Như chúng ta đã biết thì học thuyết giá trị là một loại lí thuyết rất nổi tiếng trong lý luận kinh tế của C.Mác. Theo như lí thuyết này chúng ta căn cứ vào đó để biết được mối quan hệ giữa người với người thông qua mối quan hệ giữa vật với vật là như thế nào.
Mục lục bài viết
1. Học thuyết giá trị là gì?
Học thuyết giá trị là xuất phát điểm trong toàn bộ lý luận kinh tế của C.Mác. Trong học thuyết này. C.Mác nghiên cứu mối quan hệ giữa người với người thông qua mối quan hệ giữa vật với vật. Cơ sở về kinh tế để xác lập quan hệ giữa người với người thông qua quan hệ giữa vật với vật chính là lao động, cái thực thể, yếu tố cấu thành giá trị của hàng hóa. Đó chính là trọng tâm của học thuyết giá trị. Sự thực thì sản xuất hàng hóa và gắn liền với nó là các phạm trù: giá trị, hàng hóa, tiền tệ, đã từng có trước chủ nghĩa tư bản. Nó là những điều kiện tiền đề để cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời và phát triển. Dựa trên lý luận nền tảng là học thuyết giá trị, C.Mác đã xây dựng nên học thuyết giá trị thặng dư – hòn đá tảng trong toàn bộ lý luận kinh tế của ông. Vì vậy, nghiên cứu học thuyết giá trị của C.Mác cũng cần phải hiểu rằng: đó là ta đã bắt đầu nghiên cứu về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhưng mới chỉ ở dạng chung nhất.
Ví dụ như trong học thuyết giá trị thặng dư thì:
Thứ nhất, chỉ có lao động sống mới tạo ra giá trị của hàng hóa, tạo ra giá trị thặng dư. Nguồn gốc tạo ra giá trị thặng dư là sức lao động của công nhân làm thuê, chỉ có lao động sống (sức lao động đang hoạt động) mới tạo ra giá trị, trong đó có giá trị thặng dư, nguồn gốc của giá trị thặng dư là sự tiêu dùng sức lao động kéo dài ngoài thời gian tái sản xuất ra giá trị của nó;
Thứ hai, giá trị thặng dư là quy luật kinh tế tuyệt đối của phương thức sản xuất TBCN, không có sản xuất giá trị thặng dư thì không có CNTB, giá trị thặng dư là nguồn gốc của mâu thuẫn cơ bản, nội tại của xã hội tư bản (mâu thuẫn giữa lao động và tư bản, giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân), mâu thuẫn này ngày càng sâu sắc, đưa đến sự thay thế tất yếu CNTB bằng một xã hội cao hơn.
Thứ ba, chừng nào còn chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN về TLSX, còn hàng hóa sức lao động, chừng nào mà người lao động còn phải thêm vào thời gian lao động cần thiết để nuôi sống mình một số thời gian lao động dôi ra để sản xuất những tư liệu sinh hoạt cho người chiếm hữu TLSX, chừng đó, học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác vẫn còn nguyên giá trị.
Học thuyết giá trị tiếng Anh là ” Value theory”
2. Nội dung liên quan đến học thuyết giá trị:
Học thuyết giá trị là xuất phát điểm trong toàn bộ lý luận kinh tế của C. Mác. Bằng việc phân tích hàng hóa, Mác vạch ra quan hệ giữa người với người thông qua quan hệ trao đổi hàng hóa, đó chính là lao động, cơ sở của giá trị hàng hóa.
Hàng hóa là sản phẩm của lao động, dùng để thỏa mãn một nhu cầu nhất định nào đó của con người thông qua trao đổi mua bán. Hàng hóa có hai thuộc tính cơ bản là giá trị và giá trị sử dụng. Giá trị sử dụng của hàng hóa là công dụng của hàng hóa để thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người. Giá trị sử dụng đó do thuộc tính tự nhiên của vật thể hàng hóa quyết định. Trong kinh tế hàng hóa, giá trị sử dụng là cái mang giá trị trao đổi.
