Mục lục bài viết
1. Thế nào là xung đột, tranh chấp?
Từ xưa đến nay, thế giới Phật pháp cho thấy xung đột, tranh chấp chính là nguyên nhân gây ra nhiều đau khổ cho con người. Biểu hiện rõ nhất là chiến tranh. Trong suốt chiều dài lịch sử thế giới, chiến tranh gây ra mất mát, đau thương vì mục đích thâu tóm, chiếm đóng lãnh thổ của nhau. Chiến tranh luôn có kẻ thắng người thua, tạo ra những thù oán, uất hận và để lại hậu quả khốc liệt, không chỉ giới hạn ở việc công khai tàn sát mà còn để lại hậu quả là thù hận, đói nghèo.
Theo Kinh Trung Bộ đức Phật đề cập đến nguyên nhân đưa đến chiến tranh cốt là ở lòng tham của con người, ngài nói như sau: “Lại nữa, này các Tỳ kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lị tranh đoạt với Sát-đế-lị, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt; họ công phá nhau bằng tay; họ công phá nhau bằng đá; họ công phá nhau bằng gậy; họ công phá nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong”. Suy cho cùng, lòng tham của con người từ tham của cải, vật chất, tham quyền lực, tham sắc đẹp,… đã nung nấu những xung đột từ đó tranh chấp nổi lên.
2. Luận giải Phật giáo về nguyên nhân xung đột, tranh chấp:
Theo Phật giáo, cội nguồn của xung đột, tranh chấp chính là sự ham muốn, thù hận giữa con người với con người, nhân rộng ra đó là giữa quốc gia này với quốc gia khác hay nói cách khác chính là tham, sân, si. Tham được biểu hiện dưới nhiều hình thức: tham danh, tham sắc, tham tiền bạc, tham quyền lực…đều là tham. Chính lòng tham và hận thù đó dần nhen nhóm từ trong gia đình như quan hệ cha-mẹ, anh chị em,… rồi lan rộng ra đến quan hệ xã hội.
Trong Trung Bộ Kinh, đức Phật dạy có hai nguyên nhân chính gây ra chiến tranh và xung đột, đó là tham ái và đam mê khoái lạc giác quan. Thực tế từ xưa đến nay trong suốt chiều dài lịch sử thế giới thời phong kiến cho đến hiện tại, nguyên nhân của những cuộc chiến tranh và xung đột trước đây cũng như hiện tại, ta thấy rằng, tham ái và những nhu cầu vật chất chính là những nguyên nhân chính của những cuộc chiến tranh và xung đột đó. Đức Phật giải thích rằng người nào có khả năng làm chủ các giác quan và loại trừ tham ái thì anh ta sẽ không có khuynh hướng đấu tranh hay hay hãm hại kẻ khác, ức hiếp hay lạm dụng, trộm cắp hay tướt đoạt tài sản của kẻ khác. Chiến tranh và xung đột khởi lên là do nhu cầu chính trị, tham vọng của những cá nhân hoặc nhóm người.
Nguyên nhân của xung đột, tranh chấp cũng bắt nguồn từ khao khát và kiêu căng. Xuất phát từ những tham vọng thống trị thế giời, khao khát có được quyền lực đứng đầu mà trong lịch sử thế giới liên tiếp xảy ra những xung đột. Các cuộc chiến tranh cứ thể nổ ra chỉ với mục đích là để bảo toàn sự kiêu căng và tham vọng đó của con người.
Ngoài ra, nguyên nhân của xung đột, tranh chấp cũng bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của con người; từ sự nghèo khổ; cuồng tín hay xuất phát từ các quan điểm chính trị khác nhau.
