Đối với các nước thuộc khu vực châu Á, đặc biệt là Việt Nam, thông thường, sau khi tưng bừng chào đón Tết Nguyên đán, vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch – tức ngày vía Thần Tài, người dân sẽ nô nức xếp hàng đi mua vàng với ý nghĩa mong muốn một năm phát tài phát lộc, vạn sự như ý.
Mục lục bài viết
1. Ngày vía Thần Tài là ngày gì? Ngày vía là ngày bao nhiêu dương lịch năm 2023:
Theo truyền thống dân gian từ xa xưa, ngày vía Thần Tài là ngày 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Theo Lịch Vạn niên, ngày vía Thần Tài năm 2023 rơi vào Thứ Ba ngày 31 tháng 01 năm 2023. Vì vậy, thời điểm này các gia đình đã thực hiện công tác chuẩn bị để cúng bái ngày vía Thần Tài được chu đáo nhằm mong cầu một năm mới công việc hanh thông, gia đình đón nhiều tài lộc.
Một trong những phong tục mà người dân truyền tai nhau là việc “mua vàng” vào ngày vía Thần Tài để rước tài lộc về nhà. Theo quan niệm, việc mua vàng vào ngày vía thần tài, đặt lên bàn thờ cùng mâm cúng tươm tất, đầy đủ là để cầu mong ngài Thần Tài phù hộ cho gia chủ gặp nhiều may mắn, tài lộc cho năm mới, khiến cho gia chủ có thể thu hút nhiều tài lộc trong năm đó.
2. Nguồn gốc của ngày vía Thần Tài:
Theo sử sách truyền lại, ngày vía Thần Tài có nguồn gốc từ Trung Quốc và sau đó đã ảnh hưởng và lan rộng sang các quốc gia châu Á khác trong đó có Việt Nam của chúng ta.
Theo quan niệm dân gian, Thần Tài là vị thần trên trời, chuyên quản Tài – Phúc – Phú – Quý, mang lại tài lộc, sung túc và may mắn cho mọi người.
Có nhiều sự tích về ngày vía Thần Tài, nhưng phổ biến nhất là 02 sự tích được truyền lại như sau:
– Sự tích thứ nhất:
Tương truyền, xưa kia, ở dưới trần gian không có Thần Tài để cai quản tiền bạc, tài lộc, phú quý. Vị Thần Tài là vị quan sống trên trời. Tuy nhiên, trong một lần đi chơi, do uống quá nhiều rượu, thần Tài say quá nên bị rơi xuống trần gian, đầu va vào đá, nằm mê mệt, bất tỉnh không biết gì. Có một dân thường đi qua nhìn thấy vị Thần Tài ăn mặc không giống người thường, tưởng ngài là diễn viên tuồng thì lấy làm lạ, tưởng ông có vấn đề thần kinh bèn nổi lòng tham, lột sạch trang phục của ngài Thần Tài đem bán.
Thần Tài tỉnh dậy không có quần áo trên người, đầu lại va vào đá nên không nhớ mình là ai, đành đi lang thang xin ăn khắp nơi. Lúc đó, đi đến cửa hàng nọ bán gà, vịt, lợn quay ế ẩm, chủ quán thấy Thần Tài đến ăn xin thì thương tình cho vào ăn. Kỳ lạ thay, từ lúc đó, các khách ăn khác đột nhiên kéo đến ăn nườm nượp. Chủ quán thấy lạ, có chút nghi ngờ là do vị khách nghèo khổ vía tốt nên việc làm ăn buôn bán của quán mới thuận lợi như vậy. Ngày hôm sau, chủ quán lại mời Thần Tài ăn, quả nhiên, hễ ông vào là sau đó khách khứa ùn ùn kéo tới ăn.
Từ đó, ngày nào ông chủ cũng mời thần Tài đến hàng mình, kể từ ngày đó, các hàng quán xung quanh trở nên vắng vẻ, chỉ riêng quán mời vị Thần Tài ăn lúc nào cũng đông như trẩy hội.
Tuy nhiên, qua một thời gian, chủ quán thấy Thần Tài chẳng làm gì vẫn suốt ngày ăn ngon, người ngợm thì bẩn thỉu, toàn dùng tay ăn bốc trông rất không lịch sự, chủ quán vừa tiếc của vừa sợ khách khác thấy ghê không dám đến, bèn đuổi thần Tài đi. Chớp cơ hội đó, quán đối diện thấy vậy liền mời thần Tài vào ăn, thế là khách khứa từ quán kia lại kéo hết sang bên quán đối diện.
Tiếng lành đồn xa, các quán ăn đều biết nguyên nhân đông khách của các hàng quán là nhờ có người đàn ông bẩn thỉu kỳ lạ này đem lại may mắn, vì vậy, hàng quán nào cũng cố gắng chèo kéo để mời bằng được vị Thần Tài tới. Để lấy lòng ông, người ta dẫn ông đi mua quần áo mặc. Đến cửa hàng quần áo, Thần Tài nhìn thấy bộ trang phục của mình trước kia liền nhớ lại mọi chuyện, liền mặc vào rồi vội vã bay về trời. Người dân vùng đó rất tiếc nuối cũng như biết ơn thần nên lập bàn thờ phụng. Họ chọn ngày Thần Tài bay về trời – ngày mùng 10 tháng Giêng làm ngày vía thần Tài để tưởng nhớ đến ngài.
