Một số công việc part-time phổ biến dành cho sinh viên làm thêm? Kinh nghiệm cho sinh viên đi làm thêm theo giờ (làm partime). Sinh viên đi làm thêm được trả lương tính theo giờ là bao nhiêu?
Sinh viên có nên đi làm thêm không? Nhiều bạn sinh viên thường lầm tưởng về việc làm thêm rằng đi làm thêm sẽ tốn thời gian, không có thời gian dành cho việc học dẫn đến việc học tập sa sút hoặc lý do đơn giản là chỉ vì lười,… Nếu bạn luôn có những suy nghĩ đó thì bạn sẽ không thể nhìn thấy được những lợi ích của việc đi làm thêm khi còn là sinh viên. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết thêm về lợi ích của việc đi làm thêm của sinh viên và chia sẻ cho các bạn về kinh nghiệm đối với sinh viên đi làm thêm theo giờ (làm part-time).
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý: Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiều đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
Mục lục bài viết
1. Một số công việc part-time phổ biến dành cho sinh viên đi làm thêm?
Công việc làm thêm dành cho sinh viên rất đa dạng và có đủ các ngành nghề để các bạn có thể lựa chọn tùy vào khả năng của bản thân. Bạn có thể tham khảo những công việc làm thêm sau đây.
1.1. Bán hàng tại các shop quần áo:
Các shop quần áo hiện nay thường tuyển một lượng lớn sinh viên để làm theo giờ và đây cũng là công việc mà nhiều bạn sinh viên lựa chọn. Khi lựa chọn những công việc này để làm thêm các bạn sinh viên chỉ đơn giản làm những công việc như lau chùi cửa hàng, sắp xếp quần áo và bán hàng cho khách. Công việc này thường làm 8 tiếng một ngày hoặc 4 tiếng một ngày với mức lương dao động từ 22,5 nghìn đồng trên một giờ.
Công việc bán hàng tại các shop quần áo có thể giúp bạn hoàn thiện được kĩ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý sự cố phát sinh, rèn đức kiên nhẫn và có thể đánh giá được một phần thị trường.
1.2. Gia sư:
Đây sẽ là một công việc lý tưởng cho các bạn sinh viên có kết quả học tập tốt. Bởi gia sư là một ngành đòi hỏi bạn phải đủ kiến thức để chuyền đạt cho học sinh của mình. Ưu điểm của làm gia sư là bạn có thể điều chỉnh thời gian một cách hợp lí, thời gian của mỗi ca dạy ngắn (Khoảng từ 1,5 đến 2 giờ mỗi ca) và mức lương cũng khá cao so với mặt bằng chung của các công việc làm thêm giờ khác. Khi làm gia sư cũng giúp bạn ôn tập lại kiến thức, thực hiện kĩ năng sư phạm, giúp cho các bạn có đủ tự tin và năng lực cho quá trình học tập cũng như công việc sau này.
Công việc làm gia sư cũng giúp bạn tránh được nhiều rủi ro ngoài xã hội. Hiện nay cũng có rất nhiều bạn sinh viên lựa chọn những công việc như phục vụ nhà hàng, tiếp thị,…. đây là những công việc có nhiều sự sôi động bởi bạn phải tiếp xúc với nhiều người nhưng công việc này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao.
1.3. Cộng tác viên viết bài:
Cộng tác viên viết bài là công việc khá phổ biến hiện nay. Công việc này có thời gian làm việc linh hoạt, phù hợp với giờ giấc sinh hoạt của sinh viên. Công việc này không cần bạn phải đến trực tiếp công ty để làm việc mà các bạn có thể làm việc tại nhà và gửi, nhận công việc qua mạng. Sinh viên có thể lựa chọn làm cộng tác viên cho những công ty có liên quan đến ngành mà mình đang học.Ví dụ như sinh viên học Luật có thể viết bài cho website của công ty luật, sinh viên học báo có thể làm cộng tác viên viết bài cho các trang báo online như báo dân chí, kênh 14,… hoặc viết pr sản phẩm cho các trang bán hàng.
Khi lựa chọn công việc này các bạn sinh viên có thể rèn luyện kỹ năng viết cũng như làm nền tảng tốt cho công việc sau này.
1.3. Thu ngân:
Các bạn sinh viên lựa chọn công việc thu ngân tại các siêu thị, các cửa hàng bán lẻ. Khi làm công việc này các bạn sẽ phải chịu trách nhiệm nhận thánh toán của khách hàng do đó bạn phải tính toán thật kĩ lưỡng, tránh những sai sót không đáng có.
