Cuộc cách mạng 4.0 ngày càng phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa - hiện đại hóa, do vậy hệ thống ngân hàng số đã và đang vươn lên phát triển và phổ cập trên toàn cầu. Vậy ngân hàng số được hiểu là gì? Xu hướng phát triển ngân hàng số thế nào?
Mục lục bài viết
1. Ngân hàng số là gì?
Ngân hàng số (Digital Banking) là hình thức ngân hàng số hóa tất cả những giao dịch và hoạt động mà người sử dụng có thể tiến hành thực hiện ở tại các chi nhánh ngân hàng bình thường. Và tất cả mọi hoạt động đều được thực hiện trên smart phone và chỉ cần có mạng GPRS/3G/4G/Wifi là có thể thực hiện được các giao dịch cần làm ở mọi lúc mọi nơi.
Các dịch vụ trực tuyến mà khách hàng có thể thực hiện như:
– Dịch vụ thanh toán: như thanh toán tiền điện nước; thanh toán tiền cho các dịch vụ giải trí (mua vé xem phim), thanh toán tiền đặt đồ ăn uống, mua sắm;…
– Chuyển khoản/Chuyển tiền
– Tiến hành dịch vụ vay ngân hàng
– Gửi tiền tiết kiệm
– Nộp tiền vào tài khoản
– Quản lý tài khoản, quản lý thẻ
– Có thể tham gia các dịch vụ đầu tư, bảo hiểm
2. Xu hướng phát triển ngân hàng số:
2.1. Khái quát chung về xu hướng phát triển ngân hàng số hiện nay:
Ngân hàng số hiện nay đã và đang trở thành một xu hướng toàn cầu. Bởi lợi ích của ngân hàng số mang lại rất nhiều, có thể kể đến lợi ích như:
– Giao dịch nhanh chóng và tiện lợi: Người dùng là cá nhân hay tổ chức chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối internet thì có thể thực hiện được tất cả mọi giao dịch bất cứ thời gian nào và diễn ra ở bất kể nơi đâu, như thanh toán dịch vụ, chuyển khoản tiền từ người này qua người khác, đầu tư;…
– Giúp người dùng tiết kiệm được công sức và thời gian, chi phí đi lại: Thông thường, người dùng khi cần tiến hành bất kể giao dịch nào sẽ phải đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng gần nhất để thực hiện thủ tục. Do vậy rất mất thời gian và chi phí đi lại. Hiện nay, khi mọi thứ chuyển đổi số hóa thông qua internet đã có bước chuyển rất lớn, người dân chỉ cần ở nhà hay ở bất kể đâu bằng một thao tác nhanh chóng là có thể giải quyết được nhu cầu. Theo đó mọi người được tiết kiệm thời gian rất nhiều
– Đảm bảo thông tin cá nhân, dữ liệu một cách an toàn: Đối với các ngân hàng hiện nay, việc bảo mật là một trong những ưu tiên cần thiết nhất. Và khi đăng kí thông tin trên điện thoại nỗi lo của người sử dụng là cơ chế bảo mật như thế nào? Người dân hiện nay hoàn toàn có thể yên tâm vì ngân hàng số được xây dựng với rất nhiều lớp bảo vệ, lớp mật khẩu an toàn nên toàn bộ thông tin của khách hàng được bảo mật tuyệt đối. Và các giao dịch được xác nhận thông qua mã OTP (mã giao dịch) chỉ được sử dụng một lần nên rất an toàn.
– Tiết kiệm chi phí: Nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng hệ thống Banking trên điện thoại, các ngân hàng hiện nay luôn đưa ra những chính sách ưu đãi, miễn phí phí thông báo tin nhắn hay miễn phí khi giao dịch chuyển khoản;… nên được người sử dụng ưa chuộng và dần chuyển sang dùng ngân hàng số thay vì phải đi ra chi nhánh ngân hàng bình thường
Như vậy, có thể thấy hệ thống ngân hàng số mang lại rất nhiều hiệu quả và tiện lợi. Do vậy hiện nay trên toàn cầu đều đã và đang chuyển qua sử dụng hệ thống ngân hàng số. Mọi cá nhân cũng như các doanh nghiệp lớn đều hướng đến sử dụng ngân hàng số. Đó là cả hệ thống thanh toán trực tuyến và các sàn giao dịch, hỗ trợ thu đổi ngoại tệ trên Internet; tất cả các loại hình công ty tài chính thực hiện các giao dịch với tiền điện tử, nơi người dùng có thể mở tài khoản trực tuyến và chuyển tiền; ngân hàng trực tuyến và ngân hàng di động, cũng như các ngân hàng truyền thống đang thực hiện tối ưu hóa và nâng cao chất lượng thông qua ứng dụng các công nghệ hiện đại và tiền điện tử.
