Lý thuyết quản trị hành vi ra đời và tập trung vào hành vi và động lực của người lao động. Các thuật ngữ liên quan?
Mỗi người khi lao động để thực hiện tốt công việc của mình thì hành vi và động lực là hai yếu tố vô cùng quan trọng. Có nhiều lý thuyết được ra đời để nghiên cứu về các vấn đề này. Một trong số đó chúng ta sẽ cần phải kể đến lý thuyết quản trị hành vi. Chắc hẳn hiện nay vẫn còn nhiều người chưa biết đến thuật ngữ này.
Mục lục bài viết
1. Lý thuyết quản trị hành vi:
Khái niệm lý thuyết quản trị hành vi:
Lý thuyết quản trị hành vi ra đời và tập trung vào hành vi và động lực của người lao động. Cụ thể, lý thuyết quản trị hành vi đã đề cập đến việc quản lý năng suất bằng cách hiểu động lực của các chủ thể là người lao động, bao gồm cả kì vọng, nhu cầu, lợi ích và động lực nhóm.
Rất lâu trước khi các chủ thể là các nhà lý luận bắt đầu viết về sự hài lòng của nhân viên và điều kiện làm việc tốt, quản trị coi lãnh đạo cổ điển, với mối quan tâm duy nhất về sản xuất và hiệu quả cao, là điều quan trọng nhất đối với thành công của một tổ chức. Sau đó, mối quan tâm về sự hài lòng của người lao động và điều kiện làm việc tốt đã tạo nên nền tảng cho lý thuyết quản trị hành vi.
Lý thuyết quản trị hành vi ra đời dựa trên quan niệm rằng các chủ thể là những nhà quản lý sẽ hiểu rõ hơn về khía cạnh con người đối với người lao động và coi nhân viên là yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu. Việc các chủ thể là những nhà quản lý quan tâm đặc biệt đến công nhân khiến các chủ thể cảm thấy mình là một phần của một nhóm đặc biệt.
Thời gian trôi qua, suy nghĩ dần thay đổi, và quản trị bắt đầu xem sự hài lòng của nhân viên và điều kiện làm việc là một cách để tăng năng suất. Các chủ thể là những nhà lý luận như Elton Mayo và những người khác đã nghiên cứu năng suất của nhân viên trong các điều kiện khác nhau để xác định mối liên hệ giữa chúng.
Thí nghiệm Hawthorne của Mayo cung cấp một ví dụ rất tốt về điều này. Hiệu ứng Hawthorne được hiểu là một hiện tượng tâm lý trong đó những người tham gia trong thí nghiệm nghiên cứu hành vi tự thay đổi hành vi hoặc hiệu suất của bản thân chỉ vì họ đang được quan sát. Tại nơi làm việc, hiệu ứng Hawthorne có thể giải thích vì sao nhân viên càng nhận được nhiều chú ý từ người quản lý , đồng nghiệp và khách hàng, thì họ lại càng nỗ lực làm việc và năng suất càng tăng. Về cơ bản, năng suất tăng khi nhân viên nghĩ rằng họ đang được theo dõi hoặc quan sát chặt chẽ. Trong thí nghiệm Hawthorne, một nhóm công nhân đường dây điện thoại đã được tách ra và được quan sát khi làm việc trong một phòng riêng.
Các thành viên trong nhóm đã được trao nhiều đặc quyền cụ thể, ví dụ như các thành viên trong nhóm sẽ được tự do rời khỏi máy trạm, thay đổi mức lương và thậm chí được công ty tài trợ bữa trưa. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng nhóm nhân viên được kiểm soát trong thí nghiệm có sản lượng cao hơn các nhân viên khác. lý do là vì nhóm này cảm thấy rằng ban quản lý quan tâm đến phúc lợi của họ.
Điều này đã bắt đầu phong trào các mối quan hệ con người. Khi các chủ thể là những nhà quản lý dành thời gian, bày tỏ sự quan tâm đến sức khỏe của người lao động và thưởng cho họ vì đã hoàn thành tốt công việc, người lao động sẽ cảm thấy có động lực để làm việc chăm chỉ hơn. Trong thực tế, hành vi đối với công việc sẽ là tích cực.
Lý thuyết quản trị hành vi trong tiếng Anh là gì?
Lý thuyết quản trị hành vi trong tiếng Anh là Behavioral Management Theory.
2. Các thuật ngữ liên quan:
Ta hiểu về hành vi như sau:
Mỗi ngày thì con người luôn thực hiện rất nhiều các hoạt động khác nhau nhằm mục đích để đáp ứng cho nhu cầu và mục đích riêng của mỗi người. Những hoạt động đó hay còn được gọi là hành vi biểu hiện ra bên ngoài của con người.
Hành vi được định nghĩa cơ bản là cách một người điều chỉnh bản thân đối với người khác. Khi công nhân được đối xử như con người chứ không phải máy móc, họ phản ứng với tình hình công việc cụ thể theo hướng tích cực, đó là tăng năng suất cá nhân.