Công việc thu ngân hữu ích cho các bạn sinh viên chuyên ngành tài chính, kế toán. Công việc này cũng giúp bạn trau dồi kĩ năng sử dụng phần mềm Excel, kỹ năng tính toán, kỹ năng quản lý thời gian và giao tiếp với khách hàng
2. Kinh nghiệm cho sinh viên đi làm thêm theo giờ (làm part-time):
2.1. Xác định được các tiêu chí khi đi làm thêm:
Khi sinh viên lựa chọn công việc để làm thêm thì phải xác định được công việc làm thêm đó sẽ đem cho bạn lợi ích gì để từ đó có thể lựa chọn một công việc phù hợp với chính bản thân mình. Để xác định được thì bạn sẽ dựa vào những yếu tố sau:
+ Thu nhập: Bạn cần phải hỏi rõ ràng nhà tuyển dụng về mức lương bạn sẽ nhận được và khoản phụ cấp khi làm công việc này. Tránh tình trạng nhiều bạn sinh viên bị trả lương thấp hơn so với mặt bằng chung mà công việc mình lựa chọn
+ Thời gian làm việc: Xác định thời gian làm việc là việc quan trọng đối với sinh viên. Tránh tình trạng sắp xếp lịch làm thêm trùng vào lịch học, gây ảnh hưởng đến thành tích học tập. Cần phải sắp xếp cả thời gian nghỉ ngơi đảm bảo sức khỏe nữa.
+ Khoảng cách đi làm: Vì còn đang là sinh viên nên bạn hãy lựa chọn những công việc ở gần trường học và chỗ làm.
+ Công việc làm thêm có liên quan đến ngành học không: Bạn nên tìm những công việc làm thêm có liên quan đến ngành học của mình. Giúp mình bước đầu làm quen, thích nghi với nghề nghiệp trong tương lai một cách tốt nhất.
2.2. Tìm hiểu những công việc làm thêm qua bạn bè, người thân, thầy cô:
Nếu có ý định đi làm thêm thì đầu tiên bạn nên tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè, thầy cô. Rất có thể khi bạn hỏi những người xung quanh sẽ tìm được một công việc phù hợp nhờ vào sự giới thiệu của họ. Bởi, trên thực tế có rất nhiều công việc hấp dẫn, phù hợp với tiêu chí mình lựa chọn lại không được đăng tuyển công khai. Thay vào đó, họ lại tìm những ứng viên thông qua sự giới thiệu của bạn bè, người thân, từ nhân viên để từ đó tìm được những ứng viên đáng tin cậy
Ngoài ra khi tham khảo ý kiến của những người bạn, người thân, thầy cô sẽ giúp bạn tìm được việc làm tại những công ty uy tín. Hiện nay có rất nhiều thông tin về những công việc làm thêm được đăng tải trên mạng xã hội, những công việc này thường chưa được xác nhận và rất có thể là những việc lừa đảo, dựa vào lòng tin của sinh viên để chiếm đoạt tài sản.
2.3. Đừng quá cả tin vào việc nhẹ lương cao:
Những công việc làm thêm cho sinh viên thường là những công việc lao động tay chân, hoặc nếu liên quan nhiều đến óc thì cũng cần phải có kiến thức và kinh nghiệm tương ứng. Rất ít khi có công việc nhẹ lương cao, bạn nên cảnh giác để lựa chọn, không nên vội vàng tin tưởng
Hiện nay có rất nhiều công việc được quảng cáo là linh hoạt, không tốn thời gian, việc nhẹ lương cao qua các nền tảng mạng xã hội như tik tok, facebook, zalo,… như tăng tương tác trên các kênh bán hàng, hỗ trợ mua hàng qua shopee, ăn hoa hồng giữa các mặt hàng mua bán trên kênh mua bán thương mại. Tuy nhiên để có được thu nhập thù cần phải bỏ ra một số vốn ban đầu để tạo tài khoản, chuyển tiền mua hàng với đơn hàng ảo. Khi sinh viên chuyển tiền vào thì sẽ mất số tiền đó. Cho nên sinh viên cần phải hết sức cảnh giác.
2.4. Cần phải nghiêm túc trong công việc:
Hiện nay, có không ít các bạn sinh viên khi đi làm thêm đem theo suy nghĩ đi làm chỉ để giải trí. Đây là một suy nghĩ không tốt, các bạn phải biết rằng khi bạn đã đăng ký làm là bạn phải có trách nhiệm với công việc đó, làm hết khả năng của bản thân mình. Chỉ có như vậy mới xây dựng được cho bạn một thói quen tốt, nghiêm chỉnh, chỉn chu trong mọi việc. Một người luôn hoàn thành tốt công việc của mình thì sẽ tạo dựng được cho mình những mối quan hệ tốt và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm
3. Sinh viên đi làm thêm được trả lương tính theo giờ là bao nhiêu?
Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiều đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động được quy định dưới bảng sau đây
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I | 4.680.000 | 22.500 |
Vùng II | 4.160.000 | 20.000 |
Vùng III | 3.640.000 | 17.500 |
Vùng IV | 3.250.000 | 15.600 |
Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thảo thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, các bên phải bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ (Khoản 2 Điều 4 Nghị định 38/2022/NĐ-CP)
Theo đó, khi sinh viên đi làm thêm theo giờ sẽ được trả với mức lương tối thiểu dao động từ 15.600 đồng/giờ đến 22.500 đồng/giờ tùy thuộc vào từng khu vực mà sinh viên đó đang sinh sống.
Lưu ý: Để xác định được vùng mà mình đang sinh sống thì bạn cần theo dõi phụ lục ban hành kèm nghị định 38/2022/NĐ-CP.