Hiện nay, mọi doanh nghiệp đều phải đối mặt với sức ép cạnh tranh đến từ những đối thủ hiện có trên thị trường. Việc tập trung kinh tế có những tác động tích cực cũng như tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, nhà nước cần kiểm soát tập trung kinh tế. Vậy kiểm soát tập trung kinh tế là gì? Quy trình kiểm soát tập trung kinh tế như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Kiểm soát tập trung kinh tế là gì?
Việc tập trung các nguồn lực kinh tế như vốn, kinh nghiệm quản lý, nhân lực… ngày càng diễn ra phổ biến với nhiều hình thức và mức độ khác nhau, từ đầu tư, tích lũy cho đến thâu tóm, chi phối doanh nghiệp, trong đó có việc tiến hành tập trung kinh tế (tập trung kinh tế) giữa các doanh nghiệp. tập trung kinh tế thực chất là hoạt động giành quyền kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp, hoặc nhiều doanh nghiệp cùng liên kết lại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động; chứ không chỉ đơn thuần là sở hữu một phần vốn góp hoặc cổ phần doanh nghiệp như các nhà đầu tư nho le.
Hoạt động tập trung kinh tế có khả năng mang đến cho các doanh nghiệp tham gia giao dịch rất nhiều lợi ích rõ rệt và cả những nguy cơ làm suy giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Dưới góc độ kinh tế, hoạt động tập trung kinh tế xuất phát và phục vụ cho nhu cầu kinh doanh, tăng cường tiềm lực của doanh nghiệp, cho nên chúng thuộc phạm vi của quyền tự do kinh doanh mà pháp luật đã thừa nhận và bảo hộ. Hoạt động tập trung kinh tế tạo điều kiện để tập hợp các doanh nghiệp phân phối hoặc khách hàng vào một mối để đảm bảo tốt hơn nguồn cung hoặc khả năng tiêu thụ, tạo sự hiệp lực mới, dẫn đến cải cách bằng cách kết hợp nhân tài của các doanh nghiệp với nhau… Từ đó, thị trường được thay đổi theo hướng: các nguồn lực được sử dụng tập trung và hiệu quả hơn, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong kinh doanh. Do đó, pháp luật các quốc gia đều không loại bỏ các hành vi tập trung kinh tế ra khỏi sinh hoạt chung của thị trường.
Tuy nhiên, tập trung kinh tế có thể dẫn đến hệ quả hình thái thị trường cạnh tranh thay đổi và chuyển sang mô hình độc quyền nhóm hoặc hình thành các doanh nghiệp có quyền lực thị trường. Hoạt động tập trung kinh tế đã đột ngột làm xuất hiện một hoặc một nhóm doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh bằng tổng năng lực cạnh tranh của tất cả doanh nghiệp tham gia. Về căn bản, tập trung kinh tế không trực tiếp làm giảm vị trí cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp hiện hữu, song lại làm thay đổi quan hệ giữa họ với doanh nghiệp sau giao dịch. Các lý thuyết về thị trường đôi khi coi tập trung kinh tế là hoạt động nhằm cơ cấu lại thị trường, hướng đến tạo dựng vị thế thống lĩnh, độc quyền của doanh nghiệp, từ đó sẵn sàng thực hiện các hành vi gây tổn thất phúc lợi xã hội để tối đa hóa lợi nhuận.
Do những hậu quả tiềm tàng như vậy, việc điều chỉnh các giao dịch tập trung kinh tế là một nhu cầu bức thiết của thực tiễn và đã trở thành một phần quan trọng của chính sách và pháp luật cạnh tranh trên thế giới. Chính vì những lợi ích và cả tác động tiêu cực của giao dịch tập trung kinh tế như trên, pháp luật nhìn nhận tập trung kinh tế là hoạt động hiển nhiên của nền kinh tế nhưng cần kiểm soát hậu quả của các giao dịch này chứ không nên cấm đối hoàn toàn. Thông qua chính sách và pháp luật cạnh tranh, Nhà nước đã thực hiện việc kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế để kịp thời ngăn chặn những tác động làm suy giảm cạnh tranh của giao dịch. Khi kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế, Nhà nước nhất thiết phải cân nhắc về tính hiệu quả của từng giao dịch.
Tổng kết lại, có thể hiểu kiểm soát tập trung kinh tế chính là việc nhà nước dùng quyền lực và các thiết chế phù hợp để kiểm soát các hoạt động tập trung kinh tế diễn ra trên thị trường, nhằm phòng tránh những tác động tiêu cực của hoạt động tập trung kinh tế.
2. Quy trình kiểm soát tập trung kinh tế:
Quy trình kiểm soát tập trung kinh tế hay còn được hiểu nội dung cơ bản của pháp luật về kiểm soát tập trung kinh tế. Hiện nay, pháp luật về kiểm soát tập trung kinh tế tập trung vào các vấn đề chính gồm: (1) xác định thị trường liên quan (khuôn khổ, phạm vi tác động của giao dịch tập trung kinh tế), (2) hình thức tập trung kinh tế, (3) đánh giá mức độ tác động của vụ việc tập trung kinh tế đối với thị trường nhiều tiêu chí và (4) biện pháp xử lý vi phạm và khôi phục cạnh tranh.
