Sự thay đổi của môi trường kinh doanh, hành vi khách hàng cùng với sự phát triển của các hình thức kinh doanh mới trên thị trường một thế giới rộng lớn và ngày càng đa dạng đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự liên minh marketing- một trong những nội dung liên minh chiến lược.
Mục lục bài viết
1. Liên minh Marketing là gì?
Thông thường, marketing được định nghĩa là một quy trình mà một sản phẩm hay dịch vụ được tạo ra và sau đó được định giá, xúc tiến, và phân phối tới khách hàng. Hay marketing là một chức năng tổ chức và chuỗi các quy trình tạo dựng, giao tiếp, và mang lại giá trị cho khách hàng cũng như việc quản lý các quan hệ khách hàng theo những phương thức tạo ra lợi ích cho tổ chức và các bên có quyền lợi liên quan của tổ chức.
Tóm lại, Marketing là toàn bộ quá trình, chiến lược, kế hoạch của doanh nghiệp nhằm đưa sản phẩm của mình thoả mãn nhu cầu, thị hiếu, sức mua của người tiêu dùng với mục tiêu tăng doanh số và thu được lợi nhuận. Quá trình, chiến lược và kế hoạch của doanh nghiệp trong khái niệm marketing bao gồm 4 yếu tố cơ bản được gọi là marketing hỗn hợp:
– Sản phẩm: là yếu tố quan trọng nhất của marketing hỗn hợp, là sự thoả mãn nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, là chất lượng, độ bền của sản phẩm thể hiện qua nhãn hiệu. Sản phẩm là bất kể cái gì có thể thoả mãn nhu cầu khách hàng.
– Giá cả: bao gồm chi phí sản xuất, phân phối, khuyến mãi, lợi nhuận Giá cả còn đóng một vai trò đặc biệt trong việc xây dựng hình ảnh nhãn hiệu. Giá cao có thể tạo được uy tín về chất lượng, giá thấp lại có thể tạo được tính phổ biến và dễ tiêu thụ.
– Kênh phân phối: Là quá trình dịch chuyển sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu thụ. Hoạt động phân phối bao gồm từ khâu mở rộng mạng lưới phân phối qua các đại lý, nhận đơn đặt hàng, vận chuyển, lưu trữ và kiểm kê hàng.
– Chiêu thị: là hoạt động phong phú và linh hoạt nhất trong marketing hỗn hợp bao gồm tất cả mọi kỹ thuật thúc đẩy quá trình tiêu thụ sản phẩm nhanh hơn, nhiều hơn.
Thuật ngữ liên minh được hiểu theo nghĩa thông thường là sự kết hợp của của hai hay nhiều chủ thể để tạo nên một khối thống nhất để cùng đạt được một mục tiêu chung. Thuật ngữ liên minh thường gắn liền với một số cụm thuật ngữ như liên minh giữa các quốc gia, liên minh chính trị, liên minh quân sự, liên minh công- nông,…
Từ sự phân tích về khái niệm marketing, khái niệm liên minh, có thể hiểu, liên minh marketing là sự là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp độc lập liên kết với nhau để tổ chức, tạo dựng, toàn bộ quá trình, chiến lược, kế hoạch của liên minh nhằm đưa sản phẩm của các doanh nghiệp thoả mãn nhu cầu, thị hiếu, sức mua của người tiêu dùng với mục tiêu tăng doanh số và thu được lợi nhuận.
Thực tế, sự liên kết về marketing không đòi hỏi các doanh nghiệp phải cùng thực hiện sản xuất, kinh doanh về cùng một loại sản phẩm, dịch vụ, mà chỉ cần các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp có mối liên hệ với nhau, điều này cũng dễ dàng nhận thấy khi bạn đi ăn gà rán tại KFC thì sẽ luôn có Coca Cola.
Khi xác định các thành phần tham gia liên minh marketing người ta không phân biệt mối quan hệ giữa các thành viên là đối tác hay đối thủ cạnh tranh (dù là trực tiếp) mà yếu tố quan trọng là các bên cứ có chung mục đích, cùng liên kết với nhau trong một hoặc một số hoạt động nhất định thì có thể xây dựng một liên minh marketing. Trong liên minh marketing các bên gọi nhau là đối tác.
Thực tế cho thấy, liên minh marketing mang lại khá nhiều ưu điểm so với nhược điểm. Tuy nhiên, nhận định này có thể sẽ không có sự chính xác tuyệt đối, bởi trong kinh doanh, việc xác định ưu hay nhược còn được đánh giá thông qua nhiều yếu tố, đặc biệt là lợi ích nguồn lợi nhuận mà các doanh nghiệp có được từ việc liên doanh với nhau.
