Có 6 phương thức biểu đạt trong văn bản, bao gồm: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính - công vụ. Miêu tả là loại phương thức biểu đạt nhằm giúp người đọc, người nghe
Mục lục bài viết
1. Miêu tả là gì?
1.1. Định nghĩa:
Có 6 phương thức biểu đạt trong văn bản, bao gồm: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.
Miêu tả là loại phương thức biểu đạt nhằm giúp người đọc, người nghe hình dung những đặc điểm, tính chất nổi bật của sự vật, sự việc, con người, phong cảnh,…làm cho những cái đó như hiện lên trước mắt người đọc, người nghe. Trong văn miêu tả, năng lực quan sát của người viết, người nói thường được bộc lộ rõ nhất.
1.2. Đặc điểm của văn miêu tả:
– Văn miêu tả là loại văn mang tính thẩm mĩ cao: văn miêu tả đòi hỏi người viết phải thể hiện được cái mới mẻ, cái riêng trong cách quan sát, cách cảm nhận. Ngôn từ phải lột tả được nét nổi bật của đối tượng hướng tới.
– Văn miêu tả luôn có sự chân thật: Trong văn miêu tả, cái mới, cái riêng phải gắn với cái chân thật. Dù sứuc sáng tạo, liên tưởng tới đâu thì người viết vẫn cần phải dựa trên thực tế. Đó là sự quan sát những hình ảnh, sự kiện, hiện tượng có thật ở ngoài đời.
– Ngôn từ biểu đạt giàu sức tạo hình: Ngôn ngữ trong văn miêu tả giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu, âm thanh. Một bài văn miêu tả thực sự tạo được ấn tượng cho người đọc cần phải kết nối được với các giác quan, giúp người đọc “nhìn” thấy, “nghe” thấy, “ngửi” thấy, “nếm” được, hay thậm chí là “chạm” vào được. Như vậy vốn từ ngữ phải thật phong phú hiểu biết về đối tượng được miêu tả, từ đó lựa chọn từ ngữ miêu tả sống động và chi tiết hơn.
– Thể hiện sự so sánh, liên tưởng, nhận xét: Muốn miêu tả được, trước hết người ta phải biết quan sát, rồi từ đó nhận xét, liên tưởng, tưởng tượng, ví von, so sánh,… để làm nổi bật lên những đặc điểm tiêu biểu của sự vật. Việc kết hợp những thủ pháp nghệ thuật này, sẽ giúp người viết có thêm chất liệu để khai thác, sáng tạo được cái mới, thể hiện bản sắc cá nhân dựa trên những cái cũ, cái chân thật quan sát được trong cuộc sống.
1.3. Kỹ năng cần có khi làm bài văn miêu tả:
Người viết văn miểu tả muốn câu văn diễn tả được đúng những gì mà bản thân mong muốn một cách hấp dẫn, cần có các kĩ năng bao gồm: quan sát; liên tưởng hình dung về sự vật hiện tượng, ví von; so sánh những sự vật hiện tượng mà mình muốn miểu tả.
- Quan sát: nhìn nhận, xem xét sự vật.
- Nhận xét liên tưởng hình dung về sự vật đặt trong tương quan các sự vật xung quanh.
- So sánh, ví von: Thể hiện tư duy liên tưởng độc đáo riêng của người viết hình dung, cảm nhận về sự vật, hiện tượng miêu tả.
- Nhân hoá: Nếu là bà văn tả cảnh hay tả con vật, hãy sử dụng những chi tiết giúp cho những đối tượng đó có tính cách, cảm xúc như con người, tạo chiều sâu cho bài văn.
2. Các dạng văn miêu tả thường gặp:
Văn miêu tả rất đa dạng và phong phú. Đối với mỗi dạng bài khác nhau, người làm văn cần khéo léo lựa chọn cách thức viết khác nhau. Các dạng văn thường gặp là:
2.1. Văn tả cảnh:
– Văn tả cảnh là loại văn yêu cầu người viết tái hiện lại thiên nhiên cảnh vật. Đôi khi cũng có thể là một hiện tượng tự nhiên hay một khung cảnh xung quanh chúng ta. Văn tả cảnh là gợi tả những bức tranh về thiên nhiên hay cảnh sinh hoạt gợi ra trước mắt người đọc về đặc điểm từng nét riêng của cảnh.
Ví dụ đề bài: Tả cảnh bình minh/hoàng hôn trên bờ biển quê em, tả cánh đồng lúa chín ở quê em, tả buổi khai trường của em,…
2.2. Văn tả người:
– Văn tả về tả người là gợi tả về các nét ngoại hình, tư thế, tính cách, hành động, lời nói, hình dáng…. của người đó. Văn miêu tả thường hướng tới những người thân yêu nhất của chúng ta hay những người đã tiếp xúc, gặp mặt thường xuyên, giúp đỡ hoặc để lại ấn tượng với người viết.
