Ngân sách cố ý thiếu hụt là cụm từ được sử dụng trong kinh tế, theo lý thuyết này thì với một nền kinh tế suy thoái nhà nước phải tránh tiết kiệm chi tiêu hoặc/ và tăng thuế và sử dụng chính sự mất cân bằng trong kinh tế đó để đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn suy thoái. Vậy lý thuyết về ngân sách cố ý thiếu hụt là gì? Hạn chế, lợi ích và nguyên tắc áp dụng?
Mục lục bài viết
1. Lý thuyết về ngân sách cố ý thiếu hụt là gì?
Khi chúng ta nói tới lý thuyết về ngân sách cố ý thiếu hụt trong kinh tế nó được nhắc tới khá nhiều và cụ thể cho rằng khi kinh tế suy thoái nhà nước cần tránh tiết kiệm chi tiêu hoặc/ và tăng thuế (những hành động kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, và càng làm cho nền kinh tế khó thoát khỏi suy thoái hơn) và tránh bằng cách cố ý hi sinh sự cân bằng của Ngân sách Nhà nước. Hơn thế nữa phải sử dụng sự mất cân bằng của ngân sách nhà nước để góp phần đưa nền kinh tế thoát khỏi thời kì suy thoái trên cơ sở chi tiêu ngân sách hoặc/ và giảm thuế để kích cầu. Trong đời sống của một nước, kinh tế quyết định tài chính, còn tài chính có tác động mạnh mẽ trở lại đối với kinh tế.
Lý thuyết cổ điển đã chỉ ra, muốn thăng bằng ngân sách trong giai đoạn suy thoái thì hoặc giảm chi hoặc tăng thu. Hai phương pháp khắc phục này chỉ ảnh hưởng vào nền kinh tế như hai cái “máy hãm”, khiến cho nền kinh tế đã trì trệ lại càng trì trệ hơn. Để tránh ảnh hưởng kìm hãm đó, người ta đã hi sinh thăng bằng ngân sách, chi tiêu ra nhiều hơn để gây và khơi mào cho sự phục hồi kinh tế. Giáo sư Barrere đã mô tả lý thuyết này: Đem đối lập với sự mất thăng bằng kinh tế một sự bất thăng bằng tài chính Ngược hướng.
2. Hạn chế, lợi ích lý thuyết về ngân sách cố ý thiếu hụt:
– Hạn chế
Có thể nói, tác động xấu và nguy hại nhất của chính sách này là nạn lạm phát. Bởi vì muốn có tiền để tài trợ cho những chương trình trong giai đoạn kinh tế suy thoái, Nhà nước có thể in thêm giấy bạc.
– Lợi ích
Mặc dù thực thi lý thuyết này có thể gây hiểm hoạ cho nền kinh tế, nhưng sự thúc đẩy những hoạt động kinh tế đang đình trệ sẽ làm nhẹ gánh nặng của ngân sách. Việc mở mang những hoạt động kinh tế sẽ tạo thêm nhiều việc làm, do vậy ngân sách sẽ bớt được những khoản chi chuyển nhượng.
Hơn nữa, trong nền kinh tế đang phát triển, đánh thuế luỹ tiến sẽ thu hút phần lớn hơn những khoản lợi tức cao. Ngân sách bơm tiền ra, có ảnh hưởng đối với nền kinh tế như là một động cơ phụ. Khi nền kinh tế đã phục hồi trở lại thì Chính phủ phải để cho nó tự vận hành và có thể để cho động cơ phụ này nghỉ hoạt động.
3. Nguyên tắc áp dụng lý thuyết về ngân sách cố ý thiếu hụt:
Lý thuyết này đã được nhiều nước thực nghiệm như Anh, Đức, Pháp,….. và đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Nhưng, không phải lúc nào cũng có thể thi hành được chính sách ngân sách cố ý thiếu hụt. Như vậy nếu chúng ta thực hiện chính sách này, phải nắm được những giới hạn của nó với thuyết về ngân sách cố ý thiếu hụt không thể thay thế vĩnh viễn thuyết ngân sách thăng bằng; mẫu mực cần hướng tới vẫn là một ngân sách thăng bằng và lý thuyết ngân sách cố ý thiếu hụt chỉ là một ngoại lệ quan trọng của lý thuyết ngân sách thăng bằng với sự thiếu hụt này phải có giới hạn của nó, không được vĩnh viễn và phải được theo dõi chặt chẽ.
Sự cố ý thiếu hụt có tác dụng thúc đẩy một nền kinh tế ra khỏi tình trạng đình trệ bên cạnh đó khi nền kinh tế đã bắt đầu chuyển động thì Nhà nước phải giảm dần những chi phí đầu tư, dần dần tăng thu để làm cho ngân sách trở lại thế thăng bằng.
