Lý thuyết định giá quyền chọn là một lý thuyết quan trọng và đóng góp những vai trò quan trọng. Về bản chất, đây là việc sử dụng các biến số để nhằm mục đích định giá theo lý thuyết một hợp đồng quyền chọn. Về cơ bản, lý thuyết định giá quyền chọn sẽ kết hợp với các chiến lược của họ để tối đa hóa lợi nhuận. Vậy lí thuyết định giá quyền chọn là gì? Đặc điểm và nội dung?
Mục lục bài viết
1. Lí thuyết định giá quyền chọn là gì?
Khái niệm lí thuyết định giá quyền chọn:
Lí thuyết giá quyền chọn được hiểu cơ bản là việc sử dụng các biến số (giá cổ phiếu, giá thực hiện, độ biến động của tài sản cơ sở, lãi suất, thời gian hết hạn) để định giá theo lí thuyết một hợp đồng quyền chọn.
Ta hiểu hợp đồng quyền chọn như sau:
– Khái niệm hợp đồng quyền chọn:
Hợp đồng quyền chọn được hiểu là một hợp đồng cho phép người nắm giữ nó được mua (nếu là quyền chọn mua) hoặc được bán (nếu là quyền chọn bán) một khối lượng hàng hoá cơ sở nhất định tại một mức giá xác định và trong một thời gian nhất định.
Các hàng hoá cơ sở này có thể là: cổ phiếu, chỉ số cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số trái phiếu, tiền hay hợp đồng tương lai.
2. Đặc điểm hợp đồng quyền chọn:
Một hợp đồng quyền chọn bất kì đều bao gồm bốn đặc điểm cơ bản cụ thể như sau:
+ Loại quyền (quyền chọn bán hoặc chọn mua).
+ Tên hàng hoá cơ sở và khối lượng được mua hoặc bán theo quyền.
+ Ngày đáo hạn.
+ Giá thực thi.
Lí thuyết định giá quyền chọn trong tiếng Anh là gì?
Lí thuyết định giá quyền chọn trong tiếng Anh là Option Pricing Theory.
3. Nội dung lí thuyết định giá quyền chọn:
Về cơ bản, lí thuyết định giá quyền chọn được sử dụng nhằm ước tính giá trị hợp lí của một quyền chọn mà các nhà giao dịch kết hợp với các chiến lược của họ để tối đa hóa lợi nhuận. Một số mô hình thông thường được sử dụng để định giá quyền chọn là Black-Scholes, mô hình nhị thức và mô hình Monte-Carlo.
Những lí thuyết định giá quyền chọn có khoảng sai số lớn do định giá chúng dựa trên các tài sản khác, thường là giá của cổ phiếu phổ thông của công ty.
Mục tiêu chính của lí thuyết định giá quyền chọn đó chính là tính xác suất để một quyền chọn sẽ được thực hiện hoặc trong trạng thái có lãi (ITM) khi chứng quyền hết hạn.
Giá tài sản cơ sở (giá cổ phiếu), giá thực hiện, độ biến động của tài sản cơ sở, lãi suất và thời gian còn lại đến khi hết hạn (số ngày giữa ngày định giá và ngày thực hiện quyền chọn) là các biến thường được sử dụng được đưa vào mô hình toán học để tính giá trị hợp lí về mặt lí thuyết.
Thời gian còn lại càng lâu thì ITM sẽ càng lớn. Tương tự như thế tài sản cơ sở càng biến động thì ITM càng lớn. Lãi suất càng cao thì giá quyền chọn sẽ càng cao.
Quyền chọn có thể giao dịch trên thị trường thì yêu cầu các phương pháp định giá khác nhau so với các quyền chọn không giao dịch trên thị trường. Giá giao dịch của quyền chọn được xác định trong thị trường mở như tất cả các loại tài sản, giá có thể khác với giá lí thuyết. Tuy nhiên, giá lí thuyết cho phép các nhà giao dịch đánh giá khả năng thu lợi nhuận từ giao dịch các quyền chọn đó.
Năm 1973, Fischer Black và Myron Scholes đã công bố mô hình định giá quyền chọn, đánh dấu sự phát triển của thị trường quyền chọn hiện đại. Tuy nhiên, đây không phải là một mô hình duy nhất. Mô hình định giá quyền chọn nhị thức Cox, Ross và Rubinstein và mô hình Monte-Carlo cũng được sử dụng rộng rãi.
4. Các thuật ngữ liên quan đến định giá quyền chọn:
4.1. Giá trị hợp lí:
Định nghĩa giá trị hợp lí:
Giá trị hợp lí trong tiếng Anh là Fair value. Giá trị hợp lí trong kế toán được hiểu cơ bản là giá có thể được giao dịch tự nguyện, giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong giao dịch ngang giá.
Bản chất:
– Giá cả được coi là hợp lí phải xoay quanh giá trị (giá trị kinh tế thực) và biểu hiện ra bên ngoài ở sự ngang giá.
– Trên thực tế rất khó xác định được giá trị thực, do vậy thông thường phải căn cứ vào những dấu hiệu nhất định để xác định mức giá của giao dịch có hợp lí hay không.
Các dấu hiệu chính để ghi nhận giá trị hợp lí bao gồm:
– Các bên đều có hiểu biết thực tế về đối tượng giao dịch.
Nếu có một hoặc cả hai bên không có hiểu biết về thực tế về đối tượng giao dịch thì mức giá phát sinh trong giao dịch đó không được coi là giá hơp lí.
