Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, nhu cầu đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh xuất hiện ở mọi khâu trong quá trình từ đổi mới khoa học kĩ thuật trong sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… dẫn đến sự hình thành và phát triển của dịch vụ logistics. Logistics có thể được hiểu là dịch vụ thông tin giúp kết nối các khâu trong quá trình lưu chuyển hàng hoá.
Mục lục bài viết
1. Logistics là gì?
Một số định nghĩa cho rằng Logistics có nghĩa là hậu cần, một số khác lại định nghĩa cho rằng logistics là nhà cung ứng các dịch vụ kho bãi và giao nhận hàng hoá vv … Vậy Logistics là gì?
Có rất nhiều khái niệm về thuật ngữ này:
– Theo Hội đồng chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng Hoa Kỳ: Logistics có thể được hiểu là quá trình hoạch định, thực hiện và kiểm soát sự lưu thông, tích trữ một cách hiệu quả tối ưu các loại hàng hoá, nguyên vật liệu, thành phẩm và bán thành phẩm, dịch vụ và thông tin đi kèm từ khâu khởi đầu tới khâu kết thúc nhằm mục đích dẩm bảo các yêu cầu của khách hàng và bao gồm đầu vào, đầu ra, chuyển động bên trong và bên ngoài.
– Logistics cũng có thể được định nghĩa là việc quản lý dòng chung chuyển và lưu kho nguyên vật liệu, quá trình sản xuất, thành phẩm và xử lý các thông tin liên quan…..bắt đầu từ nơi xuất xứ đến nơi tiêu thụ cuối cùng theo yêu cầu của khách hàng.
– Theo World Marintime Unviersity- Đại học Hàng Hải Thế Giới, D. Lambert 1998: Logistics được hiểu là quá trình xây dựng kế hoạch, cung cấp và quản lý việc chu chuyển và lưu kho có hiệu quả hàng hoá, dịch vụ và các thông tin liên quan từ nơi xuất xứ đến nơi tiêu thụ vì mục tiêu đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Trong Quân sự Logistics từ lâu được hiểu là hậu cần. Trên thực tế Logistics được áp dụng rất rộng rãi trong nhiều lĩnh vực không chỉ trong quân sự mà nó còn áp dụng trong sản xuất tiêu thụ, giao thông vận tải vv…
Như vậy Logistics được hiểu là sự điều chỉnh cả tập hợp các hoạt động của nhiều ngành cùng một lúc. Nhà cung cấp dịch vụ logistics và chỉ được công nhận khi nào người làm giao nhận có khả năng làm tất cả các công việc liên quan đến cung ứng, vận chuyển, theo dõi sản xuất, kho bãi, thủ tục hải quan, phân phối…
2. Dịch vụ logistics là gì?
Trong hoạt động thương mại, logistics là một thuật ngữ rất quen thuộc. Logistics có thể được hiểu là quá trình chuyển dịch nguồn lực, sản phẩm được thực hiện một cách có kế hoạch, chi tiết, được kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm thiểụ tối đa chi phí và thời gian theo yêu cầu của khách hàng.
Dịch vụ logistics được quy định khá rõ ràng trong pháp luật Việt Nam. Theo đó, tại Điều 233 Luật Thương mại 2005 đã quy định: ‘‘Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.”
Như vậy, ta có thể hiểu đơn giản dịch vụ logistics việc thương nhân có thể thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo yêu cầu của khách hàng.
3. Đặc điểm về chủ thể của dịch vụ logistics:
Chủ thể tham gia vào dịch vụ logistics bao gồm thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng sử dụng dịch vụ logistics.
Dịch vụ logistics do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thực hiện một cách chuyên nghiệp. Để hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics thương nhân cung ứng dịch vụ logistics cần phải đáp ứng đủ các điều kiện về phương tiện thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kĩ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu.
Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có thể đảm nhiệm một, một phần hoặc toàn bộ các công đoạn từ nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá trong chuỗi logistics. Thương nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics có thể xây dựng các chuỗi hoạt động logistics dựa trên cơ sở thiết lập nguồn lực, công nghệ của mình với các thương nhân khác một cách có hệ thống .
Trong chuỗi dịch vụ logistics bao gồm những thương nhân quản lý và điều hành chuỗi logistics và thương nhân được thuê tham gia vào các giai đoạn trong chuỗi logistics. Thương nhân quản lý và điều hành chuỗi logistics nhân danh chính mình để ký hợp đồng với khách hàng, đưa hàng hoá của khách hàng vào chuỗi cung ứng do thương nhân đó xây dựng.
