Trước sức ép của thị trường cũng như trong chính nội tại phát triển của doanh nghiệp đã đốc thúc và là nguyên nhân để các doanh nghiệp có tư tưởng và tiến hành liên minh sản xuất nhằm mang lại những hiệu quả tối ưu nhất trong hoạt động sản xuất.
Mục lục bài viết
1. Liên minh sản xuất là gì?
Theo quan niệm phổ biến trên thế giới thì sản xuất được hiểu là quá trình tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ. Ở nước ta lâu nay có một số người thường cho rằng chỉ có những doanh nghiệp chế tạo, sản xuất các sản phẩm vật chất có hình thái cụ thể như xi măng, tủ lạnh,… mới gọi là các đơn vị sản xuất. Những đơn vị khác không sản xuất các sản phẩm vật chất đều xếp vào loại các đơn vị phi sản xuất. Ngày nay trong nền kinh tế thị trường, quan niệm như vậy không còn phù hợp nữa. Một hệ thống sản xuất sử dụng các yếu tố đầu vào là nguyên vật liệu thô, con người, máy móc, nhà xưởng, kỹ thuật công nghệ, tiền mặt và các nguồn tài nguyên khác để chuyển đổi nó thành sản phẩm hoặc dịch vụ. Sự chuyển đổi này là hoạt động trọng tâm và phổ biến của hệ thống sản xuất.
Theo nghĩa rộng, sản xuất bao hàm bất kỳ hoạt động nào nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người. Nó có thể phân thành: sản xuất bậc 1; sản xuất bậc 2 và sản xuất bậc 3.
– Sản xuất bậc 1 (sản xuất sơ chế): là hình thức sản xuất dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên hoặc là những hoạt động sử dụng các nguồn tài nguyên có sẵn, còn ở dạng tự nhiên như khai thác quặng mỏ, khai thác lâm sản, đánh bắt hải sản, trồng trọt,…
– Sản xuất bậc 2 (công nghiệp chế biến): là hình thức sản xuất, chế tạo, chế biến các loại nguyên liệu thô hay tài nguyên thiên nhiên biến thành hàng hóa như gỗ chế biến thành bàn ghế, quặng mỏ biến thành sắt thép. Sản xuất bậc 2 bao gồm cả việc chế tạo các bộ phận cấu thành được dùng để lắp ráp thành sản phẩm tiêu dùng và sản phẩm công nghiệp.
– Sản xuất bậc 3 (công nghiệp dịch vụ): Cung cấp hệ thống các dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của con người. Trong nền sản xuất bậc 3, dịch vụ được sản xuất ra nhiều hơn các hàng hóa hữu hình. Các nhà sản xuất công nghiệp được cung cấp những điều kiện thuận lợi và dịch vụ trong phạm vi rộng lớn. Các công ty vận tải chuyên chở sản phẩm của các nhà sản xuất từ nhà máy đến các nhà bán lẻ. Các nhà bán buôn và nhà bán lẻ cung cấp các dịch vụ đến người tiêu dùng cuối cùng. Ngoài ra còn nhiều loại dịch vụ khác như: bốc dỡ hàng hóa, bưu điện, viễn thông, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, y tế, giáo dục, nhà hàng, khách sạn,…
Khái niệm về liên minh đều được Luật Dương Gia thống nhất trong các bài viết liên quan rằng: liên minh là sự kết hợp của của hai hay nhiều chủ thể để tạo nên một khối thống nhất để cùng đạt được một mục tiêu chung, hay nói cách khác là sự hợp tác để cùng phát triển khi có những lợi ích, nhu cầu tương đồng.
Liên minh sản xuất là sự hợp tác, kết hợp giữa hai hay nhiều doanh nghiệp để thực hiện hoạt động sử dụng các yếu tố đầu vào là nguyên vật liệu thô, con người, máy móc, nhà xưởng, kỹ thuật công nghệ, tiền mặt và các nguồn tài nguyên khác để chuyển đổi nó thành sản phẩm hoặc dịch vụ. Liên minh sản xuất là liên minh chức năng và là một bộ phận của liên minh chiến lược. Liên minh sản xuất có khả năng cho phép sử dụng chung một cơ sở mà một trong các bên đối tác là chủ sở hữu.
2. Ưu điểm và nhược điểm của liên minh:
2.1. Ưu điểm của liên minh sản xuất:
Khi nhắc tới ưu điểm của liên minh nói chung và liên minh sản xuất nói riêng thì dường như các liên minh chức năng đều có các ưu điểm cố định, tức là ưu điểm mà liên minh nào cũng có. Tuy nhiên, đối với liên minh sản xuất, có thể kể đến một số các ưu điểm nổi bật như:
– Mở rộng dây chuyền sản xuất: Một vài công ty sử dụng liên minh để mở rộng hay lấp đầy dây chuyền sản xuất của họ. Điều này thường được áp dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy hay các thiết bị có phân chia thành nhiều bộ phận. Việc liên doanh tạo điều kiện cực kỳ thuận lợi để thỏa mãn nhu cầu sản xuất cơ bản và lấn sân sang các hoạt động sản xuất khác mà các doanh nghiệp có tiềm năng, việc mở rộng dây chuyền được xét đến cả lĩnh vực và không gian thực hiện.