– Các bên đều có mong muốn và sẵn sàng thực hiện giao dịch ở mức giá đó.
Nếu một giao dịch xảy ra miễn cưỡng do hoàn cảnh điều kiện nào đó thì mức giá của giao dịch này không được coi là giá hợp lí.
– Giao dịch được thực hiện như trong các giao dịch thông thường giữa những bên bình thường.
Nếu trong một giao dịch mà các bên có sự quen biết hoặc quan hệ đặc biệt dẫn đến có yếu tố ưu tiên hay thiên vị về mức giá thì giá đó không được coi là giá trị hợp lí.
Bằng chứng tốt nhất cho các dấu hiệu trên là giá trị hợp lí phải được xác định với những đặc điểm chính sau:
– Các đối tượng giao dịch phải đồng nhất, hoặc tương tự với đối tượng tính giá.
– Dễ dàng tìm được đối tác giao dịch tại mọi thời điểm; giao dịch với khối lượng lớn và thường xuyên; thanh khoản tốt; khoảng cách cung cầu khôn quá lớn về kì vọng.
– Thông tin giá cả luôn có sẵn đối với công chúng.
Trong trường hợp tồn tại thị trường hoạt động, giá trị hợp lí được xác định căn cứ vào giá thị trường của đối tượng giao dịch đồng nhất; hoặc giá thị trường của đối tượng tương tự được điều chỉnh cho những khác biệt.
Trường hợp thị trường không hoạt động tồn tại, giá trị hợp lí sẽ được xác định thông qua định giá.
4.2. Cổ phiếu phổ thông:
Định nghĩa cổ phiếu phổ thông:
Cổ phiếu phổ thông trong tiếng Anh được gọi là Common stock.
Cổ phiếu phổ thông hay còn gọi là cổ phiếu thường được hiểu cơ bản là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu của cổ đông đối với công ty và xác nhận cho phép cổ đông được hưởng các quyền lợi thông thường trong công ty.
Các chủ thể là người nắm giữ cổ phiếu phổ thông là cổ đông phổ thông và là đồng chủ sở hữu của công ty cổ phần.
Đặc điểm của cổ phiếu phổ thông bao gồm các đặc điểm cơ bản sau:
– Cổ tức của cổ phiếu cổ đông sẽ không cố định, phụ thuộc vào mức lợi nhuận sau thuế thu được hàng năm của công ty và chính sách chia lợi tức cổ phần của công ty. Khi công ty thành đạt trong hoạt động kinh doanh, các cổ đông phổ thông sẽ được chia cổ tức và cổ tức cao.
Khi công ty thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, các cổ đông phổ thông sẽ không có cổ tức hoặc cổ tức thấp. Ngay trong trường hợp công ty hoạt động tốt, lợi nhuận sau thuế thu được cao, cổ tức mà cổ đông phổ thông nhận được vẫn có thể không cao do chính sách chia lợi tức cổ phần của công ty dành tỉ lệ cho tích lũy cao.
– Cổ phiếu của công ty không có thời hạn hoàn trả vì đây không phải khoản nợ đối với công ty.
Quyền lợi của cổ đông phổ thông trong công ty:
– Đối với các vấn đề của công ty:
Các cổ đông phổ thông sẽ tham dự và biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông; được thông tin và kiểm tra các hồ sơ và sổ sách của Công ty thông qua Ban kiểm soát do Đại hội cổ đông bầu ra; được tham gia tất cả các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động của công ty như sáp nhập, thanh lí hay phát hành thêm cổ phiếu mới.
– Đối với tài sản của công ty:
Các cổ đông phổ thông được nhận phần lợi nhuận của công ty chia cho cổ đông dưới hình thức lợi tức cổ phần hay còn gọi là cổ tức sau khi được Hội đồng quản trị công bố.
Cổ đông phổ thông còn có quyền được chia phần giá trị tài sản còn lại khi thanh lí công ty sau khi đã thanh toán các khoản nợ và thanh toán cho các cổ đông ưu đãi.
– Quyền chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần:
Các chủ thể là người góp vốn vào công ty không được quyền trực tiếp rút vốn ra khỏi công ty, nhưng được quyền chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần dưới hình thức bán lại cổ phiếu hoặc dưới hình thức quà tặng hay để lại cho người thừa kế. Điều này tạo ra tính thanh khoản cho cổ phiếu của công ty, đồng thời cũng hấp dẫn người đầu tư.
– Quyền được ưu tiên mua cổ phiếu mới:
Khi công ty phát hành cổ phiếu mới để tăng vốn, các cổ đông hiện đang nắm giữ cổ phiếu phổ thông có quyền được mua trước cổ phiếu mới, trước khi đợt phát hành được chào bán ra công chúng, trong một thời gian nhất định. Lượng cổ phiếu mới được phép mua theo quyền này tương ứng với tỉ lệ cổ phiếu đang nắm giữ.
Ngoài những quyền chủ yếu nêu trên, cổ đông phổ thông còn có những quyền khác như quyền được triệu tập đại hội cổ đông bất thường. Các quyền cụ thể của cổ đông phổ thông được ghi trong điều lệ công ty. Cùng với việc được hưởng các quyền lợi, cổ đông phổ thông cũng phải gánh chịu những rủi ro mà công ty gặp phải, tương ứng với phần vốn góp và chỉ phải chịu trách nhiệm giới hạn trong phạm vi lượng vốn góp vào công ty.