Huyết áp biến đổi cao hay thấp là tình trạng rất phổ biến của con người, tuy nhiên nếu không có cách điều trị kịp thời và cách phòng tránh thì bệnh nhân rất dễ gặp các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng. Vì thế nên chúng ta nên có những kiến thức cơ bản để có thể ứng phó bảo vệ sức khỏe của mình.
Mục lục bài viết
1. Huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch. Ở người bình thường, huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm, huyết áp hạ xuống thấp nhất vào khoảng 1-3 giờ sáng khi ngủ say và huyết áp cao nhất từ 8 – 10 giờ sáng. Khi vận động, gắng sức thể lực, căng thẳng thần kinh hoặc khi xúc động mạnh đều có thể làm huyết áp tăng lên. Và ngược lại, khi cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn, huyết áp có thể hạ xuống.
Khi bị lạnh gây co mạch, hoặc dùng một số thuốc co mạch hoặc thuốc co bóp cơ tim, ăn mặn có thể làm huyết áp tăng lên. Ở môi trường nóng, ra nhiều mồ hôi, bị tiêu chảy… hoặc dùng thuốc giãn mạch có thể gây hạ huyết áp. Huyết áp được thể hiện bằng 2 chỉ số:
+ Huyết áp tối đa (còn gọi là huyết áp tâm thu hoặc ngắn gọn là số trên), bình thường từ 90 đến 139 mm Hg (đọc là milimét thuỷ ngân).
+ Huyết áp tối thiểu (còn gọi là huyết áp tâm trương hoặc ngắn gọn là số dưới), bình thường từ 60 đến 89 mm Hg.
Khi tim đập, huyết áp sẽ thay đổi từ cực đại (áp lực tâm thu) đến cực tiểu (áp lực tâm trương). Huyết áp sẽ giảm dần khi máu theo động mạch đi xa khỏi tim.
Huyết áp tiếng anh là “ Blood pressure”
2. Thế nào là huyết áp cao, huyết áp thấp:
Trên thực tế, cả 2 tình trạng huyết áp cao và huyết áp thấp đều gây nguy hiểm tới sức khỏe của người bệnh. Bất cứ ai trong số chúng ta cũng đều nên nắm rõ các chỉ số huyết áp để theo dõi huyết áp của mình nằm trong vùng nào để điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống cho phù hợp.
+ Huyết áp bình thường: Đối với người trưởng thành, khi các chỉ số huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg thì được gọi là huyết áp bình thường.
+ Huyết áp cao: Khi chỉ số huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHG và huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg thì được chẩn đoán là huyết áp cao.
+ Tiền cao huyết áp là mức giá trị của các chỉ số huyết áp nằm giữa huyết áp bình thường và cao huyết áp (Huyết áp tâm thu từ 120-139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80-89 mmHg).
+ Huyết áp thấp: Hạ huyết áp (huyết áp thấp) được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg hoặc giảm 25 mmHg so với bình thường.
Để kết luận một người bị tăng huyết áp hay không người ta cần căn cứ vào trị số huyết áp của nhiều ngày. Do đó phải đo huyết áp thường xuyên, nhiều lần trong ngày, theo dõi trong nhiều ngày. Phải đo huyết áp cả hai tay sau 5 phút nằm nghỉ và sau tối thiểu 1 phút ở tư thế đứng. Chỉ số huyết áp cao lên khi cơ thể vận động quá sức, tinh thần căng thẳng, lo âu hồi hộp. Và huyết áp có thể hạ xuống trong trường hợp bị tiêu chảy, mất sức, ra nhiều mồi hôi, dùng thuốc giãn mạch… Do đó chúng ta cần tìm hiểu lỹ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp.
3. Cách điều trị huyết áp cao và huyết áp thấp:
Người huyết áp cao điều trị như thế nào thì bệnh nhân huyết áp thấp điều trị ngược lại là sai. Mỗi bệnh lý có cơ chế và triệu chứng khác nhau, và điều trị theo bệnh lý đó, không có chuyện từ bệnh lý này suy ra điều trị bệnh kia là không đúng. Ví dụ, với bệnh nhân huyết áp cao, bác sĩ khuyên không ăn quá nhiều chất béo gây xơ vữa mạch máu và tăng cholesterol. Đối với bệnh nhân huyết áp thấp, nếu khuyến khích ăn nhiều chất béo thì tăng cholesterol và xơ vữa động mạch, gây ra các bệnh lý tim mạch.
Hoặc, bệnh nhân huyết áp cao nên ăn nhạt, thì với bệnh nhân huyết áp thấp nên ăn mặn hơn một chút, chứ không thể nào bệnh nhân huyết áp thấp cũng phải ăn nhạt, điều này làm cho bệnh nhân thiếu muối. Bệnh nhân huyết áp thấp thiếu nước thiếu muối, nếu ăn nhạt sẽ gây huyết áp quá thấp. Hoạt động thể dục có thể giống nhau một chút, chứ không hẳn phải ngược lại. Bệnh nhân huyết áp cao nên tập vừa phải, nhẹ nhàng, huyết áp thấp cũng nên như vậy, chứ không phải bệnh nhân huyết áp thấp phải tập các hoạt động mạnh là không đúng.