3. Giải quyết vấn nạn xung đột, tranh chấp:
Việc giải quyết xung đột, tranh chấp là ưu tiên hàng đầu và trên hết để xây dựng thế giới hòa bình, tránh đau khổ, thiệt hại. Trong kinh Đại bát Niết bàn lời dạy của đức Phật cho người Vajjī, Ngài đưa ra lời chỉ dẫn khiến cho người Vajjī không thể bị tấn công: “Khi nào họ vẫn còn hòa thuận, và gặp gỡ thường xuyên, họ không thể bị tấn công. Khi nào họ còn gặp gỡ trong hòa thuận, thức dậy trong hòa thuận, thi hành bổn phận trong hòa thuận, ngày đó họ vẫn không thể bị tấn công. Khi nào họ không vi phạm những nguyên tắc của tổ tiên về điều hành và hệ thống công lý, thì họ không thể bị tấn công. Khi nào họ còn tôn kính, kính trọng, kính nể và vinh danh người trưởng thượng và tuân theo lời dạy của họ, thì họ không thể bị tấn công. Khi nào họ còn bảo vệ phụ nữ và trẻ em, thì họ không thể bị tấn công. Khi nào họ còn tôn thờ những đối tượng thờ phượng trong và ngoài nước và cung cấp tiền bạc cho họ thì họ không thể bị tấn công”. Điều này có nghĩa là nhiệm vụ của mọi chính phủ là để bảo vệ người dân lành, những người yếu thế là nạn nhân của sự xung đột, tranh chấp. Tuy nhiên, làm đủ mọi cách để ngăn chặn chiến tranh, đảm bảo đất nước, cuộc sống của người dân chỉ là giải pháp ngăn hạn và trước mắt. Trên cơ sở quan điểm của Đức phật, việc giải quyết xung đột xuất phát từ tâm, từ thiện chí mới là giải pháp bền chặt nhất, là con đường giải quyết được tận gốc rễ vấn đề.
Con người phải được nuôi dưỡng đời sống tinh thần từ những điều thiện, điều lành. Phần Người ắt chiến thắng phần Con thì mới là biện pháp toàn diện. Con người là trung tâm của vũ trụ. Khi con người phát triển trong sạch, bền vững thì xã hội mới được củng cố và duy trì bền vững được.; đời sống xã hội văn minh từ đó là tiền đề đời sống kinh tế của đất nước phồn vinh.
Đức Phật dạy con người phải siêng năng, nỗ lực trong bốn điều: ngăn ác, bỏ ác, làm thiện, tăng thiện; tránh việc tiêu dùng bất hợp lý, bảo vệ môi trường, phát triển các biện pháp xử lý tiêu cực và nỗ lực bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Con người luôn sống ở hiện tại và ý thức được mình đang làm gì; từ đó có biện pháp ngăn chặn, đoạn trừ tham, sân, si trong cuộc sống phàm tục. Biết cách sử dụng tri thức, tâm hướng thiện để làm những điều tốt; sống một cuộc đời có ích cho xã hội.
Cuộc sống hiện đại ngày nay, phương pháp thiền được áp dụng một cách phổ biến và có hiệu quả rất tốt. Thế giới xã hội đầy rẫy những bụi trần, tranh chấp, xung đột xảy ra liên miên thì Thiền của Phật giáo chính là một phương pháp cụ thể và đem lại nhiều lợi lạc cho con người. Đức Phật đã nói rằng: Thiền sẽ làm cho con người ra mạnh khỏe hơn, sống tốt đẹp hơn, tâm tĩnh lại để biết nhìn nhận, thấu hiểu, chống được lão hóa, bệnh tật,… Sự an lạc trong tâm chính là liều thuốc tinh thần cải thiện được con người nói riêng và xã hội, vạn vật nói chung. Hòa bình trên thế giới không thể đạt được trừ khi có được an lạc trong mỗi cá nhân, sự vọng động và an lạc không thể tồn tại chung với nhau được.
Phật giáo chủ trương cốt là không bạo lực. Lời Phật dạy cho việc ngăn chặn và chấm dứt chiến tranh và xung đột ở cả hai phương diện, bên trong ý thức con người và bên ngoài xã hội.
Bên cạnh đó, người lãnh đạo cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn chặn những xung đột xảy ra. Khi một đất nước có người lãnh đạo tốt thì nghiễm nhiên, cuộc sống của người dân cũng sẽ yên bình, tốt đẹp. Mọi xung đột, tranh chấp trong đời sống cũng được giảm đi đáng kể. Phật giáo luôn giải quyết mọi vấn đề từ cội nguồn của sự việc. Đức Phật cũng đưa ra nhiều nguyên tắc khác nhau để giải quyết các xung đột, tranh chấp đó. Con người phải tôn trọng lẫn nhau, biết chia sẻ quyền lợi, độ lượng, từ bi thì ắt thế giới sẽ tốt đẹp.