Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập và phát triển, chính vì thế nhu cầu lựa chọn để học và làm việc trong các ngành liên quan đến kinh tế ngày càng nhiều, trong đó có ngành ngoại thương. Vậy ngoại thương là gì? Ngành nào thuộc khối ngoại thương và vai trò của ngoại thương?
Mục lục bài viết
- 1 1. Ngoại thương là gì?
- 2 2. Ngành ngoại thương sẽ được học những gì?
- 3 3. Nội dung của hoạt động ngoại thương:
- 4 4. Vai trò của hoạt động ngoại thương:
- 5 5. Hợp đồng ngoại thương là gì?
- 6 6. Đặc điểm của hợp đồng ngoại thương:
- 7 7. Phân loại hợp đồng ngoại thương:
- 8 8. Nội dung chính của hợp đồng ngoại thương:
1. Ngoại thương là gì?
Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, không những là sự phát triển trong nước mà còn là sự gia nhập của các đối tác nước ngoài vào Việt Nam cũng như các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đi nước ngoài. Từ đó, Ngoại thương trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng trong việc đưa nền kinh tế phát triển theo hướng toàn cầu hóa cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế.
Ta có thể hiểu một cách đơn giản nhất, ngoại thương chính là hoạt động thương mại, buôn bán hàng hóa, dịch vụ giữa các đất nước với nhau. Khi hoạt động kinh tế vượt ra khỏi phạm vi một đất nước thì được gọi là hoạt động ngoại thương. Ngoại thương có thể bao gồm việc các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài hoặc nhập khẩu về cho đất nước.
Ngoại thương tiếng Anh là: Foreign Trade
2. Ngành ngoại thương sẽ được học những gì?
Ngành Ngoại thương sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức liên quan đến thương mại quốc tế, đó là những kiến thức về kinh tế quốc tế, tài chính quốc tế, luật kinh doanh, các hoạt động xuất – nhập khẩu, … cũng như giúp sinh viên nắm vững các kiến thức, kỹ năng liên quan phục vụ cho quá trình làm việc sau này.
Sau khi hoàn thành các chương trình đào tạo, sinh viên có thể nắm vững các kỹ năng như trao đổi, đàm phán các hoạt động mua bán hàng hóa; lên và thẩm định các hợp đồng kinh doanh; phân phối hàng hóa xuất – nhập khẩu; xem xét, dự báo tình hình kinh tế thị trường; quản lý và giải quyết những rủi ro;…
3. Nội dung của hoạt động ngoại thương:
Hoạt động ngoại thương bao gồm các nội dung:
– Xuất và nhập khẩu hàng hóa hữu hình (nguyên, nhiên liệu, vật liệu, máy móc thiết bị, lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng…) thông qua xuất nhập khẩu trực tiếp hoặc xuất nhập khẩu ủy thác.
– Xuất và nhập khẩu hàng hóa vô hình (các bí quyết công nghệ, bằng sáng chế, phát minh, phần mềm máy tính, quyền tác giả, độc quyền nhãn hiệu, thương hiệu…) thông qua xuất nhập khẩu trực tiếp hoặc xuất nhập khẩu ủy thác.
– Gia công thuê cho nước ngoài và thuê nước ngoài gia công. Hoạt động gia công mang tính chất công nghiệp nhưng chu kì gia công thường ngắn, có đầu vào và đầu ra gắn liền với thị trường nước ngoài, nên nó được coi là một bộ phận của hoạt động ngoại thương.
– Tái xuất khẩu và chuyển khẩu: Trong hoạt động tái xuất khẩu người ta tiến hành nhập khẩu tạm thời hàng hóa từ bên ngoài vào sau đó lại xuất khẩu sang một nước thứ ba với điều kiện hàng hóa đó không qua gia công, chế biến. Còn hoạt động chuyển khẩu không có hành vi mua bán mà ở đây chỉ thực hiện dịch vụ như: vận tải quá cảnh, lưu kho, lưu bãi, bảo quản hàng hóa…
– Xuất khẩu tại chỗ: Trong trường hợp này, hàng hóa, dịch vụ có thể chưa vượt ra ngoài biên giới quốc gia nhưng ý nghĩa kinh tế của nó tương tự như hoạt động xuất khẩu. Đó là việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các ngoại giao đoàn, cho khách du lịch quốc tế…
4. Vai trò của hoạt động ngoại thương:
* Thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa
Ngoại thương đã tác động rất lớn đến sự thay đổi lực lượng sản xuất, cơ cấu lao động, trong đó những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường sẽ được tập trung sản xuất. Lao động có trình độ và chuyên môn cao được nhà nước chú trọng đào tạo, từ đó hiệu quả cạnh tranh ngày càng tăng cao. Tất cả đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế nước ta trong những năm gần đây, hướng đến một đất nước hiện đại hóa, công nghiệp hóa vững mạnh.
* Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế và mở rộng mối quan hệ đối ngoại
Khi nền kinh tế ngày càng ổn định, hoạt động ngoại thương ngày càng vững mạnh điều đó cũng đồng nghĩa với việc tình hình lạm phát ở nước ta cũng được kiềm chế và kiểm soát hiệu quả hơn. Khi lạm phát đã không còn tăng cao, thì một điều dĩ nhiên kéo theo đó chính là kinh tế trong nước cũng vì thế mà ổn định hơn. Điều đó sẽ tạo nên nền tảng rất lớn để nhà nước yên tâm để mở rộng mối quan hệ đối ngoại với bạn bè khu vực, từ đó chúng ta có thể vững tin vào sự phát triển vượt bậc sắp tới.
* Tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động
Đây là một trong những điều tích cực nhất mà ngoại thương mang đến cho mỗi quốc gia, đặc biệt đối với Việt Nam sự phát triển của ngành ngoại thương sẽ giúp cho người lao động cải thiện được tình hình kinh tế và mang về nguồn thu nhập giá trị hơn. Đối với những lao động phổ thông sẽ có điều kiện tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn so với lúc trước. Giờ đây, bài toán thất nghiệp không còn là nỗi lo lớn đối với Nhà nước.
Mặt khác, đất nước ta đã xóa bỏ được vấn đề sử dụng lao động và phát triển các ngành nghề liên doanh, đầu tư quốc tế…Từ việc giải quyết việc làm, nâng cao mức sống và thu nhập cho người lao động sẽ góp phần tạo nên một khối liên kết vững chắc cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.
5. Hợp đồng ngoại thương là gì?
Hợp đồng ngoại thương hay còn gọi là hợp đồng xuất nhập khẩu là sự thỏa thuận của bên mua và bên bán giữa hai nước khác nhau, trong đó quy định bên bán phải cung cấp hàng hóa và chuyển giao các chứng từ có liên quan đến hàng hóa và quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và bên mua phải thanh toán tiền hàng
6. Đặc điểm của hợp đồng ngoại thương:
Chủ thể kí hợp đồng là các bên có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau (nếu các bên không có trụ sở thương mại thì sẽ dựa vào nơi cư trú cả họ).
Đối tượng của hợp đồng là hàng hóa được chuyển hoặc sẽ được chuyển từ nước này sang nước khác.
Chào hàng và chấp nhận chào hàng có thể được lập ở những nước khác nhau.
7. Phân loại hợp đồng ngoại thương:
Phân loại hợp đồng ngoại thương theo 3 tiêu chí sau:
Theo thời gian thực hiện hợp đồng
Hợp đồng ngắn hạn : thường được kí kết trong một thời gian tương đối ngắn và sau một lần thực hiện thì hai bên đã hoàn thành nghĩa vụ của mình
Hợp đồng dài hạn: thường được thực hiện trong thời gian lâu dài và trong thời gian đó việc giao hàng được tiến hành nhiều lần học xuất nhập khẩu
Phân loại theo nội dung kinh doanh của hợp đồng
Hợp đồng xuất khẩu: Là hợp đồng bán hàng cho nước ngoài nhằm thực hiện việc chuyển giao hàng hóa đó ra nước ngoài, đồng thời di chuyển quyền sở hữu hàng hóa đó sang tay người mua
Hợp đồng nhập khẩu: là hợp đồng mua hàng của nước ngoài để rồi đưa hàng đó vào nước mình nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước, hoặc phục vụ các ngành sản xuất, chế biến trong nước
Hợp đồng tái xuất khẩu: Là hợp đồng xuât khẩu những hàng mà trước kia đã nhập từ nước ngoài không qua tái chế hay sản xuất gì trong nước
Hợp đồng tái nhập khẩu: là hợp đồng mua những hàng hóa do nước mình sản xuất đã bán ra nước ngoài và chưa qua chế biến gì ở nước ngoài
Hợp đồng gia công hàng xuất khẩu: là hợp đồng thể hiện một bên trong nước nhập nguyên liệu từ bên nước ngoài để lắp ráp gia công hoặc chế biến thành các sản phẩm rồi xuất sang nước đó chứ không tiêu thụ trong nước.
