Văn hóa đọc sách có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn hình thành nhân cách con người. Chúng ta hãy nâng cao nhận thức, xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, lựa chọn sách và tìm phương pháp đọc.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý nghị luận về văn hoá đọc trong xã hội hiện nay:
Mở bài: Giới thiệu vấn đề
Thân bài:
a. Giải thích:
– Văn hoá đọc:
+ Nghĩa rộng: sự ứng xử, giá trị, chuẩn mực đọc của cộng đồng
+ Nghĩa hẹp: ứng xử, chuẩn mực, giá trị của cá nhân thể hiện qua thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc.
b. Ý nghĩa:
+ Mang lại sự giải trí, nguồn kiến thức vô hạn.
+ Hiểu về cuộc đời, hiểu được cách giao tiếp, ứng xử.
+ Khám phá những điều mới mẻ.
c. Thực trạng:
+ Văn hoá đọc đang bị “lãng quên” vì công nghệ phát triển mạnh mẽ.
+ Một số bạn trẻ đọc những “sách rác”, phi logic, khiến con người ảo tưởng, không thực tế, cổ xúy lối sống lạc lệch.
+ Nhưng văn hoá đọc không chết: Nhiều bạn trẻ tìm đến những cuốn sách hay như “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” hay các cuốn văn học cổ điển
d. Nguyên nhân
+ Chủ quan
– Nhận thức đúng đắn ý nghĩa, vai trò của việc đọc sách
– Đọc sách không chỉ là phương tiện để giải trí, không chỉ là con đường tiếp cận tri thức mà còn để tăng khả năng tư duy mở rộng tâm hồn, để hiểu mình, hiểu người, có kĩ năng sống tốt…
+ Khách quan:
– Người Việt chưa có nhiều hành động để hình thành thói quen đọc sách
– Sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các kênh truyền hình có đầy ắp phim ảnh, thông tin đầy mạng xã hội
– Sự nhộn nhịp của quán xá với bao trò chơi giải trí lôi cuốn làm người ta không có thời gian để ý đến việc đọc sách
e. Giải pháp:
– Cần nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách để hình thành thói quen đọc sách
– Rèn luyện thói quen đọc mỗi ngày
– Nhờ người có kinh nghiệm để chọn sách cùng
– Ngành xuất bản cần phạt nặng những cuốn “sách rác”.
– Bộ văn hóa và thông tin cần có nhiều hoạt động để tạo điều kiện cho thanh niên đến với việc đọc sách nhiều hơn mở tủ sách miễn phí ở nhiều nơi: Tổ chức ngày hội sách để giới thiệu những cuốn sách hay, giảm giá các đầu sách, đưa đọc sách trở thành phong trào trong mỗi trường học, cơ quan, văn phòng,…
Kết bài:
– Văn hoá đọc là một nét đẹp cần lưu giữ.
– Vai trò, ý nghĩa, bài học: Đọc sách chính là chiếc chìa khóa vạn năng để mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. Sách là người thầy thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy ta biết sống đẹp, sống có ý nghĩa trong cuộc đời. Hãy biết yêu sách, chăm đọc sách và phát huy những giá trị từ sách để sách mãi là người bạn thân thiết của chúng ta!
2. Những bài văn nghị luận về văn hoá đọc trong xã hội hiện nay hay nhất:
2.1. Nghị luận về văn hoá đọc trong xã hội hiện nay lớp 9:
Mẫu 01:
Maxim Gorki từng viết: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Thật vậy, và đọc sách là một việc làm không hề phức tạp mà lại có ý nghĩa lớn lao. Ai cũng biết sách chứa rất nhiều kiến thức trong cuộc sống, giúp chúng ta tư duy, nhận thức sâu sắc hơn, trưởng thành hơn và tích lũy được vốn từ ngữ phong phú.
