Kiểm toán là hoạt động tất yếu diễn ra trong bối cảnh kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ. Kiểm toán báo cáo tài chính là hoạt động của kiểm toán viên trong việc tiến hành thu thập các bằng chứng để đưa ra các đánh giá, ý kiến về báo cáo tài chính. Vậy kĩ thuật tính toán trong thu thập bằng chứng kiểm toán là gì? Nội dung?
Mục lục bài viết
1. Kĩ thuật tính toán trong thu thập bằng chứng kiểm toán là gì?
Chức năng của kiểm toán tài chính là “xác minh và bày tỏ ý kiến” về các bản khai tài chính, thể hiện qua quá trình thu thập và đánh giá các bằng chứng về Báo cáo tài chính của một tổ chức kinh tế cụ thể nhằm mục đính xác nhận và báo cáo về mức độ phù hợp của các báo cáo này với các chuẩn mực đó được thiết lập thông qua Báo cáo kiểm toán. Báo cáo kiểm toán ghi nhận các ý kiến của kiểm toán viên, nó là sản phẩm quan trọng nhất của cuộc kiểm toán, độ chính xác và hợp lý của nó phụ thuộc rất nhiều vào cácc bằng chứng mà kiểm toán viên thu thập được trong quá trình kiểm toán.
Báo cáo tài chính là hệ thống báo cáo được lập theo chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành hoặc được chấp nhận nhằm trình bày bức tranh thông tin về kế toán tài chính chủ yếu của đơn vị. Việc lập báo cáo tài chính là trách nhiệm của đơn vị. Kiểm toán báo cáo tài chính được thực hiện bởi các kiểm toán viên đủ năng lực và độc lập nhằm đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính. Do đó, báo cáo kiểm toán chấp nhận toàn phần sẽ góp phần nâng cao độ tin cậy của thông tin trên báo cáo tài chính.
Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên cũng sẽ phát hiện những thiếu sót, những điểm tồn tại của bộ máy kế toán tài chính của đơn vị. Từ đó, kiểm toán viên sẽ góp ý nhằm hoàn thiện bộ máy này nhằm nâng cao chất lượng thông tin kế toán tài chính của đơn vị.
Giải thích về bằng chứng kiểm toán- Chuẩn mực kiểm toán số 500 ban hành theo quyết định số Thông tư số 214/2012/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Bộ Tài chính về bằng chứng kiểm toán đã quy định rằng: “Bằng chứng kiểm toán: Là tất cả các tài liệu, thông tin do kiểm toán viên thu thập được liên quan đến cuộc kiểm toán và dựa trên các tài liệu, thông tin này, kiểm toán viên đưa ra kết luận và từ đó hình thành ý kiến kiểm toán. Bằng chứng kiểm toán bao gồm những tài liệu, thông tin chứa đựng trong các tài liệu, sổ kế toán, kể cả báo cáo tài chính và những tài liệu, thông tin khác.“
Thu thập bằng chứng kiểm toán là trung tâm của cuộc kiểm toán. Mục tiêu kiểm toán của thu thập bằng chứng kiểm toán nhằm cung cấp một bố cục để giúp kiểm toán tập hợp những chứng cứ cần thiết và quyết định đúng đắn bằng chứng cần thu thập có căn cứ tình huống hợp đồng.
Mỗi phương pháp thu thập các bằng chứng kiểm toán sẽ cung cấp những loại bằng chứng khác nhau với độ tin cậy khác nhau và từng phương pháp có ưu điểm và hạn chế riêng của mình. Do đó, trong nhiều trường hợp, kiểm toán viên cần phối hợp sử dụng nhiều phương pháp để đạt được các mục tiêu kiểm toán. Nói cách khác, trong từng trường hợp cụ thể, tùy theo sự xét đoán nghề nghiệp của mình, kiểm toán viên sẽ chọn lựa các phương pháp để thu thập bằng chứng kiểm toán. Bên cạnh kỹ thuật tính toán, kiểm toán viên có thể sử dụng các phương pháp như kiểm tra, quan sát, xác nhận, điều tra, phân tích.
Kỹ thuật tính toán trong thu thập bằng chứng kiểm toán là phương pháp được kiểm toán viên áp dụng khá rộng rãi, phổ biến trong quá trình thực hiện cuộc kiểm toán nhằm thu thập bằng chứng về tính chính xác số học của các khoản mục trên báo cáo tài chính khi thực hiện kiểm tra chi tiết số dư của các khoản mục.
