Kết cấu vốn lưu động là gì? Đặc điểm của kết cấu vốn lưu động? Các nhân tố ảnh hưởng đến kết cấu vốn lưu động?
Vốn lưu động là một trong những nguồn tài chính đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả kinh doanh cũng như đảm bảo cho khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Nghiên cứu về vốn lưu động thì không thể không nhắc đến kết cấu vốn lưu động, việc nắm vững kết cấu là cơ sở để doanh nghiệp quản trị vốn lưu động một cách chắc chắn, hiệu quả và tối ưu nhất.
Mục lục bài viết
1. Kết cấu vốn lưu động là gì?
Vốn lưu động (working capital) đề cập tới các tài sản trong ngắn hạn của doanh nghiệp như tiền mặt, hàng tồn kho, khoản phải thu và các khoản nợ ngắn hạn như khoản phải trả nhà cung cấp. Vốn lưu động thuần hay vốn lưu động ròng (net working capital) là giá trị chênh lệch giữa tài sản ngắn hạn và các khoản nợ ngắn hạn:
Vốn lưu động ròng = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn
Vốn lưu động là điều kiện vật chất không thể thiếu được trong quá trình tái sản xuất. Trong cùng một lúc, vốn lưu động của doanh nghiệp được phân bổ ở các giai đoạn luân chuyển và tồn tại dưới nhiều hình thái khác nhau. Đồng thời vốn lưu động luân chuyển toàn bộ giá trị ngay trong một lần, tuần hoàn liên tục và hoàn thành một vòng tuần hoàn sau một chu kỳ sản xuất. Do đó, muốn cho quá trình tái sản xuất được liên tục, doanh nghiệp phải có đầy đủ vốn lưu động VLĐ đầu tư vào các hình thái khác nhau. Như vậy, sẽ tạo cho việc chuyển hóa hình thái của vốn trong quá trình được luân chuyển thuận lợi. Ngược lại, nếu doanh nghiệp không đủ vốn thì việc tổ chức sử dụng vốn sẽ gặp khó khăn và quá trình sản xuất sẽ bị gián đoạn.
Khái niệm về kết cấu vốn lưu động được hiểu phần lớn như sau: Kết cấu vốn lưu động là thuật ngữ được dùng để phản ánh quan hệ tỷ lệ giữa các thành phần vốn lưu động trong tổng số vốn lưu động của doanh nghiệp.
2. Đặc điểm của kết cấu vốn lưu động:
Trong các doanh nghiệp khác nhau thì kết cấu vốn lưu động cũng không giống nhau. Việc phân tích kết cấu vốn lưu động của doanh nghiệp theo các tiêu thức phân loại khác nhau sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn những đặc điểm riêng về số vốn lưu động mà mình đang quản lý và sử dụng. Từ đó xác định đúng các trọng điểm và biện pháp quản lý vốn lưu động có hiệu quả hơn phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp.
Vốn lưu động rất quan trọng trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hiệu quả sử dụng vốn lưu động có ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng toàn bộ số vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải luôn coi trọng việc quản lý vốn lao động . Để quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn lưu động thì công việc trước tiên mà doanh nghiệp phải làm là phân loại vốn lưu động để có thể phân tích, đánh giá tình hình quản lý và sử dụng vốn lưu động ở mỗi khâu. Từ đó, có phương hướng khắc phục những khâu chưa tốt, phục vụ cho công tác quản lý và sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp có hiệu quả hơn. Vốn lưu động của doanh nghiệp dựa vào những tiêu thức khác nhau thì được chia thành các thành phần khác nhau .
* Dựa vào vai trò và công dụng kinh tế của Vốn lưu động trong quá trình tái sản xuất, Vốn lưu động được chia thành:
– Vốn lưu động nằm trong khâu dự trữ sản xuất gồm : Nguyên liệu, vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu, phụ tùng thay thế.
– Vốn lưu động trong khâu sản xuất gồm : sản phẩm sở dang, chi phí trả trước.
– Vốn lưu động trong khâu lưu thông gồm : thành phẩm, vốn bằng tiền, khoản đầu tư ngắn hạn, vốn trong thanh toán (những khoản thu và tạm ứng). Phân loại vốn theo cách này giúp cho doanh nghiệp xem xét, đánh giá tình hình phân bổ Vốn lưu động trong các khâu của quá trình chu chuyển vốn. Từ đó đề ra các biện pháp tổ chức quản lý thích hợp nhằm tạo ra một kết cấu Vốn lưu động hợp lý để tăng được tốc độ chu chuyển của Vốn lưu động phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh.
* Dựa vào nguồn hình thành của Vốn lưu động. Để trang trải cho nhu cầu đầu tư, tuỳ theo mục đích sử dụng của mình mà doanh nghiệp cần các loại vốn khác nhau : vốn dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Nguồn vốn để đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước bao gồm :
– Vốn ngân sách cấp : Được xác định trên cơ sở biên bản giao nhận vốn mà doanh nghiệp phải có trách nhiệm quản lý, bảo toàn và phát triển vốn.