Khách hàng sử dụng dịch vụ logistics là tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ về giao nhận hàng hoá. Khách hàng sử dụng dịch vụ logistics có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân, có thể là chủ sở hữu hàng hoá hoặc không phải chủ sở hữu hàng hoá. Trong một số trường hợp đặc biệt, khách hàng sử dụng dịch vụ logistics có thể là đại diện của chủ sở hữu hàng hoá, được chủ sở hữu hàng hoá ủy thác thực hiện việc giao nhận hàng hoá.
4. Đặc điểm về nội dung dịch vụ logistics:
Dịch vụ logistics chính là bước phát triển cao hơn và hoàn chỉnh hơn của các dịch vụ vận tải, đóng gói bao bì, giao nhận hàng hoá, lưu kho, lưu bãi hàng hóa. Thương nhân cung ứng dịch vụ logistics có thể cung cấp các dịch vụ riêng lẻ như thuê tàu, đóng gói hàng hoá, làm thủ tục hải quan, đánh ký mã hiệu,…. hoặc cung cấp những dịch vụ trọn gói từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.
Thương nhân cung ứng dịch vụ logistics thực hiện dịch vụ logistics theo một chuỗi sắp xếp có kế hoạch, có sự sắp xếp hợp lý theo yêu cầu của khách hàng nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian từ nhận hàng hoá từ người gửi, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi. Đối với trường hợp hàng hoá xuất, nhập khẩu, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cần chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết như: vận đơn vận chuyển, giấy giám định, chứng thư tín dụng,… được sử dụng làm thủ tục hải quan. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải tổ chức việc bảo quản hàng hoá và làm thủ tục giao hàng tới cho người nhận theo đúng thỏa thuận và yêu cầu của khách hàng. Thương nhân cung ứng dịch vụ logistics được hưởng thù lao từ dịch vụ do mình cung ứng.
Dịch vụ logistics mang tính chất là một quá trình được thực hiện liên hoàn, dịch vụ logistics không mang tính chất đơn lẻ. Các khâu trong chuỗi hoạt động logistics được thương nhân tổ chức thực hiện theo kế hoạch đã được sắp xếp, tính toán chi tiết để hàng hoá được dịch chuyển liên tục trong các khâu của chuỗi từ đó tiết kiệm tối đa thời gian cũng như chi phí vận chuyển. Dịch vụ logistics có thể giảm lãng phí do sản xuất quá nhiều, lãng phí do hàng tồn kho, lãng phí do di chuyển, lãng phí do quá trình vận hành, lãng phí do chờ đợi, …
5. Đặc điểm về tính chất dịch vụ logistics:
Dịch vụ logistics có vai trò quan trọng đôi với quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dịch vụ logistics là dịch vụ bổ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do thương nhân thực hiện để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics có thể hỗ trợ toàn bộ các khâu trong hoạt động của doanh nghiệp, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, vật liệu đến khâu sản xuất và đến khi sản phẩm được đưa ra khỏi doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng. Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics nhằm mục đích đưa hàng hoá tới tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, hạn chế tối đa rủi ro và chi phí thù lao.
Sự phát triển ngày càng cao của dịch vụ logistics đã kéo theo sự thay đổi về các phương thức sản xuất kinh doanh. Các quốc gia phát triển trên thế giới đã thực hiện việc chuyển dịch địa bàn sản xuất hàng hoá về những quốc gia đang phát triển để khai thác những nguồn lực giá rẻ như tài nguyên, sức lao động. Một số quốc gia châu Á đã trở thành những công xưởng lớn của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam,… khi sản xuất phần lớn lượng hàng hoá tiêu dùng trên thế giới. Chính quá trình phát triển và ngày càng hoàn thiện của các chuỗi dịch vụ logistcis đã làm giảm chi phí giao nhận, vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hoá và nó đã trở thành cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các lợi thế cạnh tranh.
Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng thông qua việc cung cấp một, một số hoặc toàn bộ các dịch vụ trong chuỗi dịch vụ logistics và hưởng thù lao từ hoạt động đó. Dịch vụ logistics được thực hiện trên cơ sở hợp đồng song vụ có tính đền bù. Tùy thuộc vào mức độ sử dụng dịch vụ của khách hàng, nội dung hợp đồng có thể đơn giản hoặc phức tạp. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cũng được thanh toán các khoản chi phí phát sinh họp lý do thực hiện theo chỉ dẫn của khách hàng hoặc thực hiện nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của khách hàng.