Do đó đọc sách là một cách để ta thưởng thức cuộc sống, đó chẳng khác gì một sự trải nghiệm phong phú đủ mọi cung bậc trên từng trang sách. Bên cạnh đó đọc sách còn là một biện pháp tự học hữu hiệu và thiết thực mà ai cũng có thể làm được. Khi đọc sách mọi người sẽ không chỉ cảm thấy không còn đơn độc mà họ cảm thấy vô cùng tĩnh tâm. Nó có thể ươm mầm trong chúng ta những ý nghĩa cao thượng, những ý tưởng để làm việc trong nhiều lĩnh vực và hiểu biết sâu rộng. Rèn luyện thói quen đọc sách sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn; là một thói quen tốt giúp cho bộ não của chúng ta khỏe mạnh và linh hoạt. Đọc sách đem lại sự thư giãn, là nguồn gốc tuyệt vời của sự hưởng thụ, mọi nguồn cảm hứng, chỉ cho chúng ta mọi con đường đi với những kiến thức tuyệt vời, nó cũng giúp ta trở thành một người thành công trong cuộc sống này. Những cuốn sách thú vị và bổ ích giống như người bạn tốt, nhất là với những người say mê đọc nó. Bill Gates, một tỉ phú thế giới vẫn sống cuộc đời của một “mọt sách”. Ông đọc hơn 50 đầu sách mỗi năm và duy trì thói quen luôn đọc sách một tiếng trước khi đi ngủ bất chấp công việc bận ra sao. Ông chủ Facebook – Mark Zuckerberg cũng tương tự khi mời cả thế giới tham gia vào thử thách của chính mình vào năm 2015: Đọc một cuốn sách mới vào mỗi hai tuần.
Bạn thấy đấy, sách là kho tri thức không chối từ ai, chỉ cần ta hiểu được giá trị của kho tri thức ấy để rồi tự xây dựng cho mình thói quen đọc sách hàng ngày. Nhờ đọc sách, tôi tin chắc chắn chúng ta sẽ ngày một ưu tú hơn.
Mẫu 02:
Ngày nay với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ. Tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng không ít. Một trong những vấn đề đó nổi lên là văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay – Vấn đề đáng để chúng ta cùng suy nghĩ.
Bạn hiểu gì về văn hóa đọc? Văn hóa đọc ở đây chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức (Theo nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình).
Chúng ta đều biết trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thế nhưng giới trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với văn hóa đọc sách. Phải chăng họ nghĩ với những thông tin hiện đại họ không cần tới sách nữa? Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã có một lần nêu câu hỏi: “Thế kỷ XXI liệu có cần đến thơ nữa không? Đến văn hóa đọc nữa không?” Và ông tự trả lời rằng: “có, dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ưa chuộng”. Còn đối với văn hóa đọc thì ông khẳng định: “bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền”.
Văn hóa đọc sách đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Cơ hội bởi mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn. Vậy sẽ có tương lai nào cho văn hóa đọc sách trong thời đại bùng nổ thông tin?
Khác với vài chục năm về trước, thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức. Giới trẻ ngày nay lười đọc hay họ không biết chọn sách? Có những bạn chạy theo phong trào để đọc sách. Có một thời gian những cuốn sách như “mãi mãi tuổi 20”, “Lê Vân yêu và sống” làm mưa gió trên thị trường. Rồi có khi họ đọc theo mốt: “Thế Giới Phẳng” là tên một cuốn sách rất thành công của nhà kinh tế- xã hội học Thomas Friedman. Cuốn sách trình bày những quan điểm mới lạ đối với bạn đọc trong nước về xu thế toàn cầu hóa, “Thế Giới Phẳng” không phải là một cuốn sách dễ đọc, phần lớn người đọc không hiểu hết tư tưởng của tác giả. Thế là dù không thích, không hiểu nhưng các bạn trẻ vẫn chạy đi mua những cuốn sách mà mọi người vẫn đọc để mình không trở thành người lạc hậu. Đó là chưa kể tới việc hiện nay thị trường sách vô cùng phong phú về nội dung và hình thức, có nhiều sách được coi là “sách đen” vẫn được giới trẻ truyền tay nhau đọc hăng say. Thật đáng lo ngại! Rồi có những bạn trẻ lại cho rằng đọc sách là lạc hậu – Đây là thời đại công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém. Xin thưa đây là lối suy nghĩ sai lầm. Internet có khối lượng thông tin phong phú, nhanh và cập nhật nhưng liệu các bạn đọc xong còn đọng lại trong đầu được bao nhiêu? Bạn có thể “gặm nhấm”, “nhâm nhi” từng câu văn, từng linh hồn mà tác giả gửi gắm vào đó không?
