Dưới đây là bài viết Kể việc làm thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng hay, ấn tượng, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 5 rèn kỹ năng kể chuyện thật tốt, nhanh chóng hoàn thiện bài văn của mình. Bài viết cũng hướng các bạn nhỏ đến ý thức bảo vệ môi trường công cộng. Để hiểu rõ hơn, mời các bạn tham khảo bài viết.
Mục lục bài viết
1. Bài viết kể việc làm thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng:
Trái đất này không phải của riêng bạn, riêng mình mà là của chúng ta. Sống trong một cộng đồng, mỗi người cần có nếp sống văn minh lịch sự. Câu chuyện xảy ra ngày cuối tuần vừa rồi đã giúp em nhận ra trách nhiệm của cá nhân trong xã hội. Đó là câu chuyện về một việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng.
Chủ nhật, nhóm chúng em tổ chức dã ngoại ngoài công viên. Công viên rợp bóng cây xanh, bãi cỏ mơn mởn mượt mà làm cả nhóm vô cùng thích thú. Chúng em trải những tấm thảm nhỏ, bày đủ loại đồ ăn, nước uống, cùng nhau chơi trò chơi. Sau đó, khi mặt trời đã lên cao chót vót, từng ánh nắng lọt qua kẽ lá chói chang cả lũ mới mệt phờ ngồi xuống ăn uống. Chúng em vừa cười đùa vừa nói chuyện vui vẻ. Chợt có bạn nhìn thấy phía xa một em bé đang bán vé số và kẹo cao su. Không hiểu thế nào mà bạn khác cười phá lên:
– Trông cái mặt và bộ quần áo lấm lem của con bé đó kìa. Thật mắc cười quá đi!
– Hahaha…!
Vậy rồi cả lũ cười phá lên. Em chỉ im lặng nhìn cô bé đó. Vừa thương cảm sự bất hạnh của em ấy vừa tức giận thái độ của các bạn khác. Cô bé hình như nghe thấy tiếng cười bên này nhưng chỉ cúi mặt nhẹ nhàng hỏi các cô chú xung quanh xem có ai mua kẹo, mua vé số không. Các bạn em cứ cười mãi, cho tới khi một tiếng nói non nớt từ bên cạnh vang lên:
– Mẹ ơi, chị ấy đáng thương quá. Con lấy tiền tiết kiệm mua kẹo cho chị ấy được không ạ?
Thì ra là một em bé gái khoảng năm tuổi. Em nhìn tiền trong tay rồi nghiêng đầu hỏi mẹ. Mẹ em nhìn thoáng qua đám chúng em rồi dịu dàng xoa đầu con gái mình:
– Được chứ. Con ngoan lắm.
Em bé dường như chỉ chờ có vậy, nó lon ton chạy lại chỗ cô bé kia, chìa những tờ tiền lẻ trong đôi bàn tay bé xíu ra. Cô bé ngạc nhiên rồi mỉm cười tươi tắn, sợ làm bẩn tay em bé, cẩn thận lấy giấy gói những chiếc kẹo mút lại. Sau đó em nói cảm ơn người mẹ của em bé kia rồi quay đi, vừa đi vừa cúi xuống nhặt rác. Chúng em ngẩn ngơ nhìn cô bé bán vé số bất hạnh ấy nhặt từng vỏ trai, vỏ kẹo, rác rưởi trên đường trong công viên bỏ vào sọt rác. Một bác lao công đang quét lá nói:
– Con bé nhỏ tuổi, phải đi bán hàng rong phụ mẹ mà ngoan lắm. Ngày nào nó cũng tới, nhặt xong rác thì mới về. Nhiều người bây giờ còn không ý thức bằng nó.
Chúng em xấu hổ nhìn đống vỏ bánh kẹo mà mình mang đến và những lần xả rác vô ý thức trước kia thầm hối lỗi lời nói xúc phạm cô bé. Hành động của em bé 5 tuổi cũng phần nào thức tỉnh chúng em về hành động thiếu văn minh nơi công cộng. Chúng em trở về nhà với tâm trạng rối bời, lòng hiểu ra nhiều điều ý nghĩa.
Một ngày cuối tuần, một câu chuyện nhỏ nhưng là hai việc làm của nếp sống văn minh nơi công cộng. Trong cuộc sống, có những mảnh đời khác nhau, tôn trọng hoàn cảnh của người khác cũng là một nếp sống văn minh. Đặc biệt, mỗi chúng ta cần có ý thức với môi trường sống của chính mình.
2. Bài viết kể việc làm thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng ấn tượng:
Hằng ngày em đều sử dụng công trình công cộng chính là khu vui chơi tập thể dục của chung cư. Em luôn nghĩ việc sử dụng phải đi đôi với bảo vệ, vì nó là của công, của chung tập thể, dành cho mọi người, thế nhưng có những người lại không nghĩ như vậy.