Ví dụ: Tả người mà em yêu quý nhất, tả anh trai/ chị gái của em, tả cô giáo/ thầy giáo của em, tả một nhân vật hoạt hình mà em yêu thích,…
2.3. Văn tả con vật:
Tả con vật sẽ thiên về tả dáng vẻ bên ngoài, các hoạt động của con vật. Một số chi tiết cũng có thể thêm sự sáng tạo, nhân hoá, so sánh,…
Ví dụ: Tả chú cún mà em yêu quý nhất, tả con trâu của bác nông dân, tả một con vật mà em yêu quý nhất,…
3. Cách để làm một bài văn miêu tả hay:
3.1. Luyện tập quan sát ghi chép:
Để có thể làm tốt một bài văn miêu tả, điều đầu tiên cần phải dựa vào khả năng quan sát, ghi chép cũng như tư duy hình ảnh tốt và sáng tạo. Giúp người viết vận dụng được những hình ảnh chân thực ngoài đời sẽ là những chất liệu vô cùng phù hợp và mềm dẻo để đưa vào bài văn.
Ngoài ra, người viết cũng có thể luyện tập quan sát những sự việc xảy ra trong ngày, sau đó luyện tập viết bài văn miêu tả dưới dạng nhật ký ghi chép lại để kể lại những gì đã diễn ra trong ngày, từ đó giúp khả năng miêu tả chi tiết được cải thiện rõ rệt. Từ đó giúp não bộ trở nên nhạy bén, đồng thời khả năng vận dụng ngôn ngữ cũng cải thiện.
4. Miêu tả theo bố cục nhất định:
Khi làm một bài văn miêu tả, xác định rõ đối tượng cần miêu tả, từ đó quan sát, lựa chọn ra những hình ảnh, chi tiết tiêu biểu nhất, sắp xếp chúng theo một thứ tự nhất định được miêu tả sẽ chọn được bố cục phù hợp, từ đó bài văn sẽ mạch lạc, súc tích và có tính logic. Có thể chia bố cục trong văn miêu tả thành hai dạng:
Đi từ tổng quan vào chi tiết: Áp dụng cho văn miêu tả cảnh, nội dung bài viết có liên quan đến một không gian rộng lớn và nhiều chi tiết bên trong. Bố cục này sẽ thể hiện được chiều sâu của phong cảnh, giúp người đọc dễ dàng mường tượng ra khung cảnh.
Đi từ chi tiết nổi bật đến chi tiết kém nổi bật: Áp dụng cho văn miêu tả đồ vật, hoặc miêu tả động vật và tả người. Kiểu bố cục này cũng đi từ tổng quan, tức lựa chọn những chi tiết liên quan đến hình dáng, kích thước của đối tượng để tạo một bức phác họa, sau đó điểm vào những chi tiết ấn tượng nổi bật, hay là cách nhận diện ở người đó như mái tóc, làn da, nụ cười, hàm răng, đôi mắt, tính cách,…
5. Sử dụng thêm tính từ và các phương pháp nghệ thuật:
Muốn làm văn miêu tả hay thì bạn phải có vốn từ phong phú và đa dạng. Bổ sung tính từ vào câu luôn là một cách giúp cho câu văn được sâu sắc hơn. Tuy nhiên, cần xác định rõ việc sử dụng tính từ nào vào đối tượng nào, mới có thể kết nối người đọc vào bài viết của mình. Tính từ cần phù hợp với sự vật được miêu tả, ngoài ra nó còn phải phù hợp về mặt ngữ nghĩa thì mới dễ chạm đến trái tim người đọc. Trong tiếng việt có rất nhiều từ gần nghĩa, đồng nghĩa, vì vậy cần chú ý tránh lỗi sử dụng sai từ khi làm văn miêu tả, vì sẽ làm câu văn bị lủng củng.
Ví dụ 2: Mái tóc mẹ dài lấp lánh. Ở đây lấp lánh dùng sai nghĩa vì từ này từ lấp lánh không được dùng để chỉ độ bóng của tóc. Thay vào đó chúng ta phải thay bằng từ “óng ánh”
Ngoài ra hãy sử dụng nhiều phương pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ hay hoán dụ để làm cho câu văn thêm sinh động. Mục đích chính của văn miêu tả là giúp cho người đọc liên tưởng đến hình ảnh sự vật càng rõ nét càng tốt.
6. Kết hợp yếu tố biểu cảm:
Một bài văn thực sự chạm được đến trái tim của người đọc khi đan xen những đoạn văn biểu cảm vào bài viết. Khi ta phối hợp nhiều giác quan vào một thông tin sẽ làm cho ký ức ấy trở nên đáng nhớ và lâu quên hơn. Chính vì vậy, yếu tố cảm xúc rất quan trọng trong việc kết nối người đọc với người viết, giúp họ hiểu được, cảm nhận được những gì người viết đã trải qua, từ đó đồng cảm được với góc nhìn của người viết.
Mặc dù đây là một yếu tố phụ, không được lấn át phương thức biểu đạt chính nhưng sự xuất hiện của các câu văn biểu cảm giúp liên kết các đoạn văn miêu tả lại với nhau, làm cho bài văn tự sự trở nên sâu sắc, có chiều sâu hơn bình thường. Ví dụ trong truyện ngắn “Tôi đi học” vô cùng nổi tiếng của tác giả Thanh Tịnh, tác giả kết hợp yếu tố biểu cảm và miêu tả như sau:
“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”
(Trích: Tôi đi học – Thanh Tịnh)