Hằng năm, trong quá trình đăng ký xét tuyển đại học, điều chỉnh nguyện vọng, vẫn còn một số thí sinh chưa hiểu rõ các thuật ngữ “ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào”, “điểm sàn”, “điểm trúng tuyển” là gì. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nói trên.
Mục lục bài viết
1. Các phương thức xét tuyển đại học:
Hiện nay, trong xu thế cạnh tranh thì các trường đại học ngày càng đa dạng về phương thức tuyển sinh đại học chứ không chỉ phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Hiện nay, có hơn 10 phương thức xét tuyển được các trường đại học công bố, sử dụng trong mùa tuyển sinh năm nay, do đó các thí sinh cần tìm hiểu kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp đồng thời gia tăng cơ hội trúng tuyển của bản thân. Cụ thể, các phương thức xét tuyển đã được các trường công bố, gồm:
Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD-ĐT và quy định của trường.
Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM (xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2022; xét tuyển học sinh của 83 trường chuyên, năng khiếu của các trường đại học thuộc các tỉnh, thành trên toàn quốc; học sinh của 66 trường THPT).
Xét tuyển học sinh giỏi.
Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội); kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội; kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) theo tổ hợp môn.
Xét tuyển học lực kết hợp phỏng vấn.
Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài.
Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế.
Xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với kết quả học tập 3 năm THPT.
Xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế.
Xét tuyển dựa trên điểm trung bình chung tích lũy của thí sinh tốt nghiệp đại học.
Nhiều trường ĐH khác áp dụng phương thức xét tuyển từ học bạ, từ kết quả thi THPT, kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu…
Đối với thí sinh lựa chọn phương thức xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì cần lưu ý đến các thuật ngữ “ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào”, “điểm sàn”, “điểm trúng tuyển” để kịp thời điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp.
2. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là gì?
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hay còn gọi là điểm sàn, là mức điểm xét tuyển tối thiểu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc trường đề ra sau khi có điểm thi để nhận đơn xét tuyển của thí sinh thi. Nói cách khác, điểm sàn là mức điểm được hiểu sẽ là ngưỡng chất lượng đầu vào, ngưỡng tối thiểu mà các trường Đại học/ Cao đẳng lấy làm cơ sở để tiến hành tuyển sinh.
Điểm sàn sẽ giúp các trường định ra mức điểm xét tuyển bằng cách căn cứ vào chỉ tiêu tuyển và điểm thi của thí sinh. Với điểm sàn đã công bố, các trường không được phép tuyển những thí sinh có ngưỡng điểm thấp hơn chất lượng đầu cao.
Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố điểm sàn đối với tất cả các ngành. Nhưng từ năm 2023 trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định mức điểm sàn đối với các ngành đào tạo giáo viên, y khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt, dược học, điều dưỡng, hộ sinh, dinh dưỡng… đào tạo trình độ đại học. Vậy nên, các trường có đào tạo những ngành trên phải xây dựng phương án tuyển sinh dựa trên ngưỡng điểm sàn được Bộ Giáo quy định. Đối với những nhóm ngành khác, các trường có thể tự xác định điểm sàn và đưa ra mức điểm sàn dựa vào chỉ tiêu xét tuyển cũng như điểm thi của thí sinh.
Điểm sàn sẽ được tổng hợp dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước nên chỉ mang tính chất tham khảo. Nhưng về bản chất, điểm sàn cũng có ý nghĩa quan trọng, để đảm bảo nguồn chất lượng đầu vào của một trường dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh, điểm thi của thí sinh và số lượng đơn đăng kí vào các nhóm ngành hoặc ngành của trường, nếu điểm sàn cao thì chất lượng thí sinh sẽ cao hơn. Điểm sàn là căn cứ để các thí sinh kịp thời điều chỉnh nguyện vọng của mình.
Điểm sàn giữa các ngành học của cùng một trường thường khác nhau và thấp hơn so với điểm chuẩn. Nguyên tắc xác định điểm sàn đảm bảo tất cả các trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu và đảm bảo kết quả tuyển không quá thấp để đảm bảo chất lượng đầu vào. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ cân nhắc để số lượng thí sinh trên điểm sàn có sự cân đối giữa các khu vực, giữa các loại hình trường. Thực hiện các nguyên tắc này, thông thường mức điểm được xác định sao cho đảm bảo nguồn tuyển trung bình cả 4 khối A, B, C, D khoảng 200%. Tức là số thí sinh trên điểm sàn sẽ gấp đôi tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
3. Điểm trúng tuyển là gì?
