Ngày 20/11 là ngày gì? Nguồn gốc, lịch sử của ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11? Ý nghĩa của ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11?
Mục lục bài viết
1. Ngày 20/11 là ngày gì?
Ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam, hay còn gọi là Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam. Đây là một trong những ngày hội lớn tôn vinh những người dạy học và những người trong ngành giáo dục, thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta hàng ngàn đời nay.
Vào ngày 20/11, các thế hệ học sinh sẽ thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến thầy cô giáo của mình, là dịp để mỗi chúng ta lắng đọng, nhớ lại thời khắc học trò của mình khi nhận được tình yêu thương từ các thầy cô giáo.
2. Nguồn gốc, lịch sử của ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11:
Tháng 7 năm 1946 là thời gian tổ chức quốc tế của các nhà giáo dục tiến bộ được thành lập ở Paris (Pháp) FISE (Fédertion International Syndicale des Enseignants – Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục). Tháng 7 năm 1953, Công đoàn giáo dục Việt nam được gia nhập tổ chức giáo giới quốc tế FISE (Fédertion International Syndicale des Enseignants – Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục). Đây chính là bước ngoặt để ngày 20/11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam ra đời. Mục đích Công đoàn Giáo dục Việt Nam tham gia tổ chức FISE chủ yếu là để tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Trong sự kiện diễn ra tại thủ đô Warszawa Ba Lan từ ngày 26 – 30/08/1975, Giáo dục Công đoàn Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20/11/1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo” và ngày này được tổ chức lần đầu tiên tại miền Bắc và các vùng giải phóng miền Nam các năm sau đó.
Theo đề nghị của ngành Giáo dục, vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 hàng năm là ngày lễ mang tên “Ngày nhà giáo Việt Nam”. Trong Quyết định số 167-HĐBT đã quy định khá rõ các nội dung liên quan đến kế hoạch, tổ chức kỉ niệm ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, cụ thể như sau:
– Từ nay hàng nǎm sẽ lấy ngày 20-11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.
– Để ngày 20-11 có ý nghĩa thiết thực, hàng nǎm từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên dạy học ở địa phương mình, kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cấn tiếp tục làm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và nǎng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hoạt động phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt nhiệm vụ cao cả của mình.
– Việc tổ chức ngày 20-11
hàng nǎm do Ủy ban nhân dân và Hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thǎm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc gặp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích. Việc tổ chức ngày nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh.
– Trong ngày 20-11 các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và địa phương.
Ngày 20/11/1982 là ngày lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước ta, từ Bắc chí Nam. Kể từ đây, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chính thức ra đời và được phổ biến rộng rãi trên khắp các tỉnh thành của cả nước như một hình thức tri ân cũng như giáo dục các thế hệ tư tưởng tôn sư trọng đạo, ghi nhớ công ơn dạy dỗ của các thầy cô. Ngày 20/11 được coi là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.
3. Ý nghĩa của ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11:
Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 có ý nghĩa vô cùng lớn đối với mỗi chúng ta, ngày này đã trở thành một ngày lễ kỷ niệm nghề giáo truyền thống của Việt Nam. Điều này vô cùng phù hợp với một dân tộc hiếu học và truyền thống tôn sự trọng đạo như Việt Nam. Ngày 20/11 chính là dịp để thế hệ học sinh thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến thầy cô giáo của mình, những người đã luôn luôn yêu thương, tận tình chỉ bảo các học trò trong suốt chuyến hành trình tri thức của mình. Dù đang còn là học sinh, sinh viên hay đã rời xa ghế nhà trường, cứ đến ngày 20/11, mọi người đều hướng tấm lòng tri ân đến công ơn của các thầy cô giáo, gửi những lời chúc, những món quà tốt đẹp nhất đến thầy cô của mình.
Ngày 20.11 chính là dịp để các thế hệ học sinh “đền đáp” lại công ơn dưỡng dục của các thày cô, là dịp để lớp lớp học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là ngày để mỗi người Việt Nam thể hiện được truyền thống tốt đẹp đáng tự hào của dân tộc Việt Nam:
“Tôn sư trọng đạo”;
“Không thầy đố mày làm nên”;
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.”
Hàng năm, cứ đến dịp 20 tháng 11 – ngày Nhà giáo Việt Nam, biết bao thế hệ học trò bày tỏ tình cảm kính trọng, lòng tri ân sâu sắc đến các thầy cô giáo, tôn vinh “những người đưa đò thầm lặng” của bao thế hệ Việt Nam từ xưa đến nay, đây cũng chính là dịp để học trò bày tỏ lòng biết ơn đến thầy cô của mình bằng những món quà kèm với lá thư gửi gắm những tâm tình trân quý.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là cơ hội để tất cả mọi người tôn vinh và tri ân những người đang hoạt động trong ngành Giáo dục, những người đang cống hiến hết mình để “ươm những mầm xanh” cho sự phát triển của đất nước trong tương lai. Vì vậy, trong tuần lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các đơn vị, các trường học tổ chức rất nhiều sự kiện hay, thú vị như hội thi văn nghệ, hội thi giáo viên dạy giỏi, thi làm báo tường,… để khuấy động không khí và giúp các thế hệ học sinh hiểu thêm về truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày để những học trò cũ trở lại mái trường xưa, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm đã qua với những người bạn, đặc biệt là với thầy cô giáo của mình. Đây cũng là dịp các học trò thể hiện lòng tri ân công ơn dưỡng dục của thầy cô giáo, bởi không có những người thầy cô giáo ấy chúng ta khó mà trưởng thành và thành công như ngày hôm nay. Đó không chỉ đơn giản là những lời thăm hỏi, những món quà giá trị mà ở đó là tấm lòng, sự quan tâm và trên hết là sự cảm ơn chân thành gửi đến thầy cô giáo – Những người gieo mầm ước mơ.
Đại dịch Covid-19 đi qua, càng giúp chúng ta nhận thức nhiều hơn về tầm quan trọng của sức khoẻ, cũng như dành thời gian cho những người chúng ta yêu quý dù có tất bật đến đâu, và tất cả chúng ta đều mong mỏi rằng các thầy cô giáo luôn khỏe mạnh để vững bước trên con đường giáo dục và sự nghiệp trồng người đầy cao cả của mình.