Sự vận hành và phát triển của một quốc gia luôn phải dựa trên sự quản lý thống nhất của nhà nước trong mọi mặt. Để làm được điều đó, chiến lược, kế hoạch là những công cụ quan trọng, mang tính định hướng mạnh mẽ, quyết định đến hiệu quả hoạt động trong tương lai. Sản xuất dư thừa là gì? Nguy cơ lãng phí từ sản xuất dư thừa
Mục lục bài viết
1. Kế hoạch tài chính 5 năm là gì?
Định nghĩa về kế hoạch tài chính 5 năm trong Luật Ngân sách nhà nước không thực sự rõ ràng, theo đó, tại Khoản 1, Điều 17 giải thích rằng: “Kế hoạch tài chính 05 năm là kế hoạch tài chính được lập trong thời hạn 05 năm cùng với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm.” Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề không rõ ràng đó, thì tiếp đến, cũng tại căn cứ pháp lý này ghi nhận về nội dung của kế hoạch tài chính 05 năm, đó là “xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về tài chính – ngân sách nhà nước; các định hướng lớn về tài chính, ngân sách nhà nước; số thu và cơ cấu thu nội địa, thu dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; số chi và cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, chi thường xuyên; định hướng về bội chi ngân sách; giới hạn nợ nước ngoài của quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; các giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch.“
Từ quy định trên, có thể được ra định nghĩa về kế hoạch tài chính 05 năm như sau: Kế hoạch tài chính 5 năm là tài liệu được lập trong thời hạn 05 năm thể hiện quá trình dự kiến các mục tiêu chung, riêng về tài chính, ngân sách nhà nước và các nội dung về thu- chi ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động tài chính của quốc gia và là nền tảng cho việc triển khai các kế hoạch tài chính ngắn hạn hơn.
Cũng giống như kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, kế hoạch tài chính 05 năm gồm kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia và kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Mỗi loại kế hoạch tài chính 05 năm có đối tượng lập, căn cứ lập, nội dung kế hoạch, trình tự, thủ tục khác nhau. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý bởi phạm vi điều chỉnh của hai kế hoạch là không giống nhau.
Sự ra đời của kế hoạch 05 năm dĩ nhiên phải có vai trò của nó, vì vậy, tại Khoản 2, Điều 17 Luật Ngân sách nhà nước ghi nhận rằng: Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương; cân đối, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính công và ngân sách nhà nước trong trung hạn; thúc đẩy việc công khai, minh bạch ngân sách nhà nước;
Đây là mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của kế hoạch tài chính 05 năm và cũng là lí do để gắn kế hoạch tài chính 05 năm với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm. Mục đích này, làm cho kế hoạch tài chính 05 năm thực sự trở thành công cụ quan trọng để nhà nước can thiệp, quản lý triệt để về ngân sách nhà nước và đảm bảo đúng nguyên tắc về ngân sách nhà nước là cân đối, sử dụng hiệu quả, công khai và minh bạch.
– Làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước;
Với mục đích này, kế hoạch tài chính 05 năm trở thành “đầu tàu”, định hướng cho kế hoạch đầu tư trung hạn, từ đó đảm bảo được sự thống nhất, hiệu quả, đồng bộ từ trên xuống dưới, từ đầu tới cuối, vận hành thuận lợi nhất.
– Định hướng cho công tác lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm.
Vai trò này cũng tương tự như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm. Kế hoạch tài chính 5 năm là nền tảng cho các kế hoạch ngắn hạn hơn, cũng tương tự như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm là nền tảng cho kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hằng năm. Vai trò này rất quan trọng, bởi tính định hướng phải thực sự chuẩn xác thì các kế hoạch sau đó mới thực sự hiệu quả và tối ưu.
2. Căn cứ lập kế hoạch tài chính 5 năm:
Nội dung về căn cứ lập kế hoạch tài chính 05 năm được quy định rất rõ tại Điều 6, Nghị định 45/2017/NĐ-CP, theo đó, căn cứ lập kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và địa phương là có sự khác nhau. Cụ thể:
2.1. Căn cứ lập kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia:
– Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn trước.