Với thực trạng như thế, mỗi chúng ta ai không phải suy nghĩ nhìn nhận lại chính bản thân mình? Văn hóa đọc đã xuống cấp tới mức báo động chưa? Có thể chưa đến “đèn đỏ” nhưng đèn vàng đã cảnh báo một nguy cơ có thể đến. Đó là việc thiếu nghiêm túc trong việc đọc, không thấy rõ được vai trò quan trọng của đọc sách. Thời đại thông tin dạy chúng ta phải biết tận dụng cơ hội và nắm bắt thời cơ. Vì vậy các bạn hãy tự tìm và trau dồi cho mình một thói quen đọc nhé.
2.2. Bài văn nghị luận về văn hoá đọc trong xã hội hiện nay lớp 12:
Ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới, văn hóa đọc sách rất được coi trọng và chú ý phát triển. Chính văn hóa này đã giúp họ nâng cao dân trí và góp phần tạo nên sự phồn vinh trong xã hội. Còn ở Việt Nam, mặc dù trong những năm gần đây số lượng nhà xuất bản, số đầu sách được đưa ra thị trường tăng rất nhanh và nước ta cũng đã cơ bản hoàn thành công tác xóa mù chữ nhưng văn hóa đọc sách ở nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng. Điều đáng lo ngại là lượng độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ, lại có chiều hướng giảm. Bàn về vấn đề đọc sách của thanh niên hiện nay, giáo sư Chu Hảo – Giám đốc nhà xuất bản Tri Thức đưa ra nhận xét: “Nói văn hóa đọc lâm nguy cũng hơi quá, nhưng đáng báo động”
Trước khi đi vào thực trạng văn hóa đọc của thanh niên nước ta, chúng ta cần phải trả lời được câu hỏi : văn hóa đọc là gì? Văn hóa đọc bắt nguồn từ việc đọc sách nhưng không đơn thuần là việc đọc sách. Thật vậy, từ việc đọc sách thường xuyên, ta có được thói quen đọc sách và thói quen có ích này dần nhân rộng trong xã hội, trở thành một nét đẹp. Trong quá trình hình thành và phát triển nét đẹp ấy, ta dần luyện tập được thêm ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc. Với ứng xử đọc là cách ta nhìn nhận tri thức từ sách vở. Giá trị đọc là khả năng ta đãi được những hạt vàng trong các trang sách. Chuẩn mực đọc là cái thước đo để xác định một cuốn sách, một tài liệu là đáng để chúng ta bỏ thời gian đọc hay không. Tất cả các nhân tố ấy hợp lại tạo nên một văn hóa mà ta gọi là văn hóa đọc.
Ở đâu có văn hóa đọc thì ở đó có một xã hội văn minh. Với mục tiêu xây dựng một xã hội như thế, đáng lẽ ra Việt Nam phải có một nền văn hóa đọc phát triển. Nhưng thực tế cho thấy văn hóa đọc của giới trẻ tại Việt Nam lại đang đi theo một xu hướng đáng lo ngại. Cụ thể, ngày nay giới trẻ có quá nhiều phương tiện truyền thông – giải trí như mạng xã hội, ti vi, phim ảnh, trò chơi điện tử, … Những thú vui vô bổ này chiếm phần lớn thời gian của những người trẻ đồng thời khiến họ không mấy mặn mà với việc cầm trên tay những cuốn sách chi chít toàn chữ với chữ để đọc. Một số thanh niên khác cũng có đọc sách nhưng chủ yếu lại chìm đắm trong truyện tranh hoặc những câu chuyện diễm tình sướt mướt không đem lại bất kì lợi ích giáo dục nào. Số này đọc sách vì mục đích giải trí là nhiều chứ ít quan tâm đến việc bổ sung, cập nhật tri thức qua sách. Dầu vậy, ta cũng không nên vì những “con sâu” ấy mà đánh giá cả một thế hệ theo kiểu “vơ đũa cả nắm” bởi hiện nay cũng có một bộ phận không nhỏ các thanh niên đam mê đọc sách và tâm huyết xây dựng nhiều dự án nhằm phổ biến văn hóa đọc sách trong cộng đồng. Tiêu biểu là Book Box, một mô hình “trạm chờ” cho sách với tinh thần “hãy lấy một quyển sách và để lại một quyển khác”, hay “người nghiện sách”, một dự án phát triển một trang web cho phép người yêu sách đọc, đăng những bài phê bình, bài giới thiệu sách cho mọi người.
Dù không đến mức “lâm nguy” nhưng hiện trạng của văn hóa đọc sách cũng đã ở mức “báo động”. Do đó ta cần phải đào sâu hơn nữa vào vấn đề này để tìm ra nguyên nhân, từ đó mới có biện pháp khắc phục đúng đắn. Nguyên nhân đầu tiên chính là nhận thức kém về tầm quan trọng của văn hóa đọc sách. Thể hiện ở việc nhiều bậc phụ huynh khi thấy con mình cầm sách để đọc thì lập tức nạt và bắt chúng dành thời gian ấy để làm “học” mà không nhận ra rằng đọc sách là một trong những cách học hiệu quả nhất. Thứ hai, tình trạng văn hóa đọc trở nên đáng lo ngại như hiện nay là vì giáo dục chưa hiệu quả. Nhà trường tập trung quá nhiều vào việc nhồi nhét kiến thức cho học sinh một cách thụ động, khuôn mẫu và việc đề cao điểm số đã khiến các em không mấy thiết tha với sách bởi dù đọc nhiều cuốn sách bổ ích hay không đọc cuốn nào thì cũng chẳng có ai ghi nhận. Chịu trách nhiệm to lớn hơn hết là việc giáo dục trong gia đình còn quá yếu kém bắt nguồn từ sự thiếu nhận thức và tâm lý thực dụng của các bậc làm cha làm mẹ. Họ cho con cái tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ từ quá sớm thay vì cho các em tiếp cận với sách – vốn kiến thức vô tận của con người. Mà một khi hạt giống của văn hóa không được gieo, không được ươm mầm thì sẽ khó có thể nào đơm hoa kết trái được. Cuối cùng là nguyên nhân thứ ba: sự hạn chế về thời gian của giới trẻ. Hiện nay, thanh niên, đặc biệt là học sinh đã trở thành một cái “máy học”. Các em học từ sáng tới chiều ở trường, rồi tối đến lại phải tất bật ‘chạy sô’ đi học thêm cô này thầy nọ, chưa kể một lượng thời gian không nhỏ để các em hoàn thành núi bài tập về nhà. Với thời khóa biểu như thế này thì du gia đình, nhà trường và xã hội có hô hào cỡ nào thì cũng chẳng mấy em có đủ sức lực và thời gian mà dành ra cho đọc sách.
Hiểu được những nguyên nhân trên, ta có thể đưa ra ba biện pháp để khắc phục vấn. Trước hết ta cần giúp mọi người nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa đọc. Đó là văn hóa đọc chính là cầu nối để chúng ta đến với kho tàng tri thức của nhân loại. Qua đó, mỗi chúng ta tự giúp mình hoàn thiện bản thân hơn cả về trí tuệ lẫn đạo đức. Kế đến, cần phải xây dựng văn hóa đọc bắt đầu từ mỗi gia đình. Các bậc phụ huynh nên khuyến khích con em mình đọc sách bằng việc tham gia đọc sách, tranh luận về sách cùng các em, đưa các em đến các thư viện và hưởng ứng các phong trào nhân rộng văn hóa đọc. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: gia đình, nhà trường và xã hội cần cổ vũ giới trẻ sáng tạo và hưởng ứng các dự án sách, thư viện cộng đồng để chúng ta có nhiều hơn nữa những Book Box hay Bookaholic. Đồng thời, giúp các em học sinh, sinh viên giảm bớt gánh nặng bài vở, điểm số để các em có thời gian dành cho đọc sách. Có như vậy thì văn hóa đọc ở nước ta mới thêm phát triển và văn minh.