3.1. Cách trị bệnh cao huyết áp:
Nguyên tắc điều trị bệnh cao huyết áp là cần theo dõi huyết áp thường xuyên, điều trị đúng và đủ, lâu dài để đạt được mục tiêu điều trị là đưa huyết áp trở về mức < 140/90 mmHg và giảm tối đa nguy cơ tim mạch. Một trong những cách điều trị tăng huyết áp là sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định nhiều loại thuốc khác nhau đến khi cơ thể người bệnh chấp nhận thuốc điều trị cao huyết áp phù hợp:
+ Thuốc ức chế Beta: Có tác dụng làm giãn động mạch và giúp tim đập chậm hơn, ít gây áp lực lên tim. Hiệu quả của thuốc là làm giảm áp lực máu bơm qua động mạch ở mỗi nhịp tim và chặn một số nội tiết tố trong cơ thể khiến huyết áp tăng;
+ Thuốc lợi niệu: Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp là do lượng muối cao và lượng chất dịch trong cơ thể bị dư thừa. Thuốc lợi niệu điều trị tăng huyết áp có tác dụng đào thải muối và lượng chất dịch dư ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu, giúp hạ áp lực lưu lượng máu;
+ Chất gây ức chế men chuyển và thụ thể Angiotensin: Angiotensin là hóa chất khiến thành động mạch và mạch máu co hẹp lại. Thuốc có tác dụng ức chế men chuyển sinh chất angiotensin ngăn không cho cơ thể sản sinh quá nhiều loại hóa chất này, nhờ đó mà giúp giảm áp lực máu và mạch máu giãn. Nhóm thuốc ức chế thụ thể Angiotensin ngăn không cho chất Angiotensin gắn vào các thụ thể của nó gây ra tác động co mạch.
+ Thuốc chặn Canxi: Loại thuốc điều trị tăng huyết áp này có tác dụng chặn 1 số gốc canxi thâm nhập vào cơ tim làm giảm áp lực từ tim và giảm chỉ số huyết áp;
+ Thuốc chặn Alpha-2: Thuốc này có tác dụng giảm huyết áp và giãn mạch máu. Cơ chế của loại thuốc này là làm thay đổi xung thần kinh mà gây co mạch máu, từ đó làm thư giãn mạch máu và giúp hạ huyết áp hiệu quả.
3.2. Điều trị huyết áp thấp:
Nếu huyết áp thấp do bệnh lý, có thể do sự suy giảm chức năng của các cơ quan quan trọng như tim, thận, do hệ thống thần kinh thực vật của cơ thể không tự điều chỉnh được dẫn đến hạ huyết áp tư thế. Huyết áp thấp còn thường xuất hiện ở người gặp các vấn đề về nội tiết, như tuyến giáp không hoạt động (nhược giáp), tiểu đường hoặc lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết); ở một số bệnh nhân bị parkinson, suy tim, loạn nhịp tim, phì đại hoặc giãn nở các mạch máu, bệnh gan…
Bên cạnh đó, người bị huyết áp thấp còn có thể do cơ thể bị mất nước (không uống đủ nước, bị tiêu chảy nặng hoặc nôn ói nhiều, đổ mồ hôi nhiều) hoặc kiệt sức do nhiệt, cảm nhiệt; do uống một số loại thuốc không cần kê đơn, một số loại thuốc theo đơn như thuốc trị cao huyết áp, trầm cảm hoặc parkinson…
+ Huyết áp thấp thường ít gây ra các triệu chứng rầm rộ, có thể có một vài triệu chứng nhẹ, thoáng qua. Điều trị huyết áp thấp cần tìm nguyên nhân chính gây nên, bởi huyết áp thấp chỉ là triệu chứng bên ngoài. Để điều trị hiệu quả, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn bởi vì mỗi bệnh nhân sẽ có cách điều trị khác nhau.
Tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe và kiểu huyết áp thấp, bệnh nhân có thể thực hiện những phương pháp sau:
Tăng lượng muối trong chế độ ăn uống. Cần uống nhiều nước hơn, điều này sẽ làm tăng thể tích máu và chống mất nước. Sử dụng một số thuốc để điều trị huyết áp thấp theo chỉ định của bác sĩ.
Đồng thời cần có thói quen sinh hoạt phù hợp, gồm: Đứng dậy chậm và để cho cơ thể có thời gian thích ứng. Khi bạn đứng lên, phải chắc chắn rằng bạn có một điểm tựa nào đó để bám vào trong trường hợp bắt đầu cảm thấy chóng mặt. Tránh chạy, leo núi hoặc làm bất cứ hoạt động nào mất rất nhiều năng lượng, nhất là trong thời tiết nắng nóng. Chỉ tập thể dục nhẹ nhàng. Ngủ đủ giấc (7-8 tiếng/ngày). Khi ngủ, đặt một chiếc gối dưới đầu sao cho đầu cao hơn tim một chút. Nên mang tất chân, tốt nhất là loại tất dài. Có thể sử dụng một số thực phẩm như nho khô, hạnh nhân, muối chứa sodium…, cà phê, nước sâm…
Nên tránh một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng hạ huyết áp nghiêm trọng hơn, như cà chua, hạt dẻ nướng, dưa hấu, đậu đỏ, đậu xanh, thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, gạo, cháo, bánh mì, rượu…