Điểm trúng tuyển hay còn gọi là điểm chuẩn, là mức điểm mà thí sinh cần đạt được để trúng tuyển vào ngành mà mình đăng ký theo nguyện vọng. Mỗi ngành ở mỗi trường đều có một mức điểm chuẩn khác nhau. Thí sinh có điểm thi lớn hoặc bằng điểm chuẩn sẽ trúng tuyển vào ngành đó.
Nếu như điểm sàn được coi là điều kiện cần, thì điểm trúng tuyển được coi là là điều kiện đủ. Điểm trúng tuyển không được thấp hơn điểm sàn.
Tuy nhiên, ở một số trường đại học có số lượng thí sinh đăng ký lớn vượt quá chỉ tiêu sẽ áp dụng các tiêu chí phụ để xét các thí sinh có điểm thi bằng đúng với điểm chuẩn và ở cuối danh sách xét tuyển.
Tiêu chí phụ là cách đánh giá đối với những thí sinh có cùng điểm số như nhau, chọn ra những thí sinh đáp ứng đầy đủ các tiêu chí phụ để trúng tuyển nguyện vọng. Tùy thuộc vào từng tiêu chí tuyển sinh của trường mà sẽ có những tiêu chí phụ khác nhau, cụ thể:
– Tiêu chí phụ ưu tiên theo môn thi:
Ưu tiên theo môn thi chính là hình thức thường được sử dụng nhất tại các trường Đại học hiện nay. Đối với những thí sinh có điểm bằng nhau thì nhà trường có thể dựa vào điểm thi của môn chính nhân đôi hoặc một trong những môn nằm trong tổ hợp xét tuyển.
Ví dụ: Trường Đại học Thương Mại cũng ưu tiên các môn lần lượt ngành Ngôn ngữ Anh là điểm bài thi Tiếng Anh; với chuyên ngành Tiếng Pháp thương mại (D03) là điểm bài thi Tiếng Pháp; với Chuyên ngành Tiếng Trung thương mại (D04) là điểm bài thi Tiếng Trung.
– Tiêu chí phụ ưu tiên theo thứ tự nguyện vọng:
Trên thực tế có một số trường lại áp dụng ưu tiên theo nguyện vọng của thí sinh. Nếu trường hợp thí sinh có cùng điểm số, sau khi ưu tiên theo môn mà vẫn không xét tuyển được thì tiếp tục ưu tiên người đăng ký thứ tự nguyện vọng cao hơn.
Ví dụ: Thí sinh nào đăng ký xét tuyển vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam là nguyện vọng 1 thì sẽ được ưu tiên xét tuyển trước.
– Tiêu chí phụ dựa vào điểm xét tuyển chưa làm tròn:
Theo như quy định chung thì các bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy tính và được quy đổi sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm. Tổng điểm của tổ hợp môn xét tuyển sẽ được làm tròn đến 0.25 điểm. Điểm của thí sinh gần tiệm cận nào thì làm tròn tới tiệm cận đó. Tuy nhiên, có nhiều trường áp dụng tiêu chí phụ là tổng điểm 3 môn chưa làm tròn như Đại học Ngoại Thương.
Theo đó, nhà trường sẽ xem tổng điểm của thí sinh nào cao hơn khi chưa làm tròn thì sẽ lựa chọn thí sinh đó. Và tất nhiên thí sinh còn lại sẽ phải tạm dừng cuộc chơi.
Nhìn chung, tiêu chí phụ đối với mỗi trường và mỗi ngành là khác nhau. Tiêu chí phụ sẽ được phân chia và được các trường Đại học sử dụng linh hoạt để tuyển sinh. Với hình thức sử dụng tiêu chí phụ trong xét tuyển đầu vào đại học, nhà trường vừa có thể đáp ứng đủ chỉ tiêu tuyển sinh, và vừa có thể lựa chọn được những thí sinh có đầu vào tốt.
