Nguyên tắc toàn diện là một trong những nguyên tắc quan trọng có ý nghĩa lớn trong đời sống xã hội. Vậy nguyên tắc toàn diện là gì? Ví dụ về nguyên tắc toàn diện? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc toàn diện là gì?
Nguyên tắc toàn diện là một trong những nguyên tắc phương pháp luận cơ bản trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của phép biện chứng duy vật. Với nguyên tắc toàn diện, cơ sở lý luận bao trùm đó là mối liên hệ phổ biến. Cụ thể, mối liên hệ phổ biến thể hiện những mối liên hệ có sự tác động, chuyển hóa qua lại lẫn nhau giữa các hiện tượng, sự vật, các mặt của một sự vật, hiện tượng.
Các mối liên hệ luôn có tính khách quan, đa dạng và phổ biến, có những vai trò khác nhau quy định trong sự vận động, phát triển của một sự vật, hiện tượng. Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến đã khái quát được bức tranh toàn diện về thế giới được thể hiện qua những mối liên hệ có sự tác động giữa các hiện tượng, sự vật.
2. Nội dụng cụ thể của nguyên tắc toàn diện:
Thứ nhất, nguyên tắc toàn diện được đặt trong mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, yếu tố, thuộc tính khác nhau trong một chỉnh thể của sự vật, hiện tượng và trong các mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng đó với những sự vật, hiện tượng khác.
Đã là toàn diện thì tránh việc xem xét phiến diện, một chiều, chỉ nhận thức được một phần bản chất của vấn đề. Với nguyên tắc toàn diện, ta phải nhìn nhận và đánh giá mọi việc trên cơ sở mọi mặt, mọi chi tiết, từng mối liên hệ xung quanh, trong đó tìm xe đâu là mối liên hệ chủ đạo, bản chất xác định được sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng; đảm bảo không được mắc phải chủ nghĩa chiết trung, kết hợp không có nguyên tắc của các mối liên hệ; thuật ngụy biện coi cái cơ bản thành cái không cơ bản, từ đó dẫn đến việc nhận thức không đúng, sai lệch về bản chất của sự vật, hiện tượng.
Thứ hai, nguyên tắc toàn diện là yêu cầu cần có và tất yếu của phương pháp tiếp cận khoa học, xem xét sự vật, hiện tượng ở trong một thể thống nhất cùng với các yếu tố, các mặt, các bộ phận của chúng. Về bản chất, để thực sự hiểu được một sự vật, hiện tượng, chúng ta cần có cái nhìn bao quát và sự nghiên cứu, tìm tòi đến tất cả các mối liên hệ, xem xét đến tổng hòa những vấn đề của một sự vật đó trong mối liên hệ với sự vật khác.
Tuy nhiên, ở phương diện nào đó, con người sẽ rất khó làm được những điều trên một cách đầy đủ cũng như trọn vẹn, vì lý do trong quá trình vận động, phát triển của một sự vật, hiện tượng sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn vận động, thay đổi khác nhau, thậm chí biến đổi trong một khoảng thời gian ngắn nên để cập nhật cũng như theo dõi kĩ càng, không bỏ sót vấn đề thì rất khó. Thêm nữa, những mối liên hệ đó được biểu hiện trong những điều kiện khách quan nhất định. Con người, chủ thể nhận thức với những phẩm chất và năng lực của mình luôn bị ức chế bởi những điều kiện của hoàn cảnh lịch sử xã hội, và đó cũng là lẽ đương nhiên sẽ không thể bao quát được hết những mối liên hệ xung quanh bên trong và bên ngoài sự vật, hiện tượng.
Thứ ba, nguyên tắc toàn diện đòi hỏi việc xem xét các sự vật, hiện tượng đặt trong mối liên hệ với thực tiễn của con người. Bởi trong mỗi hoàn cảnh nhất định, con người sẽ chỉ phản ánh mối liên hệ nào đó của hiện tượng, sự vật trên cơ sở phù hợp với những nhu cầu nhất định, do đó, nhìn nhận về các sự vật, hiện tượng chỉ mang tính tương đối, không trọn vẹn và không đầy đủ. Và bản chất của việc xem xét toàn diện là xem xét có trọng tâm, trọng điểm của vấn đề chứ không phải là xem dàn đều; tìm ra được những điểm quan trọng trong từng yếu tố, từng mối liên hệ giữa những cái tổng thể lớn lao.
