Ngành tâm lý học là một trong những ngành có sức ảnh hưởng lớn và có thể bổ trợ cho rất nhiều ngành khác. Hiện nay tại các trường đại học cũng đào tạo tâm lý học khá nhiều và với quy trình đao tao theo quy định của bộ giáo dục đề ra. Vậy ngành tâm lý học là gì? Học những gì? Ra trường làm gì?
Mục lục bài viết
1. Ngành tâm lý học là gì?
Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu hành vi, tinh thần và tư tưởng của con người cụ thể đó là cảm xúc, là ý chí và hành động của mỗi người. Ngoài ra, Tâm lý học cũng chú tâm đến sự ảnh hưởng của hoạt động thể chất, trạng thái tâm lý, và các yếu tố bên ngoài lên hành vi và tinh thần của con người.
Những người có chuyên môn ứng dụng hoặc nghiên cứu trong lĩnh vực này được gọi là nhà tâm lý học. Nhiệm vụ của nhà tâm lý đó là nghiên cứu bản chất của các hiện tượng tâm lý, nghiên cứu quan hệ giữa các hiện tượng tâm lý đó và vai trò, chức năng của tâm lý đối với hoạt động của con người.
Theo học ngành Tâm lý học, các bạn sẽ được đào tạo từ những kiến thức cơ sở tới nâng cao về lĩnh vực tâm lý như: tâm lý học giao tiếp, tâm lý học gia đình, tâm lý học lao động, tâm lý học giáo dục, liệu pháp nhận thức hành vi, tham vấn học đường, các chuyên đề về tệ nạn xã hội, chuyên đề về xử lý tình huống trong đời sống,…
Ngành tâm lý tiếng anh là ” Industry Psychology”.
2. Học những gì?
Ngành Tâm lý học, các bạn sẽ được nghiên cứu về các hiện tượng diễn ra trong thế giới nội tâm của con người như lối suy nghĩ, hành vi, tư tưởng và cảm xúc. Nói cách khác, khi học ngành Tâm lý, bạn sẽ được học cách đánh giá những ảnh hưởng của môi trường và yếu tố ngoại cảnh lên tâm lý con người. Trong khuôn khổ của một khóa học ngành Tâm lý, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp những môn học phổ biến như: Tâm lý học lâm sàng (Clinial Psychology), Tâm lý học nhận thức (Cognitive Psychology), Tâm lý học xã hội (Social Psychology), Tâm lý học hành vi (Behavioural Psychology), Tâm lý học về sự phát triển (Developmental Psychology),…
Nhìn chung, bạn sẽ được làm quen với những lý thuyết có liên quan trực tiếp đến chuyên môn, đồng thời sẽ được trang bị các kỹ năng cần thiết để tự tin áp dụng kiến thức tâm lý trong nhiều ngành nghề khác nhau trên thị trường lao động. Dù lựa chọn theo đuổi bất kỳ con đường nào thuộc phạm trù ngành Tâm lý, bạn phải học được sự kiên nhẫn, cách ứng xử khéo léo và sự nhạy bén trước những tình huống bất ngờ. Chính vì vậy, sinh viên của ngành Tâm lý học thường được mài giũa tư duy phản biện, kỹ năng nghiên cứu, khả năng đo lường và phân tích dữ liệu, năng lực giải quyết vấn đề và quan trọng hơn hết là kỹ năng giao tiếp hiệu quả.
Cũng cần phải lưu ý rằng, nội dung của những khóa học về ngành Tâm lý sẽ có sự khác biệt dựa trên lĩnh vực chuyên sâu mà bạn lựa chọn. Chẳng hạn, hai khóa học bậc cử nhân phổ biến về ngành Tâm lý là Cử nhân Văn khoa chuyên ngành Tâm lý (Bachelor of Arts in Psychology) hoặc Cử nhân Khoa học chuyên ngành Tâm lý (Bachelor of Science in Psychology). Nếu bạn yêu thích việc học chuyên sâu trong các môn khoa học có liên quan đến Tâm lý như Hóa Học và Sinh Học, hoặc rèn luyện các kỹ năng về phân tích, vận dụng kỹ thuật trong ngành Tâm lý, Cử nhân Khoa học chuyên ngành Tâm lý có thể là sự lựa chọn tốt dành cho bạn. Trong khi đó, nếu bạn dành đam mê cho những môn Xã Hội Học, Nhân Học hoặc Văn chương trong Tâm lý Học, bạn có thể cân nhắc chọn học khóa học Cử nhân Văn khoa chuyên ngành Tâm lý. Để theo đuổi và chinh phục ngành Tâm lý, nếu chỉ có đam mê đôi khi là chưa đủ. Trên thực tế, các chuyên gia Tâm lý thường sở hữu một số tố chất quan trọng sau đây:
Khả năng lắng nghe và thấu cảm
Dù bạn là một nhà Tâm lý hay đảm nhiệm một vị trí công việc yêu cầu sử dụng các kiến thức Tâm lý, bạn nên biết cách đặt mình vào vị trí của người xung quanh để có những góc nhìn khách quan về sự việc, từ đó biết lắng nghe và cảm thông trước câu chuyện của người đối diện. Phiến diện, bảo thủ hoặc thiếu khả năng thấu cảm là những tính cách không nên có của một chuyên gia trong ngành Tâm lý. Đó cũng chính là lí do những người làm việc áp dụng chuyên môn trong ngành Tâm lý thường sẽ có trí thông minh cảm xúc cao.
