Sự phát triển của nền kinh tế phi chính thức hay kinh tế ngầm là điều không thể phủ nhận. Kinh tế phi chính thức phát triển ở hầu hết các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc quản lý, thống kê về hoạt động này vẫn là điều khó khăn ở Việt Nam chúng ta. Vậy kinh tế phi chính thức là gì?
Mục lục bài viết
1. Kinh tế phi chính thức:
Kinh tế phi chính thức là khu vực mà ở đó tồn tại việc làm phi chính thức bao gồm các hoạt động kinh tế không có đăng ký về mặt pháp lý, không có số liệu thống kê và nhà nước khó có thể kiểm soát các hoạt động kinh tế ở đây. Các hoạt động hoặc đặc điểm của nền kinh tế phi chính thức không được bao gồm trong GDP (tổng sản phẩm nội địa) hoặc GNP (tổng sản phẩm quốc dân) của quốc gia.
Kinh tế phi chính thức mang lại thu nhập, mang lại việc làm. Tuy nhiên do tính chất của hoạt động này mà cơ quan quản lý khó có thể quản lý được dẫn đến việc nếu xảy ra tranh chấp trong hoạt động này sẽ gây bất lợi cho người lao động.
Kinh tế phi chính thức được dịch sang tiếng Anh là: Informal economy
2. Đặc điểm của nền kinh tế phi chính thức:
Thứ nhất, kinh tế phi chính thức tuy có tạo ra giá trị kinh tế nhưng không được tính vào GDP hoặc GNP. Dẫn đến việc cơ quan quản lý khó có thể quản lý và sẽ khó có chính sách đảm bảo trong khu vực này.
Thứ hai, khu vực phi chính thức thiếu các rào cản gia nhập. Điều này chính là nguyên nhân giúp cho khu vực phi chính thức tăng trưởng và phát triển.
Thứ ba, không giới hạn đối tượng tham gia vào ngành công nghiệp phi chính thức và học có thể dễ dàng tìm việc làm và kiếm thu nhập.
Thứ tư, quy mô hoạt động nhỏ, những kỹ năng mà người lao động trong khu vực này thường được học từ thực tế không qua hệ hống giáo dục chính quy. Quan hệ lao động thường là thời vụ, quan hệ họ hàng, cá nhân và ít quan hệ qua hợp đồng.
Thứ năm, trong khu vực phi chính thức loại hình công việc khá đa dạng. Tuy nhiên, người lao động trong khu vực này có công việc không ổn định, không có hỗ trợ xã hội từ nhà nước và không được hưởng các chính sách hộ trợ từ nhà nước.
3. Khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam bắt nguồn từ đâu:
Các hoạt động kinh tế phi chính thức bắt nguồn do nhiều nguyên nhân. Tùy theo từng nhóm sẽ có những nguyên nhân khác nhau nhưng những nguyên nhân chủ yếu có thể đề cập một số nguyên nhân đối với từng nhóm như sau:
Thứ nhất, đối với nhóm hoạt động kinh tế bất hợp pháp: Nguyên nhân chủ yếu là do chạy theo lợi ích kinh tế. Những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này đã bất chấp pháp luật để tiến hành việc kinh doanh phi pháp với mục đích kiếm lời. Một nguyên nhân khác khiến hoạt động kinh tế bất hợp pháp phát triển là do bộ máy quản lý của Nhà nước còn yếu, không đủ sức răn đe, kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động này.
Thứ hai, đối với nhóm hoạt động kinh doanh gian lận: Nguyên nhân đa dạng hơn, ngoài việc chạy theo lợi ích kinh tế, cũng có những nguyên nhân khách quan buộc người sản xuất, kinh doanh phải thực hiện các hành vi gian lận như:
- Thủ tục hành chính nhiêu khê, luật lệ phức tạp, không rõ ràng, không nhất quán làm người dân và doanh nghiệp tốn kém thời gian, tiền bạc, từ đó buộc họ phải trốn tránh, gian lận, tức là chuyển sang hoạt động phi chính thức.
- Sân chơi bất bình đẳng.
- Gánh nặng thuế và các chi phí (chính thức và không chính thức).
- Phát triển thương mại điện tử, buôn bán qua mạng ngày càng phổ biến nhưng các cơ quan nhà nước không kiểm soát được.
Thứ ba, đối với nhóm hoạt động kinh tế của hộ gia đình hoặc người kinh doanh nhỏ: Nguyên nhân tồn tại chủ yếu là sự phát triển thấp của nền kinh tế làm cho khu vực kinh tế chính thức không đáp ứng được nhu cầu về việc làm và thu nhập của người dân, buộc họ phải tự tìm kế sinh nhai bằng cách tham gia các hoạt động kinh doanh buôn bán nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động kinh tế tuy có quy mô khá lớn nhưng các chủ thể kinh doanh vẫn không chuyển sang khu vực kinh tế chính thức, vì họ cho rằng, chuyển sang khu vực chính thức sẽ gặp khó khăn hơn khu vực phi chính thức.