Cơ sở hạ tầng của các ngân hàng hiện nay đều mang tính bảo mật cao, đáng được tin cậy. Một hệ thống được xây dựng bằng lớp mật khẩu bằng vân tay hoặc face id nên tính bảo mật có thể nói là tuyệt đối.
Và hiện nay, hệ thống ngân hàng số có khả năng mở rộng quy mô rất hiệu quả.
2.2. Xu hướng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam:
Với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, chuyển đổi số đang mở rộng quy mô rộng lớn và Việt Nam không thể nằm ngoài sự hòa nhập, phát triển đó. Thời đại của cách mạng 4.0 đang diễn ra ngày càng nhanh chóng, hệ thống ngân hàng ở Việt Nam cũng rất chủ động, quan tâm đến việc đầu tư đổi mới công nghệ , xây dựng chiến lược chuyển đổi số và tạo sự cạnh tranh trong môi trường ngân hàng Việt Nam.
Theo như tìm hiểu hiện nay, có đến 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó, có 59% ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế. Các hệ thống ngân hàng VP bank (Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng) hay ngân hàng TP bank (Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong);… đã phát triển hệ sinh thái với các sản phẩm cũng như các kênh kết nối chặt chẽ, tăng cường việc sử dụng ngân hàng số một cách thuận tiện và trơn tru nhất. Đặc biệt là ngân hàng TP bank, LiveBank hoạt động 24/7 tại các địa điểm chiến lược như tiếp xúc vật lý để phục vụ nhu cầu tiền mặt và thực hiện định danh khách hàng. TPBank đưa tính năng nhận diện sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, giọng nói) tại các kênh giao dịch (LiveBank, eBankX) và kênh hỗ trợ (đường dây nóng) để ngăn chặn gian lận và cải thiện trải nghiệm khách hàng. TPBank cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ blockchain vào nghiệp vụ chuyển tiền quốc tế, giúp gia tăng sự an toàn, chính xác và có độ tin cậy cao.
Theo thông tin, đến tháng 12/2019, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã chính thức ra mắt Trung tâm ngân hàng số BIDV (Digital Banking Center) với mục đích chuyên biệt hóa việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 trong các giao dịch ngân hàng nói riêng và hoạt động trong hệ thống ngân hàng nói chung.
Và thời gian gần đây, hệ thống ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietin Bank) cũng đã ra mắt ứng dụng Ipay Mobile phiên bản 5.0 đáp ứng những tiện ích cơ bản như giao dịch chuyển tiền; thanh toán hóa đơn điện nước; nạp thẻ điện thoại; thanh toán vé máy bay/tàu xe; thanh toán qua ứng dụng quát mã QR;…
Hệ thống nhân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vào tháng 7/2020 cũng đã chính thức ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank trên hệ thống giao dịch trực tuyến, thay thế cho các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây. Tiện ích mang lại vô cùng lớn và đạt được hiệu quả; bảo mật tăng cường cao; đồng nhất hạn mức giao dịch trực tuyến (cụ thể 1 tỷ đồng/giao dịch đối với khách hàng thông thường và 3 tỷ đồng/giao dịch đối với khách hàng ưu tiên)
Với ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam Á bank) cũng theo bước hội nhập hóa công nghệ 4.0 chính thức cho ra mắt không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo với sự xuất hiện của robot OPBA và chi nhánh VTM OPBA. Và ngân hàng Nam Á bank là ngân hàng đầu tiên đưa robot vào phục vụ khách hàng với chức năng nhận diện khuôn mặt khách hàng.
3. Một số khó khăn đặt ra khi phát triển hệ thống ngân hàng số:
Ngoài những thành tựu đạt được thì hệ thống ngân hàng số tại Việt Nam phát triển vẫn còn nhiều thách thức. Cụ thể có thể kể đến:
– Hiện nay, hành lang pháp lý quy định về ngân hàng số vẫn chưa hoàn thiện. Mảng thanh toán số hiện nay đang phát triển rất nhanh theo các tiến bộ công nghệ, nhưng các quy định pháp lý lại chưa theo kịp, khiến các NHTM ngại áp dụng công nghệ, dịch vụ mới ngoài khuôn khổ cho phép;…
– Thực tế hiện nay rất nhiều trường hợp cá nhân (người cao tuổi, học sinh, sinh viên,…) nhận thức chưa rõ và chưa đủ về hệ thống ngân hàng số nên không lưu tâm đến việc bảo mật thông tin cá nhân nên rất dễ tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo và gây khó khăn trong điều tra
– Các trường hợp gian lận liên quan đến các hoạt động giao dịch trên hệ thống Digital Banking hiện nay đang diễn biến rất phức tạp và ngày càng tinh vi. Do vậy, hệ thống ngân hàng cũng đã và đang được các ngân hàng quan tâm chú ý nâng cấp hệ thống song ở một khía cạnh nào đó vẫn chưa tạo sự yên tâm cho khách hàng.