Khả năng giao tiếp hiệu quả
Một trong những mục tiêu cơ bản của ngành Tâm lý là kiểm soát và thay đổi hành vi, giúp con người có đời sống tinh thần tốt hơn. Chính vì vậy, sự khéo léo trong giao tiếp là chìa khóa để mở ra những buổi tư vấn tâm lý hiệu quả, cho ra được những giải pháp tối ưu. Một người làm việc trong ngành Tâm lý cần học cách giao tiếp thông minh, đồng thời có cả khả năng diễn đạt thông suốt, với những lý lẽ thuyết phục người nghe.
Sự kiên trì và khả năng chịu đựng áp lực
Đối với những bạn muốn theo học và làm việc trong lĩnh vực Trị liệu Tâm lý, sự kiên trì và khả năng chịu được áp lực công việc cao chính là hai tố chất không thể thiếu. Trọng trách của một nhà Tâm lý Học chính là giúp đỡ người đối diện tìm ra phương hướng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của họ. Công việc này thường đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và cả chất xám. Do đó, việc trang bị cho bản thân lòng kiên trì, quyết tâm và khả năng không ngại đối diện với áp lực chính là bước đệm cần thiết giúp bạn thành công trên con đường học và làm trong ngành Tâm lý.
3. Ra trường làm gì?
Có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho những sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học, các bạn có thể làm việc tại các trường học với vị trí phụ trách tâm lý học đường, giúp cho học sinh có đời sống tinh thần tốt hơn. Cụ thể là công việc hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh trong việc vận dụng kiến thức tâm lý học và giáo dục học để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dự phòng, từ đó ngăn chặn sự phát triển không lành mạnh về sức khỏe tinh thần ở học sinh; Trực tiếp tìm hiểu, can thiệp sớm với những trường hợp mới chớm có dấu hiệu rối nhiễu; là cầu nối hỗ trợ cha mẹ học sinh, chuyển học sinh đến những cơ sở trị liệu chuyên biệt hơn nếu cần thiết; Cung cấp thông tin hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Nhất là trong thời gian tới khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mỗi trường học đều cần phải có 1 chuyên gia tâm lý học đường thì cơ hội việc làm cho sinh viên ngành tâm lý học càng nhiều hơn.
Ngoài ra, sinh viên ngành này cũng có thể làm việc tại các bệnh viện, trung tâm ở vị trí trị liệu tâm lý hỗ trợ cho bác sĩ hoặc phân tích, hiểu và giải quyết những mâu thuẫn tâm lý bên ngoài và bên trong con người; làm chuyên viên tham vấn, tư vấn các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống như tình yêu, hôn nhân, gia đình,… tại các trung tâm tư vấn; phụ trách bộ phận nhân sự, chăm sóc, quan hệ khách hàng tại các công ty hoặc làm giảng viên, nhà nghiên cứu về tâm lý con người tại các viện, trung tâm, trường đại học.
Như vậy, có thể thấy công việc của ngành tâm lý học rất đa dạng, hấp dẫn nhưng để tự tin nắm bắt và theo đuổi ngành tâm lý học, bên cạnh các kiến thức cơ bản và chuyên sâu của ngành, việc trang bị thêm các kiến thức về kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng tổ chức,… cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng. Từ các thông tin bài viết đã cung cấp, tin chắc rằng các bạn đã có cái nhìn tổng quan về ngành tâm lý học cũng như đã có thể giải đáp được câu hỏi “Ngành tâm lý học là gì? Ra trường làm gì?”. Tuy nhiên, bạn có phù hợp để theo học ngành này hay không, ngành tâm lý học xét tuyển những tổ hợp môn nào và những trường nào uy tín đào tạo ngành tâm lý học,… là những câu hỏi bạn phải tiếp tục trả lời nếu thực sự muốn theo đuổi ngành Tâm lý học và trở thành một chuyên gia tâm lý trong tương lai. Cụ thể Sau khi tốt nghiệp ngành Tâm lý học, bạn sẽ trở thành:
+ Chuyên viên tâm lý thị trường.
+ Nhà tư vấn tâm lý học đường.
+ Chuyên viên ngành Tư vấn tâm lý xã hội
+ Chuyên viên tâm lý vấn đề: hôn nhân, xã hội,..
+ Bác sĩ Tâm lý.
Cuối cùng, một chuyên gia trong ngành Tâm lý còn phải có khả năng quan sát và phân tích dữ liệu để đánh giá tình huống chính xác, kết hợp cùng khả năng giải quyết vấn đề để tìm ra những giải pháp Tâm lý cần thiết. Bạn hãy chắc chắn rằng mình sẵn sàng tự trang bị những tố chất kể trên trước khi bước vào một khóa đào tạo Tâm lý nhé!