2. Ưu điểm của liên minh marketing:
– Liên minh marketing chia sẻ chi phí đầu tư cũng như rủi ro trong kinh doanh. Đây chính là việc khai thác lợi ích kinh tế theo quy mô. Liên minh marketing là cách tốt nhất để doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí và rủi ro. Ưu điểm này được xét đến đầu tiên bởi hoạt động marketing là hoạt động phức tạp và có chiều sâu, điều quan trọng của marketing là tác động được tới nhận thức và thúc đấy khả năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của khách hàng. Chí phí đầu tư cho marketing khá lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, lúc này mới thấy việc liên minh thực sự tối ưu. Sự chia sẻ đó giảm bớt gánh nặng tài chính và luôn sẵn sàng cho những chiến lược mới đầy sáng tạo và bùng nổ.
– Liên minh marketing giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn vốn, các kỹ năng thậm chí cả chất xám từ đối tác để thực hiện marketing tốt hơn. Sự kết hợp các nguồn lực và lợi thế giữa các đối tác sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp không chỉ với liên minh mà còn củng cố nội lực của từng thành viên. Đây cũng là ưu điểm cực kỳ quan trọng,cũng là cái đích mà các doanh nghiệp trong liên minh mong muốn đạt được. Sự kết hợp đó đem lại lợi ích chung, lợi ích riêng trên cơ sở hướng đến đối tượng khách hàng cụ thể (có thể cùng đối tượng hoặc không).
– Liên minh marketing là cách thức hiệu quả và nhanh nhất để các doanh nghiệp đưa tên tuổi của mình đến với thị trường khu vực và thế giới. Điều này cũng dễ hiểu bởi năng lực về trí tuệ, tài chính hay các yếu tố khác khiến cho một doanh nghiệp không đủ khả năng để tiếp cận với các khách hàng tại nhiều quốc gia, việc liên minh phải là sự liên minh toàn diện, mạnh mẽ làm sao để có “tham vọng” lớn, từ đó, các hoạt động cụ thể về marketing mới đạt được hiệu quả tối ưu nhất.
– Liên minh marketing sẽ tạo điều kiện học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác, thậm chí là cả với các đối thủ. Khi liên minh, các đối thủ sẽ trở thành đối tác của nhau, cùng hợp tác kinh doanh trên một số thị trường cụ thể. Mỗi đối thủ có những thế mạnh riêng và việc liên kết sẽ giúp không chỉ một bên mà tất cả các thành viên của liên minh có được cơ hội học tập lẫn nhau. Như đã nói marketing là một một quá trình phức tạp và đòi hỏi chất xám cao, việc liên minh thực sự có ý nghĩa trong việc học hỏi, là cơ hội tốt để doanh nghiệp được tiếp xúc và khi có sự tan rã liên minh thì doanh nghiệp vẫn sẵn sàng và đủ khả năng để thực hiện một mình.
3. Nhược điểm của liên minh marketing:
Việc liên kết giữa các doanh nghiệp về marketing đôi khi sẽ xuất hiện những nhược điểm, bởi thực sự nó đã có vấn đề ngay từ khi xác định đối tác liên minh. Chẳng hạn:
– Liên minh nhưng một trong hai không đạt được mục tiêu của mình. Điều này xuất phát ngay từ khi lựa chọn đối tác mà doanh nghiệp đã không xem xét kỹ lưỡng, đó là các đối tác luôn mang tư tưởng muốn khai thác liên minh theo chiều hướng “một mình mình hưởng” mà không vì mục đích phát triển chung của liên minh theo nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”.Đó có thể là việc sử dụng các chiến lược marketing có lợi cho doanh nghiệp mình mà không để tâm đến đối tác còn lại.
– Liên minh marketing có thể đánh mất các ý tưởng marketing độc đáo và mất đi tính tối ưu nếu không được sử dụng phù hợp, hoặc có thể bị mất ý tưởng do đánh cắp hoặc tráo đổi.
– Liên minh marketing có thể không bền vững nếu không cam kết thực hiện đúng thỏa thuận và đặc biệt phải coi trọng chữ tín.
Tuy nhiên, xét về nhược điểm của liên minh marketing là điều có thể khắc phục dựa trên ý chí chủ quan của các doanh nghiệp trong liên doanh, do đó có thể thấy được tầm quan trọng trong việc xác định đối tác, từ đó tạo nên một liên doanh marketing phải thực sự hiệu quả, độc đáo, kết hợp nhuần nhuyễn các ý tưởng để đưa sản phẩm, dịch vụ đến gần hơn với khách hàng và chỉ cần nhắc đến một trong hai sản phẩm mà doanh nghiệp cung ứng thì chắc chắn sẽ biết đến sự tồn tại của sản phẩm, dịch vụ còn lại.
Con người tạo ra và điều khiển được mọi hoạt động. Và chính con người cũng hưởng thụ những kết quả do mình làm ra. Đối với một sự hợp tác, muốn thành công, bạn phải có được một đội ngũ làm việc bao gồm những người giỏi nhất, cả về trình độ quản lý và điều hành. Những người này với kỹ năng thành thục và chuyên nghiệp được coi như là một sự cam kết chắc chắn nhất, có thể phát triển được một cách toàn diện tiềm năng của mối quan hệ hợp tác.