Mỗi một mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng lại là một con sóng băn khoăn đổ dồn dập đi tìm hiểu về những ngành học cũng như trường học phù hợp với bản thân mỗi học sinh ở thời điểm hiện tại và khả năng phát triển trong tương lai. Cùng bài viết tìm hiểu ngành công nghệ thực phẩm là gì? Học gì? Ra trường làm gì?
Mục lục bài viết
1. Ngành công nghệ thực phẩm là gì?
Khi nghe đến công nghệ thực phẩm chúng ta có thể mường tượng ra rằng đây là một ngành học liên quan đến các vấn đề liên quan đến thực phẩm. Vậy thực phẩm là gì?
Thực phẩm đã là một thuật ngữ đã quá quen thuộc đối với chúng ta, nó toàn tại và cần thiết cho việc duy trì sự sống của con người cũng như các sinh vật khác trên trái đất.
Thực phẩm là nguồn cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, tuy nhiên với sự phát triển của nền công nghiệp khiến cho các hoạt động nông nghiệp đang ngập nhiều vấn nạn và cùng với xu hướng chạy theo lợi nhuận bất chấp mọi biện pháp của một số người cung cấp thực phẩm trên thị trường tiêu thụ đến với người tiêu dùng vấn nạn về thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh trong các khâu sản xuất, vận chuyển và chế biến thực phẩm đang ngày càng gia tăng và tác động xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Chính vì thế, Công nghệ thực phẩm trở thành ngành học cần thiết trong xã hội hiện nay; việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm chính là đóng góp một sức mạnh to lớn trong việc hạn chế, phát hiện, xem xét, đánh giá và xử lý vi phạm thực phẩm trong thị trường tiêu thụ. Trong thời gian gần đầy ngành học công nghiệp thực phẩm đang là một ngành “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao, sinh viên sau khi tốt nghiệp được săn đón từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vậy ngành Công nghệ thực phẩm là gì?
Có thể hiểu một cách đơn giản. Ngành Công nghệ thực phẩm hay trong tiếng anh là food Technology là ngành học chuyên về lĩnh vực bảo đảm, nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực liên quan đến thực phẩm. Cụ thể là nghiên cứu về các hoạt động chế biến, bảo quản, kiểm tra chất lượng trong từng giai đoạn của quá trình sản xuất các sản phẩm từ nông sản, thủy sản… Ngoài ra ngành Công nghệ thực phẩm còn nghiên cứu để tạo giống mới, các thực phẩm mới, tối ưu hóa dây chuyền sản xuất thực phẩm… phục vụ cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta.
Cũng giống như sự đa dạng của nguồn thực phẩm Ứng dụng của ngành Công nghệ thực phẩm đối với thị trường lao động là vô cùng đa dạng. Bởi tất cả những gì liên quan đến đồ ăn thức uống, an toàn thực phẩm đều có thể ứng dụng kiến thức ngành học này, trong đó có thể kể đến một số ứng dụng như:
– Cải thiện chất lượng đời sống và sức khỏe của người tiêu dùng.
– Cải thiện, đảm bảo chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản.
– Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước.
– Cung cấp đa dạng sản phẩm, tăng nguồn dinh dưỡng và đáp ứng nhu cầu của người dân bản địa dẫn du khách nước ngoài.
2. Ngành công nghệ thực phẩm học gì?
Khi tiến trở thành sinh viên của ngành học Công nghệ thực phẩm trong quá trình học sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng, chuyên sâu về hóa học, sinh học; vệ sinh an toàn thực phẩm; nguyên liệu chế biến và quy trình phân tích, đánh giá chất lượng thực phẩm; phương pháp chế biến thực phẩm,… Qua đó sẽ giúp cho sinh viên có khả năng và kinh nghiệm trong việc bảo quản, chế biến, đánh giá, kiểm định chất lượng sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; vận hành dây chuyền sản xuất nhằm tối ưu hóa dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm để nhằm phục vụ cho nhu cầu ăn uống và sức khỏe của cả cộng đồng.