– Học tập kinh nghiệm sản xuất của đối tác: Các công ty tiến hành liên doanh nhằm mục đích học hỏi những kỹ năng riêng biệt của các công ty khác. Ở nhiều ngành ứng dụng công nghệ cao thì một công ty phải mất nhiều năm phát triển để sở hữu công nghệ tối ưu và chuyên môn hoá cần thiết bằng chính sức của mình. Những kỹ năng này đã có thể nhận được từ đối tác tiềm năng. Liên doanh có thể giúp công ty học hỏi được kỹ năng mới mà không cần phải trải qua quá trình đầu tư tốn kém. Ví dụ: IBM tiến hành liên doanh với Toshiba để nắm được công nghệ và kỹ năng sản xuất màn hình phẳng có chất lượng cao. IBM hy vọng học đuợc từ Toshiba kỹ nghệ thu nhỏ cần thiết để chế tạo bóng bán dẫn kiểm tra sự hiển thị màu trong máy tính xách tay.
Tất cả các liên minh liên quan đến luật hợp tác và cạnh tranh khi làm việc với một đối tác khác. Hợp tác có hiệu quả để hoàn thành mục tiêu mong muốn đòi hỏi xây dựng mối quan hệ và niềm tin. Tuy nhiên, học hỏi những kỹ năng và công nghệ mới từ phía đối tác cần phải có sự thương lượng và sự trao đổi qua lại, đấy cũng là vấn đề tự nhiên thiết yếu.
Mitshubishi và Hitachi, đổi lại liên doanh với IBM tại Nhật Bản để sản xuất các máy tính lớn. IBM sản suất máy tính, trong khi đó các đối tác Nhật Bản lại bán các sản phẩm này dưới
thương hiệu của họ.
– Nhu cầu giảm thiểu rủi ro là động lực thành lập các liên minh. Những rủi ro bao gồm: gia nhập thị trường mới, sự phát triển công nghiệp, học tập và áp dụng công nghệ mới, và hoàn thiện quy trình sản xuất.
– Một ưu điểm quan trọng trong liên minh sản xuất nữa đó là hưởng lợi từ việc giảm chi phí. Như đã nói ở mục 1, Liên minh sản xuất có khả năng cho phép sử dụng chung một cơ sở mà một trong các bên đối tác là chủ sở hữu, do đó, doanh nghiệp có thể giải quyết được khó khăn về địa điểm sản xuất, tận dụng nguồn cơ sở vật chất có sẵn, đồng thời giảm chi phí trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu và nguyên, nhiên liệu để duy trì hoạt động của máy móc.
2.2. Nhược điểm của liên minh sản xuất:
Nhược điểm của liên minh sản xuất cũng tương tự như các liên minh chức năng khác. Tất cả các hình thức liên minh đều chứa đựng rủi ro. Những rủi ro này xuất hiện do sự không hiểu nhau giữa các đối tác, chiến lược kiểm soát chi phí của sự điều phối. Liên minh tượng trung cho một sự thoả hiệp. Có rất nhiều rủi ro đi kèm với sự liên minh như sự rò rỉ kiến thức và kỹ năng, sự phụ thuộc sâu sắc hơn và chi phí cho việc điều phối – là kết quả khi mà các nhà quản lý đổ xô vào liên minh. Sự liên minh thể hiện chi phí giá cao cũng như sự rủi ro cao của nó khi mà các nhà quản lý nhận định việc liên minh như là một sự thay thế hoàn chỉnh cho các nỗ lực phát triển nguồn lực bên trong của công ty họ cũng như các chiến lược mở rộng ra thị trường toàn cầu.
Trước những hạn chế đó, các nhà quản lý phải hiểu được năng lực của họ thì mang lại lợi ích như thế nào khi làm việc với các đối tác. Do vậy, họ phải cẩn trọng trong việc bảo vệ những bí quyết khi hợp tác với các đối tác trong liên minh.
Nói tóm lại, các liên minh có thể làm cho công việc dễ dàng hơn và giảm thiểu rủi ro nếu hai hãng cùng hợp tác trong một dự án mà dự án đấy không phải là nguồn chủ chốt mang lại lợi ích cho họ, hoặc nếu họ hợp tác trong một thị trường nơi mà lợi ích của họ không ảnh hưởng lẫn nhau. Các đối tác có sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, kỹ năng tương tự nhau được thiết kế cho thị trường hoặc khu vực giống nhau thường tự tìm ra cách cạnh tranh với các đối thủ khác một cách nhanh hơn. Sự phát triển này xuất hiện khi các hãng nhận ra rằng mục tiêu dài hạn của họ có thể có cùng hướng trong tương lai, đặc biệt là nếu như có sự khác biệt giữa công nghệ và công nghiệp trở nên không rõ ràng.