Gia đình và các bậc chức trách có nhiệm vụ lớn lao trong việc thay đổi hiện trạng văn hóa đọc ở nước ta là vậy. Tuy nhiên, là thanh niên, học sinh chúng ta cũng có thể góp phần quan trọng không kém trong công cuộc đó bằng nhiều hình thức. Chúng ta có thể tham gia lập ra các nhóm, câu lạc bộ sách để có nơi chia sẻ những nhận xét, ý kiến cũng như hỏi đáp những thắc mắc khi đọc sách. Đó cũng có thể là việc ủng hộ sách vở cho các tủ sách thiếu nhi hoặc những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn, chăm chỉ đến đọc sách ở các thư viện hay đơn giản là đọc sách cho em trai, em gái của mình trước khi đi ngủ. Chỉ những việc làm tưởng chừng như vô cùng nhỏ bé thế thôi nhưng lại rất đáng quý và cần thiết.
Việt Nam đang trong quá trình phấn đấu để vươn lên thành một quốc gia giàu mạnh, dân trí tiến bộ. Mà một đất nước chỉ thực sự đạt đến trình độ đó khi văn hóa đọc của họ phát triển. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta, đặc biệt là thế hệ thanh niên hiện nay, hãy chung tay hành động. Những hành động dù là nhỏ bé nhất cũng sẽ tạo ra những thay đổi lớn, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mỗi người chúng ta mà còn tác động đến xu hướng của một nét văn hóa đẹp: văn hóa đọc.
3. Những đoạn văn nghị luận xã hội về văn hoá đọc trong xã hội hiện nay:
Mẫu 01:
Đọc sách là con đường ngắn nhất để tích lũy một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất vốn tri thức của nhân loại. Ai cũng biết điều đó song không phải ai cũng làm được, nhất là ngày nay nhiều bạn trẻ đã không còn say mê đọc sách hoặc đọc sách không đúng cách. Ngày nay các bạn trẻ thường có thái độ với việc đọc sách và cách đọc sách chưa đúng như thế nào? Do điều kiện xã hội phát triển, con người phải đối mặt với những guồng quay của cuộc sống, với bộn bề công việc… khiến họ không còn thời gian đọc sách. Một phần do nhận thức của một số bạn trẻ không thấy được tầm quan trọng của đọc sách mà phung phí thời gian nhiều cho việc hưởng thụ, ăn chơi (đến quán bar, vũ trường, chơi game…). Sách nhiều khiến người ta đọc không chuyên sâu, đọc một cách hời hợt qua loa theo kiểu “ăn tươi nuốt sống” mà không kịp tiêu hóa, không có thời gian để nghiền ngẫm. Sách nhiều làm cho người đọc dễ lạc hướng. Say đọc nhưng lại chọn sách không có ích. Vậy làm thế nào để khắc phục? Chúng ta hãy nâng cao nhận thức, xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, lựa chọn sách và tìm phương pháp đọc. Vận dụng điều đã đọc vào cuộc sống và học tập.
Mẫu 02:
Trong cuộc sống, mỗi sự vật đều có giá trị, ý nghĩa riêng. Một trong những vật có giá trị vô cùng lớn và mang ý nghĩa quyết định đến đời sống con người chính là sách. Sách là nơi lưu trữ những kiến thức từ lâu đời ở nhiều lĩnh vực khác nhau giúp người đọc mở mang hiểu biết cũng như bồi dưỡng tâm hồn. Đọc sách giúp con người tiếp thu nguồn tri thức để hoàn thiện bản thân, suy nghĩ đúng đắn hơn và đủ kiến thức để tìm kiếm công việc nuôi sống bản thân. Mỗi con người không thể trưởng thành, mở rộng tầm hiểu biết nếu không tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, kiến thức được ghi lại, tập trung chủ yếu dưới dạng sách vở. Bên cạnh đó, chính chúng ta cũng có thể chia sẻ bài học, lan tỏa thông điệp tốt đẹp thông qua sách vở, viết lách. Bạn thử nghĩ xem, nếu các thế hệ đi trước không lưu lại kiến thức, bài học vào sách vở thì hiện nay chúng ta liệu sẽ có những bài học bổ ích? Và xã hội sẽ liệu có phát triển được như bây giờ? Sách lưu giữ thông tin của nhiều lĩnh vực, bên cạnh việc cung cấp tri thức, sách còn giúp ta rèn giũa tâm hồn cũng như giải trí sau những giờ lao động mệt mỏi. Xã hội không có sách vở, kiến thức sẽ chìm trong u tối với sự lạc hậu, những thông điệp tốt đẹp, truyền thống văn hóa không được lưu truyền từ đời nọ sang đời kia tạo nên bản sắc văn hóa riêng. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của sách vở, chưa có ý thức đọc sách, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân mà chỉ lười biếng, dựa dẫm vào người khác. Những người này mãi sẽ không tiến bộ và sẽ bị tụt về phía sau. Mỗi người hãy lựa chọn cho mình những quyển sách tốt nhất để học tập và trau dồi bản thân, giúp cho cuộc sống này trở nên ý nghĩa hơn.
