và Lạc Việt. Cao Bằng- trung tâm của nước Nam Cương của Thục Phán đã trở thành tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống Tần của cả hai bộ tộc Tây u, Lạc Việt. Theo sách Hoài Nam tử thì: “Trong ba năm [quân Tần] không cởi giáp dãn nỏ. Giám Lộc không có đường chở lương, lại lấy binh lính đào cừ cho thông đường lương để đánh nhau với người Việt. Giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống. Cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt và về phía lực lượng kháng chiến cũng không tránh khỏi tổn thất nặng nề. Tuy vậy sự hy sinh của người dân và tù trưởng Tây Âu Dịch Hu Tống trên tuyến đầu không làm cho Tây Âu, Lạc Việt nao núng. Trước thế mạnh của quân Tần “người Việt vào rừng ở với cầm thú, không chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh nhau với quân Tần. Người kiệt tuấn đó không phải ai khác mà chính là Thục Phán. Việc cả Nam Cương và Văn Lang, cả Lạc Việt và Lạc Việt đều thống nhất cử Thục Phán làm người chỉ huy chung cao nhất toàn bộ cuộc kháng chiến đã phản ánh sự trưởng thành vượt bậc của tinh thần yêu nước, của ý chí đoàn kết quyết tâm bảo vệ trọn vẹn non sông, lãnh thổ. Thần tích đền Chèm (Từ Liêm) và sách Lĩnh Nam chích quái cho biết trước cuộc tấn công của quân Tần, An Dương Vương đã cống Lý Ông Trọng cho quân Tần để cầu hoà. Lý Ông Trọng (Lý Thân) vốn không phải là tướng của An Dương Vương mà là tướng của Hùng Vương thuộc nước Văn Lang. Chi tiết này xác nhận An Dương Vương thực sự là người đứng đầu lãnh đạo kháng chiến và đại diện chung cho toàn bộ cộng đồng Nam Cương, Văn Lang.
Hai tộc người Lạc Việt và Âu Việt vốn gần gũi về dòng máu, về địa vực cư trú, về kinh tế và văn hoá lại có điều kiện liên kết chặt chẽ với nhau hơn trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung là quân Tần dưới sự lãnh đạo chung của Thục Phán. Lực lượng kháng chiến của người Việt do biết đoàn kết thành một mối, có tổ chức và chỉ đạo thống nhất đã phát triển nhanh chóng, trong khi quân Tần càng ngày càng bị dồn vào tình thế và tuyệt vọng. Trên đà chiến thắng, người Việt ( Âu Việt và Lạc Việt) tổ chức các trận đánh lớn liên tiếp tiêu diệt sinh lực địch, đại phá quân Tần, giết chết chủ tướng Tần là Đồ Thư, buộc nhà Tần phải bãi binh”. Đây là thắng lợi oanh liệt đầu tiên của dân tộc Việt Nam ta chống lại hoạ xâm lược và nô dịch của kẻ thù phương Bắc. Trong cuộc chiến đấu này, vai trò và uy tín của Thục Phán, người thủ lĩnh kiệt xuất của liên minh bộ lạc Tây Âu ngày càng được nâng cao, không chỉ ở trong bộ lạc Tây Âu mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trong cả bộ lạc Lạc Việt. Sau khi kháng chiến kết thúc thắng lợi, trong điều kiện cộng đồng cư dân Lạc Việt – Tây Âu đã hình thành và uy tín của Thục Phán ngày càng cao, Thục Phán đã quyết định thay thế Hùng Vương, tự xưng là An Dương Vương, lập ra nước Âu Lạc.
Thực tế là nước Âu Lạc ra đời trong hào quang chiến thắng, sự thành lập nước Âu Lạc gắn liền với thắng lợi vang dội của cuộc kháng chiến chống Tần do Thục Phán lãnh đạo chứ hoàn toàn không phải là một cuộc chiến tranh thôn tính. Đây về căn bản chỉ là kết quả của một quá trình hợp nhất cư dân và đất đai của Lạc Việt và Âu Việt, của vua Hùng và vua Thục. Vì vậy, nước Âu Lạc là một bước phát triển mới, kế tục và cao hơn nước Văn Lang. Nước Âu Lạc chỉ tồn tại trong khoảng thời gian không đầy 30 năm (từ năm 208 đến năm 179 tr CN), nhưng cũng đã có những đóng góp đặc biệt to lớn vào trong tiến trình phát triển của lịch sử đất nước.
2. Tổ chức bộ máy nhà nước Âu Lạc:
Tên nước Âu Lạc bao gồm hai thành tố là Âu (Tây Âu/ Âu Việt) và Lạc (Lạc Việt), phản ánh sự liên kết của hai nhóm người Lạc Việt và Tây Âu. Trong triều vua Thục vẫn có Lạc hầu và các địa phương vẫn do Lạc tướng cai quản – nghĩa là trên căn bản nhà nước u Lạc vẫn được tổ chức theo mô hình nhà nước Văn Lang của Hùng Vương. Lãnh thổ nước Âu Lạc cũng được mở rộng trên cơ sở sáp nhập hai vùng lãnh thổ Văn Lang và Nam Cương.
