Bạn đang có dự định xây nhà, lát sân, làm vườn hay bất kì một việc làm gì có liên quan đến mảnh đất của bạn nhưng bạn chưa biết mâm lễ cúng đất gồm những gì? Cách cúng đất đai chuẩn như thế nào? Bài viết dưới đây có thể hữu ích đối với bạn.
Mục lục bài viết
1. Ý nghĩa của việc cúng đất đai:
Cúng đất đai còn được biết đến với tên gọi khác là cúng “thổ thần”, ông bà ta có câu “đất có thổ công, sông có Hà Bá”.
Truyền thuyết tương truyền từ xa xưa rằng Thổ công là vị thần canh giữ đất đai nhà cửa của muôn người cùng với Táo Quân bảo vệ giúp đỡ gia chủ đang tọa lạc trên mảnh đất mà ngài cai trị.
Bởi vì thế mỗi khi làm việc gì liên quan đến đất đai như: xây cất (xây nhà, xây cửa hàng, chuồng trại), đào giếng, mở đường, mở huyệt… người ta phải chuẩn bị mâm lễ gọi là mâm lễ cúng đất đai để dâng lên ngài cùng các thế lực tâm linh đang cư ngụ trên mảnh đất đó.
Ngoài ra, vào những dịp quan trọng đặc biệt như mua đất mới, đầu năm, cuối năm …. lễ cúng cho thổ công cũng sẽ được tổ chức.
Lễ cúng này diễn ra với mục đích thể hiện mong muốn được sự cho phép sử dụng mảnh đất mà thần linh đang cai quản
Đồng thời các vong linh đang cư ngụ sẽ không quấy phá đem tai họa đến cho kế hoạch, dự án mà ta sẽ làm sắp tới trên mảnh đất đó, ngược lại mọi việc được suôn sẻ.
2. Mâm lễ cúng đất đai bao gồm những gì?
2.1. Chuẩn bị lễ cúng đất đai:
Một lễ cúng đầy đủ hợp với lễ nghi truyền thống nhất thì việc quạn trọng trên hết là phải xem ngày giờ và mệnh tuổi của gia chủ để chọn được thời điểm thích hợp và vượng cát nhất mà tổ chức lễ cúng đất đai.
Dựa vào mục đích cúng Thổ Công của gia chủ mà sẽ có những thời điểm tổ chức lễ cúng khác nhau.
Lựa chọn dễ nhất và chính xác nhất các bạn nên nhờ một thầy phong thủy mà mình tin tưởng xem ngày lành tháng tốt cho phù hợp với cung mệnh của bạn. Bởi vì mỗi người sẽ có một cung mệnh khác nhau nó có đại cát hay khắc ngày giờ diễn ra lễ cúng.
Nếu như không thể tìm được thầy phong thủy, bạn cũng có thể xem và tham khảo trên internet hay sách phong thủy đều được. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận các bạn có thể sẽ chọn trúng ngày đại hung hay trù tang là những ngày xấu và xui xẻo.
Việc chọn ngày không phù hợp cũng sẽ mang tai họa vận khí xấu cho kế hoạch công việc tương lai của bạn.
Đặc biệt không được xem nhẹ cung mệnh và tuổi của người đứng ra tiến hành lễ cúng đất đai bởi vì nó quan trọng chẳng kém ngày giờ tổ chức.
Nếu gia chủ sơ xài ở khâu chuẩn bị này cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến lễ cúng và vận khí của gia chủ.
Không nhất thiết chỉ có gia chủ mới có thể thực hiện cúng lễ cho Thổ thần, bởi vì nếu mệnh tuổi không hợp ta có thể “ mượn tuổi” của người thân hay người quen nào mà mình biết, họ sẽ tiến hành lễ cúng thay gia chủ để được thuận lợi vượng cát nhất.
2.2. Mâm lễ cúng đất đai:
Đối với mâm cúng đất đai lễ vật không bị giới hạn nhiều nên thường mâm cúng sẽ rất đa dạng và phong phú.
Mâm cúng đất đai sẽ tùy thuộc phần lớn vào điều kiện kinh tế của gia chủ và phong tục, lễ nghi, lễ vật, của từng vùng miền khác nhau, miễn nó phù hợp với phong tục truyền thống của nguời Việt ta. nên mâm lễ cũng sẽ có sự khác biệt tương đối .
Tuy nhiên dù ở đâu, bất kể vùng miền đi chăng nữa thì mâm lễ cúng cũng phải được chuẩn bị chu đáo tươm tất nhất thể hiện lòng thành của gia chủ, sự trang trọng của lễ cúng .
Nhưng chung quy lại dù ở đâu hay như thế nào mâm lễ ít nhất cũng phải đầy đủ những thứ sau:
– Hoa tươi: chọn hoa thật tươi tốt nhất là mới hái, không dập nát vàng úa (hoa lay ơn, hoa cúc vàng).
– Trái cây : tùy vào sản vật của mỗi vùng miền khác nhau và điều kiện của gia chủ để sắm lễ ngũ quả tốt nhất.
– Đèn cầy, nhang thơm.
– Gạo, muối (nên đựng trong hũ).
– Rượu trắng, bia, nước ngọt, nước lọc.
– Thuốc lá và trà.
– Trầu cau thường kèm thêm vôi cho đủ lễ.
– Chè +xôi+ cháo trắng.
– Bộ tam sên.
– Gà luộc hay chân giò heo luộc đều được.
