Nghĩa tường minh và hàm ý là hai cách thể hiện nội dung trong văn, thơ. Trong đó, nghĩa tường minh được thể hiện là nghĩa đen và hàm ý lại nói lên lớp nghĩa bóng và để tìm hiểu rõ hơn về nội dung này mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Nghĩa tường minh là gì ?
“– Trời ơi, chỉ còn có năm phút!
Chính là anh thanh niên giật mình nói to, giọng cười nhưng đầy tiếc rẻ. Anh chạy ra nhà phía sau, rồi trở vào liền, tay cầm một chiếc làn. Nhà hoạ sĩ tặc lưỡi đứng dậy. Cô gái cũng đứng lên, đặt lại chiếc ghế, thong thả đi đến chỗ bác già.
– Ô ! Cô còn quên chiếc mùi soa đây này!
Anh thanh niên vừa vào, kêu lên. Để người con gái khỏi trở lại bàn, anh lấy chiếc khăn tay còn vo tròn cặp giữa cuốn sách tới trả cho cô gái. Cô kĩ sư mặt đỏ ửng, nhận lại chiếc khăn và vội quay đi.”
Đây là một câu chuyện kể lại đối với diễn biến của các sự việc diễn ra. Không có lớp nghĩa, ẩn ý nào được che đậy sau lớp nghĩa đen. Các câu cảm thán, câu kể chỉ nhằm miêu tả đúng và chân thực các nhân vật xuất hiện trong câu chuyện.
Như câu: “Ô! Cô còn quên chiếc mùi xoa đây này!” cũng là một câu không có ẩn ý, là câu mang nghĩa tường minh. Do đó chúng ta dễ dàng tiếp thu và nắm bắt đối với nội dung, cốt truyện.
2. Hàm ý là gì?
Hàm ý còn có tên gọi khác là hàm ẩn, hàm ngôn. Do đó mà việc nhắc đến, nhận xét hay mô tả câu chuyện, sự vật chỉ là bề nổi. Ẩn sau các nội dung đó còn là một hàm ý khác, lớp nghĩa chính mà người nói muốn biểu đạt.
Nó là phần thông báo trong câu nhưng không được diễn đạt, biểu thị bằng từ ngữ. Do đó việc xác định được lớp nghĩa này để hiểu được hàm ý phải phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm cũng như sự tinh tế của người nghe, người đọc.
Người nghe, người nói có thể hiểu nghĩa thông qua việc suy diễn từ nghĩa của các từ ngữ cấu thành nên câu. Trong đó, nó cũng gắn với các hoàn cảnh và phù hợp với bối cảnh đang được nhắc đến.
Tùy vào hoàn cảnh, mà hàm ý được sử dụng với các mục đích như:
– Mời mọc, rủ rê nhưng không mang tính trực diện, thể hiện rõ nội dung.
– Từ chối khéo.
– Lời thiếu thiện chí, đề nghị kín đáo. Các nhận xét hay đánh giá đối với vấn đề không tiện nói một cách trực diện.
– Muốn sử dụng hàm ý, cần đảm bảo hai điều kiện:
+) Người nói (viết) có ý thức đưa hàm ý vào câu. Qua đó mà có nhiều lớp nghĩa được thể hiện, cung cấp trong nội dung truyền đạt.
+) Người nghe (đọc) có năng lực giải đoán hàm ý. Phải hiểu được lớp nghĩa bóng được người nói nhắc đến. Từ đó mới mang lại sự đảm bảo trong nội dung giao tiếp.
Trong giao tiếp, sử dụng hàm ý có nhiều tác dụng khác nhau. Như thể hiện tính lịch sự, tế nhị, nói ẩn ý. Đồng thời giúp cho cách diễn đạt trở nên phong phú, linh hoạt. Nhờ vào hàm ý mà chỉ người cần hiểu mới có thể hiểu, trong khi những người khác có thể nghe nhưng không hiểu hết hàm ý đó.
– Hàm ý là phần thông báo tuy không được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu nhưng người nghe có thể suy ra từ những từ ngữ ấy. Chính vì vậy mà chúng ta có thể linh hoạt hơn trong việc lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt. Hàm ý có thể có trong ngôn ngữ sinh hoạt, báo chí, vãn chương. Từ đó mang đến các nét nghệ thuật đặc trưng, sự mềm mại và giá trị ý nghĩa cao. Nhưng trong văn bản khoa học thì không nên dùng hàm ý. Đặc biệt là hàm ý không được sử dụng trong hành chính công vụ, trong các quy phạm pháp luật.
– Ví dụ minh họa:
“A: Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?
Anh kia liền giơ ngay vạt áo ra, bảo:
B: Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả !”
Mặc dù một người hỏi xem lợn của mình có chạy qua đây không, người kia trả lời không thấy. Đây là mục đích chính mà các bên cần tập chung vào khai thác thông tin. Tuy nhiên cả hai đều muốn khoe khoang, nên họ phải thể hiện các nội dung khác mang hàm ý.
Người tìm lợn thì nhà đang có đám cưới, trong khi người được hỏi thì đang có chiếc áo mới nhưng chưa được ai chú ý, hỏi han. Các hàm ý được các bên sử dụng trong câu chuyện này.
