“ Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” – thật vậy, với vai trò là lực lượng nòng cốt xây dựng và phát triển đất nước, thanh niên Việt Nam có vai trò và trách nhiệm vô cùng to lớn. Sức trẻ và nhiệt huyết thanh xuân là những nội lực tiềm tàng mà ở mỗi người thanh niên được bộc lộ rõ ràng nhất và đó cũng là sức mạnh to lớn thúc đẩy sự công cuộc xây dựng nước nhà trở lên văn minh, giàu đẹp. Vậy thanh niên Việt Nam có tổ chức riêng hay không? Dưới đây là những khái quát cơ bản của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam: Những điều bạn cần biết!
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là gì?
1.1. Khái quát chung về Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam:
Tên Hội: Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam.
– Trụ sở của Hội LHTN Việt Nam đặt tại Thủ đô Hà Nội.
– Hội LHTN Việt Nam có biểu trưng.
– Bài ca chính thức của Hội LHTN Việt Nam: Lên Đàng.
+ Nhạc: Lưu Hữu Phước.
+ Lời: Huỳnh Văn Tiểng.
– Ngày truyền thống của Hội LHTN Việt Nam: Ngày 15 tháng 10.
– Hội có đồng phục và nghi thức do Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội hướng dẫn.
Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam là tổ chức xã hội lớn mạnh của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hội LHTN Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam.
Hội LHTN Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trải qua các thời kỳ phát triển với nhiều tên gọi khác nhau, Hội LHTN Việt Nam đã tạo nên truyền thống vẻ vang: tập hợp mọi tầng lớp thanh niên cống hiến xứng đáng để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Bước sang thời kỳ mới, Hội LHTN Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, tài năng và sức sáng tạo của mình để tập hợp mọi thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng đóng góp vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, sẵn sàng phục vụ đất nước, hy sinh cho lợi ích dân tộc và cống hiến của tuổi trẻ hết mình vì nền hòa bình và phát triển của nước nhà.
1.2. Nguồn gốc hình thành của hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam:
Trong bất kì giai đoạn lịch sử nào của đất nước, tuổi trẻ luôn là những người đi tiên phong trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với nhiều tấm gương vẻ vang. Đặc biệt sau khi có Đảng, thanh niên Việt Nam đã liên tiếp lập nên những kỳ tích mới và ghi thêm nhiều trang sử vàng vào lịch sử của đất nước.
Cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tổ chức Hội LHTN Việt Nam ra đời và đã trở thành một tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn, đoàn kết, tập hợp đông đảo mọi tầng lớp thanh niên đấu tranh cho độc lập tự do của nhân dân, vì sự phồn vinh của đất nước. Trải qua gần nửa thế kỷ xây dựng, phấn đấu trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò hạt nhân chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam ngày càng khẳng định là tổ chức xã hội rộng lớn của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau chuyển thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam – là tổ chức rộng rãi của những người yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng với Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946 Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.
Tháng 02/1950, Liên đoàn thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I tại căn cứ địa Việt Bắc khi khởi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc tổ chức và tập hợp thanh niên với vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh (nguyên là Uỷ viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.
2. Chức năng hoạt động, nhiệm vụ của Hội LHTN Việt Nam:
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam ra đời với mục đích nhằm đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên Việt Nam cùng phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
2.1. Hội LHTN Việt Nam có chức năng:
– Đoàn kết, tập hợp, giáo dục mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam. Hướng dẫn và tạo điều kiện để hội viên hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân tốt, cống hiến tài năng và sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
– Đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên, thanh niên và tổ chức thành viên trước pháp luật và công luận.
2.2. Hội LHTN Việt Nam có nhiệm vụ:
– Khuyến khích và tổ chức cho hội viên, thanh niên tham gia tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và các hoạt động ích nước, lợi nhà, hướng thiện.
– Tổ chức các hoạt động thiết thực, góp phần đáp ứng những nhu cầu chính đáng của hội viên, thanh niên.
– Đề xuất và kiến nghị kịp thời với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội cùng chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, thanh niên và các tổ chức thành viên tập thể của Hội.- Đoàn kết, hợp tác với các tổ chức thanh niên trong khu vực và trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, vì cuộc sống văn minh, hạnh phúc của tuổi trẻ.
– Thường xuyên chăm lo xây dựng Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, tích cực tham gia xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
3. Nguyên tắc hoạt động và cơ cấu tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam:
3.1. Nguyên tắc hoạt động:
Hội LHTN Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc:
– Tự nguyện, tự quản;
– Hiệp thương dân chủ;
– Đoàn kết tôn trọng lẫn nhau;
– Hợp tác bình đẳng, phối hợp và thống nhất hành động.