Mẫu 03:
Ngày nay với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ. Tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng không ít. Một trong những vấn đề đó nổi lên là văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay – Vấn đề đáng để chúng ta cùng suy nghĩ. Bạn hiểu gì về văn hóa đọc? Văn hóa đọc ở đây chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức. Chúng ta đều biết trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thế nhưng giới trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với văn hóa đọc sách. Phải chăng họ nghĩ với những thông tin hiện đại họ không cần tới sách nữa? Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã có một lần nêu câu hỏi: “Thế kỷ XXI liệu có cần đến thơ nữa không? Đến văn hóa đọc nữa không?” Và ông tự trả lời rằng: “có, dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ưa chuộng”. Còn đối với văn hóa đọc thì ông khẳng định: “bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền”. Văn hóa đọc sách đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Cơ hội bởi mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn. Vậy sẽ có tương lai nào cho văn hóa đọc sách trong thời đại bùng nổ thông tin? Khác với vài chục năm về trước, thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức. Giới trẻ ngày nay lười đọc hay họ không biết chọn sách? Có những bạn chạy theo phong trào để đọc sách. Có một thời gian những cuốn sách như “mãi mãi tuổi 20”, “Lê Vân yêu và sống” làm mưa gió trên thị trường. Rồi có khi họ đọc theo mốt: “Thế Giới Phẳng” là tên một cuốn sách rất thành công của nhà kinh tế xã hội học Thomas Friedman. Cuốn sách trình bày những quan điểm mới lạ đối với bạn đọc trong nước về xu thế toàn cầu hóa, “Thế Giới Phẳng” không phải là một cuốn sách dễ đọc, phần lớn người đọc không hiểu hết tư tưởng của tác giả. Thế là dù không thích, không hiểu nhưng các bạn trẻ vẫn chạy đi mua những cuốn sách mà mọi người vẫn đọc để mình không trở thành người lạc hậu. Đó là chưa kể tới việc hiện nay thị trường sách vô cùng phong phú về nội dung và hình thức, có nhiều sách được coi là “sách đen” vẫn được giới trẻ truyền tay nhau đọc hăng say. Thật đáng lo ngại! Rồi có những bạn trẻ lại cho rằng đọc sách là lạc hậu Đây là thời đại CNTT thì phải lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém. Xin thưa đây là lối suy nghĩ sai lầm. Internet có khối lượng thông tin phong phú, nhanh và cập nhật nhưng liệu các bạn đọc xong còn đọng lại trong đầu được bao nhiêu? Bạn có thể “gặm nhấm”, “nhâm nhi” từng câu văn, từng linh hồn mà tác giả gửi gắm vào đó không? Với thực trạng như thế, mỗi chúng ta ai không phải suy nghĩ nhìn nhận lại chính bản thân mình? Văn hóa đọc đã xuống cấp tới mức báo động chưa? Có thể chưa đến “đèn đỏ” nhưng đèn vàng đã cảnh báo một nguy cơ có thể đến. Đó là việc thiếu nghiêm túc trong việc đọc, không thấy rõ được vai trò quan trọng của đọc sách. Thời đại thông tin dạy chúng ta phải biết tận dụng cơ hội và nắm bắt thời cơ. Vì vậy các bạn hãy tự tìm và trau dồi cho mình một thói quen đọc nhé.