– Sự tích ngày vía Thần Tài thứ 2:
Tượng Thần Tài thường được để ở nơi có nhiều bụi. Bởi theo quan niệm dân gian, chính bụi bặm sẽ đem lại tiền tài.
Theo một điển tích của Trung Quốc, có người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy Thần ban cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Sau khi đem Như Nguyệt về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, trở nên giàu có.
Một hôm, vào ngày mồng 1 Tết, không rõ vì lý do gì Âu Minh đánh Như Nguyệt, cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà. Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi. Từ đó về sau, nhà Âu Minh trở thành nghèo khó. Người ta đồn rằng, Như Nguyệt chính là thần Tài và lập bàn thờ để thờ.
3. Ý nghĩa của ngày vía Thần Tài:
Theo truyền thống, vào ngày vía Thần tài, nếu mua một ít vàng thì sẽ gặp may mắn, tài lộc, tiền tài rủng rỉnh suốt cả năm. Đây là một trong những nét văn hóa tín ngưỡng vào những ngày đầu xuân. Việc người dân mua vàng cũng là một hình thức tiết kiệm hiệu quả thay vì việc giữ tiền mặt, tránh việc chi tiêu lãng phí để tạo lập của ăn, của để cho gia đình, từ đó thúc đẩy tinh thần hăng say lao động sản xuất để tạo ra thật nhiều của cải, vật chất của mọi người.
Ngày vía Thần tài là cơ hội để người dân bày tỏ lòng biết ơn và mong muốn Thần Tài phù hộ, ban phước lộc cho gia đình mình.
Ngày nay, nhiều người còn quan niệm rằng ngoài việc mua vàng vào ngày vía Thần tài thì việc mua những vật phẩm phong thủy vốn được cho là đem lại may mắn cho gia chủ thì việc mua vào đúng ngày Thần Tài thì sẽ giúp tài lộc, thịnh vượng, may mắn nhân đôi.
4. Những việc nên làm vào ngày vía thần tài để có 1 năm tài lộc viên mãn:
Có một số việc nên làm vào ngày vía Thần Tài để duy trì một năm tài lộc, thu hút tiền tài, cầu xin may mắn cho gia chủ. Thông thường, cứ đến ngày 10 Tháng Giêng Âm lịch, chúng ta sẽ thấy cảnh người dân nô nức xếp hàng từ rất sớm để có cơ hội mua vàng cho mình. Ngoài ra, mọi người sẽ chuẩn bị mâm cúng lễ chu toàn để bày biện, cúng bái ngài Thần Tài.
4.1. Mua vàng:
Người dân thường đi mua vàng vào ngày vía Thần Tài vì họ cho rằng đây là hình thức giúp mang tài lộc về với gia đình. Họ tin rằng do Thần Tài ban phước nên việc làm ăn thuận lợi, tài lộc tăng tiến. Vì vậy, trong ngày vía Thần Tài, mọi người sẽ đi mua vàng để cúng trả lễ Ngài. Do đó, trong mâm cúng ngày vía Thần Tài, thông thường, người ta sẽ đặt lên ban thờ miếng vàng mua được trong ngày đó để cung kính dâng lên ngài Thần tài.
4.2. Cúng vía Thần Tài:
Cúng lễ là hình thức cảm tạ, tưởng nhớ ngài Thần Tài đã phù hộ, giúp đỡ để gia chủ làm ăn phát đạt, có được nhiều lộc lá trong năm qua cũng như mong mỏi năm tới sẽ gặp nhiều điều may mắn, tài lộc hơn nữa. Gia chủ chỉ cần chuẩn bị đồ lễ, sắm sửa hương hoa lễ vật và thành tâm kính cẩn khấn cáo.
Trong ngày cúng Thần Tài, thông thường sẽ chuẩn bị mâm cúng bao gồm:
– 1 lọ hoa,
– 3 con tôm,
– 3 quả trứng vịt,
– 1 con cá lóc nướng (theo phong tục miền Nam),
– 1 miếng thịt lợn quay hoặc luộc,
– 1 bộ tiền vàng mã,
– 1 đĩa ngũ quả,
– Rượu.
Dân gian nhiều đời truyền lại rằng việc làm mâm cúng bái đầy đủ, thành tâm có thể giúp gia chủ được ngài Thần Tài phù hộ cho gặp nhiều may mắn, phát tài, phát lộc vô biên.
4.3. Mua vật phong thủy:
Việc mua vật phẩm phong thủy trở nên phong phú, đa dạng hơn rất nhiều và người ta cho rằng bên cạnh việc mua vàng thì vật phẩm phong thủy chính là phương tiện thu hút tài lộc hữu hiệu, giải trừ những nguồn năng lượng xấu để gia đình được trong ấm ngoài êm, mọi công việc làm ăn của gia chủ đều hanh thông, tốt đẹp. Việc mua vật phẩm phong thủy vào đầu năm mới được cho rằng sẽ giúp gia chủ tang thêm may mắn, tài lộc và bình an.