Ngoài ra, trong quá trình học, sinh viên còn được học chuyên sâu về công nghệ chế biến thịt cá, công nghệ đông lạnh thủy sản, bảo quản và chế biến lương thực, công nghệ chế biến sữa và chất béo thực phẩm, công nghệ chế biến đường và đồ uống…
Ngành học công nghệ thực phẩm còn đào tạo ra một đội ngũ người lao động kỹ thuật viên, chuyên gia và các nhà nghiên cứu, góp phần quan trọng trong việc nâng cao các giá trị của sản phẩm, đồng thời đây cũng sẽ là nguồn nhân lực cốt lõi trong các doanh nghiệp, công xưởng chế biến thực phẩm.
Khi trở thành sinh viên của ngành công nghệ thực phẩm cùng với việc phải học những môn học bắt buộc liên quan đến nền tảng xã hội và pháp luật như tư tưởng hồ chí minh, triết học Mác lê nin, pháp luật đại cương,… sinh viên sẽ được học các môn học chuyên ngành bắt buộc tiêu biểu như: Hóa sinh học thực phẩm, vi sinh vật học thực phẩm, dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng, phát triển sản phẩm, phân tích thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học thực phẩm…
Hiện nay với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và với sự gia tăng dân đòi hỏi nguồn thực phẩm cung cấp với số lượng lớn và có chất lượng tốt cần phải có một lực lượng đội ngũ nhân lực người, lao động được đào tạo bài bản đối với lĩnh vực công nghệ thực phẩm; do đó nhu cầu cho ngành ngày đang ngày càng nâng cao, đặc biết là nhu cầu về gia tăng nhân lực chất lượng cao.
Nắm bắt được xu hướng đó, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đang gia sức xây dựng các chương trình hịc chất lượng trong đó phải kể đến như Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Đại học Việt Pháp) đang trong quá trình xây dựng chương trình Khoa học và Công nghệ thực phẩm theo chuẩn quốc tế, trang bị cho sinh viên những kiến thức cập nhật, đón đầu xu hướng nền công nghiệp chế biến thực phẩm thế giới.
Các môn học tập trung vào 3 mảng chính: công nghệ chế biến thực phẩm, an toàn chất lượng thực phẩm và quản lý đổi mới công nghệ thực phẩm.
Sinh viên được học lý thuyết gắn liền với thực hành trong phòng thí nghiệm hiện đại, cũng như tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng chuyên môn thông qua các chuyến đi trải nghiệm thực tế tại các nhà máy, khu công nghiệp; các dự án nghiên cứu và kỳ thực tập từ 3-6 tháng trong nước và các nước có nền công nghệ chế biến thực phẩm phát triển như Pháp, Nhật Bản, Thái Lan,..
Với chương trình giảng dạy 100% bằng tiếng Anh, sinh viên được trau dồi kỹ năng ngoại ngữ chuyên môn và giao tiếp thành thạo, bên cạnh các kỹ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý dự án… để sẵn sàng gia nhập môi trường làm việc quốc tế trong và ngoài nước.
3. Ngành công nghệ thực phẩm ra trường làm gì?
Vấn đề về công nghệ thực phẩm càng trở nên quan trọng trong nhu cầu phát triển chung của ngành do Việt Nam đang là một đất nước có sản lượng nông sản, thủy hải sản xuất khẩu ra thị trường thế giới khá lớn và ngày càng phát triển. Theo khảo sát nhu cầu việc làm thì ngành công nghệ thực phẩm đứng thứ 2 trong top những ngành cần lao động nhất Việt Nam vào khoảng năm 2015 – 2025. Bạn có thể tìm kiếm cơ hội việc làm trong các công ty sản xuất thực phẩm, thiết bị thực phẩm hoặc các tập đoàn lớn trong lĩnh vực thực phẩm như: URC, Tân Hiệp Phát, Vinamilk, Kinh Đô, Vifon, Acecook, MaSan,…
Thời gian thử việc đối với nhân viên trong ngành Công nghệ thực phẩm thường diễn ra trong vòng 2 tháng dựa theo quy định của Luật Lao động. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm của ứng viên cũng như quy định riêng của doanh nghiệp, cơ sở mà ứng viên và nhà tuyển dụng có thể thỏa thuận rút ngắn hoặc kéo dài thời gian thử việc.