Đây là căn cứ nhằm xác định được những ưu điểm, hạn chế trong giai đoạn trước, để tiếp tục phát huy, tìm ra nguyên nhân và khắc phục hạn chế. Căn cứ này càng chứng minh được sự gắn kết giữa kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 05 năm. Điều quan trọng là phải khai thác được triệt để căn cứ này để hoàn thiện hơn kế hoạch tài chính giai đoạn mới.
– Mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế – xã hội, tài chính – ngân sách nhà nước trong Chiến lược quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm; các chiến lược về tài chính, nợ công, cải cách hệ thống thuế;
Chiến lược quốc gia là các kế hoạch dài hạn, các mục tiêu, chỉ tiêu hay định hướng phát triển kinh tế- xã hội hay tài chính- ngân sách đều là những nội dung trọng tâm, mang tính xuyên suốt trong một thời gian dài và gắn với quá trình tồn tại và phát triển của quốc gia. Việc đưa đây là căn cứ là hoàn toàn hợp lý và thuyết phục, để đảm bảo tính đồng nhất, đồng bộ.
– Quy định của pháp luật về tài chính – ngân sách nhà nước, bao gồm cả điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; định hướng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong thời gian 05 năm kế hoạch;
Đây là căn cứ để đảm bảo kế hoạch tài chính 05 năm ra đời hợp pháp- một trong các điều kiện quan trọng nhất. Việc đưa quy định pháp là căn cứ là điều cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế về việc xây dựng bất cứ một văn kiện nào cũng phải đặt tính nguyên tắc pháp chế lên hàng đầu.
– Dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính – ngân sách nhà nước trong thời gian 05 năm kế hoạch;
Đây là căn cứ được nêu ra trong mối quan hệ giữa tài chính quốc gia và tài chính thế giới, bởi quá trình hội nhập phát triển điều chỉnh mạnh mẽ đến tài chính nước nhà, việc dự báo tình hình được thực hiện bởi các chuyên gia và phải thực hiện dựa trên cơ sở thực tế và khoa học thuyết phục và khách quan.
– Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và kế hoạch tài chính 05 năm.
Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành pháp, hoàn toàn có đủ năng lực và trách nhiệm trong việc chỉ đạo, làm thế nào để kế hoạch được xây dựng hiệu quả, nhanh chóng, chính xác và mang tính tối ưu nhất.
2.2. Căn cứ lập kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Các căn cứ lập kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều tương tự như đối với căn cứ lập kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, sự khác biệt chủ yếu xuất phát ở phạm vi. Chằn hạn: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm và kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn trước của địa phương; Dự báo tình hình kinh tế – xã hội có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính – ngân sách nhà nước của địa phương trong thời gian 05 năm kế hoạch;…
Tuy nhiên đối với căn cứ chỉ đạo, thì bên cạnh Thủ tưởng chính phủ, việc lập kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn căn cứ vào chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và kế hoạch tài chính 05 năm. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan hành pháp cao nhất ở địa phương, việc trao quyền, trách nhiệm chỉ đạo cho Ủy ban tỉnh là điều cần thiết và ràng buộc trách nhiệm của cơ quan địa phương đối với kế hoạch tài chính 05 năm địa phương mình.
Trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật về kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, tác giả nhận thấy được rằng các quy định đang thể hiện được cơ bản các nội dung trọng tâm, đáp ứng được khả năng áp dụng hiệu quả, triệt để để xây dựng được một kế hoạch tài chính 05 năm. Tuy nhiên, đây chỉ mang tính chất pháp lý, còn về góc độ thực tế, việc xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm là vấn đề phức tạp và đầy chuyên môn, còn chưa kế đến tính hợp lý, chi tiết, khách quan và hàng loạt các tiêu chí khác.