– Vốn tự bổ sung : Là vốn của nội bộ doanh nghiệp bao gồm vốn khấu hao cơ bản để lại, phần lợi nhuận sau thuế, tiền nhượng bán tài sản (nếu có)
– Vốn liên doanh – liên kết : là vốn do doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp nước ngoài đóng góp để cùng thực hiện quá trình sản xuất kinh doanh.
– Vốn vay : Chủ yếu là vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác.
Ngoài ra doanh nghiệp còn có thể huy động vốn của cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp. Còn đối với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế thị trường để tài trợ đầu tư, doanh nghiệp cần nắm giữ một số vốn nhất định trong khoảng thời gian một năm trở lên. Đó là nguồn vốn thường xuyên ổn định gồm :
+ Vốn chủ sở hữu : Là số vốn tự có của doanh nghiệp, nó được cấu thành bởi các hội viên, vốn tự tài trợ (vốn khấu hao, lợi nhuận không chia và tiền bán nhượng tài sản và vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu).
+ Vốn vay : Là nguồn vốn doanh nghiệp đi vay đáp ứng nhu cầu đầu tư. Doanh nghiệp có thể chiếm dụng hợp lý hợp pháp nguồn vốn của doanh nghiệp. Nhờ có cách phân loại trên mà có thể tính được kết cấu vốn lao động. Đó là tỷ lệ giữa các thành phần Vốn lưu động chiếm trong tổng số vốn lưu động, các doanh nghiệp khác nhau thì kết cấu Vốn lưu động cũng sẽ không giống nhau.
3. Các nhân tố ảnh hưởng đến kết cấu vốn lưu động:
Có ba nhóm nhân tố chính ảnh hưởng tới kết cấu vốn lưu động của doanh nghiệp.
– Những nhân tố về mặt cung tiêu: Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp thường cần rất nhiều các loại vật tư do nhiều đơn vị cung ứng khác nhau. Nói chung nếu đơn bị cung ứng nguyên vật liệu càng gần thì vốn dự trữ càng ít, nếu việc cung ứng càng chính xác so với kế hoạch và kỳ hạn hàng đến, về số lượng về quy cách nguyên vật liệu… thì số dự trữ nguyên vật liệu sẽ càng ít đi.
– Những nhân tố về mặt sản xuất: Những doanh nghiệp có quy mô sản xuất, tính chất sản xuất, trình độ sản xuất quy trình công nghệ, độ phức tạp của sản phẩm khác nhau thì tỷ trọng vốn lưu động ở từng khâu dự trữ, sản xuất cũng khác nhau.
– Những nhân tố về mặt thanh toán: Sử dụng thể thức thanh toán khác nhau thì vốn chiếm dụng trong quá trình thanh toán cũng khác nhau. Cho nên việc lựa chọn thể thức thanh toán hợp lý, theo sát và giải quyết kịp thời những vấn đề thủ tục thanh toán, đôn đốc việc chấp hàng ký luật thanh toán có ảnh hưởng nhất định đến việc tăng giảm bộ phận vốn lưu động bị chiếm dụng ở khâu này.
Kết cấu vốn lưu động còn phụ thuộc vào tính chất thời vụ sản xuất, nhất là trong nông nghiệp chịu ảnh hưởng của đất đai thời tiết khác nhau và kết cấu này còn phụ thuộc vào trình độ tổ chức quản lý.
Ngoài ra còn phải kể đến các nhân tố:
– Nhân tố về kỹ thuật – công nghệ sản xuất : Các doanh nghiệp có quy mô sản xuất kinh doanh khác nhau, tính chất sản xuất, trình độ, chu kỳ sản xuất khác nhau, trình độ phức tạp của sản phẩm và yêu cầu đặc điểm về nguyên liệu, điều kiện sản xuất cũng sẽ dẫn tới sự khác nhau về tỷ trọng vốn lưu động bỏ vào khâu dự trữ sản xuất kinh doanh .
– Nhân tố về giá cả và thị trường : Các doanh nghiệp phải sử dụng nhiều loại vật tư khác nhau của các đơn vị bán hàn khác nhau nên khoảng cách giữa doanh nghiệp với đơn vị bán hàng xa hoặc gần, kỳ hạn bán hàng, chủng loại, số lượng, giá cả phù hợp với yêu cầu sẽ ảnh hưởng tới tỷ trọng vốn lưu động bỏ vào khâu dự trữ. Khối lượng sản phẩm nhiều hay ít đều ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ trọng xuất ra.
– Nhân tố về tổ chức quản lý : Nếu doanh nghiệp sử dụng phương thức thanh toán hợp lý, kịp thời thì tỷ trọng vốn lưu động trong khâu lưu thông sẽ thay đổi. Có thể nói, mỗi nhân tố trên đều có ảnh hưởng nhất định tới kết cấu vốn lưu động của doanh nghiệp. Do vậy các doanh nghiệp cần có những phương thức quản lý, sử dụng vốn hợp lý để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động trong doanh nghiệp.
Để tồn tại và phát triển trong điều kiện kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước phải thực sự chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh phải nghiên cứu thị trường, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời phân tích tình hình vốn và quản lý sử dụng vốn tiết kiệm, có hiệu quả nhất.