Khi tốt nghiệp và cầm tấm bằng ngành Khoa học và Công nghệ thực phẩm trên tay, sinh viên có thể làm ở nhiều vị trí việc làm rất là đa dạng và phong phú như:
– Nhân viên phụ trách kỹ thuật dây chuyền chế biến, bảo quản, kiểm định thực phẩm;
– Nhân viên nghiên cứu nâng cao chất lượng, cải thiện kỹ thuật chế biến thực phẩm trong các phòng Nghiên cứu-Phát triển sản phẩm;
– Nhân viên phụ trách kỹ thuật trong hệ thống phân phối và tiếp thị sản phẩm thực phẩm;
– Nhân viên tư vấn về quy định và luật thực phẩm ;
– Chuyên viên kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ quan kiểm nghiệm, trung tâm dinh dưỡng;
– Nghiên cứu viên tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về công nghệ thực phẩm của Việt Nam và nước ngoài;
– Tiếp tục theo học Thạc sĩ, Tiến sĩ chuyên sâu về Khoa học và Công nghệ thực phẩm
– Và một số vị trí việc làm và con đường phát triển khác.
4. Những tố chất phù hợp với người theo học ngành công nghệ thực phẩm:
Bạn đang không biết mình có phù hợp với ngành công nghệ thực phẩm và không biết người hoạt động trong lĩnh vực này cần những yếu tố nào. Không sao cả sau đây chúng tôi sẽ liệt kê một số tố chất của một người phù hợp với ngành học này để bạn tham khảo và có sự lựa chọn tốt nhất. Người có nhân tố phù hợp với ngành công nghệ thực phẩm phải có:
Tư duy sáng tạo:Nhằm tạo ra cái mới trong việc sản xuất các sản phẩm nên tư duy sáng tạo là yếu tố cần thiết với ngành Công nghệ thực phẩm.
Có khả năng phân tích: Do đây là ngành có liên quan đến yếu tố nghiên cứu nên bạn cần phải có khả năng phân tích để xâu chuỗi, tập hợp các kết quả nghiên cứu, kiểm định để đưa ra kết luận chính xác về các vấn đề trong nghiên cứu nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm.
Đam mê công nghệ và nghiên cứu: Đây là ngành chủ yếu sử dụng công nghệ và nghiên cứu. Vì vậy bạn cần phải có đam mê về công nghệ và nghiên cứu thì mới không cảm thấy chán nản khi theo học và làm việc ở ngành này.
Nắm bắt nhạy bén tâm lý tiêu dùng: Bạn cần phải có kỹ năng nắm bắt tâm lý người tiêu dùng qua đó tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người dùng.
Làm việc cẩn thận, tỉ mỉ, trách nhiệm cao: Vì đây là công việc liên quan đến sức khỏe của người dùng cho nên bạn phải làm việc tỉ mỉ, đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất cho người dùng.
Quan tâm đến lĩnh vực thực phẩm, dịch vụ ăn uống: Sự yêu thích, quan tâm sẽ là yếu tố giúp bạn thành công trong công việc. Bạn cần phải yêu thích và quan tâm đến lĩnh vực thực phẩm ăn uống thì mới có thể hoàn thành thử thách mà ngành Công nghệ thực phẩm mang lại.
Trên đây, là những thông tin cơ bản về ngành học công nghệ thực phẩm đã được chúng tôi tìm hiểu qua các tài liệu có liên quan và hiểu biết của mình để qua đó giúp người đọc có thêm sự hiểu biết vấn đề này, hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn, mọi thắc mắc bạn có thể liên hệ với công ty Luật Dương Gia theo thông tin liên lạc được cập nhật trong bài viết, chúng tôi với đội ngũ nhân viên trẻ sôi nổi đầy nhiệt huyết sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc.