Bài ca ngắn đi trên bãi cát thể hiện niềm thất vọng, bi phẫn của nhà thơ trước đường đời trắc trở và bế tắc vô vọng, phản ánh cảm quan của Cao Bá Quát về một thời đại đen tối lúc bấy giờ. Dưới đây là tổng hợp kết bài Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát siêu hay, mời các bạn cùng theo dõi nhé!
Mục lục bài viết
1. Mẫu kết bài phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát siêu hay:
1.1. Mẫu 1:
Qua bài thơ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát”, Cao Bá Quát đã cho ta thấy một phần nào con người và nhân cách của ông – một bậc tài danh nhưng sinh bất phùng thời, không được trọng dụng, đã nếm trải nhiều cay đắng trên con đường công danh để từ đó Cao Bá Quát muốn nhắn gửi hạng người danh lợi đang tất tả ngược xuôi bài học nhiều nước mắt mà ông đã trải qua và cảm nhận.
1.2. Mẫu 2:
Tóm lại bài thơ “Bài ca ngắn đi trên cát” được thể hiện theo cách đa chiều. Khi thì được miêu tả như một khách thể, khi thì lại như một người đối thoại, thậm chí tác giả còn ẩn đi cả chủ thể qua đó nhằm bộc lộ những tâm trạng khác nhau, thái độ khi đứng trước những hoàn cảnh khác nhau đồng thời biểu lộ sự chán ghét của một người trí thức đối với con đường danh lợi và niềm khao khát thay đổi cuộc sống.
1.3. Mẫu 3:
Bài thơ đã giúp cho chúng ta hiểu được sự chán ghét của một người trí thức đầy tài năng – Cao Bá Quát với con đường mưu cầu danh lợi tầm thường trong một xã hội với những bế tắc, trì trệ, không lối thoát. Đây có lẽ chính là lý do lớn nhất giải thích vì sao mà ông lại đứng lên khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyễn. Bởi trong ông luôn có một khao khát được đổi mới cuộc đời của mình cũng như được đổi mới xã hội, được cống hiến cho nước nhà, được trở thành một con người có ích cho Tổ quốc.
1.4. Mẫu 4:
Nhìn mọi phía đều thấy mênh mông bát ngát, đường cùng mất rồi. Nếu tiếp tục đi trên con đường danh lợi, chắc chắn không bao giờ có thể quay trở về để ẩn mình giữ trong sạch. Người đi đường đành phải đứng chôn chân trên bãi cát với câu hỏi tự đặt ra cho chính mình “ Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?” diễn tả một khối mâu thuẫn lớn đè nặng tâm trí. Bài ca thể hiện niềm thất vọng và bi phẫn của nhà thơ trước đường đời trắc trở, bế tắc và vô vọng, phản ánh cảm quan của Cao Bá Quát về thời đại đen tối của những người trí thức tài hoa trên con đường công danh truyền thống.
1.5. Mẫu 5:
Bài thơ như đã mang một lời tâm sự, như chính là nỗi băn khoăn của một trí thức có tư tưởng, có hoài bão lớn. Người đọc như cảm nhận thấy rằng ở ông sẽ không bao giờ cam chịu bó buộc của cái chế độ phong kiến bất công thời ông đang sống. Dường như đây cũng là báo hiệu cho sự thức tỉnh của một con người, một thế hệ và bài thơ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” chính là một thành công của Cao Bá Quát đồng, một bài thơ tiêu biểu thể hiện tâm sự sâu kín của tác giả.
1.6. Mẫu 6:
“Bài ca ngắn đi trên bãi cát” thể hiện niềm thất vọng, bi phẫn của nhà thơ Cao Bá Quát trước đường đời trắc trở và bế tắc vô vọng đồng thời phản ánh cảm quan của nhà thơ về một thời đại đen tối lúc bấy giờ. Đồng thời bài thơ cũng như là lời tâm sự, băn khoăn của một trí thức có tư tưởng, có hoài bão lớn, không cam chịu bó buộc trong những gò bó của chế độ phong kiến bất công, đồng thời cũng là báo hiệu cho sự thức tỉnh của một con người, một thế hệ. Bằng cách xây dựng hình tượng đặc sắc, ngôn ngữ hàm súc, giàu sức gợi, bài ca ngắn đi trên bãi cát thực sự đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
2. Mẫu kết bài cảm nhận Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát siêu hay:
2.1. Mẫu 1:
“Bài ca ngắn đi trên bãi cát” là lời than của người lữ khách về sự gian truân trên đường đời, về sự mờ mịt ghê sợ của con đường danh lợi để từ đó rút ra một bài học, một triết lý về con đường danh lợi và cái giá của khách danh lợi trên mọi nẻo đường gần xa. Hình tượng bãi cát dài và người đi trên bãi cát lúc mặt trời đã lặn, nước mắt chảy ra cứ ám ảnh mãi hồn người.
2.2. Mẫu 2:
Với hình tượng nghệ thuật giàu ý nghĩa, tác phẩm đã để lại cho mỗi người đọc những bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Không chỉ vậy, Cao Bá Quát còn thể hiện cho người đọc thấy được nỗi chán ghét sâu sắc với hiện thực đời sống tầm thường, với chế độ phong kiến nhà Nguyễn thối nát, thể hiện tư tưởng, nhân cách cao đẹp của ông trước “bả công danh” tầm thường.
3. Hướng dẫn lập dàn ý phân tích bài Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát:
a) Mở bài:
– Những nét chính về tác giả Cao Bá Quát: Một tác giả, một nhà văn thời trung đại, đã trải qua cuộc đời đầy bi họa nhưng vẫn toát lên tinh thần hào hùng. Ông đã mang đến cho văn học một phong cách độc đáo và mới mẻtheo hướng bám sát hiện thực cuộc sống
– Giới thiệu Bài ca ngắn đi trên bãi cát: được sáng tác trên đường tác giả đi thi Hội. Bài thơ thể hiện tâm tư của một sĩ tử trên đường danh lợi.
b) Thân bài
1. Bốn câu đầu
– Tiếng khóc vang trong cuộc đời sóng gió.
+ “Bãi cát dài lại bãi cát dài”: Điệp từ gợi lên hình ảnh những bãi cát nối tiếp nhau đến vô tận. ⇒ Hình ảnh bãi cát dài mênh mông, nối tiếp nhau tượng trưng cho môi trường xã hội, con đường đời đầy chông gai, gian khổ, nhọc nhằn.
+ “Đi một bước lùi một bước”: sự vất vả, khó nhọc của người đi đường, đây vừa là cảnh thực vừa là tượng trưng cho con đường công danh gập ghềnh của tác giả.
+ “Mặt trời đã lặn chưa dừng được”: Mặt trời lặn mà vẫn còn đi, nước mắt rơi lã chã, tâm trạng đau khổ.
+ “Lữ khách trên đường nước mắt rơi”: Cảnh tượng một người đi trong không gian mù mịt, mênh mông, khó xác định được phương hướng.
⇒ Hình ảnh bãi cát dài mênh mông, nối tiếp nhau, hình ảnh con đường như bất tận, mờ mịt, tình cảnh của người đi đường khó khăn, bất lợi.
⇒ Nhà thơ nhìn thấy con đường danh lợi đầy bi ai, cay đắng, và gian nan.
2. Tám câu tiếp
– “Không học …lội suối, giận khôn vơi!”: sử dụng điển tích, tác giả giận mình vì không có khả năng như Hạ Hầu Ấn có thể nhắm mắt mà vẫn bước đều khi leo suối, lội nước ⇒ oán giận con đường công danh.
– “Xưa nay… đường đời”: sự cám dỗ của cái bả công danh đối với người đời, danh lợi khiến con người “tất tả”.
⇒ sự chán ghét, khinh bỉ của Cao Bá Quát đối với danh lợi, ông không muốn sa vào con đường ấy, nhưng vẫn chưa tìm ra hướng đi khác cho mình,
– “Đầu gió … tỉnh bao người”: chuyện mưu cầu danh lợi cũng hấp dẫn như thưởng thức rượu ngon, làm say người, ít ai có thể tránh được sự cám dỗ. ⇒ ông nhận ra sự cám dỗ của danh lợi đối với con người.
– “Bãi cát dài…nhiều, đâu ít?”: Nhận ra sự cám dỗ công danh, nhà thơ như trách móc, giận dữ nhưng cũng chính đang tự hỏi bản thân. Ông nhận ra tính chất vô nghĩa của lối khoa cử đương thời nhưng cũng vẫn đang bước trên con đường ấy ⇒ Tâm trạng băn khoăn, day dứt, bế tắc, bước trên con đường công danh thì mù mịt mà “đường ghê sợ” thì nhiều không ít.
– “Khúc đường cùng”: nghĩa biểu tượng, đây là bài ca về con đường cùng của chính tác giả, về sự bế tắc, tuyệt vọng của mình trước cuộc đời. Tác giả chia sẻ cảm xúc và tâm trạng của mình khi đối diện với những thách thức và khó khăn, và sự khó khăn trong việc tìm kiếm hướng đi mới.
3. Ba câu cuối
“Phía Bắc núi Bắc núi muôn trùng
Phía Nam núi Nam sóng dào dạt”
+ Tả thực: khung cảnh kích thích các giác quan, gợi lên cảm giác ngột ngạt, bó buộc.
⇒ Thiên nhiên phía Bắc, phía Nam đều đẹp hùng vĩ nhưng đi kèm với những khó khăn, thử thách, đi mà chỉ thấy phía trước là núi là biển mênh mông mịt mờ.
+ Biểu tượng cho ý niệm: cuộc đời bế tắc, ngột ngạt, cuộc sống gian khổ, hạn chế.
⇒ Nghĩa ẩn dụ, tượng trưng: Tự nhiên hiển hiện vẻ đẹp kiêu hùng nhưng cũng ẩn chứa nhiều khó khăn, thách thức, tạo nên một tình trạng khó thở, bế tắc, hiện lên hình ảnh con đường đời đầy chông gai mà kẻ sĩ như Cao Bá Quát phải dấn thân để mưu cầu công danh
– “Anh còn đứng làm chi trên bãi cát”: tiếng kêu bi thảm, bế tắc, sự thất vọng đầy tuyệt vọng.
⇒ Tư thế dừng lại nhìn bốn phía mà hỏi vọng lên trời cao, đặt ra câu hỏi cho cả bốn phương, và cũng đặt ra cho chính mình, tạo nên một tình trạng mâu thuẫn lớn đang áp đảo trong tâm trí của nhà thơ.
4. Nghệ thuật
– Sử dụng thơ cổ thể, hình ảnh có tính biểu tượng.
– Thủ pháp đối lập, sáng tạo trong dùng điển tích.
c) Kết bài
Cảm nhận chung về bài thơ. Tái hiện những đặc điểm nổi bật về cả nội dung và nghệ thuật.