2.1. Xác định thị trường liên quan:
Xác định thị trường liên quan là một bước quan trọng, mang tính quyết định đối với một vụ việc tập trung kinh tế vì nó giúp đánh giá sức mạnh thị trường của doanh nghiệp thông qua tập trung kinh tế, các đối thủ cạnh tranh và tác động của giao dịch tập trung kinh tế đối với cạnh tranh trên thị trường. Việc xác định thị trường liên quan được căn cứ trên cả phương diện sản phẩm là đối tượng của giao dịch (thị trường sản phẩm liên quan) và khu vực địa lý nơi giao dịch đó diễn ra (thị trường địa lý liên quan).
Hiện nay, quan điểm mỗi quốc gia có một cách định nghĩa khác nhau về thị trường liên quan nhưng đều thống nhất các tiêu chính quan trọng cần được đánh giá khi các định thị trường liên quan đó là: các tiêu chí về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả sản phẩm để xác định nhóm các sản phẩm cùng thuộc một thị tường sản phẩm liên quan có khả năng thay thế nhau; các rào cản gia nhập thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, sự khác biệt giữa các khu vực địa ly lân cận, … để xác định thị trường địa lý liên quan. Hiện nay, thì các cơ quan cạnh tranh chính là các cơ quan thực hiện các hoạt động phân tích, đánh giá chuyên sâu giúp xác định thị trường liên quan.
2.2. Xác định các giao dịch tập trung kinh tế:
Tùy thuộc điều kiện, tình hình phát triển kinh tế cụ thể mà pháp luật mỗi quốc gia lại quy định khác nhau về các dạng giao dịch tập trung kinh tế. Hiện nay, tại Việt Nam thì Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về các hình thức tập trung kinh tế như sa:
“1. Tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau đây:
a) Sáp nhập doanh nghiệp;
b) Hợp nhất doanh nghiệp;
c) Mua lại doanh nghiệp;
d) Liên doanh giữa các doanh nghiệp;
đ) Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.” (Khoản 1 Điều 29 Luật Cạnh tranh năm 2018)
Các hình thức tập trung kinh tế này được giải thích chi tiết tại các khoản dưới của Điều 29 Luật Cạnh tranh năm 2018.
2.3. Các tiêu chí đánh giá vụ việc tập trung kinh tế:
Kết quả cuối cùng của việc xem xét một giao dịch tập trung kinh tế dự định được tiến hành là quyết định ngăn cấm hay cho phép thực hiện giao dịch đó. Để có căn cứ ra quyết định, các cơ quan cạnh tranh thường sử dụng đồng thời một hệ thống các tiêu chí, gồm các tiêu chí định lượng (thị phần, chỉ số CR, HHI…) và tiêu chí định tính (khả năng gia nhập thị trường và các đối thủ mới, hiệu quả kinh tế…) giúp so sánh lợi ích và tác hại của giao dịch tập trung kinh tế.
Thị phần là một yếu tố giúp đánh giá sức mạnh thị trường của doanh nghiệp trước và sau khi tập trung kinh tế. Cần lưu ý rằng thị phần là yếu tố đầu tiên nhưng không là phải là yếu tố duy nhất được cơ quan có thẩm quyền sử dụng để đánh giá sức mạnh thị trường của doanh nghiệp.
Mức độ tập trung của thị trường không trực tiếp phản ánh cạnh tranh trên thị trường nhưng cũng có thể giúp đánh giá sơ bộ tác động của vụ việc tập trung kinh tế đối với cạnh tranh. Các chỉ số cơ bản để đánh giá mức độ tập trung của thị trường gồm: Chỉ số tích tụ thị trường (CR), Chỉ số HHI. Ngoài ra còn có thể sử dụng các yếu tố định tính khác như khả năng gia nhập thị trường của đối thủ mới và mở rộng sản xuất; sức mạnh của người mua; doanh nghiệp phá sản; Hiệu quả kinh tế, …
Việc đánh giá vụ việc tập trung kinh tế được hoàn thiện hơn khi miễn trừ cho một số giao dịch hiển nhiên không gây quan ngại về tác động phản cạnh tranh, vì vậy, cơ quan có thẩm quyền không cần thiết phải đánh giá các vụ việc này, đây được gọi là các trường hợp miễn trừ.
3. Các biện pháp xử lý vi phạm và khôi phục cạnh tranh:
Những vi phạm pháp luật về kiểm soát tập trung kinh tế có thể bao gồm: hành vi không thông báo hay thông báo chậm về giao dịch tập trung kinh tế; tập trung kinh tế trước khi cơ quan có thẩm quyền xem xét và cho phép thực hiện,… Tùy mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm và cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng những hình thức vi phạm khác nhau như cảnh cáo, phạt tiền, ….
Khôi phục cạnh tranh chính là trọng tâm của việc kiểm soát tập trung kinh tế. Nó cho thấy bản chất của vụ việc tập trung kinh tế không đương nhiên mang tính hạn chế cạnh tranh vì vậy không nên bị nghiêm cấm trong mọi trường hợp. Nếu vụ việc có khả năng đảm bảo lợi ích lớn về kinh tế trong khi vẫn có thể xảy ra một số vấn đề cạnh tranh, cơ quan quản lý có thể cho phép thực hiện giao dịch tập trung kinh tế nếu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khôi phục cạnh tranh. Các biện pháp khôi phục cạnh tranh thường được chia thành hai loại gồm: các biện pháp có tính khắc phục về cấu trúc và các biện pháp có tác dụng khắc phục về hành vi.