Khi đi mua bất cứ sản phẩm gì thì chúng ta ai cũng muốn biết được nguồn gốc sản phẩm. Việc truy xuất nguồn gốc cũng cần thực hiện theo đúng các nguyên tắc nhất định. Một trong số đó là nguyên tắc truy xuất một bước trước - một bước sau. Nguyên tắc truy xuất một bước trước - một bước sau là gì? Đặc điểm và nội dung.
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc truy xuất một bước trước – một bước sau:
Ta hiểu về truy xuất nguồn gốc như sau:
Tại đa số những nước phát triển, truy xuất nguồn gốc được đánh giá là yếu tố quan trọng và bắt buộc đối với nhiều loại sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng dinh dưỡng. Tuy nhiên ở nước ta, vấn đề truy xuất nguồn gốc hiện vẫn chưa thực sự được chú ý bởi người dân thường hay mua sản phẩm ở những khu chợ trời không có người quản lý hay kiểm tra đúng quy trình.
Bên cạnh đó, lỗ hổng của các cơ quan có thẩm quyền cũng khiến các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có cơ hội hoành hành. Điều này khiến người tiêu dùng mua nhầm sản phẩm, mất niềm tin vào thương hiệu và các doanh nghiệp sản xuất chính hãng thì mất uy tín và khả năng tiêu thụ hàng hóa sụt giảm.
Đối với doanh nghiệp, truy xuất thông tin sản phẩm là bước đầu tạo sự tin tưởng với khách hàng, bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin cần thiết. Đối với các chủ thể là những người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn để nhằm mục đích để đảm bảo mua hàng chính hãng và an toàn trong quá trình sử dụng.
Khái niệm nguyên tắc truy xuất một bước trước – một bước sau:
Nguyên tắc truy xuất một bước trước – một bước sau trong tiếng Anh tạm dịch là: The one-step-back-one-step-forward traceability principle.
Nguyên tắc truy xuất một bước trước – một bước sau được hiểu cơ bản chính là cơ sở phải lưu giữ thông tin để nhằm mục đích đảm bảo khả năng nhận diện được cơ sở sản xuất, kinh doanh hay công đoạn sản xuất trước và cơ sở sản xuất, kinh doanh hay công đoạn sản xuất tiếp theo sau trong quá trình sản xuất, chế biến và phân phối đối với một sản phẩm được truy xuất.
Truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối. (Theo Codex Alimentarius)
Yêu cầu truy xuất nguồn gốc:
Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm theo nguyên tắc một bước trước – một bước sau, bảo đảm theo dõi và nhận diện được công đoạn sản xuất trước và công đoạn sản xuất sau trong cơ sở sản xuất; cơ sở sản xuất, kinh doanh trước và cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đã sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm.
Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm theo nguyên tắc một bước trước – một bước sau là một trong những nội dung đáng chú ý trong Thông tư số 25/2019/TT-BYT quy định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế mới ban hành. Thông tư số 25/2019/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 16/10/2019.
Theo đó, Thông tư số 25/2019/TT-BYT được ban hành đã quy định nguyên tắc, trường hợp truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm, các vi chất bổ sung vào thực phẩm, phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Thông tư số 25/2019/TT-BYT áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm; các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có hoạt động liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế tại Việt Nam.
Theo quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BYT, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo nguyên tắc một bước trước – một bước sau, bảo đảm theo dõi và nhận diện được công đoạn sản xuất trước và công đoạn sản xuất sau trong cơ sở sản xuất; cơ sở sản xuất, kinh doanh trước và cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đã sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm.
Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo lô sản xuất đối với sản phẩm thực phẩm cần truy xuất. Khi thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sử dụng thông tin được trích xuất từ hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm do cơ sở thiết lập theo quy định tại các Điều 4 và Điều 5 củaThông tư số 25/2019/TT-BYT và các nguồn thông tin khác có liên quan.
Liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Thông tư số 25/2019/TT-BYT cũng quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sẽ cần phải:
– Lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh.
– Lưu trữ và duy trì hệ thống dữ liệu thông tin này tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm, 24 tháng kể từ ngày sản xuất lô sản phẩm đối với dụng cụ, vật liệu chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và sản phẩm thực phẩm không yêu cầu bắt buộc ghi hạn sử dụng.
– Truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định và báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện về cơ quan có thẩm quyền tối đa 05 ngày làm việc kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
– Phân tích, xác định nguyên nhân gây mất an toàn đối với lô sản phẩm phải truy xuất. Trong trường hợp sản phẩm không đảm bảo an toàn phải thu hồi và xử lý.
– Áp dụng hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo mã nhận diện khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sở Y tế, cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm các tỉnh, thành có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này tại địa phương theo thẩm quyền phân cấp quản lý.
2. Các nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc:
Căn cứ theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ban hành 02/02/2018 Luật an toàn thực phẩm quy định các tổ chức cá nhân hoạt động liên quan đến các sản phẩm hay các nhóm sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế đều bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Dưới đây là các nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc:
– Thứ nhất: Nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, đá thực phẩm bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc.
+ Nước uống đóng chai là các sản phẩm nước uống được cung cấp trên thị trường bằng hình thức đóng chai.
+ Nước.
+ Đá thực phẩm bao gồm nước đá dùng liền và nước đá dùng để chế biến thực phẩm. Trừ nước đá sử dụng để bảo quản, chế biến sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Thứ hai: Thực phẩm chức năng.
Thực phẩm chức năng được hiểu cơ bản chính là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người; tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái; tăng sức đề kháng; giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung; thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.
– Thứ ba: Các vi chất bổ sung vào thực phẩm.
Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng được hiểu cơ bản chính là thực phẩm được bổ sung vitamin; chất khoáng; chất vi lượng nhằm phòng ngừa; khắc phục sự thiếu hụt các chất đó đối với sức khỏe cộng đồng hay nhóm đối tượng cụ thể.
– Thứ tư: Phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.
Phụ gia thực phẩm được hiểu là chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất; có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm mục đích giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm.
– Thứ năm: Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm
Trừ những dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương được sản xuất trong cùng một cơ sở và dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chỉ để dùng cho các sản phẩm thực phẩm của cơ sở đó.
– Thứ sáu: Các sản phẩm khác không được quy định tại danh mục của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.