3.2. Cơ cấu tổ chức:
Cơ cấu tổ chức của Hội LHTN Việt Nam bao gồm:
– Hội LHTN Việt Nam được tổ chức:
+ Cấp Trung ương;
+ Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương;
+ Cấp quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh và tương đương;
+ Cấp xã, phường, thị trấn và tương đương;
Hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố đã có Uỷ ban Hội và Hội LHTN Việt Nam Tập Đoàn Sông Đà trực thuộc Trung ương Hội LHTN Việt Nam và có các cơ sở Hội, CLB, Tổ, Đội, Nhóm tình nguyện ở địa phương.
Một số tổ chức thành viên tiêu biểu của Hội LHTN Việt Nam:
– Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
– Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam;
– Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam;
– Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam;
– Ban vận động thành lập Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam;
– Ban vận động thành lập Hội Công nghệ và Tin học trẻ Việt Nam;
– Ban vận động thành lập Hội Xây dựng trẻ Việt Nam;
– Ban vận động thành lập Hội Tài chính Ngân hàng trẻ Việt Nam;
Các đơn vị của Hội LHTN Việt Nam::
– Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên;
– Trung tâm giáo dục tình yêu hôn nhân và gia đình;
– Trung tâm tư vấn pháp luật;
– Trung tâm Dạy nghề thanh niên;
– Báo thanh niên;
– Hãng phim thanh niên;
– Cổng tri thức Thánh Gióng.
4. Nhiệm vụ và quyền hạn của hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam:
Công dân Việt Nam từ 15 đến 35 tuổi tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội thì được xét công nhận là hội viên Hội LHTN Việt Nam. Những người quá 35 tuổi có nguyện vọng và ảnh hưởng tích cực đến hoạt động Hội thì được tham gia hoạt động trong tổ chức Hội.
4.1. Hội viên có quyền:
– Giới thiệu đại biểu của mình vào các cơ quan lãnh đạo của Hội;
– Đề xuất, thảo luận, biểu quyết và giám sát công việc của Hội;
– Đề nghị Hội bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước pháp luật và trước công luận;
– Được ra khỏi Hội khi không có điều kiện sinh hoạt, hoạt động trong tổ chức Hội.
4.2. Hội viên có nhiệm vụ:
– Chấp hành Điều lệ Hội, tích cực tham gia các hoạt động của Hội, tuyên truyền mở rộng ảnh hưởng của Hội, giúp đỡ và giới thiệu thanh niên vào Hội;
– Tích cực học tập, rèn luyện, vươn lên lập thân lập nghiệp, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội;
– Xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; giữ gìn bản sắc văn hoá, truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc.
4.3. Quyền và trách nhiệm của thành viên tập thể của Hội:
– Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội các nhà Doanh nghiệp trẻ Việt Nam là thành viên tập thể của Hội; các tổ chức thanh niên theo ngành nghề, sở thích; các đội hình thanh niên xung phong; tập thể thanh niên Việt Nam đang học tập, lao động công tác ở nước ngoài tuân thủ theo pháp luật nước sở tại, được nước sở tại cho phép thành lập tổ chức, tán thành Điều lệ Hội, có đơn xin gia nhập là thành viên tập thể của Hội, thì được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội xét công nhận là thành viên tập thể của Hội;
– Quan hệ giữa các thành viên tập thể của Hội là quan hệ hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động vì mục tiêu chung. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là thành viên tập thể có vai trò nòng cốt chính trị trong tổ chức và hoạt động của Hội;
Thành viên tập thể của Hội có quyền:
– Thảo luận, đề nghị các vấn đề về hoạt động của Uỷ ban Hội các cấp;
– Giới thiệu đại diện của mình vào Uỷ ban Hội các cấp;
– Yêu cầu Hội tổ chức phối hợp hoạt động với thành viên tập thể khác theo sáng kiến của mình vì mục tiêu chung.
Thành viên tập thể có nhiệm vụ:
– Thực hiện Điều lệ Hội và các quyết định, các chương trình hoạt động đã thống nhất;
– Tổ chức và đôn đốc hội viên, đoàn viên của tổ chức mình tham gia các hoạt động của Hội, thực hiện nhiệm vụ hội viên;
– Đóng góp tài chính, ủng hộ về vật chất, tinh thần cho Hội.
Trên đây là những khái quát cơ bản về Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, hy vọng đem đến cho bạn đọc những hiểu biết và thông tin hữu ích.