Giá trị trao đổi trước hết biểu hiện như là một quan hệ số lượng, là một tỷ lệ theo đó những giá trị sử dụng loại này được trao đổi với những giá trị sử dụng loại khác. Giá trị của hàng hóa là lượng lao động xã hội cần thiết của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa, còn giá trị trao đổi chỉ là hình thái biểu hiện của giá trị hàng hóa. Sở dĩ giá trị của hàng hóa được đo bằng thời gian lao động xã hội cần thiết, vì một loại hàng hóa đưa ra thị trường là do nhiều người sản xuất ra nhưng mỗi người sản xuất do điều kiện sản xuất, trình độ tay nghề là không giống nhau, nên thời gian lao động cá biệt để sản xuất ra hàng hóa của họ khác nhau, do đó lượng giá trị cá biệt của hàng hóa mà từng người sản xuất ra là khác nhau. Để trao đổi hàng hóa đó với nhau, không thể căn cứ vào giá trị cá biệt của hàng hóa mà phải căn cứ vào giá trị xã hội của nó, vào lượng lao động xã hội cần thiết hay thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hóa đó.
Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa trong điều kiện bình thường của xã hội, tức là với một trình độ kỹ thuật trung bình và cường độ lao động trung bình so với hoàn cảnh xã hội nhất định. Thời gian lao động xã hội cần thiết không phải cố định, nó phụ thuộc vào năng suất lao động xã hội và chất lượng của lao động. Năng suất lao động xã hội là năng lực sản xuất của lao động được tính bằng số lượng sản phẩm được sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hoặc lượng thời gian cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
Năng suất lao động tỷ lệ nghịch với thời gian lao động xã hội để sản xuất ra hàng hóa hay tỷ lệ nghịch với giá trị của hàng hóa. Chất lượng của lao động hay mức độ phức tạp của lao động tỷ lệ thuận với giá trị của hàng hóa. Theo mức độ phức tạp của lao động có thể chia lao động thành lao động giản đơn và lao động phức tạp. Lao động giản đơn là lao động của bất kỳ một người bình thường nào có khả năng lao động cũng có thể thực hiện được. Lao động phức tạp là lao động đòi hỏi phải được huấn luyện đào tạo thành lao động lành nghề.
Việc sản xuất và trao đổi hàng hóa thể hiện sự liên hệ giữa những người sản xuất riêng lẻ với nhau, do thị trường làm trung gian. Sự phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa tất yếu sẽ dẫn đến sự xuất hiện của tiền tệ. Tiền là sản phẩm của lưu thông hàng hóa, bắt đầu từ những hành vi trao đổi riêng lẻ ngẫu nhiên, qua nhiều bước, cuối cùng đến hình thái tiền tệ.
Quy luật giá trị là quy luật kinh tế căn bản của sản xuất và trao đổi hàng hóa. Ở đâu có sản xuất hàng hóa thì ở đó có sự tồn tại và phát huy tác dụng của quy luật giá trị. Trao đổi hàng hóa phải theo nguyên tắc ngang giá, dựa trên cơ sở hao phí sức lao động xã hội cần thiết. Giá trị là cơ sở của giá cả, còn giá cả là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị, nên trước hết giá cả phụ thuộc vào giá trị. Hàng hóa nào nhiều giá trị thì giá cả của nó sẽ cao và ngược lại.
Tuy nhiên trên thị trường, ngoài giá trị, giá cả còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như cạnh tranh, cung cầu, sức mua của người tiêu dùng… Tuy nhiên nó hoàn toàn nằm trong cơ chế hoạt động của quy luật giá trị.
3. Ý nghĩa của học thuyết giá trị:
Nghiên cứu học thuyết giá trị, hiểu rõ quy luật giá trị sẽ có kiến thức điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa; kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Từ đó giúp cho chúng ta hiểu rõ nguyên nhân của việc lựa chọn tự nhiên và phân hóa người sản xuất hàng hóa; nguyên nhân của sự phân hóa xã hội thành người giàu, người nghèo, tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội để có phương hướng, giải pháp khắc phục.