– Giấy cúng và 5 con ngựa 5 màu: Đỏ, xanh, vàng, trắng, chàm tím cùng với 5 bộ mũ, áo, hia (loại nhỏ). Kèm theo ngựa là cờ lệnh, kiếm, roi. Trên lưng mỗi ngựa thì đặt 10 lễ tiền vàng.
1 con ngựa đỏ to hơn 5 con ngựa trên, kèm theo mũ, áo, hia nhưng to hơn, và cờ, roi, kiếm.
– 1 cây vàng hoa đỏ (1000 vàng) và 50 lễ vàng tiền dâng lên cho gia tiền.
Phụ thuộc vào mục đích cúng lễ và quẻ xem của thầy phong thủy mà ta sẽ tổ chức lễ mặn hay lễ chay. Tuy nhiên dù mâm lễ gì đi chăng nữa thì nhất định những thứ nêu trên cũng không thể thiếu được.
Cách bài trí mâm lễ cũng phải được chú ý kĩ càng, phải có thứ tự rõ ràng không được phép tùy tiện bừa bãi xếp đồ cúng theo ý thích . Điều đó sẽ đem lại sự xui xẻo.
Lưu ý: Ngoài ra còn một số lưu ý bạn cần biết theo tập tục dân gian xưa như sau:
1. Từ phía ngoài nhìn vào bát hương của thổ thần sẽ nằm ở giữa, bên trái sẽ là bát hương của bà cô Tổ, bên phải chính là bát hương tổ tiên. Lễ vật còn lại thì xếp ngay ngắn thứ tự là được.
2. Khi cúng thì trước hết phải khấn xin phép Thổ Công cho phép tổ tiên về hưởng lễ.
3. Nếu ta không xin phép, ngài sẽ không cho tổ tiên của ta về phù hộ giúp đỡ ta xây dựng thuận lợi hay may mắn bình an cho con cháu.
4. Cũng có một vài sự tích rằng người miền nam trước khi cúng lễ cho Thổ Công phải ăn trước một miếng vì ngày trước ngài từng bị đầu độc vì vậy ngài rất sợ, phải có người ăn trước ngài mới dám nhận và hưởng lễ . Miền Bắc thì vẫn cúng bình thường.
3. Cách cúng đất đai chuẩn nhất:
3.1. Tiến hành cúng lễ đất đai:
Đến giờ lành đã được điểm xem từ trước, gia chủ hoặc người được mượn tuổi sẽ bắt đầu lễ cúng đất đai.
Bước đầu tiên sẽ thắp hương khấn vái thổ công và tổ tiên đồng thời trình bày về lí do và xin sự đồng ý của ngài và tổ tiên.
Trong lúc làm lễ cúng đất đai phải phải thực thành tâm khấn xin ngài phê chuẩn và phù hộ cho ta.
Văn khấn cúng đất đai bạn có thể tham khảo trên sách phong thủy hoặc nhờ thầy cúng soạn ra cho. Tuy nhiên lưu ý rằng nếu chép ra giấy hoặc nhìn điện thoại để đọc thì cũng tuyệt đối không đặt tờ giấy hoặc điện thoại xuống đất như vậy sẽ không may mắn .
Sau khi hương trên bát cháy hết gia chủ sẽ đem tiền vàng và các đồ vật giấy, ngựa đi hóa, sau khi cháy hết là lễ thành.
3.2. Văn khấn đất đai:
Mẫu số 1:
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Con kính lạy:
Quan đương xứ thổ địa chính thần.
Thổ địa Ngũ phương Long mạch Tôn thần.
Hôm nay là ngày…tháng…năm…., nhằm tiết …
Chúng con là:…
Thành tâm sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Chư vị Tôn Thần về việc lễ tạ thần linh Thổ Địa.
Gia đình chúng con nhờ có duyên lành mà đến an cư lạc nghiệp nơi này. Đội ơn thần linh Thổ địa che chở, ban ân, đất này được phong thủy yên lành, khí sung, mạch vượng, bốn mùa không hạn ách tai bay, tám tiết có điềm lành tiếp ứng. Trong ngoài ấm êm, toàn gia mạnh khỏe. Nay nhằm ngày lành tháng tốt, gia đình chúng con sắm sửa lễ tạ mong báo đáp ân thâm, tỏ lòng tôn kính. Cúi xin Chư vị Tôn Thần lai giáng án tiền, nhận hưởng lễ vật, chứng minh tâm đức.
Cung kính nghĩ rằng thần linh Thổ địa sẽ tùy duyên ứng biến phù hộ cho gia đình chúng con được an cư, đạt được những điều mong ước, cho nhà cao cửa rộng, cho tăng tài tiến lộc, cho nhân vật hưng long.
Âm dữ dương đồng, dốc lòng cầu khấn, cúi xin soi tận, ý khẩn tâm thành.
Kính thỉnh Bản gia tiên tổ liệt vị chân linh đồng lai hâm hưởng.
Cẩn cáo!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Mẫu số 2:
Con kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, Ngũ phương Ngũ thổ, Phúc đức chính Thần.
Con kính lạy các ngài Thần linh cai quản trong xứ này.
Tín chủ là……Tuổi…
Ngụ tại…
Hôm nay là ngày….tháng……..năm…
Tín chủ con thành tâm sắm sửa hương, hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả, bầy ra trước án. Đốt nén hương thơm kính mời: Ngài Bản gia Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ Địa Long Mạch Tôn thần, ngài Bản gia Ngũ phương Ngũ thổ, Phúc đức chính Thần.
Cúi xin các Ngài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con tòan gia an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!