Hôm đó, như mọi ngày, em với mẹ cùng đi xuống sân tập để tập thể dục và vui chơi. Mọi người ai cũng đang sử dụng các dụng cụ tập thể dục nên em ngồi ghế đá chờ cho mọi người tập xong mình mới ra tập. Trong lúc ngồi chờ em nhìn thấy có một cậu bé tầm 3-4 tuổi, trên tay đang cầm hộp sáp màu, chú bé tung tăng chơi đùa chạy nhảy khắp sân tập. Sau đó lại cầm bút màu tô vẽ lên ghế đá, bồn hoa, tô lên các dụng cụ tập thể dục, rồi lại vẽ bậy vào cầu trượt, đu quay.
Mẹ của cậu bé khi đó nhìn thấy nhưng lại thờ ơ vì đang mải nói chuyện với người khác. Em thấy thế liền chạy tới chỗ cậu bé, nói chuyện vài câu, khen cậu bé vẽ thật đẹp nhưng những đồ dùng và bề mặt ở đây vẽ không đẹp, khuyên cậu sáp màu chỉ vẽ trên giấy là đẹp nhất. Sau đó em rủ cậu bé cùng nhau cầm tờ giấy khăn ướt đi lau sạch những nét vẽ vừa rồi. Cậu bé rất ngoan và nghe lời, em cũng rất vui vì đã làm được một việc có ích.
Em tin sau này cậu bé sẽ không có hành động như vậy nữa, và hy vọng các bậc cha mẹ hãy giáo dục cho các bạn nhỏ ý thức bảo vệ công trình công cộng.
3. Bài viết kể việc làm thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng ý nghĩa:
Tháng 12 năm nay, trường em phát động đợt thi đua theo chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” với mục tiêu mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh làm được một việc tốt có ý nghĩa để chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Có lớp tổ chức viết thư gửi các chú bộ đội đang công tác ở hải đảo, ở các chốt biên phòng xa xôi. Có lớp tỏa về các xóm để giúp các gia đình thương binh liệt sĩ. Có chi đội mang quà đến tặng các thương binh hiện đang điều trị tại gia đình. Riêng lớp 5E của chúng em lại đi chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ.
Sáng chủ nhật, chúng em theo cô giáo Thư và bạn Nga, bạn Thành trong Ban chỉ huy chi đội kéo đến Đồi Ây. Mỗi tổ được phân công mang theo một dụng cụ như cuốc, dao, liềm, chổi… Tổ em được chỉ định mang liềm.
Đúng 7 giờ rưỡi, 39 bạn và cô giáo đã hành quân tới Đồi Ây. Nắng mùa đông vàng nhạt. Gió thổi nhẹ nhưng khá lạnh. Hàng thông, hàng bạch đàn và những khóm liễu xung quanh nghĩa trang lao xao, thì thầm. Mộ 49 liệt sĩ được xây theo 7 hàng thẳng tắp. Đó là các chiến sĩ, cán bộ đơn vị pháo binh đã anh dũng hi sinh trong những trận chiến đấu bảo vệ cầu Thôn năm 1972, năm 1973. Ngôi mộ nào cũng có quốc huy với ngôi sao vàng năm cánh. Em và bạn Lộ, bạn Lan cắt cỏ, nhổ những cây hoang dại quanh từng nấm mồ. Bạn Hương, bạn Quỳnh, bạn Phương đi cắt tỉa các cành liễu bị gió làm gãy, bị sâu làm cho úa vàng. Bạn Trọng, Hùng, Cư đi thay cát mới, cát vàng vào các bình hương trên các mộ chí. Cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong Ban chỉ huy đội đi kiểm tra, đôn đốc. Khi cỏ, cành cây được vun thành đống lấp đầy các hố phía cuối nghĩa trang, cô giáo Thư và tất cả chúng em đi thắp hương lên các ngôi mộ liệt sĩ.
Cô giáo Thư cho biết máy bay Mĩ đến ném bom cầu Thông 6 trận. Cầu bị đánh sập ta lại bắc, giặc lại phá, ta lại xây. Ba máy bay Mĩ bị quân ta bắn cháy. Dân quân, trai tráng, các mẹ trong vùng đều hăng hái, dũng cảm phục vụ chiến đấu viết nên bài ca anh hùng của quê hương.
49 liệt sĩ, mỗi người ở một miền quê xa xôi: Yên Bái, Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi… đã yên nghỉ vĩnh viễn tại quê hương chúng em. Cầu Thông năm xưa nay đã được bắc lại bốn nhịp, kiên cố, hiện đại. Quê em đã đổi mới. Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân của chúng em đã được xây dựng thật khang trang. Đến thăm Đồi Ây, đọc tên các liệt sĩ, trở về em cứ nao nao, bồi hồi mãi. Nén hương thơm mà chúng em thắp lên nghĩa trang Đồi Ây mang nặng bao nghĩa tình đối với các anh hùng liệt sĩ. Làng em cũng có 32 người con đi chiến đấu lại chiến trường miền Nam, đi mãi chưa về…