3. Phân biệt nghĩa tường minh và hàm ý:
– Khái niệm:
+ Nghĩa tường minh là phần thông báo được diễn đạt trực tiếp bằng các từ ngữ trong câu. Lớp nghĩa này được thể hiện ngay trong việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh muốn miêu tả, diễn giải.
+ Hàm ý là phần thông báo tuy không được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu nhưng có thể suy ra từ những từ ngữ ấy. Thường mang đến lớp nghĩa sâu sắc hơn mà người nói muốn truyền tải.
– Về bản chất:
+ Nghĩa tường minh còn được biết đến với tên gọi phổ thông là nghĩa đen. Do đó lớp nghĩa này thể hiện ngay khi chúng ta nghe hay đọc thông tin. Nó được thể hiện trong câu, thông qua câu chữ người nghe, người đọc có thể thấy và hiểu ngay.
+ Nghĩa hàm ý hay còn gọi là nghĩa bóng. Khác với nghĩa đen, nghĩa bóng không thể nhìn thấy ngay mà cần người đọc, người nghe phải suy ngẫm và khám phá sự tinh túy ẩn chứa trong con chữ. Do đó các đối tượng nghe và nói phải hiểu nhau, kết nối với nhau trong mục đích diễn đạt.
– Các nhận xét khác:
Cách thức xây dựng câu chuyện để thể hiện hàm ý khó hơn nhiều. Vì phải thể hiện được nhiều lớp nghĩa, trong đó lớp nghĩa đen không phải nội dung và ý nghĩa chính mà người nói muốn truyền tải. Các nghĩa bóng mang đến cảm nhận, đánh giá thực tế của người nói đối với vấn đề.
Trong một câu nhất định phải có nghĩa tường minh. Nhưng nếu câu đó bao gồm cả nghĩa hàm ý thì đây mới chính là ý nghĩa quan trọng mà người viết, người nói muốn truyền tải. Cũng qua đó mang đến sự sinh động, đa nghĩa, nhiều cách hiểu trên thực tế. Việc này được tiết chế đối với các văn bản mang tính học thuật. Bởi các nguyên tắc, lý luận được xây dựng phải đúng bản chất, không được gây hoang mang trong nội dung biểu thị.
4. Ví dụ về nghĩa tường minh và hàm ý là gì?
Dưới đây là các ví dụ trong bài nghĩa tường minh và hàm ý. Hãy cùng phân tích để hiểu về nghĩa tường minh và hàm ý.
Ví dụ 1:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
– Nghĩa tường minh:
+ Nhiễu điều: tấm vải đỏ.
+ Giá gương: bàn thờ.
Ý cả câu là tấm vải đỏ được phủ lên bàn thờ. Các mô tả này gắn với khung cảnh hiện ra thể hiện sự uy nghiêm, thiêng liêng.
– Hàm ý: Câu nói khuyên nhủ chúng ta – những công dân của tổ quốc hãy biết yêu thương, san sẻ, đùm bọc nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất. Xây dựng sự đoàn kết, đùm bọc và thương yêu lẫn nhau. Cùng nhau giúp cho đất nước, quê hương của mình phát triển giàu đẹp, văn minh hơn. Chính nhờ sự đoàn kết, đồng lòng mà đất nước mới có được các sức mạnh và giá trị như ngày hôm nay.
Ví dụ 2:
“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.”
– Nghĩa tường minh:
+ Mực có màu đen, đây là màu đặc trưng của nó. Khi mực tiếp xúc trên các bề mặt đều để lại màu đen khó mà làm sạch. Do đó, thực tế thì để thứ gì gần mực thì sẽ bị mực làm cho đen đi.
+ Ngược lại đèn phát sáng, nó có thể làm sáng cho không gian xung quanh. Ngay cả trong bóng tối, nhờ có ánh đèn mà ta có thể nhìn rõ mọi vật. Như vậy, để thứ gì gần đèn sẽ được ánh sáng chiếu làm cho nó trở nên sáng sủa hơn.
– Hàm ý:
+ Mực trong câu tục ngữ này dùng để sự tối tăm, mù mịt, cái đen tối có thể làm ảnh hưởng đến những thứ tiếp xúc xung quanh nó. Mực tượng trưng cho những điều xấu, những thói quen, đức tính không tốt trong cuộc sống của con người. Nếu gần các thói quen xấu đó, rồi có ngày chúng ta cũng bị tác động, bị ảnh hưởng tiêu cực.
+ Còn đèn tượng trưng cho ánh sáng, chân lí, lẽ phải, những điều đúng đắn, tốt đẹp. Đèn có thể soi sáng, mang đến sự sáng tỏ, minh bạch. Hướng đến những điều tốt đẹp, những chân lí của cuộc sống, chúng ta sẽ trở thành một con người có ích cho xã hội. Con người phải biết phê phán, trách xa cái xấu để học hỏi, phát triển bản thân theo hướng tốt đẹp hơn.
Ví dụ 3: Dã tràng xe cát
– Nghĩa tường minh: Con dã tràng đang làm công việc xe cát.
– Nghĩa hàm ý: Con dã tràng nhỏ bé làm công việc này dường như không mang đến kết quả. Bởi sóng biển có lớn ngoài kia sẽ lại làm cho kết quả của nó trở về số 0. Như vậy, dù có cố gắng làm việc, mưu cầu nhưng công sức trở nên vô ích.