Trong thực tế, theo quan điểm toàn diện, khi tác động vào sự vật, chúng ta không những phải chú ý tới những mối liên hệ nội tại của nó mà còn phải chú ý tới những mối liên hệ của sự vật ấy với các sự vật, hiện tượng khác ở đời sống thực tế. Bên cạnh đó, chúng ta phải biết sử dụng đồng bộ các biện pháp, các phương tiện khác nhau để tác động nhằm mục đích đem lại hiệu quả cao nhất.
3. Ví dụ của nguyên tắc toàn diện:
Ví dụ thực tế trong đời sống, như khi ta đánh giá, nhận xét một người, mình không thể “trông mặt mà bắt hình dong” mà cần chú ý đến các yếu tố, các mặt khác được thể hiện như cách cư xử của người này đối với các mối quan hệ khác như cách cư xử đối với người thân, gia đình; cách cư xử đối với bạn bè; cách cư xử đối với những người lạ,… rồi xem xét đến cách làm việc từ trước tới nay,… Từ đó mới có thể có cái nhìn toàn diện để đánh giá về một con người mang tính có cơ sở chứ không phải cái nhìn đánh giá mang tính chất cho có, không có sự hiểu biết nhất định.
4. Ý nghĩa của nguyên tắc toàn diện:
Nguyên tắc toàn diện có ý nghĩa trong việc hoàn thiện nhận thức một cách toàn diện. Bất kể sự vật, hiện tượng nào trong thế giới cũng tồn tại trong những mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác. Chính vì vậy, nó giúp cho con người rèn luyện được khả năng nhận thức mọi việc đa chiều, tránh quan điểm phiến diện, một chiều rồi đưa ra những kết luận chưa trọn vẹn, không đầy đủ, thậm chí đánh giá sai về mọi vấn đề.
Nguyên tắc toàn diện giúp nhận thức được sự vật với tất cả các thành tố, trong mối liên hệ với nhu cầu thực tiễn của con người và để cải tạo được sự vật thì phải bằng hoạt động thực tiễn biến đổi những mối liên hệ nội tại của sự vật cũng như các mối liên hệ qua lại của sự vật đó với các sự vật khác; từ đó, phải sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp, nhiều phương tiện khác nhau để tác động nhằm thay đổi những hiện tượng tương ứng.
Nguyên tắc toàn diện có ý nghĩa lớn trong đổi mới nhận thức của Đảng về con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam:
Chủ trương xuyên suốt trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải đổi mới toàn diện. Quyết định chiến lược này phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, từ bỏ tư tưởng phiến diện, giáo điều, những cách tư duy duy ý chí đã từng tồn tại trong nhiều năm trước đây; tổng kết những kinh nghiệm sáng tạo của nhân dân, của các cấp, các ngành.
Quyết định chiến lược này vừa khẳng định dứt khoát sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới, xác định rõ đổi mới toàn diện không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là nhận thức đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội và thực hiện mục tiêu ấy bằng những hình thức, bước đi thích hợp, vừa khắc phục các hạn chế đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo thế ổn định chính trị – xã hội của đất nước.
Về vấn đề đổi mới toàn diện bắt đầu từ đổi mới kinh tế, bởi chỉ đổi mới kinh tế thì mới đảm bảo được cuộc sống nhân dân ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì mới bắt đầu đổi mới chính trị, mà phải đổi mới từng bước hệ thống chính trị. Chính trị là cơ chế bộ máy Nhà nước, là đầu tàu cho sự phát triển của xã hội, đổi mới chính trị không có nghĩa là thay đổi bản chất của hệ thống chính trị mà chính là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Tiếp theo, trong vấn đề đổi mới toàn diện, Nhà nước thống nhất phát triển kinh tế xã hội đi kèm với phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Đồng thời, phát triển quốc phòng an ninh, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh để có một đất nước văn minh, an toàn.
Vấn đề toàn diện của Nhà nước cũng được thể hiện ở việc nhận thức, đề ra yêu cầu nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ đối ngoại. Đó là những mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị;…