Chính sách xây dựng pháp luật là một trong những vấn đề quan trọng được các cơ quan ban ngành quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ mục tiêu và nhiệm vụ của chính sách xây dựng pháp luật:
Mục lục bài viết
1. Hiểu thế nào là chính sách xây dựng pháp luật?
Chính sách được hiểu là những chuẩn quy tắc cụ thể thực hiện đường lối, nhiệm vụ được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó.
Còn pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước, đây được coi là yếu tố để đảm bảo được sự ổn định trật tự xã hội.
Do đó, chính sách xây dựng pháp luật được hiểu là việc hệ thống lại các quan điểm, đường lối, chủ trường của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định của pháp luật nhằm mục tiêu để phù hợp với nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội, phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước.
2. Mục tiêu của chính sách xây dựng pháp luật:
Mục đích chung nhất của chính sách xây dựng pháp luật là tạo lập, xây dựng một nền tư pháp vững mạnh, trong sạch, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Theo đó:
– Củng cố các bảo đảm pháp lý, các cơ chế pháp luật để bảo đảm cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược và các nhiệm vụ ngắn hạn (sách lược) của điều chỉnh quy phạm pháp luật.
– Hoàn thiện các cơ sở quy phạm pháp luật để thúc đẩy quá trình kinh tế, phát triêh nền kinh tế đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động.
– Đảm bảo cơ sở pháp luật ổn định để phát triêh các quan hệ chính trị – xã hội và kinh tế.
– Bảo đảm hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành phải có tính liên kết, phối hợp với nhau.
– Nhằm mục đích khắc phục tham nhũng trong các cơ quan quyền lực nhà nước sẽ phải tạo lập các điều kiện chính trị-pháp lý cần thiết.
– Để nhằm khắc phục các thói quen không tuân thủ pháp luật, giúp tạo một môi trường đạo đức xã hội, từ đó bảo đảm tiền đề các quy phạm pháp luật thuận lợi.
3. Nhiệm vụ chính của chính sách xây dựng pháp luật:
– Tiến hành xây dựng các hệ thống quy phạm pháp luật để nhằm phục vụ cho việc chống khủng hoảng, các biện pháp nhằm ổn định tình hình kinh tế – xã hội của đất nước.
– Tiến hành tạo lập các điều kiện pháp luật để bình đẳng hóa các quan hệ kinh tế – xã hội.
– Thực hiện xây dựng các luận chứng khoa học cho chiến lược phát triển xây dựng pháp luật trong dài hạn.
– Khuyến khích bằng pháp luật sự phát triển các mối liên hệ xã hội, sự tham gia của Nhân dân vào việc thông qua các quyết định xây dựng pháp luật có ý nghĩa về mặt nhà nước.
– Tiến hành soạn thảo các chương trình phát triển trung hạn và ngắn hạn các ngành pháp luật cụ thể.
– Thực hiện xây dựng các luận chứng khoa học cho chiến lược phát triển xây dựng pháp luật trong dài hạn.
– Thực hiện kiểm kê các văn bản quy phạm pháp luật với việc đánh giá mức độ hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật đó.
– Hệ thống hóa tổng thể và pháp điển hóa các văn bản quy phạm pháp luật.
– Xây dựng cơ chế thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
– Tối ưu hóa các thủ tục, phòng ngừa và khắc phục những xung đột trong các văn bản pháp luật của trung ương và địa phương.
– Nâng cao hiệu quả của pháp luật về phòng ngừa vi phạm pháp luật và phòng, chống tội phạm.
– Đổi mới pháp luật về thuế, giảm nhẹ gánh nặng thuế nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo và đầu tư tư nhân vào con người.
– Soạn thảo chính sách xây dựng pháp luật trong lĩnh vực pháp luật tư.
– Tiến hành hoàn thiện các văn bản pháp luật về di cư.
– Thực hiện điều chỉnh pháp luật hiệu quả những vấn đề của an ninh môi trường và an toàn thực phẩm.
– Phát triển các văn bản quy phạm pháp luật về phát huy vai trò của các thiết chế xã hội và sự tác động của chúng đến đời sống pháp luật của đất nước.
– Tiến hành cải cách các hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về xã hội, trong đó có các văn bản quy phạm pháp luật về y tế, về bảo hiểm xã hội.
– Thực hiện ghi nhận về mặt quy phạm các lợi ích của các tộc người Việt Nam trong các quan hệ xã hội đa dạng của Nhà nước và xã hội.
4. Định hướng trong chính sách xây dựng pháp luật để nâng cao tính hiệu quả:
Có thể nói, chính sách pháp luật nói chung và chính sách xây dựng pháp luật nói riêng là hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực chất xám cao. Hiện nay, công tác nghiên cứu lý luận nói chung và về chính sách xây dựng pháp luật nói riêng chưa theo kịp với yêu cầu của thực tiễn, chưa có sự gắn kết chặt chẽ phục vụ đắc lực cho các chủ thể có thẩm quyền trong việc xây dựng, ban hành chính sách xây dựng pháp luật; quy trình ban hành các chính sách chưa được đề cao và tuân thủ nghiêm túc; công tác phối kết hợp giữa các cơ quan ban ngành chưa được chặt chẽ, quy củ dẫn đến những tồn đọng nhất định trong hoạt động xây dựng pháp luật. Dưới đây là một số định hướng và giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật nói chung:
Thứ nhất, tập trung xây dựng và hoàn thiện pháp luật về:
– Tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị đảm bảo phù hợp với các yêu cầu của Nhà nước.
– Bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.
– Về giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế, văn hoá – thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội.
– Về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
– Về quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Thứ hai, phải xác định được lĩnh vực nào là trọng điểm để ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Bên cạnh đó cần có cơ chế, cách thức tổ chức thực hiện chính sách xây dựng pháp luật một cách thống nhất, cụ thể; phải xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm đầu mối để bảo đảm tính kịp thời, thống nhất khi triển khai chính sách.
Thứ ba, nâng cao trình độ và năng lực làm luật của Quốc hội, đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành một văn bản thể hiện tập trung, thống nhất và toàn diện về chính sách xây dựng pháp luật.
Thứ tư, thực hiện đổi mới cơ bản quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật từ sáng kiến pháp luật đến thông qua luật nhằm đẩy nhanh quá trình soạn thảo, ban hành luật để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ năm, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân.
Thứ sáu, thực hiện hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với cơ quan tư pháp.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ tám, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực; hệ thống các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Thứ chín, cơ quan ban hành hành chính chính sách cần nâng cao công tác chỉ đạo, hướng dẫn và đặc biệt là kiểm tra, sơ kết việc thực hiện chính sách xây dựng pháp luật trên thực tế.
Thứ mười, cần có sự đổi mới về tư duy trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thu hẹp phạm vi, đối tượng điều chỉnh. Quy trình lập pháp, cần tiếp tục đổi mới theo hướng duy trì quy trình rút gọn và quy trình một luật sửa nhiều luật, tạo lập cơ chế thuận lợi để các đối tượng chịu sự tác động, các nhà khoa học và nhân dân tham gia vào quy trình lập pháp.