Thông thường, các trường sẽ công bố điểm trúng tuyển sau khi kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng.
Như vậy, sau khi biết điểm thi của mình, thí sinh cần chú ý đến thời điểm các trường công bố điểm sàn, điểm trúng tuyển của ngành mình đăng ký vào năm trước để so sánh, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng chọn trường của các thí sinh, cụ thể:
– Các trường sẽ lựa chọn thí sinh trúng tuyển và công bố điểm chuẩn dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh và điểm số của thí sinh đã đăng ký. Vì vậy, thí sinh cần nghiên cứu kỹ điểm sàn năm tuyển sinh và điểm chuẩn các năm trước để đăng ký nguyện vọng phù hợp.
– Điểm xét tuyển của thí sinh càng cao hơn điểm sàn thì thí sinh càng có nhiều cơ hội trúng tuyển.
– Trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng lần cuối, thí sinh có thể so sánh điểm chuẩn của ngành mình muốn xét tuyển ở các năm trước với điểm thi thực tế để lựa chọn và sắp xếp thứ tự nguyện vọng đăng ký xét tuyển hợp lý.
4. Các thuật ngữ tiếng anh có liên quan:
– Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (hay điểm sàn) tạm dịch sang tiếng Anh có nghĩa là Floor point.
– Điểm trúng tuyển tạm dịch sang tiếng Anh là Admission score.
5. Cách tính điểm xét tuyển đại học:
Thông thường, với các ngành không có môn chính hay không có môn nhân hệ số trong tổ hợp xét tuyển, có thể tính điểm xét tuyển theo công thức sau:
Điểm xét đại học = Điểm M1 + Điểm M2 + Điểm M3 + Điểm ưu tiên
(nếu có)
Trong đó: Điểm M1, M2, M3 là lần lượt là điểm các môn thành phần trong tổ hợp xét tuyển thí sinh đăng ký.
Theo Điều 7 Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT, thí sinh sẽ được cộng điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh. Trong đó:
* Ưu tiên theo khu vực (theo Phụ lục I của Quy chế)
+ Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm, khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm; khu vực 3 (KV3) không được tính điểm ưu tiên;
+ Khu vực tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm trường mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học cấp THPT (hoặc trung cấp); nếu thời gian học (dài nhất) tại các khu vực tương đương nhau thì xác định theo khu vực của trường mà thí sinh theo học sau cùng;
+ Các trường hợp sau đây được hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú:
– Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng các chế độ ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước theo quy định;
– Học sinh có nơi thường trú (trong thời gian học cấp THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Thủ tướng Chính phủ; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 (theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ); các thôn, xã đặc biệt khó khăn tại các địa bàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ nếu học cấp THPT (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có ít nhất một trong các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn
– Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân được cử đi dự tuyển, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo nơi thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn; nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại các khu vực có mức ưu tiên khác nhau thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn; nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú trước khi nhập ngũ;
– Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
* Ưu tiên theo đối tượng chính sách (theo Phụ lục II của Quy chế)
– Mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng UT1 (gồm các đối tượng 01 đến 04) là 2,0 điểm và cho nhóm đối tượng UT2 (gồm các đối tượng 05 đến 07) là 1,0 điểm;
– Mức điểm ưu tiên cho những đối tượng chính sách khác (được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành) do Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định;
– Thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng chính sách quy định tại các điểm a, b khoản này chỉ được tính một mức điểm ưu tiên cao nhất.
– Các mức điểm ưu tiên được quy định trong Điều này tương ứng với tổng điểm 3 môn (trong tổ hợp môn xét tuyển) theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi (không nhân hệ số); trường hợp phương thức tuyển sinh sử dụng thang điểm khác thì mức điểm ưu tiên được quy đổi tương đương.
– Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên.
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về các thuật ngữ “Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào”, “điểm trúng tuyển”. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về nội dung của các thuật ngữ nói trên để trang bị cho mình một kiến thức mới về tuyển sinh, giúp bạn đọc có thể đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển phù hợp với năng lực của bản thân, mở ra cơ hội giúp bạn đến gần hơn với cánh cổng trường đại học. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.
Căn cứ pháp lý:
Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non