Một trong các lĩnh vực đem lại giá trị kinh tế cao đó chính là ngành thủy sản với trữ lượng khai thác mỗi năm cao đem lại giá trị không chỉ về kinh tế mà còn thúc đẩy các giá trị xã hội khác. Vậy Hoạt động thủy sản là gì? Nguyên tắc hoạt động thủy sản được pháp luật Việt nam quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hoạt động thủy sản là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 2 Luật thủy sản 2017 quy định cụ thể như sau:
“1. Hoạt động thủy sản là hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản”.
2. Hoạt động thủy sản tiếng Anh là gì?
Hoạt động thủy sản – danh từ, trong tiếng Anh được gọi là “Fishery Activities”.
3. Nguyên tắc hoạt động thủy sản:
Căn cứ theo quy định tại Điều 5. Nguyên tắc hoạt động thủy sản Luật Thủy sản 2017 quy định cụ thể như sau:
1. Kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Khai thác nguồn lợi thủy sản phải căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thủy sản để bảo đảm phát triển bền vững.
3. Thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản; phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
4. Bảo đảm chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản hoặc hoạt động trong ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản.
5. Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như vậy căn cứ theo quy định này ta thấy được các nguyên tắc chung mà khi hoạt động thủy sản cần thực hiện theo để phát triển các hoạt động thủy sản tốt hơn. Không những vậy trên thực tế để hoạt động nuôi trồng hiệu quả, toàn ngành sẽ tập trung tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi. Bên cạnh đó cũng cần có các biện pháp pòng bệnh là chính thông qua các mô hình, phương thức nuôi phù hợp từng vùng, từng đối tượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và kết hợp với việc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ vật tư thủy sản, giống thủy sản, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về quản lý giống thuỷ sản, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó còn cần phải cập nhật và nắm được về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản để có chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời cho bà con, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả. Cộng với công tác quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, giảm dần số lượng tàu cá khai thác. Bên cạnh đó cũng thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên đối với các địa phương hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác. Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác để nâng cao giá trị sản phẩm.
Nhất là nên lưu ý công tác đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản cho ngư dân, hướng dẫn việc ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác của tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truy xuất nguồn gốc thuỷ sản, kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác.
Không những vậy thực hiện theo các nguyên tắc trên các hoạt động thủy sản khác như toàn ngành sẽ tập trung triển khai các hiệp định thương mại đã ký kết (CPTPP, EVFTA, UKVFTA,…) có hiệu quả để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu của ngành, hướng tới một ngành thủy sản phát triển bền vững. Cộng với đó là thực hiện thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác như: Nhật Bản, Thái Lan, Philippines,… Đồng thời, tiếp tục duy trì và triển khai các hoạt động đàm phán, thực hiện các thỏa thuận đã ký với các nước trong khu vực và quốc tế trong hợp tác nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản và các hoạt động bảo tồn nguồn lợi thủy sản,.
4. Giải pháp thúc đẩy các hoạt động thủy sản:
Thứ nhất, thực hiện tổ chức lại sản xuất theo các loại giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ ở tất cả các lĩnh vực thủy sản và đối tượng sản phẩm trọng tâm là khai thác biển, nuôi tôm nước lợ, cá tra, ba sa, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, tạo sự gắn kết, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro giữa người sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến thủy sản.
Đối với nuôi trồng thủy sản cần thực hiện kế hoạch để có thể thu hút mạnh đầu tư từ các doanh nghiệp, phát triển các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ và người nuôi. Bên cạnh đó thì phát triển thêm và xây dựng các vùng nuôi công nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Xây dựng và đẩy mạnh việc kiện toàn hệ thống thú y thủy sản từ trung ương đến địa phương.
Còn với mảng khai thác thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: thành lập các đoàn tàu công ích hoạt động trên 4 ngư trường trọng điểm cụ thể đó là tại Vịnh Bắc Bộ, Biển Đông, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ để hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã khai thác thủy sản sản xuất hiệu quả và năng suất nhất. Bên cạnh đó cũng cnaf chú trọng tới tổ chức các mô hình dịch vụ khai thác trên biển theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các đội tàu cung ứng dịch vụ hậu cần, mua gom sản phẩm cho các tàu khai thác xa bờ…
Thứ hai, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại để củng cố và phát triển các thị trường truyền thống, các thị trường lớn (EU, Nhật, Mỹ) và phát triển mở rộng các thị trường Đông Âu, Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc… Ngoài ra, phát triển, mở rộng thị trường nội địa phục vụ du lịch, các đô thị, khu dân cư lớn…
Thứ ba, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thủy sản phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất. Xây dựng trường đại học thủy sản và các cơ sở dạy nghề thủy sản tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ban hành chính sách khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, đào tạo gắn kết với các doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất để đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất.
Thứ tư, tập trung cho nghiên cứu biển, nghiên cứu ngư trường, nguồn lợi thủy sản. Có dự báo thường xuyên cập nhật về ngư trường để hướng dẫn ngư dân hoạt động sản xuất trên biển.
Thứ năm, bảo vệ môi trường, bảo vệ tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường để giảm thiểu và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất của ngành thủy sản.
Thứ 6, có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển mô hình vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, chính sách về tăng cường quản lý chất lượng và bình ổn giá một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, chính sách khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật và các tiêu chuẩn nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản….
Thứ bảy, tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhà nước ngành thủy sản từ trung ương đến địa phương.
Thứ tám, tiếp tục phát triển các hình thức hợp tác, liên doanh trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, cơ khí, hậu cần dịch vụ, chế biến, thương mại thủy sản với các nước trong khu vực và quốc tế. Tiếp tục đàm phán, hợp tác với các nước trong khu vực về khai thác thủy sản tại các vùng biển chồng lấn, hợp tác khai thác trên vùng biển các nước ASEAN; bảo đảm cho ngư dân tránh trú bão trong vùng biển nước ngoài khi thiên tai, phối hợp tuần tra kiểm soát chung trên biển, bảo đảm an toàn cho ngư dân hoạt động sản xuất trên biển.