Phân loại theo hình thức hợp đồng
Có 3 loại hợp đồng như: hợp đồng văn bản, hợp đồng miệng và hợp đồng theo hình thức mặc nhiên. Tuy nhiên, hình thức văn bản vẫn được ưa chuộng vì có nhiều ưu điểm: an toàn, toàn diện, rõ ràng hơn
8. Nội dung chính của hợp đồng ngoại thương:
Nếu đọc qua một số hợp đồng mẫu, bạn sẽ thấy được những nội dung cơ bản trên hợp đồng thương mại quốc tế. Trong đó, có một số điều khoản quan trọng và bắt buộc (theo Luật thương mại 2005) như:
Phần mở đầu
Tiêu đề hợp đồng: thường là “contract”, “Sale contract”
Số và kí hiệu hợp đồng
Thời gian kí kết hợp đồng
Phần thông tin và chủ thể hợp đồng
Tên đơn vị : nêu cả tên đầy đủ và tên viết tắt (nếu có)
Địa chỉ đơn vị
Các số máy : Fax, điện thoại, email
Số tài khoản và tên ngân hàng
Người đại diện kí hợp đồng : cần nêu rõ tên và chức vụ của người đại diện họ
Nội dung của hợp đồng
Article 1 : Commodity : Phần mô tả hàng hóa
Article 2 : Quality : Mô tả chất lượng hàng hóa
Article 3 : Quantity : Số lượng hoặc trọng lượng hàng hóa tùy theo đơn vị tính toán
Article 4 : Price : ghi rõ đơn giá theo điều kiện thương mại lựa chọn và tổng số tiền thanh toán của hợp đồng
Article 5 : Shipment : thời hạn và địa điểm gia hàng
Article 6: phương thức thanh toán quốc tế lựa chọn
Article 7: Packing and Marking: quy cách đóng gói bao bì và nhãn hiệu hàng hóa
Article 8: Warranty: Nêu nội dung bảo hành hàng hóa
Article 9: Penalty: Những quy định về phạt và bồi thường trong trường hợp có một bên vi phạm hợp đồng
Article 10: Insurance: Bảo hiểm hàng hóa do bên nào mua ? và mua theo điều kiện nào? Nơi khiếu nại đòi bồi thường bảo hiểm
Article 11: Force majeure: nêu các sự kiện được cho là bất khả kháng và không thể thực hiện được hợp đồng
Article 12: Claim: nêu các quy định cần thực hiện trong trường hợp một bên trong hơp đồng muốn khiếu nại bên kia
Article 13: Arbitration: quy định luật và ai là người đứng ra phân xử trong trường hợp hợp đồng bị vi phạm
Article 14: Other terms and conditions : ghi những quy định khác ngoài những điều khoản đã kể trên.
Phần cuối của hợp đồng
Hợp đồng được lập thành bao nhiêu bản
Hợp đồng thuộc hình thức nào
Ngôn ngữ hợp đồng sử dụng
Hợp đồng có hiệu lực kể từ bao giờ
Trường hợp có sự bổ sung hay sửa đổi hợp đồng thì phải làm thế nào?
Chữ kí, tên, chức vụ người đại diện mỗi bên
Nội dung cụ thể tất nhiên sẽ có sự thay đổi linh hoạt để phù hợp với nhu cầu thực tế của các bên. Nhưng những điều khoản cơ bản nêu ra trên đây rất phổ biến, và bạn nên tham khảo trong quá trình soạn thảo và đàm phán hợp đồng với đối tác nước ngoài.