4. Tác động của kinh tế phi chính thức đến kinh tế – xã hội Việt Nam:
Sự phát triển của khu vực kinh tế phi chính thức trong những năm qua đã khẳng định rằng mức độ, phạm vi và quy mô có khác nhưng hoạt động kinh tế phi chính thức đã, đang tồn tại ở tất cả các quốc gia và nền kinh tế, kể cả các nền kinh tế phát triển. Tức là sự tồn tại của nền kinh tế phi chính thức là điều cần thiết và trong tương lai cần được xây dựng để có biện pháp quản lý phù hợp. Dưới đây là những tác động tích cực và tiêu cực của nền kinh tế phi chính thức.
4.1. Tác động tích cực:
– Tạo việc làm đa dạng, phong phú cho người lao động: Nếu xét về quy mô thì khu vực kinh tế phi chính thức ở nước ta đang thu hút một lực lượng lao động rất lớn, tạo việc làm cho khoảng 18 triệu người, chiếm 57% tổng số việc làm phi nông nghiệp trên cả nước.
– Giúp nền kinh tế tồn tại trong giai đoạn suy thoái: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, kinh tế phi chính thức ở một góc độ nào đó cũng tạo ra mạng lưới an toàn cho nền kinh tế, nó hấp thụ những cú sốc của nền kinh tế rất tốt. Điều đó giải thích vì sao khu vực này thường phát triển mạnh trong bối cảnh suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế.
– Động lực của đổi mới và tăng trưởng: Một số nhà kinh tế đã tập trung nghiên cứu hoạt động của khu vực kinh tế cá thể quy mô nhỏ, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình ở một số nước đang phát triển, từ đó phát hiện ra rằng, chính khu vực này đã sản sinh ra nhiều sáng kiến đổi mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và khu vực kinh tế này như một “động lực bị che khuất của đổi mới” và tăng trưởng.
4.2. Tác động tiêu cực:
– Các cơ quan nhà nước thiếu thông tin để điều hành vĩ mô. Các hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức không được thống kê vào các chỉ tiêu kinh tế, làm cho các chỉ tiêu này không phản ánh được một cách toàn diện tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, từ đó ảnh hưởng đến việc hoạch định và triển khai các chính sách vĩ mô của Chính phủ.
– Làm suy yếu sức cạnh tranh của quốc gia, tạo tâm lý làm ăn chụp giật, nhất thời, không khuyến khích đầu tư dài hạn.
– Tạo ra môi trường cho tệ sách nhiễu, hối lộ, bất bình đẳng trong kinh doanh, không khuyến khích kinh doanh trung thực.
– Thất thu thuế nhà nước: Một số hoạt động kinh tế phi chính thức, đặc biệt là hoạt động kinh tế gian lận và bất hợp pháp đã tạo ra các khoản lợi nhuận và thu nhập lớn, nhưng tất cả các khoản thu nhập và lợi nhuận của khu vực này đều không nộp thuế.
– Rủi ro cho người lao động: Làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức là việc làm mà người lao động không được pháp luật bảo vệ, không được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội và chế độ làm việc khác. Lao động phi chính thức thường có việc làm bấp bênh, thời gian làm việc dài, thu nhập không cao, chủ yếu lấy công làm lãi… Họ thường không có hợp đồng lao động và khả năng được đóng bảo hiểm xã hội rất hạn chế.
5. Các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế phi chính thức:
– Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi 2014 mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc có hợp đồng từ 1 tháng trở lên; tăng cường chế tài đối với việc trốn đóng bảo hiểm xã hội; hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng linh hoạt và phù hợp với điều kiện về việc làm và thu nhập của lao động trong khu vực phi chính thức; đề xuất giải pháp khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội.
– Luật Việc làm 2013 được ban hành, qua đó mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, mọi lao động làm việc trong các doanh nghiệp có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
– Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi 2013 chuyển từ bao phủ toàn dân sang bảo hiểm y tế bắt buộc đối với toàn bộ dân cư; mở rộng sự tham gia của người dân vào bảo hiểm y tế và đối tượng được Nhà nước bảo hộ một phần, cũng như toàn phần để tham gia bảo hiểm y tế.
– Nghị quyết số 42/NQ-CP hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa được Chính phủ ban hành, lao động phi chính thức sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, thực hiện trong 3 tháng (từ tháng 4 – 6/2020). Với 3 triệu đồng được hỗ trợ trong đợt này, lao động phi chính thức bị mất việc, không có thu nhập, sẽ bớt đi một phần khó khăn.
Đồng thời, còn có các chính sách hỗ trợ lao động phi chính thức bao gồm: Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Chính sách hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác; Chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức dịch vụ việc làm đó là các trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm; Các chính sách về an toàn, vệ sinh lao động.
Dưới những tác động của nền kinh tế phi chính thức như hiện tại, ngày càng có nhiều quy định để quản lý hoạt động này. Nhằm đảm bảo cho sự phát triển của nền kinh tế phi chính thức cũng như cho người lao động. Mong rằng bài viết trên có thể giúp cho bạn đọc hiểu được cơ bản về kinh tế phi chính thức là gì? Khu vực nền kinh tế phi chính thức?