Hành vi hiểu đơn giản là những biểu hiện tồn tại ở dạng hành động hoặc không hành động do con người thực hiện trong quá trình hoạt động hàng ngày, nhằm để hướng tới những mục đích nhất định phục vụ cho chính nhu cầu của người đó.
Hay nói một cách khác, hành vi chính là biểu hiện ý chí của chủ thể ra bên ngoài, biến các suy nghĩ trở thành hành vi diễn ra trên thực tế.
Hành vi do các chủ thể khác nhau thực hiện sẽ không bao giờ đồng nhất với nhau hoàn toàn, căn cứ vào hoàn cảnh thời gian và không gian mà hành vi của các chủ thể sẽ khác nhau.
Trong luật học thì hành vi thông thường sẽ được sử dụng để chỉ những những hoạt động được pháp luật cho phép hoặc những hoạt động vi phạm quy định của pháp luật, xâm phạm đến các quyền và lợi ích của các chủ thể mà được pháp luật bảo vệ.
Chính vì thế mà việc xác định một người bị coi là có tội hay không thì phải căn cứ vào hành vi trên thực tế của người đó đã đủ để cấu thành tội phạm hay chưa, chứ không thể căn cứ vào suy nghĩ của họ để đưa ra kết luận.
Hành vi được thực hiện có thể do tự xuất phát từ ý chí tự nguyện của chủ thể hoặc do bị ép buộc, cưỡng chế các chủ thể đó cần phải thực hiện.
Hành vi được biểu hiện dưới hai dạng chính cụ thể đó là: Hành động và không hành động
– Hành vi biểu hiện qua hành động: là những hành vi được nhận biết thông qua những việc làm cụ thể mà một người nào đó thực hiện.
– Hành vi biểu hiện dưới dạng không hành động: là những hành vi có thể được xác định thông qua ý nghĩ‚ trạng thái‚ mục đích hướng tới của một người nào đó.
Ta hiểu về động lực như sau:
Động lực được hiểu là quá trình nội tâm chi phối hành vi trong lâu dài. Đối với các chủ thể là những nhà quản lí, điều này có nghĩa là người lao động thường được truyền cảm hứng từ các yếu tố bên trong khi làm việc, ngược lại với quan điểm cho rằng động lực luôn là kết quả của các yếu tố bên ngoài.
Động lực làm việc được hiểu là những yếu tố bên trong thúc đẩy con người nỗ lực làm việc trong điều kiện sức lực bản thân để tạo ra năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc.
Động lực là việc từ góc độ tâm lý học là những yếu tố thúc đẩy hành động để thỏa mãn những nhu cầu của chủ thể, có tác dụng khơi dậy tính tích cực lao động của con người
Động lực làm việc từ góc độ quản trị là sự mong muốn và tự nguyện của cá nhân để phát huy và tự nỗ lực để đạt được những mục tiêu của cá nhân và tổ chức đề ra.
Nhu cầu là một hiện tượng tâm lý của con người và nó thể hiện ở sự mong muốn, đòi hỏi, nguyện vọng của con người về vật chất và tinh thần trong quá trình phát triển và tồn tại.
Ở một định nghĩa khác: Nhu cầu là những mong muốn của cá nhân để tồn tại và phát triển, thường những mong muốn này đi từ thấp đến cao và thay đổi theo từng hoàn cảnh cụ thể.
Nhu cầu chia là hai loại, cụ thể như sau:
– Nhu cầu về vật chất: Nhu cầu về vật chất là những mong muốn về vật chất để tồn tại và phát triển.
– Nhu cầu về tinh thần: Nhu cầu về tinh thần là những mong muốn về sự hài lòng, thỏa mãn về tâm lý
Những người có động lực luôn là những người sẵn sàng nỗ lực, say mê với công việc để đạt được những mục tiêu mà mình mong muốn. Từ đó, hiệu suất và chất lượng làm việc được tăng cao. Chính bởi vì vậy, trong một tổ chức, các nhà quản lý luôn muốn có được những nhân viên có động lực trong công việc. Nhưng không phải nhân viên nào cũng có động lực cá nhân, từ đó phát sinh ra cụm từ tạo động lực làm việc.
Động lực được xem là một yếu tố quan trọng trong quản lý nhân sự khuyến khích mọi người cống hiến hiệu suất tốt nhất và giúp đạt được các mục tiêu của các tổ chức. Một động lực tích cực mạnh mẽ sẽ giúp tăng hiệu quả làm việc của những người lao động trong khi động lực tiêu cực sẽ làm giảm hiệu suất của họ.
Như vậy, ta nhận thấy rằng, hiện nay cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau về động lực nhưng những cách tiếp cận này đều nói lên bản chất của động lực là những gì kích thích con người hành động để đạt tới mục tiêu nào đó. Mục tiêu của các chủ thể là những người lao động đặt ra một cách có ý thức được phản ánh bởi động cơ của người lao động và quyết định hành động của các chủ thể này.