Trong triều An Dương Vương, giúp việc cho vua vẫn có các lạc hầu. Lạc hầu có thể là tướng văn, nhưng cũng có thể đồng thời là tướng võ, chỉ huy quân đội và thay mặt nhà vua giải quyết công việc trong nước. Theo truyền thuyết dân gian, trong triều An Dương Vương có nhiều tướng giỏi như Cao Lỗ, Nồi Hầu, Đinh Toán. Ngoài ra, còn có một số bộ phận làm công việc tôn giáo, thu cống phẩm, giữ kho tàng, truyền lệnh vua… Lạc tướng đứng đầu bộ, cai quản một đơn vị hành chính địa phương. Lạc tướng phải thu nộp cống phẩm cho nhà vua, thường xuyên truyền mênh lệnh từ trên xuống. Khi có chiến tranh, lạc tướng là thủ lĩnh quân sự địa phương và chịu sự điều động của nhà vua.
3. So sánh nhà nước Âu Lạc và nhà nước Văn Lang:
Giống nhau :
– Vua có quyền quyết định tối cao
– Giúp vua cai trị đất nước là các Lạc hầu, Lạc tướng.
– Lạc tướng đứng đầu các bộ, Bộ chính đứng đầu các chiềng, chạ.
Khác nhau :
*Âu Lạc :
– Kinh đô ở vùng đồng bằng: Cổ Loa – Đông Anh – Hà Nội.
– Có thành Cổ Loa vừa là kinh đô, trung tâm kinh tế chính trị, vừa là công trình quân sự bảo vệ an ninh quốc gia.
– Có quân đội mạnh.
*Văn Lang :
– Kinh đô ở vùng trung du: Bạch Hạc – Phú Thọ.
– Vua Hùng quyền lực không tập trung nhiều như An Dương Vương.
4. Những thành tựu nhà nước Âu Lạc:
Thời Âu Lạc đã có những tiến bộ đáng kể trong sản xuất nông nghiệp. Với nghề rèn ngày một tiến bộ, người dân đã làm ra nhiều công cụ sản xuất như: lưỡi cày đồng, uốc sắt, rìu sắt… Nhờ đó người dân trồng trọt dễ dàng hơn, lúa gạo, khoai, đậu, rau, củ,… ngày một nhiều lên. Cùng với công cụ sản xuất, cư dân thời Âu Lạc đã làm ra nhiều sản phẩm đẹp, tiêu biểu như trống đồng, thạp đồng, đồ trang sức bằng đồng. Bên cạnh đó, nghề làm đồ gốm, dệt vải, xây nhà, đóng thuyền cũng ngày một phát triển. Vào thời này, lễ hội rất phổ biến, là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Lễ hội được tiến hành rải rác quanh năm, trong đó đặc sắc nhất là ngày hội mùa với nhiều nghi lễ như đâm trâu, bò và các hình thức hát múa, diễn xướng dân gian. Trong các buổi lễ hội có những sinh hoạt nổi bật như: tục lệ đánh trống đồng, thường do một người đánh hoặc hòa tấu từng cặp trống đực – cái, người đánh trống bận lễ phục hình chim ở tư thế ngồi hay đứng; hội giã gạo với từng đôi nam nữ cầm chày dài giã cối tròn, tạo nên hình ảnh tượng trưng cho sự sinh tồn, cầu mong được mùa, giống nòi phát triển. Cùng với sự phát triển của lễ hội, nhiều phong tục tập quán ra đời đã nói lên sự phát triển phong phú của đời sống tinh thần trong xã hội Âu Lạc, trong đó đáng kể nhất là tục cưới xin. Sách Lĩnh Nam chích quái mô tả nghi thức chính của phong tục hôn nhân thời này như sau: “Khi chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam và nữ thì trước lấy gói muối hay nắm đất làm đầu, sau đó mới giết trâu, giết dê để làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân”. Một trong những dấu tích của thời Âu Lạc còn để lại đến ngày nay là thành Cổ Loa (Hà Nội) và hàng vạn mũi tên đồng được khai quát ở gần thành cổ.
5. Sự sụp đổ nhà nước Âu Lạc:
Nhà nước Âu Lạc tồn tại chưa được bao lâu thì xảy ra cuộc xâm lược với mưu mô của Triệu Đà.
Năm 207 TCN, mượn cơ hội nhà Trần đang suy yếu, Triệu Đà đã cắt đất ba quận, lập thành nước Nam Việt, sau đó đem quân đi đánh các vùng xung quanh và đánh xuống đất nước Âu Lạc. Với sự đoàn kết và thông minh, sắc bén của quân dân Âu Lạc đã giữ vững được nền độc lập. Triệu Đà, biết không thể đánh bại được quân ta, bèn vờ xin hòa và dùng mưu kế chia rẽ nội bộ nước ta.
Năm 179 TCN, sau khi đã chia rẽ được nội bộ nhà nước Âu Lạc, khiến các tướng.giỏi như Cao Lỗ, Nồi Hầu phải bỏ về quê, Triệu Đà lại sai quân đánh Âu Lạc. An Dương Vương do không đề phòng, chủ quan nên bị thất bại nhanh chóng. Âu Lạc rơi vào ách đô hộ của nhà Triệu.
Sau khi An Dương Vương bị Triệu Đà của nhà Tần đánh bại, Nhà nước Âu Lạc bị thôn tính, đất nước ta rơi vào thảm họa hơn 1.000 năm Bắc thuộc.