4. Giải pháp khi thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách:
Thứ nhất cần thực hiện các hoạt động khai thác đầy đủ và hiệu quả các nguồn thu ở địa phương nhưThuế, phí và lệ phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê nhà, thu khác ngân sách: thu phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông; phạt vi phạm hành chánh; thu cố định tại xã, các khoản thu để lại quản lý chi NS cụ thể như thủy lợi phí, viện phí, học phí. Nguồn thu tiềm ẩn như Thu vay, thu viện trợ, thu hợp tác lao động, nguồn thu vận động nhân dân, nhà doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, để đầu tư xây dựng các công trình công cộng, thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo.
Thứ hai, chúng ta cần phải hoàn thiện phân cấp quản lý thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương: Thu giành 100% cho ngân sách địa phương như thuế giá trị gia tăng từ các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thu điều tiết giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài. Tỷ lệ phân chia các khoản thu điều tiết chỉ có giá trị trong thời kỳ ổn định 3 đến 5 năm. Thu trợ cấp đối với địa phương như NS Trung ương chỉ trợ cấp bổ sung cân đối cho NS địa phương, không nên cấp toàn bộ phần thiếu hụt. Mức trợ cấp này khoảng 80% đến 90% số thiếu hụt.
Thứ ba, chúng ta cần phải tiến hành mở rộng quyền tự chủ cho chính quyền cấp xã trong khai thác các nguồn thu của địa phương: Chấn chỉnh và phát triển các nguồn thu để lại 100% cho NS cấp xã. Hướng dẫn các khoản huy động nhân dân đóng góp. Phối hợp chỉ đạo quản lý các nguồn thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%). Giải quyết kịp thời nguồn thu bổ sung từ ngân sách cấp trên cho NS cấp xã. Có cơ chế tạo nguồn thu và cơ chế quản lý nguồn thu ngân sách xã đảm bảo nhu cầu chi tiêu của xã.
Bốn là, hoàn thiện bộ máy quản lý thu các cấp: Tổ chức thực hiện tốt công tác phân loại cán bộ theo chuẩn mực thi đua về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức để bố trí vào các vị trí thích hợp của mô hình tổ chức mới. Thực hiện tốt việc điều động, luân chuyển, luân phiên công việc đối với cán bộ theo chế độ đã quy định. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý thu theo hướng chuyên môn hóa kỹ năng quản lý thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ, khai thác và sử dụng thành thạo các ứng dụng tin học phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.
Năm là, hoàn thiện hệ thống pháp lý trong quản lý thu ngân sách nhà nước: Trong chính sách thuế phải hình thành một cơ cấu thuế hợp lý nhằm tăng cường nguồn thu và vai trò điều tiết vĩ mô của nhà nước. Chính sách thuế phải góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hiện đại hóa trong điều kiện Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới. Hệ thống thuế phải đơn giản, ổn định, mang tính luật pháp cao và có sự tương đồng với khu vực và thông lệ quốc tế. Hoàn thiện chế độ kế toán, quyết toán thu, chi NSNN đáp ứng nhu cầu đổi mới công tác quản lý NSNN.
Sáu là, thực hiện quốc sách tiết kiệm trong chi ngân sách nhà nước: Tôn trọng kỷ luật tài chính. Do nguồn lực kinh tế có giới hạn nếu chi NSNN gia tăng sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ và thuế cho nền kinh tế trong tương lai. Nâng cao hiệu quả trong phân bổ nguồn lực. Chi NSNN phải phù hợp với các ưu tiên chiến lược của nhà nước để đảm bảo tính kỷ luật tài chính tổng thể cũng như tính tương hợp giữa ngân sách kế hoạch và ngân sách thực tế nhằm tối đa hóa phân bổ nguồn lực tài chính. Đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động quản lý NSNN. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải hết sức chú trọng đến kết quả đầu ra trong phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính với chi phí thấp nhất.
Bảy là, thực hiện việc phát hành trái phiếu địa phương để chi các công trình kinh tế trọng điểm của địa phương: Phát hành trái phiếu địa phương có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho địa phương huy động nguồn vốn để cho đầu tư phát triển các công trình có tính chiến lược; đồng thời chấp hành nghiêm ngặt về thủ tục phát hành và thanh toán trái phiếu.
Tám là, chính sách khen thưởng phù hợp, kịp thời và xử lý nghiêm minh những sai phạm trong quản lý NSNN: Nhằm củng cố và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người làm công tác quản lý NSNN, đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý NS ở địa phương. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến tính pháp luật, quy định về thu, chi ngân sách nhà nước cho đơn vị, cá nhân nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.