Hay nói rõ hơn, tính toán là việc kiểm tra tính chính xác về mặt số học của số liệu trên chứng từ, sổ kế toán, bào cáo tài chính và các tài liệu liên quan khác hay việc thực hiện những tính toán độc lập của kiểm toán viên. Thí dụ như kiểm tra việc tính toán trên các hóa đơn, kiểm tra lại những số tổng cộng trên sổ cái… Kiểm toán viên còn thu thập bằng chứng kiểm toán bằng các tính toán độc lập của mình đối với khấu hao, dự phòng nợ khó đòi…
2. Nội dung về kỹ thuật tính toán trong trong thu thập bằng chứng kiểm toán:
Hiểu rõ hơn về kỹ thuật tính toán trong thu thập bằng chứng kiểm toán: Thông qua việc cộng dồn các số phát sinh của các tài khoản theo đối ứng bên Nợ bên Có để xác định số dư cuối kỳ của các tài khoản. Ví dụ, đối với kiểm tra việc tính toán, kiểm toán viên xem xét tính chính xác (bằng cách tính lại) các hoá đơn, phiếu nhập, xuất kho; số liệu hàng tồn kho; tính lại chi phí khấu hao; giá thành; các khoản dự phòng; thuế; số tổng cộng trên sổ chi tiết và sổ cái,…. Đối với kiểm tra tính chính xác của việc ghi sổ, kiểm toán viên đối chiếu các chứng từ có liên quan để xem cùng một thông tin được phản ánh trên chứng từ khác nhau, ở những nơi khác nhau. Các số liệu sau khi tính toán lại sẽ được đối chiếu với số liệu trên các sổ chi tiểt, sổ tổng hợp mà đơn vị cung cấp. Nếu có sự chênh lệch kiểm toán viên cần phỏng vấn kế toán trưởng, kế toán phụ trách từng phần hành để tìm hiểu rõ nguyên nhân của sự chênh lệch này.
Các bảng số liệu được coi là một bằng chứng về sự chính xác của số liệu trên Báo cáo tài chính của đơn vị. Kỹ thuật này chỉ quan tâm đến tính chính xác thuần tuý về mặt số học, không chú ý đến sự phù hợp của phương pháp tính được sử dụng. Do đó kỹ thuật này thường được sử dụng cùng với các kỹ thuật khác như kiểm tra tài liệu, kiểm tra vật chất, phân tích…trong quá trình thu thập bằng chứng.
Ưu điểm: của kỹ thuật tính toán trong thu thập bằng chứng là mang lại bằng chứng có độ tin cậy cao, xét về mặt số học.
Nhược điểm: của kỹ thuật này là các phép tính và phân bổ đôi khi khá phức tạp, tốn thời gian đặc biệt khi đơn vị được kiểm toán có quy mô lớn, loại hình kinh doanh đa dạng, luồng tiền ra vào rất lớn…Do đó cần có trang bị về máy tính, song cần chú ý kiểm tra hệ thống xử lý trên máy, các nhân viên có can thiệp được vào hay không.
Thực trạng ứng dụng kỹ thuật tính toán tại các doanh nghiệp cho thấy, chẳng hạn đối với công ty AAC:
Áp dụng đối với mọi khoản mục, trong mọi cuộc kiểm toán.
3. Ưu điểm và hạn chế trong kỹ thuật kiểm toán:
Ưu điểm:
– Mỗi nhân viên của AAC đều được trang bị máy tính cá nhân để phục vụ cho công tác kiểm toán. Trong mỗi cuộc kiểm toán, các nhóm kiểm toán đều được trang bị ít nhất một máy vi tính xách tay để thực hiện cho công việc của mình. Do đó, kỹ thuật tính toán luôn được sử dụng hiệu quả và mang lại kết quả chính xác, nhanh chóng, phục vụ cho cuộc kiểm toán.
– AAC cũng có quy định rõ việc phân công nhiệm vụ của mỗi thành viên trong quá trình kiểm toán. Theo đó, ở những khoản mục cần phải thực hiện các phép tính toán, kiểm tra phức tạp thì sẽ được giao cho nhóm trưởng hoặc là những người có kinh nghiệm thực hiện, các thành viên còn lại sẽ thực hiện kiểm tra, tính toán ở những khoản mục có cách tính toán đơn giản, ít xảy ra sai sót. Do đó, hiệu quả của cuộc kiểm toán sẽ được nâng cao và hạn chế được tối đa rủi ro kiểm toán có thể xảy ra.
Hạn chế:
Trong một số trường hợp, khi thực hiện kỹ thuật tính toán trên máy vi tính nhưng kiểm toán viên không kiểm tra chính xác số liệu dẫn đến kết quả tính toán bị sai lệch, do đó kiểm toán viên phải thực hiện lại, làm tăng thời gian công việc kiểm toán và đôi lúc không kịp tiến độ công việc được giao (thực tế kiểm toán tại công ty ABC, để rút ngắn thời gian nên kiểm toán viên đã yêu cầu đơn vị cung cấp các file dữ liệu ghi nhận các nghiệp vụ phát sinh trong kỳ của những khoản mục sẽ thực hiện kiểm tra, dựa vào đó kiểm toán viên sẽ kiểm tra ngược lại chứng từ phát sinh. Tuy nhiên, do chủ quan nên kiểm toán viên đã không biết được sự sai lệch giữa số liệu trên các file đó so với số liệu trên sổ sách của đơn vị từ ban đầu. Đến khi công việc gần hoàn thành thì kiểm toán viên mới phát hiện ra. Do đó, kiểm toán viên phải yêu cầu đơn vị giải thích và cung cấp file mà từ đó lên báo cáo tài chính).
Báo cáo kiểm toán cần cung cấp những thông tin đáng tin cậy cho người sử dụng. Kiểm toán viên phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và khách quan của báo cáo tài chính đưa ra. Do vậy, kiểm toán viên cần thu thập bằng chứng kiểm toán đảm bảo tính thích hợp và đầy đủ. Do vậy, việc thực hiện các kỹ thuật phù hợp là yêu cầu tất yếu, phục vụ cho việc thu thập bằng chứng đạt yêu cầu.